Hội thảo khoa học: “Xã hội hoá giáo dục - đào tạo ở Bình Dương: Thực trạng và định hướng chính sách”
Sáng ngày 12/03/2019, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xã hội hoá giáo dục - đào tạo ở Bình Dương: Thực trạng và định hướng chính sách”. Đồng chủ trì Hội thảo là PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II và ThS. Lê Thị Mộng Diễm - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Dương.
Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Chính trị khu vực II, có sự hiện diện của ThS. Vũ Văn Phong - Phó Trưởng Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Thị Kim Liên - Phó Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển; các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị khu vực II. Về phía Trường Chính trị tỉnh Bình Dương, có sự hiện diện của các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Trưởng, Phó các phòng, khoa và cán bộ, giảng viên của nhà trường. Về phía các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Bình Dương có PGS.TS. Hoàng Trọng Quyền - Phó Hiệu Trưởng Đại học Thủ Dầu Một; đồng chí Nguyễn Đức Đạt - Đại diện Tổng công ty Becamex; đồng chí Võ Thành Giàu - Phó Chủ tịch UBND Huyện Bàu Bàng; đồng chí Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch UBND Huyện Phú Giáo; đồng chí Huỳnh Thị Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Thuận An; đồng chí Trương Văn Phương - Trưởng phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương; đồng chí Nguyễn Văn Chệt - Trưởng phòng Giáo dục TP. Thủ Dầu Một. Ngoài ra, tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo, quản lý các đơn vị sở, ban, ngành, địa phương; các nhà khoa học, các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Bình Dương.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn nêu rõ: xã hội hóa giáo dục - đào tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội. Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Bình Dương đã cải tiến chất lượng dịch vụ giáo dục - đào tạo, chuyển sang hướng xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, vừa tăng trách nhiệm của các đơn vị, vừa góp phần huy động các nguồn lực xã hội. Bình Dương có tốc độ phát triển nhanh và mạnh, thu hút lượng lớn dân nhập cư từ các tỉnh, thành cả nước về lập nghiệp. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với công tác giáo dục - đào tạo ở tỉnh Bình Dương. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có nhiều biện pháp triển khai thực hiện. Chính vì vậy, thời gian qua, địa phương đạt nhiều kết quả quan trọng trong xã hội hóa lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn một số khó khăn, bất cập: nhận thức về xã hội hóa giáo dục - đào tạo của người dân, nhà đầu tư và một số cán bộ, công chức chưa đúng và chưa đầy đủ; các chính sách, pháp luật về giáo dục - đào tạo và các chính sách, pháp luật về đầu tư, về xã hội hóa hoạt động giáo dục - đào tạo còn nhiều bất cập, ưu đãi dành cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực này chưa đủ tạo động lực, chưa đủ sự khuyến khích; nguồn nhân lực thực hiện xã hội hóa vừa thiếu về số lượng vừa chưa bảo đảm về chất lượng, đặc biệt là nhân sự được đào tạo trình độ chuyên môn cao; chưa thực sự thu hút được nhiều nguồn lực tham gia trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục - đào tạo; kết quả xã hội hóa về giáo dục - đào tạo giữa các địa phương trong tỉnh còn chênh lệch. Sự chênh lệch giàu nghèo dẫn đến mức độ tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ giáo dục - đào tạo của người dân ở vùng đô thị với vùng sâu, vùng xa có sự chênh lệch đáng kể. Theo đó, cần thiết phải có những nghiên cứu, đánh giá khách quan, khoa học để một mặt phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; mặt khác, khắc phục những hạn chế, vượt qua những khó khăn, thách thức trong xã hội hóa giáo dục - đào tạo ở Bình Dương.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày nhiều tham luận và đưa ra các ý kiến xoay quanh vấn đề này. Đặc biệt, các ý kiến đa số nhấn mạnh đến các nội dung chính như: Thực trạng công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương ở các cấp học: giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục thường xuyên; giáo dục đại học, cao đẳng; cơ sở ngoại ngữ, tin học; đào tạo nghề; Xác định những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Làm rõ về tình hình, cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương, những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; Đề xuất quan điểm, định hướng chính sách, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp và thảo luận của các nhà khoa học, PGS.TS Phạm Minh Tuấn đã đưa ra ý kiến kết luận hội thảo: những thực trạng về vấn đề xã hội hóa giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương cần được khắc phục, mặc dù đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng cần phải tiếp tục đổi mới, đặc biệt là cơ chế chính sách, sự quản lý của các cấp, các ngành để vấn đề xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng tốt hơn. Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí đến từ các ban, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các nhà khoa học đã hợp tác, hỗ trợ để Hội thảo khoa học được diễn ra thành công tốt đẹp./.
ThS. Trần Cảnh - Phòng NCKH-TT-TL