Ban giám hiệu phối hợp với Ban chỉ đạo lớp học tổ chức đối thoại với lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ không tập trung khóa 63 (mở tại huyện Phú Giáo)
Sáng ngày 14 tháng 9 năm 2018 tại hội trường của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Phú giáo diễn ra cuộc đối thoại giữa Ban giám hiệu trường Chính trị tỉnh, Ban chỉ đạo lớp học với tập thể lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ không tập trung khóa 63 do đồng chí Lê Thị Mộng Diễm - Hiệu trưởng chủ trì. Cùng tham gia buổi đối thoại này có đồng chí Nguyễn Trung Hiếu - Phó trưởng phòng đào tạo, đồng chủ nhiệm lớp và đại diện các khoa, phòng của trường Chính trị. Về phía Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Giáo có đồng chí Võ Chung Hai – giám đốc trung tâm, đồng chủ nhiệm lớp; đồng chí Đỗ Văn Đồng – phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy, thành viên ban chỉ đạo lớp học.
Mục đích cuộc đối thoại giữa Ban giám hiệu Trường chính trị, Ban chỉ đạo lớp học với tập thể lớp học là lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc mà học viên gặp phải trong quá trình tham gia học tập, qua đó nhà trường sẽ có sự chỉ đạo các khoa, phòng của nhà trường và Ban chỉ đạo lớp học sẽ phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên yên tâm học tập.
Để có cái nhìn tông quan về lớp học, đồng chí Nguyễn Trung Hiếu - Phó trưởng phòng đào đạo, đồng chủ nhiệm lớp báo cáo về tình hình, đặc điểm và kết quả học tập của lớp. Tính đến nay, lớp đã học và thi xong 3 học phần gồm: Phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin; Phần I.2. Những vấn đề cơ bản về Tư tưởng Hồ Chí Minh; Phần III.1. Những vấn đề cơ bản về Hệ thống Chính trị, nhà nước và Pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trong báo cáo, trong quá trình học tập và quản lý lớp vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như một số học viên chưa thực sự nghiêm túc trong việc chấp hành nội quy, quy chế của trường (như đi trễ, về sớm, qua kiểm tra đột xuất vẫn còn hiện tượng học viên vắng học nhiều) từ đó dẫn đến kết quả học tập của các học phần đã công bố điểm chưa cao; giáo viên chủ nhiệm có lúc chưa theo sát lớp học; ban cán sự lớp chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý lớp.
Trên cơ sở nắm bắt về đặc điểm, tình hình và kết quả học tập của lớp, đồng chí chủ trì đã gợi ý một số nội dung mà tập thể lớp cần tập trung trao đổi như sau: một,về công tác giảng dạy của giảng viên khi lên lớp; hai,về công tác quản lý lớp học của giáo viên chủ nhiệm, công tác quản lý thi; ba, một số vướng mắc và khó khăn khác trong quá trình học tập tại trung tâm.
Với sự gợi ý của đồng chí chủ trì một số học viên của lớp đã phát biểu ý kiến xoay quanh một số nội dung sau: Thứ nhất, đối với giảng viên, tất cả đều nhiệt tình, có phương pháp giảng dạy tích cực, tuân thủ nghiêm túc thời gian giảng dạy theo quy định. Tuy nhiên, giảng viên lên lớp cần cho câu hỏi ôn tập, câu hỏi thảo luận trước để học viên kịp thời nắm bắt; Thứ hai, về công tác quản lý lớp, một số ý kiến cho rằng Ban giám hiệu nhà trường cùng trung tâm bồi dưỡng chính trị nên mềm dẻo và linh hoạt hơn (nhiều lúc học viên có việc đột xuất của cơ quan, của gia đình nên vào lớp muộn hoặc về sớm, thậm chí là vắng học...), nhà trường nên cập nhật lịch học trên website của trường một cách kịp thời; Thứ ba, một số ý kiến xoay quanh chế độ chính sách đặc biệt là của 18 học viên trong lớp làm công việc bán chuyên trách ở xã không được địa phương giải quyết chế độ đi học theo quyết định số 74/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Đề nghị Nhà trường cùng Trung tâm bồi dưỡng Chính trị có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền, phối hợp để thực hiện đúng chế độ đi học cho học viên.
Trên cơ sở ý kiến của học viên và nội dung báo cáo về thực hiện nội quy, quy chế của nhà trường và kết quả học tập của học viên qua 3 học phần do đồng chí Nguyễn Trung Hiếu trình bày. Đa số ý kiến của giảng viên đều đồng ý và chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến kết quả học tập chưa cao: một, việc chấp hành thời gian ra vào lớp của một số học viên chưa nghiêm túc vừa ảnh hưởng đến bản thân cũng như không khí chung của lớp học (đi trễ, về sớm, nghỉ học); hai, trong quá trình làm bài thi học viên chưa đọc kỹ các câu hỏi, đặc biệt là vấn đề liên hệ thực tiễn; ba, nhiều học viên còn chép bài ở trên mạng internet mà không bám sát vào bài giảng hay giáo trình chuẩn của của chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
Đồng chí Lê Thị Mộng Diểm – chủ trì buổi đối thoại đã ghị nhận những ý kiến đóng góp của học viên và hứa sẽ giải quyết những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của nhà trường, đồng thời nhấn mạnh một số điểm mà học viên, giảng viên, chủ nhiệm lớp cần tập trung lưu ý nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý lớp trong thời gian tới như sau:
Đối với học viên, Hiệu trưởng yêu cầu cần thực hiện tốt nội quy, quy chế của nhà trường, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc quyết định 1855 của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nghiêm túc trong quá trình học tập và thi cử.
Đối với giảng viên, nghiêm túc thực hiện thời gian giảng dạy theo quy định, tăng cường vận dụng kiến thức thức tế vào giảng dạy, tránh lý thuyết suông.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, cần tăng cường công tác phối hợp giữa giáo viên đồng chủ nhiệm lớp trong quản lý lớp, bám sát mọi hoạt động của lớp, phản ánh những khó khăn vướng mắc đến Ban giám hiệu nhà một cách kịp thời nhất.
Đồng chí Hiệu trưởng hy vọng rằng, thông qua buổi đối thoại này mọi khó khăn vướng mắc sẻ được giải quyết, chất lượng học tập, giảng dạy và quản lý lớp ngày càng được nâng lên, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của lớp học cũng như của nhà trường.
Trước đó, vào chiều ngày 12 tháng 9 năm 2018, đồng chí Lê Thị Mộng Diễm cũng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi đối thoại cùng với tập thể lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ không tập trung khóa 64 mở tại thị xã Bến Cát.
ThS. Phan Văn Bằng
Giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh