Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020: thêm các văn bản được ban hành theo thủ tục rút gọn và khắc phục chồng chéo trong hệ thống pháp luật
Nhằm nâng cao chất lượng và ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, ngày 18/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với 92,96% số đại biểu tán thành, trong đó có hai nội dung đáng chú ý như sau:
1. Thêm 03 trường hợp văn bản được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Với sự sửa đổi này, sẽ có 05 trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cụ thể: Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; cần ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Trường hợp để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; Trường hợp để kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
2. Khắc phục chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật.
Trong hệ thống pháp luật của chúng ta, nguyên tắc xử lý xung đột đã được thống nhất và áp dụng nhất quán từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp Luật (BHVBQPPL) năm 1996 đến nay là trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. Nếu nay bổ sung nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật” thì sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc nêu trên, đồng thời khi có xung đột xảy ra giữa các luật thì không có cơ sở để xác định luật nào được áp dụng.
Do đó, để hạn chế và khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng văn bản, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật quy định hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội phải có báo cáo về rà soát các VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo;
Đồng thời liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng theo khoản 3 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi:
Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó.
Trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.
Đặc biệt, trường hợp văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó.
Điều này đồng nghĩa với việc, dù có văn bản mới nhưng văn bản cũ vẫn phù hợp với thực tiễn thì vẫn được áp dụng cho đến thời điểm được quy định trong văn bản mới./.
ThS. Nguyễn Văn Hiệp – GV Khoa Nhà nước và Pháp luật