Họp rút kinh nghiệm lớp TCLL CT-HC hệ không tập trung khóa 71 (Sở Giáo dục và Đào tạo)
Chiều ngày 28/3/2019 tại hội trường D1 Trường Chính trị Bình Dương diễn ra cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Ban Giám hiệu, đại diện các khoa, phòng Trường Chính trị tỉnh với tập thể lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính hệ không tập trung khóa 71. Cùng tham gia buổi trao đổi này còn có đồng chí Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Phạm Khắc Thịnh - Phó Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo.
Mục đích cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Ban Giám hiệu, đại diện các khoa, phòng Trường Chính trị tỉnh với tập thể lớp học là lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc mà học viên gặp phải trong quá trình tham gia học tập, qua đó nhà trường sẽ có sự phối hợp với các khoa, phòng của nhà trường và Sở Giáo dục - Đào tạo với các đơn vị, cá nhân có liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên yên tâm học tập và công tác.
Lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính hệ không tập trung khóa 71 khai giảng ngày 11/10/2019 tại Trường Chính trị tỉnh với số lượng 74 học viên trong đó có 64 học viên thuộc đơn vị Sở Giáo dục - Đào tạo; 09 học viên thuộc đơn vị Cục dự trữ Nhà nước, khu vực Đông Nam bộ và 01 học viên thuộc đơn vị Sở Kế hoạch - Đầu tư. Tính đến nay, lớp đã hoàn thành các học phần: Phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin; Phần I.2. Những vấn đề cơ bản về Tư tưởng Hồ Chí Minh; Phần III.1. Những vấn đề cơ bản về Hệ thống Chính trị, nhà nước và Pháp luật xã hội chủ nghĩa; Phần III.2: Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước; Phần VII: đã đi thực tế tại Nha Trang tỉnh Khánh Hòa hiện đang viết bài thu hoạch
Thay mặt tập thể lớp, đồng chí Phạm Anh Dũng - lớp trưởng báo cáo kết quả học tập và những vấn đề có liên quan đến lớp học:
Một, đối với tập thể lớp: Nhìn chung trong thời gian qua,đa số các thành viên trong lớp đều có động cơ học tập đúng đắn, có ý thức tự giác trong học tập, tiếp thu tốt kiến thức của các phần học. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít học viên chưa chấp hành đúng nội quy giờ giấc, cụ thể: Đi trễ, về sớm…; một bộ phận học viên còn thụ động trong giờ học …
Hai, đối với giảng viên của Trường Chính trị: Hầu hết các giảng viên đều bám sát vào đề cương của giáo trình; Đảm bảo giờ lên lớp; Áp dụng phương pháp tích cực trong quá trình giảng dạy, đưa nhiều ví dụ gắn với thực tiễn vào bài giảng giúp học viên tiếp thu bài một cách tốt nhất.
Giảng viên có thái độ đúng chuẩn mực với học viên, tạo bầu không khí vui vẻ trong học tập, trao đổi với học viên.
Ba, đối với giảng viên thỉnh giảng: hòa nhã, gần gũi với học viên.
Bốn, đối với phòng Đào tạo, giáo viên chủ nhiệm:
- Đối với Phòng Đào tạo: cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về lịch học, giấy các nhận thời gian học tập…
- Đối với giáo viên chủ nhiệm: Nhiệt tình, quan tâm lớp, cung cấp thông tin lịch học kịp thời. Thường xuyên điểm danh và trao đổi với lớp để nắm bắt tình hình học tập của lớp.
Năm, về cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt cho việc giảng dạy của giảng viên; học tập, nghỉ ngơi của học viên.
Bên cạnh đó, lớp cũng có một số ý kiến đề xuất như nhà trường tiếp tục tạo điều kiện xếp lịch thi kết thúc học phần cho lớp giống thời gian vừa qua để hạn chế tối đa số học viên không thể dự thi khi có lịch công tác; Do tính đặc thù của lớp học kính mong Ban Giám hiệu khi ra đề thi tạo điều kiện để phần liên hệ thực tế sát với thực tế công tác của ngành. Đồng thời tạo điều kiện cho học viên của lớp trong việc chấp hành giờ giấc học tập (đi muộn về sớm) khi có lý do chính đáng như: tham gia chấm thi giáo viên dạy giỏi hoặc tham gia một số công việc đột xuất khác của cơ quan sẽ dẫn đến tình trạng đi học trễ hoặc về sớm ... làm ảnh hưởng đến việc chấp hành nội quy giờ giấc của trường.
Phát biểu tại buổi họp rút kinh nghiệm đồng chí Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo cho rằng các đồng chí học viên trong lớp cần tự hào khi mình có tên trong danh sách của lớp học, đây là những thành viên ưu tú của ngành, sau khi hoàn thành khóa học này vị trí của các đồng chí chắc chắn sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng đi lên. Đây là quyền lợi của các đồng chí, vì vậy trong quá trình học tập tại trường các đồng chí cần lưu ý mấy điểm sau: tuân thủ tốt nội quy của nhà trường; có thái độ tôn trọng đối với giảng viên, tham gia tích cực trong quá trình trao đổi cùng với giảng viên trong các buổi học, thảo luận; cần khắc phục những hạn chế như đi trễ, về sớm ... đồng thời cần trao đổi thẳng thắn với nhà trường cơ quan, Sở những khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình học tập.
Đồng chí Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo
phát biểu tại buổi họp rút kinh nghiệm
Kết luận buổi trao đổi, đồng chí Lê Thị Mộng Diểm - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của học viên và hứa sẽ giải quyết những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của nhà trường, đồng thời nhấn mạnh một số điểm mà học viên, giảng viên, chủ nhiệm lớp cần tập trung lưu ý nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý lớp trong thời gian tới.
Đối với học viên, Hiệu trưởng yêu cầu cần thực hiện tốt nội quy, quy chế của nhà trường, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc quyết định 1855 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Đối với giảng viên, nghiêm túc thực hiện thời gian giảng dạy theo quy định, tăng cường vận dụng kiến thức thức tế vào giảng dạy, tránh lý thuyết suông.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, cần bám sát mọi hoạt động của lớp, phản ánh những khó khăn vướng mắc đến Ban giám hiệu nhà một cách kịp thời nhất.
Đồng chí Hiệu trưởng hy vọng rằng, thông qua buổi gặp gỡ, trao đổi này mọi khó khăn vướng mắc sẻ được giải quyết, chất lượng học tập, giảng dạy và quản lý lớp ngày càng được nâng lên, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của lớp học cũng như của nhà trường.
ThS. Phan văn Bằng - Giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh