“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay vốn rất coi trọng truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc ngay từ cái nôi gia đình và quê hương Nghệ An.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo nên từ nhỏ Bác đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tấm gương kiên trì học tập của người cha và ông ngoại - một nhà giáo mẫu mực. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước Bác từng có thời gian dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết). Những tháng ngày dạy học tại Trường Dục Thanh ở thành phố Phan Thiết tuy không dài nhưng đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng Bác về nhà trường, về nghề dạy học.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, ngày 28 tháng 01 năm 1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng, cùng với Đảng và toàn thể dân tộc đứng lên giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền Cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đó là “nạn dốt”. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Để động viên các em học sinh bước vào năm học mới, tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đã viết “Thư gửi cho các học sinh”. Trong thư Bác Hồ đã nói với các em tâm nguyện của mình nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 13/9/1958, Bác nói lời tâm huyết: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Lời dạy của Người có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội về một chiến lược trồng người cho hôm nay và mai sau. Bác giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục trực tiếp là các nhà giáo dục đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho Nhà nước. Người căn dặn các thầy giáo, cô giáo không ngừng tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ.
Trong chiến lược trồng người, chiến lược giáo dục với Bác Hồ luôn được coi là vấn đề cốt lõi để đạt cho được mục tiêu phát hiện bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, chọn người có đức có tài ra phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Trong “Di chúc", Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Theo Người, thế hệ kế tục sự nghiệp sẽ là thế hệ quyết định sự thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.
Trong quá trình đổi mới đất nước, để hội nhập nhanh hơn chúng ta nhận thấy việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài là những nội dung không thể thiếu trong chiến lược phát triển giáo dục, bởi quan tâm phát triển giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Trong bức thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của đất nước độc lập Người nói: phải học tập để có tri thức, để làm chủ tri thức, để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Muốn học tập để lĩnh hội tri thức có nhiều cách nhưng suy cho cùng phải có trường, có lớp, có người dạy và người học. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong lĩnh vực giáo dục là tôn sư trọng đạo, đề cao vai trò của người thầy, trọng thầy đến độ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (dạy một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy). Trong xã hội hiện đại, ai cũng phải đến trường, ai cũng phải học. Trước khi làm thầy, người thầy phải là người học trò. Bác Hồ kính yêu cũng đã là học trò và cũng đã là thầy giáo. Vì vậy, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục Bác cũng hết sức quan tâm đến đội ngũ các thầy, cô giáo.
Theo Bác, người thầy giáo có vai trò hết sức quan trọng đối với học sinh và xã hội: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu. Các cô, các chú phải nhận rõ trách nhiệm của mình…. Giáo viên phải chú ý cả tài cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”.
Muốn thực hiện được điều Bác dạy, người thầy giáo trước hết phải có lòng yêu nghề, tha thiết với nghề. Người thầy giáo còn là người chủ đạo trong thực hiện phương châm giáo dục gắn nhà trường với gia đình và xã hội, định hướng, hướng dẫn học sinh gắn chặt lý luận với thực tiễn và liên hệ với thực tế. Bởi vì, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, của các lực lượng xã hội. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp trồng người thắng lợi.
Trong rèn luyện, Bác luôn luôn chú ý đạo làm gương. Bác dạy các thầy, cô giáo đạo làm gương. Bởi vì dạy học, người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, còn truyền đến cho người học những tình cảm đạo đức trong sáng và ý chí phấn đấu. Những người thầy có đức, có tài, có tâm trong bất cứ chế độ nào cũng mãi sống trong lòng các thế hệ người học, có trường hợp tấm gương của người thầy còn sống cùng lịch sử trong quá trình phát triển.
Những lời dạy của Bác tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp trồng người của Đảng và nhân dân ta hôm nay. Những năm qua, thành quả của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Nhà trường, gia đình và xã hội đã có sự gắn bó hơn, thế hệ trẻ thông minh hơn, năng động hơn, tài trí hơn. Sự nghiệp giáo dục và khoa học được Đảng ta thật sự coi là quốc sách hàng đầu để đáp ứng với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng gây ra những tác hại khôn lường.… Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho sự nghiệp trồng người hiện nay là phải thấm sâu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác, xây dựng đội ngũ người thầy ngang tầm, quản lý và phương pháp giáo dục luôn đổi mới. Và điều quan trọng hơn cả là phải thấy sự nghiệp trồng người là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của gia đình và các bậc phụ huynh hướng tới đào tạo được các thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đưa đất nước phát triển và sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nguyễn Thị Lê Vân
Khoa lý luận Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh