Khái niệm Doanh nghiệp nhà nước có sự thay đổi theo Luật Doanh nghiệp 2020
Ngày 17 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9 khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (Sau đây gọi tắt là Luật doanh nghiệp 2020). Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành bao gồm 10 chương, 218 điều. Cụ thể: Chương I bao gồm những quy định chung; Chương II quy định về thành lập doanh ngiệp; Chương III quy định về Công ty trách nhiệm hữu hạn; Chương IV quy định về Doanh nghiệp nhà nước; Chương V quy định về Công ty cổ phần; Chương VI quy định về Công ty hợp danh; Chương VII quy định về Doanh nghiệp tư nhân; Chương VIII quy định về Nhóm công ty; Chương IX quy định về tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp; Chương X quy định điều khoản thi hành. Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (Sau đây gọi tắt là Luật Doanh nghiệp 2014) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Quy định về Doanh nghiệp nhà nước, hiện tại Luật doanh nghiệp 2014 quy định Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì khái niệm về Doanh nghiệp nhà nước đã có sự thay đổi so với khái niệm trong Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể như sau:
"Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này."
(Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.)
Đồng thời, Điều 89 về áp dụng quy định đối với doanh nghiệp nhà nước còn quy định:
1. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định tại Chương này và các quy định khác có liên quan của Luật này; trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật này thì áp dụng quy định tại Chương này.
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo các quy định tại Mục 1 Chương III hoặc công ty cổ phần theo các quy định tại Chương V của Luật này.
Như vậy, căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì đối tượng là doanh nghiệp nhà nước đã có sự mở rộng, làm tăng số lượng doanh nghiệp nhà nước, nhưng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhà nước theo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, đồng thời thúc đẩy được quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo toàn được vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp.
ThS. Trần Cảnh - GV khoa Xây dựng Đảng