Cây xanh ngã, đổ gây thiệt hại, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Hiện nay, tình trạng cây cối ngã, đổ sau các trận mưa bão gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng không phải là việc hiếm gặp. Đặc biệt, nổi bật gần đây là sự việc cây phượng ở một trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ bị bật gốc sáng ngày 26/5/2020 khiến 1 học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương. Đây là sự việc hết sức thương tâm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra: Cây xanh ngã, đổ gây thiệt hại, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Theo Khoản 3 và Khoản 4, Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP có quy định: Cây xanh phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân theo thủ tục, quy trình kỹ thuật đồng thời phải bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cần thực hiện đúng nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt trong mùa mưa bão. Nếu như không làm tốt nhiệm vụ của mình, để xảy ra tình trạng cây gãy, đổ, bật gốc… có nghĩa là các đơn vị, cá nhân này chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và phải có trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại về người và tài sản.
Theo quy định tại Điều 604, Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra có nêu: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Tuy nhiên, không phải lúc nào người bị thiệt hại cũng được bồi thường. Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Đồng thời, Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Căn cứ vào những quy định trên, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần xem xét cơ quan quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người bị thiệt hại có lỗi hay không.
Nếu các cá nhân, đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp cần thiết như cắt tỉa cành cây, cố định cây theo quy định nhằm hạn chế tai nạn có thể xảy ra nhưng do mưa, bão hay vì lý do khách quan nào đó mà cây xanh vẫn đổ, bật gốc… gây thiệt hại thì sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đồng thời, nếu như lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại thì cá nhân, đơn vị quản lý cây xanh cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, nếu như cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện việc chăm sóc, cắt tỉa cây đúng theo thủ tục, quy trình kỹ thuật, đồng thời không bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình dẫn đến cây xanh ngã, đổ, … gây thiệt hại về tài sản, tính mạng người khác thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại theo quy định.
Nói chung, để đảm bảo an toàn, mọi người nên hạn chế ra đường khi có giông, bão, mưa lớn. Các đơn vị, cá nhân quản lý cây xanh cũng cần phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, cắt tỉa cây cối để đảm bảo an toàn và tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra./.
ThS. Trần Cảnh - GV khoa Xây dựng Đảng