Chuyến nghiên cứu thực tế đầy ý nghĩa của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
Thực hiện Kế hoạch số 25/KH-TCT ngày 12 tháng 11 năm 2019 về việc đi nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương. Với mục đích tạo điều kiện cho các giảng viên có thêm kiến thức thực tế về lịch sử vùng đất anh hùng “đất thép thành đồng” Địa đạo Củ Chi, tìm hiểu về những di tích Cách mạng đã đi vào lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc, qua đó giúp cho các giảng viên có dịp ôn lại những truyền thống lịch sử Cách mạng vẽ vang của Việt Nam nhằm bồi dưỡng, nâng cao lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị cần có của người giảng viên; đồng thời đây cũng là dịp để các giảng viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm công tác, giảng dạy giao lưu tạo sân chơi thiết thực, bổ ích cho công tác giảng dạy với những kinh nghiệm thực tế.
Căn cứ vào kế hoạch trên vào ngày 16 tháng 11 năm 2019, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã tổ chức chuyên đi nghiên cứu thực tế cho các giảng viên tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn đi thực tế gồm có 20 giảng viên đang công tác tại các khoa của trường Chính trị tỉnh Bình Dương, do đồng chí Tô Văn Sơn –phó hiệu trường Trường Chính trị làm trưởng đoàn.
Đoàn dân hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược
Hành trình chuyến đi đoàn đã ghé thăm quan Đền Bến Dược, là nơi vinh danh 44.752 liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng trong 2 cuộc chiến tranh. Ngoài các liệt sĩ của huyện Củ Chi, còn có tới 14.077 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác và 800 liệt sĩ không rõ quê quán đã hy sinh trên vùng đất thép. Các thành viên trong đoàn đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Được trải nghiệm thực tế bằng việc tham gia trải nghiệm các sinh hoạt bên dưới địa đạo, chiêm ngưỡng hệ thống địa đạo hầm ngầm dưới lòng đất, xem phim tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ và tham quan bảo tàng chiến tranh với những công cụ, phương tiện chiến đấu thô sơ, những vũ khí làm từ những vật liệu có sẵn tại chổ được kết hợp với những chiến lợi phẫm thu được qua các trận đánh của quân và dân địa phương đã trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ cho kẻ thù.
Chụp hình lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi
Ngoài ra, đoàn nghiên cứu thực tế còn được thưởng thức món ăn đặc sản không thể thiếu trong chuyến đi đó là Khoai mì, đây chính là thực phẫm chính trong thời kỳ chiến tranh của quân và dân Củ Chi được nấu bằng một loại bếp cũng đã đi vào lịch sử kháng chiến nơi đây với tên gọi là Bếp Hoàng Cầm, một sáng kiến độc đáo của những người lính hậu cần trong kháng chiến.
Kết thúc chuyến đi là một buổi liên hoan nhỏ giữa các thành viên trong đoàn, nhằm bổ sung năng lượng sau một hành trình trải nghiệm thực tế đầy ý nghĩa. Qua chuyến đi này, đã mang lại cho những thành viên trong đoàn nhiều kỷ niệm ấn tượng với sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm của quân và dân Củ Chi. Những trải nghiệm thực tế này sẽ giúp cho các giảng viên có thêm những kiến thức bổ ích, đầy ý nghĩa, bổ sung vào trong các bài giảng của mình.
Ths. Chung Phi Long - Khoa Xây Dựng Đảng.