Hai điểm mới nổi bật trong Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Ngày 04 tháng 8 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định 89). Nghị định 89 có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2020 và thay thế cho Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nghị định 89 được ban hành bao gồm 4 Chương, 13 Điều, trong đó quy định về vị trí chức năng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau: Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Một số điểm mới của Nghị định 89:
1. Quy định về hệ thống tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm:
- Ở Trung ương là Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Bảo hiểm xã hội tỉnh trực thuộc B Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Bảo hiểm xã hội huyện trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Không tổ chức đơn vị Bảo hiểm xã hội huyện tại đơn vị hành chính là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đóng trên địa bàn. (Đây là điểm mới so với Nghị định 01/2016 của Chính phủ).
2. Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương như sau:
Các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc:
1. Vụ Tài chính - Kế toán.
2. Vụ Hợp tác quốc tế.
3. Vụ Thanh tra - Kiểm tra.
4. Vụ Thi đua - Khen thưởng.
5. Vụ Kế hoạch và Đầu tư.
6. Vụ Tổ chức cán bộ.
7. Vụ Pháp chế.
8. Vụ Quản lý đầu tư quỹ.
9. Vụ Kiểm toán nội bộ.
10. Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
11. Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.
12. Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ.
(Theo Nghị định 01/2016/NĐ-CP, có 02: Ban Thu và Ban Sổ - Thẻ)
13. Văn phòng (có đại diện tại TP.HCM).
(Theo Nghị định 01/2016 còn có Ban Dược và Vật tư y tế).
Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc:
14. Viện Khoa học bảo hiểm xã hội.
15. Trung tâm Truyền thông.
16. Trung tâm Công nghệ thông tin.
17. Trung tâm Lưu trữ.
18. Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến.
(Theo Nghị định 01/2016, có 02: Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc và Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Nam).
19. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng.
(Đây là đơn vị mới được quy định so với Nghị định 01/2016).
20. Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội.
21. Tạp chí Bảo hiểm xã hội.
(Theo Nghị định 01/2016, còn có Báo Bảo hiểm xã hội).
Trên đây là 02 điểm mới nổi bật trong Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam của Chính phủ./.
ThS. Nguyễn Trần Cảnh - GV khoa Xây dựng Đảng