Hướng dẫn của Ủy ban kiểm tra Trung ương thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm
Ngày 22 tháng 03 năm 2018 Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hướng dẫn Số: 04-HD/UBKTTW (sau đây gọi là Hướng dẫn Số: 04) thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (sau đây gọi là Quy định Số: 02). Theo đó một số quy định trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị chỉ quy định một cách khá quát chung. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị. Sau đây là một số quy định cụ thể của Hướng dẫn Số 04:
Thứ nhất, về phạm vi, đối tượng, khoản 2, Điều 1, Quy định Số: 02 quy định: “Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này".
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu và đã chuyển sinh hoạt đảng mới phát hiện có vi phạm ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng đó xem xét, xử lý theo quy định.
- Khi đang xem xét, xử lý đảng viên vi phạm mà tổ chức đảng nơi đảng viên vi phạm đang sinh hoạt bị giải thể, sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiếp tục xem xét, xử lý hoặc báo cáo tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên theo quy định.
Thứ hai, về nguyên tắc xử lý kỷ luật, khoản 3, Điều 2, Quy định Số: 02 quy định: “Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, động cơ, nguyên nhân của vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và căn cứ vào thái độ tự giác, tinh thần quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, vi phạm và khắc phục hậu quả đã gây ra, chứng cứ đến đâu kết luận đến đấy, không suy diễn. Đồng thời, phải xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
- Đảng viên vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) ở Khoản 2 của các điều từ Điều 7 đến Điều 34 thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ vào quy định nêu trên để xem xét, quyết định cụ thể: Cảnh cáo hoặc cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đảng viên đó.
- Đảng viên vi phạm bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, nếu xét thấy không còn đủ uy tín thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đó.
Tại khoản 5, Điều 2, Quy định Số: 02 quy định: “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp ”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ.
- Đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức đảng không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án của tòa án tuyên phạt đối với đảng viên từ cải tạo không giam giữ trở lên có hiệu lực pháp luật thì tòa án phải sao gửi bản án đến cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc Ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên. Căn cứ vào nội dung bản án, Ủy ban kiểm tra quyết định hoặc đề nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quyết định xử lý kỷ luật khai trừ đảng viên theo quy định.
Thứ ba, về các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật khoản 1, Điều 5, Quy định 102: “Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (từ cấp huyện trở lên) xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- “Bệnh hiểm nghèo” là bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bị mắc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
- Thời gian chưa xem xét, xử lý kỷ luật nêu trên không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng.
Ví dụ: Đảng viên A vi phạm cách đây 4 năm, khi tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kỷ luật về Đảng thì đồng chí bị ốm phải điều trị nội trú ở bệnh viện thì thời gian điều trị này không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật.
Thứ tư, về các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật khoản 2, Điều 5, Quy định 102 qui định: “Đảng viên vi phạm đã qua đời, tổ chức đảng xem xét, kết luận, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đảng viên đó vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
Đảng viên qua đời, sau đó mới phát hiện có vi phạm thì không tiến hành kiểm tra. Khi đang kiểm tra hoặc xem xét, xử lý kỷ luật mà đảng viên vi phạm qua đời thì chỉ kết luận, không thi hành kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật.
Thứ năm, về các hành vi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ (Điều 8, Quy định 102).
- Tại điểm a, khoản 1, Điều 8, Quy định 102 quy định:“Thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội không kịp thời, không đúng kế hoạch, đối tượng, thành phần và không đầy đủ nội dung.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc không chỉ đạo thực hiện Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp trên và cấp mình.
- Không xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; không phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, tổ chức và cá nhân phụ trách chịu trách nhiệm triển khai thực hiện hoặc có xây dựng chương trình, kế hoạch nhưng không tổ chức triển khai thực hiện.
- Tại Điểm c, khoản 1, Điều 8, Quy định 102 quy định:
“Bị xúi giục, lôi kéo vào những việc làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản, gồm: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương; đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng viên vi phạm một trong những nguyên tắc trên là vi phạm kỷ luật của Đảng.
- Tại điểm a, khoản 2, Điều 8, Quy định 102 quy định:“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số thành viên khi thông qua nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận thuộc thẩm quyền của tập thể”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Quyết định theo ý kiến chủ quan của mình trong khi tập thể đang thảo luận đa số còn có ý kiến khác nhau hoặc phủ quyết ý kiến của đa số đã thống nhất thông qua.
- Dùng chức vụ, quyền hạn của mình để bác bỏ, phủ quyết ý kiến của đa số hoặc tạo phe cánh khống chế người khác phải biểu quyết, bỏ phiếu theo ý kiến cá nhân của mình dẫn đến ban hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận không đúng.
Thứ sáu, về các hành vi vi phạm các quy định về bầu cử, tại điểm b, khoản 3, Điều 9, Quy định 102 quy định:“Có hành vi, việc làm phá hoại cuộc bầu cử”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Cố tình không đi bầu cử, có hành vi ngăn cản, đe dọa, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác không thực hiện quyền ứng cử, đề cử và bầu cử.
- Có các hành vi như: hủy hoại tài liệu, văn bản, thông báo về bầu cử; làm sai lệch hoặc tác động làm sai lệch kết quả bầu cử.
Thứ bảy, về các hành vi vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ, tại điểm b, khoản 3, Điều 11, Quy định 102 quy định:“Có hành vi chạy chức, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển; mua chuộc để bản thân hoặc người khác được quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, chuyển đổi vị trí công tác”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
Dùng tiền, tài sản, các giá trị vật chất hoặc phi vật chất và các mối quan hệ để hối lộ, lôi kéo, mua chuộc, tác động, can thiệp đến cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giải quyết các công việc nêu trên cho bản thân hoặc người khác.
Thứ tám, về các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm, tại Điểm d, khoản 1, Điều 13, Quy định 102 quy định:“Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
Con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới gồm: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó.
Thứ chín, về các hành vi vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Điều 15, Quy định 102:
Tại điểm d, khoản 1, Điều 15, Quy định 102 quy định:“Thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc gây khó khăn, cản trở đảng viên, công dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Nhận được đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết nhưng dìm bỏ, không xem xét, giải quyết.
- Xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo không kịp thời theo đúng thời gian quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà không có lý do chính đáng; giải quyết không khách quan; tiết lộ danh tính, địa chỉ, bút tích của người tố cáo cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.
- Đưa toàn văn hoặc một phần nội dung đơn tố cáo hoặc đưa đơn tố cáo cho người bị tố cáo.
- Tự đặt ra các quy định hoặc yêu cầu trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người khiếu nại, tố cáo.
- Không chuyển đơn tố cáo (không thuộc thẩm quyền giải quyết) cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết.
- Không thông báo kết quả giải quyết tố cáo (bằng hình thức thích hợp) cho người tố cáo biết.
Tại điểm đ, khoản 2, Điều 15, Quy định 102 quy định:“Đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Có lời nói hoặc thông qua người khác đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.
- Ngăn cản, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp trong việc nâng ngạch, nâng lương, khen thưởng, bổ nhiệm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tố cáo.
- Phân biệt đối xử, lôi kéo người khác cản trở việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người tố cáo.
- Xử lý trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thay đổi công việc của người tố cáo với động cơ trù dập.
- Trực tiếp hoặc thuê, nhờ người khác đe dọa, trấn áp, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Trực tiếp gặp, điện thoại, nhắn tin hoặc dùng các hành vi khác gây sức ép với người trực tiếp giải quyết hoặc cấp trên của họ nhằm làm sai lệch nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tại điểm g, khoản 2, Điều 15, Quy định 102 quy định:“Tố cáo mang tính bịa đặt, vu khống, đả kích, bôi nhọ thanh danh, gây tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác".
Nội dung trên được Hướng dẫn Số: 04 quy định cụ thể như sau:
- Tố cáo sự việc mà mình biết là không có hoặc tự bịa chuyện, dựng chuyện, nghĩ ra điều không có thật để tố cáo.
- Đảng viên thực hiện quyền tố cáo nhưng được cơ quan có thẩm quyền kết luận có nội dung đúng, có nội dung sai hoặc đúng về hiện tượng nhưng không đúng về bản chất thì không bị coi là tố cáo bịa đặt, vu khống.
Trên đây là Hướng dẫn Ủy Ban kiểm tra Trung ương thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Hy vọng rằng các quy định cụ thể trong Hướng dẫn Số: 04 sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các Cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng và các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước trong việc xử lý đảng viên vi phạm. Đồng thời, đây cũng là căn cứ “pháp lý” bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đảng viên./.
ThS. Trịnh Duy Biên - Phó Trưởng phòng NCKH - TT - TL