Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2020
Ngày 23 tháng 9 năm 2020, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch số 4991/KH-BNV tổ chức thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2020 với mục đích tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí công chức, viên chức đúng vị trí việc làm, nhu cầu công việc, tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp theo quy định; Cơ cấu ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức theo vị trí việc làm có đủ trình độ nghiệp vụ, chuyên môn đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị phù hợp với quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ công chức, viên chức có năng lực, trình độ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Một số nội dung của kế hoạch đối với các đối với các đối tượng dự thi như sau:
1. Thi nâng ngạch Chuyên viên chính
- Đối tượng dự thi: Công chức hành chính được xác định theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức và Thông tư số 08/2011/TT-BNV ngày 02/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức, đang giữ ngạch chuyên viên mã số 01.003, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để dự thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính theo quy định; đang công tác tại các cơ quan hành chính thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
- Điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi: Công chức hành chính được đăng ký dự thi nâng ngạch chuyên viên chính khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây:
a) Đơn vị sử dụng công chức có nhu cầu;
b) Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật;
c) Hiện đang giữ ngạch chuyên viên (mã ngạch 01.003), có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch chuyên viên chính (mã ngạch 01.002);
d) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, đề tài, đề án và các yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ đào tạo của ngạch chuyên viên chính (tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của ngạch chuyên viên chính được quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV, Thông tư số 05/2017/TT-BNV).
đ) Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng).
2. Thi nâng ngạch chức danh nghề nghiệp Chuyên viên chính
- Đối tượng dự thi: Viên chức hành chính hiện đang giữ chức danh nghề nghiệp (CDNN) chuyên viên, mã số 01.003, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; đang công tác tại các bộ phận hành chính, tổng hợp, tổ chức cán bộ, quản trị, văn phòng, kế hoạch, tài chính và các bộ phận không trực tiếp thực hiện chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
- Điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi: Viên chức được cử đi dự thi thăng hạng CDNN chuyên viên chính khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu;
b) Viên chức đang giữ CDNN chuyên viên, mã số 01.003;
c) Được đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019; có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền;
d) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, đề tài, đề án và các yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ đào tạo, bồi dưỡng của CDNN chuyên viên chính (tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của CDNN chuyên viên chính áp dụng như đối với tiêu chuẩn ngạch công chức chuyên viên chính quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV, Thông tư số 05/2017/TT-BNV).
đ) Viên chức dự thi thăng hạng CDNN chuyên viên chính phải có thời gian giữ CDNN chuyên viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian giữ CDNN chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng).
3. Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp Giảng viên chính (Hạng II)
- Đối tượng dự thi: Viên chức giảng dạy hiện đang giữ chức danh nghề nghiệp (CDNN) giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03, có nguyện vọng dự thi, đang công tác tại các Trường, Học viện trực thuộc Bộ Nội vụ (gọi chung là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc Bộ).
- Điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi: Viên chức được cử đi dự thi thăng hạng CDNN giảng viên chính khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu;
b) Viên chức đang giữ CDNN giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03;
c) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 03 năm liên tục gần nhất (năm 2017, 2018, 2019); được người đứng đầu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc Bộ nhận xét có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền;
d) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, đề tài khoa học, sách phục vụ đào tạo, bài báo khoa học và các yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ đào tạo, bồi dưỡng của CDNN giảng viên chính (tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp giảng viên chính được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Riêng đối với viên chức giảng dạy tại Học viện Hành chính Quốc gia: Ngoài các tiêu chuẩn trên, viên chức còn phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức);
đ) Có thời gian giữ chức danh giảng viên (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 (chín) năm đối với người có bằng thạc sĩ, 06 (sáu) năm đối với người có bằng tiến sĩ; trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giảng viên (hạng III) tối thiểu là 02 (hai) năm.
- Về thời gian tồ chức kỳ thi: Dự kiến cuối tháng 11 năm 2020 (lịch cụ thể sẽ do Hội đồng thi sắp xếp và thông báo).
Về địa điểm thi, cơ sở vật chất: Trường Đại học Nội vụ Hà Nội chịu trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về máy tính, phòng thi và các điều kiện khác phục vụ kỳ thi.
Trên đây là một số nội dung trong Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2020 Của Bộ Nội vụ./.
ThS. Nguyễn Trần Cảnh - GV khoa Xây dựng Đảng