Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng – những điểm mới nổi bật
Sáng ngày 27/3/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đến dự khai mạc tại điểm cầu chính có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì Hội nghị.
Điểm cầu tỉnh Bình Dương có đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Văn Minh; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Thao đến dự; toàn tỉnh có 110 điểm cầu có 12.452 người dự. Trong đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Trưởng, phó các phòng khoa, Bí thư các chi bộ khung của Trường dự với tổng số 11 đồng chí.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị cần:
Đ/c Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị.
- Thứ nhất, nhận thức sâu sắc việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thường xuyên, nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ; xem đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc.
- Thứ hai, nhận thức rõ những nội dung tổng quát, vấn đề mới, cốt lõi của Đại hội XIII để thấy rõ sự kế thừa, phát triển tư duy của Đảng.
- Thứ ba, nhận diện đầy đủ thời cơ và thách thức, để xác định rõ nhiệm vụ chính trị 2021-2025; nhận định rõ giữa đổi mới và phát triển, giữa Nhà nước và thị trường, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,...
- Thứ tư, công tác tuyên truyền đại hội XIII phải thường xuyên, sáng tạo, đồng bộ; nêu cao trách nhiệm của báo cáo viên các cấp, Báo, Đài, Giảng viên Trường Chính trị,…trong báo cáo truyền đạt Nghị quyết tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội.
- Thứ năm, Nghị quyết Đại hội XIII cần sớm đưa vào cuộc sống, sớm luật pháp hóa, thể chế hóa thành các chủ trương, chính sách hành động.
- Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết XIII, chống tình trạng làm hình thức, qua loa, đại khái.
Trong 2 ngày 27 - 28/3/2021, đại biểu nghiên cứu 5 chuyên đề gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam; Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia.
Đ/c Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, báo cáo tại hội nghị trực tuyến
Đại Hội XIII của Đảng được tiến hành công phu, nghiêm túc, khoa học, với 8 điểm mới nổi bật sau:
Một là, chủ đề Đại hội XIII là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chủ đề Đại hội XIII có sự bổ sung so Đại hội XII, đó là đã bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng và nêu bật khát vọng phát triển đất nước cũng như mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Hai là, Đại hội XIII xác định “cơ đồ đất nước” sau 35 năm đổi mới, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; 10 năm thực hiện Cương lĩnh và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; đồng thời nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ba là, Đại hội đưa ra nhận định những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đất nước trước những biến động to lớn về kinh tế và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Những vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo; vấn đề hòa bình, ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột… Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.
Bốn là, so với các đại hội trước, Đại hội XIII lần này đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo với những quan điểm nổi bật. Trong đó, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; và kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Năm là, mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, dự kiến đến 2025, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, dự kiến GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD, trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 có thu nhập cao.
Sáu là, Báo cáo chính trị đã nêu 12 định hướng phát triển đất nước 10 năm tới (2021 - 2030). Trong đó, định hướng về thể chế, phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo, phát triển văn hóa, con người; định hướng về xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường; định hướng về bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại, nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn…
Bảy là, cùng với việc xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên các lĩnh vực kinh tế; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…
Tám là, Đại hội XIII xác định các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… và các đột phá chiến lược về thể chế, hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một số hình ảnh tại cầu truyền hình trực tuyến của tỉnh:
Thạc sĩ. Võ Châu Thảo – Trưởng khoa Xây dựng Đảng