Hội thảo khoa học “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Đại hội XII của Đảng - Lý luận và thực tiễn”
Sáng ngày 15/6/2016, khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trường Chính trị tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Đại hội XII của Đảng - Lý luận và thực tiễn”.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chủ đề Hội thảo đề cập đến là một nội dung quan trọng trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, có nhiều điểm mới liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống. Vì vậy, Hội thảo được các giảng viên và nhiều học viên của Trường Chính trị quan tâm, tham gia.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế được Đảng, Nhà nước Việt Nam lựa chọn, nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tạo nền tảng vật chất kỹ thuật vững chắc cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta. Sau 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng và nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi quan trọng, có ý nghĩa quyết định trên nhiều lĩnh vực, dần đưa đất nước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Hội thảo đã nhận được các bài tham luận nghiên cứu về lý luận cũng như thực tiễn tác động của kinh tế thị trường đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, đạo đức,…Có một số bài tham luận nghiên cứu gắn với thực tiễn của tỉnh Bình Dương. Qua nội dung các bài tham luận và các ý kiến tham gia trực tiếp thảo luận, Hội thảo đã đi sâu phân tích những điểm mới trong nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, đó là:
Thứ nhất, về kinh tế thị trường: nền kinh tế nước ta phải vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, về định hướng xã hội chủ nghĩa: trong quá trình phát triển kinh tế thị trường phải đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Ngoài ra, Hội thảo còn phân tích nội hàm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong quản lý nền kinh tế mà Đại hội lần này đã bổ sung vào khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tập trung phân tích sâu những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển của hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội do tác động của kinh tế thị trường trong điều kiện mới. Hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết những tác động mặt trái của kinh tế thị trường. Hầu hết các ý kiến thảo luận đều cho rằng: Phát triển kinh tế thị trường ở nước ta muốn đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cần phải giải quyết những vấn đề sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu làm rõ tất cả các mối liên hệ của kinh tế thị trường với mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức xã hội… của nước ta hiện nay.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Ba là, khẳng định vai trò quyết định của yếu tố con người, bởi mọi đường lối, phương hướng, mọi lĩnh vực hoạt động đều liên quan đến con người. Con người vừa là nguồn lực chủ yếu, vừa là động lực và mục tiêu phát triển.
Kết luận Hội thảo, Thạc sĩ Lê Thị Mộng Diễm - Quyền Hiệu trưởng Trường Chính trị đánh giá cao kết quả mà hội thảo đem lại. Hội thảo đã phân tích được cơ bản những nội dung lý luận mới và thống nhất nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XII của Đảng; đặt ra và đề xuất được những giải pháp thiết thực để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn phát triển kinh tế thị trường ở nước ta và địa phương tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề lý luận và thực tiễn cần được nghiên cứu thêm. Những kết quả của Hội thảo góp phần áp dụng trong quá trình giảng dạy của giảng viên và hoạt động thực tiễn của học viên trường Chính trị tỉnh Bình Dương.
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh