Giới thiệu sách chuyên khảo: “Thể chế kinh tế thị trường Việt Nam, Liên bang Nga, một số nước Đông Âu và Trung Quốc”.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế”.
Cải cách thể chế kinh tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng để giải phóng nguồn lực, phát triển sản xuất đối với các nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, Liên bang Nga, một số nước Đông Âu và Trung Quốc nói riêng. Những nước này đều bắt tay vào thực hiện đổi mới, cải tổ, cải cách một cách toàn diện, triệt để nhằm chuyển đất nước từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Đối với mỗi nước, việc đổi mới, cải tổ, cải cách được tiến hành với các phương pháp, mức độ, bước đi khác nhau và từ đó dẫn đến những mức độ thành công khác nhau. Việc học tập kinh nghiệm của các nước, kể cả thành công hay thất bại cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho Việt Nam.
Vừa qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương xuất bản cuốn sách Thể chế kinh tế thị trường Việt Nam, Liên bang Nga, một số nước Đông Âu và Trung Quốc (Sách chuyên khảo) do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn làm Chủ biên.
Cuốn sách tập trung vào các nội dung chính sau:
1. Các tiêu chí so sánh đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường cho các nước thực hiện chuyển đổi, những yêu cầu đặt ra đối với thể chế kinh tế thị trường hiện đại; đặc điểm của các nền kinh tế chuyển đổi và đặc điểm của quá trình chuyển đổi, vai trò của thể chế kinh tế thị trường trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế chuyển đổi.
2. Phân tích quá trình chuyển đổi của Liên bang Nga, Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam theo 3 khía cạnh: tư nhân hóa/cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; phát triển thị trường tài chính, tập trung vào phân tích hệ thống ngân hàng; và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các nước.
3. So sánh mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của Liên bang Nga, một số nước Đông Âu. Trung Quốc và Việt Nam theo từng nhóm tiêu chí từ khi các nước bắt đầu chuyển đổi đến năm 2015/2016; phân tích các yếu tố cản trở hay thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường tại từng quốc gia, các yếu tố chung và các yếu tố đặc thù của từng quốc gia.
4. Quan điểm và giải pháp nhằm thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Hiện cuốn sách đang lưu trữ tại Thư viện của Trường.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến quý đọc giả./.
ThS. Trịnh Duy Biên
Phó Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu