Chế độ chính sách mới cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố.
Theo Nghị quyết Số 21/2019/NQ-HĐND ban hành ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành quy định về số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách, mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở ấp, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố có nhiều thay đổi lớn, có lợi cho đối tượng này, cụ thể như sau:
- Về phụ cấp chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở ấp, khu phố
1. Phụ cấp chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: 1,14 x mức lương cơ sở/người/tháng.
2. Phụ cấp chức danh người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố: 1,0 x mức lương cơ sở/người/tháng.
Đối với ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên hoặc ấp thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, mức phụ cấp như sau:
Bí thư Chi bộ ấp: 1,70 x mức lương cơ sở/người/tháng;
Trưởng ấp và Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp: 1,65 x mức lương cơ sở/người/tháng.
- Về hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở ấp, khu phố
1. Hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, bao gồm:
a) Hỗ trợ hàng tháng theo trình độ đào tạo
Trình độ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
|
Hệ số x mức lương cơ sở/người/tháng
|
Đại học
|
1,20
|
Cao đẳng
|
0,96
|
Trung cấp
|
0,72
|
Sơ cấp và chưa đào tạo
|
0,57
|
b) Nâng mức hỗ trợ theo niên hạn
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi được hưởng mức hỗ trợ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, sau thời gian làm việc đủ 03 năm (36 tháng) đối với trình độ đại học, cao đẳng; đủ 02 năm (24 tháng) đối với trình độ trung cấp, sơ cấp và chưa qua đào tạo nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật, được nâng thêm một mức hỗ trợ, cụ thể như sau:
- Trình độ đại học: 0,33 x mức lương cơ sở/người/tháng;
- Trình độ cao đẳng: 0,31 x mức lương cơ sở/người/tháng;
- Trình độ trung cấp: 0,20 x mức lương cơ sở/người/tháng;
- Trình độ sơ cấp và chưa đào tạo: 0,18 x mức lương cơ sở/người/tháng.
c) Hỗ trợ công vụ
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hỗ trợ công vụ là 25% tổng phụ cấp và hỗ trợ hiện hưởng. Trong trường hợp Chính phủ có quy định thay đổi mức phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức thì người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ được thực hiện hỗ trợ công vụ bằng mức phụ cấp công vụ theo quy định của Chính phủ.
d) Hỗ trợ khi thôi việc
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thôi việc được hưởng mức hỗ trợ thôi việc như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng tổng phụ cấp và hỗ trợ hiện hưởng.
Mức hỗ trợ thấp nhất bằng 01 tháng tổng phụ cấp và hỗ trợ hiện hưởng.
2. Hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố, bao gồm:
a) Hỗ trợ hàng tháng: 0,50 x mức lương cơ sở/người/tháng.
Đối với ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên hoặc ấp thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, mức hỗ trợ hàng tháng là 0,35 x mức lương cơ sở/người/tháng.
b) Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế: hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định.
- Về phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở ấp, khu phố
1. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1) tương ứng với trình độ đào tạo.
2. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% tổng phụ cấp và hỗ trợ (bậc 1) tương ứng với trình độ đào tạo của người kiêm nhiệm.
3. Cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% tổng phụ cấp và hỗ trợ của chức danh kiêm nhiệm.
4. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Về khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; khoán kinh phí hoạt động của ấp, khu phố; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở ấp, khu phố
1. Khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã (gồm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh)
a) Cấp xã loại 1: 4.000.000 đồng/tổ chức/tháng;
b) Cấp xã loại 2: 3.500.000 đồng/tổ chức/tháng;
c) Cấp xã loại 3: 3.000.000 đồng/tổ chức/tháng.
2. Khoán kinh phí hoạt động của ấp, khu phố
a) Kinh phí hoạt động ở ấp
- Ấp thuộc cấp xã loại 1: 4.000.000 đồng/tháng;
- Ấp thuộc cấp xã loại 2, loại 3: 3.000.000 đồng/tháng.
b) Kinh phí hoạt động ở khu phố
- Khu phố thuộc cấp xã loại 1: 5.000.000 đồng/tháng;
- Khu phố thuộc cấp xã loại 2: 4.000.000 đồng/tháng.
3. Khoán mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở ấp, khu phố
a) Phó Trưởng ấp, khu phố: 1,20 x mức lương cơ sở/người/tháng;
b) Chi hội trưởng các đoàn thể ở ấp, khu phố (gồm Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Chữ Thập đỏ, Hội người cao tuổi): 0,5 x mức lương cơ sở/người/tháng.
Với những thay đổi về chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố như vậy sẽ giúp cho họ yên tâm công tác và tạo cho họ động lực lớn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình./
Nguyễn Thị Ly - Giảng viên khoa Nhà nước - Pháp luật