Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 mang tính nhân đạo sâu sắc trong việc chăn nuôi, chăm sóc và giết mổ gia súc
Cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Chăn nuôi cũng chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2020. Tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực hiện các Công ước, Hiệp định thương mại quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước đa dạng sinh học (CBD); các hiệp định thương mại Tự do (FTA), khu vực mậu dịch tư do ASEAN (AFTA), hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)… mà Việt Nam tham gia, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước về quản lý hoạt động Chăn nuôi gia súc và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trước yêu cầu hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành chăn nuôi.
I. Bố cục của Luật
Luật Chăn nuôi có 08 chương 83 điều, cụ thể như sau:
1. Chương I. Những quy định chung:
Gồm 12 điều (Điều 1-12), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động trong chăn nuôi; chính sách của Nhà nước về chăn nuôi; chiến lược phát triển chăn nuôi; hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi; ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi; hợp tác quốc tế về chăn nuôi; cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi.
2. Chương II. Giống và sản phẩm giống vật nuôi:
Gồm 19 điều (Điều 13-31) quy định nội dung về liên quan đến giống vật nuôi, chia làm 3 Mục sau:
Mục 1: quy định về nguồn gen giống vật nuôi: quản lý, thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi; trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; vật nuôi biến đổi gen và nhân bản vô tính vật nuôi.
Mục 2: quy định về sản xuất, mua bán giống và sản phẩm giống vật nuôi; nhập khẩu, xuất khẩu giống và sản phẩm giống vật nuôi; điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán con giống vật nuôi, yêu cầu giống vật nuôi trong sản xuất; quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi.
Mục 3: quy định về khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi; điều kiện cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi; kiểm định dòng, giống vật nuôi; nguyên tắc đặt tên dòng, giống vật nuôi; công nhận dòng, giống vật nuôi mới; quyền và nghĩa vụ của cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi.
3. Chương III. Thức ăn chăn nuôi:
Gồm 20 điều (Điều 32-51) quy định nội dung quản lý thức ăn chăn nuôi:
Chương này quy định chung về quản lý thức ăn chăn nuôi thương mại, công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi; khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi; điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi; điều kiện cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi; xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh; ghi nhãn, quảng cáo thức ăn chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của các cơ sở sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, khảo nghiệm, sử dụng thức ăn chăn nuôi.
4. Chương IV. Điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi:
Gồm 12 điều (Điều 52-63) quy định các nội dung về cơ sở chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, trong đó có 02 mục sau:
Mục 1: quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi, trong đó có quy định về quy mô chăn nuôi; đơn vị vật nuôi và mật độ chăn nuôi; kê khai hoạt động chăn nuôi; chăn nuôi trang trại; chăn nuôi nông hộ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Mục 2: quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bao gồm xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ; xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi; quản lý sản phẩm và cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.
5. Chương V. Chăn nuôi động vật khác, đối xử nhân đạo với vật nuôi:
Gồm 9 điều (Điều 64-72) quy định các nội dung về Chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo với vật nuôi, trong đó có 02 mục sau:
Mục : quy định về chăn nuôi động vật khá, bao gồm quản lý nuôi chim yến; quản lý nuôi ong mật; quản lý nuôi chó, mèo; quản lý nuôi hươu sao; quản lý nuôi động vật khác.
Mục 2: về đối xử nhận đạo với vật nuôi, trong đó có quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu.
6. Chương VI. Chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi:
Gồm 6 điều (Điều 73-78) quy định các nội dung về giết mổ vật nuôi; mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi; dự báo thị trường, xuất khẩu, nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi.
7. Chương VII. Quản lý nhà nước về chăn nuôi:
Gồm 3 điều (Điều 79-81) quy định trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong quản lý chăn nuôi.
8. Chương VIII. Điều khoản thi hành:
Gồm 2 Điều (Điều 82-83) quy định về hiệu lực thi hành của luật và quy định chuyển tiếp.
III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật “Luật này quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi”. So với Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004, Luật Chăn nuôi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm quản lý chăn nuôi theo chuỗi giá trị, bao gồm hầu hết các hoạt động từ các thành phần liên quan đến đầu vào như giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi đến các hoạt động liên quan đến đầu ra như chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Từ phạm vi điều chỉnh này, khái niệm “chăn nuôi” đã được luật hóa thành “một ngành kinh tế-kỹ thuật”, bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
2. Về nguyên tắc hoạt động chăn nuôi (Điều 3)
Điều 3 của Luật quy định 05 nhóm nguyên tắc cho hoạt động chăn nuôi, bao gồm: (1) Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; (2) Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) Bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý nguồn gen giống vật nuôi bản địa, nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; tiếp thu nhanh tiến bộ di truyền giống của thế giới; kết hợp chăn nuôi hiện đại với chăn nuôi truyền thống; phát triển chăn nuôi phù hợp với vùng sinh thái; (4) Xã hội hóa hoạt động chăn nuôi; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi; bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trong chăn nuôi; (5) Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Chính sách của Nhà nước về chăn nuôi (Điều 4)
Luật quy định 03 chính sách đầu tư ở mức độ khác nhau gồm chính sách đầu tư của nhà nước, chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động chăn nuôi, cụ thể:
Thứ nhất, Nhà nước đầu tư cho 02 nhóm hoạt động sau:
(1) Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi;
(2) Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.
Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ cho 05 nhóm hoạt động sau:
(1) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc;
(2) Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi;
(3) Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn;
(4) Xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chăn nuôi chủ lực, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi quốc gia; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, cơ sở đấu giá để quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;
(5) Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho mọi hoạt động chăn nuôi, đầu tư công nghệ cao, hoạt động bảo hiểm vật nuôi.
4. Về các hành vi bị cấm trong chăn nuôi (Điều 12)
Luật quy định 14 hành vi bị cấm trong chăn nuôi, thay vì 7 hành vi như trong Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2014. Các hành vi cụ thể bị cấm như sau:
(1) Cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư: Luật không quy định cụ thể “khu vực không được phép chăn nuôi” mà giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi (điểm h khoản 1 Điều 80). Như vậy, mỗi tỉnh sẽ có quy định khác nhau về khu vực không được phép chăn nuôi để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đối với trường hợp nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm, Luật chỉ cấm nếu gây ô nhiễm môi trường.
(2) Cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: các hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thành danh mục theo quy định khoản 4 Điều 37. Bên cạnh đó, ngày 01/6/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT, trong đó quy định danh mục các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh động vật trên cạn (Mục 2 Phụ lục II) để thi hành Luật thú y 2016. Như vậy, các hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật, kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi đều được ban hành thành danh mục công khai, minh bạch trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Luật Chăn nuôi cũng quy định cấm nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Như vậy, sản phẩm chăn nuôi của những nước có sử dụng các chất mà Việt Nam cấm sử dụng trong chăn nuôi sẽ bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Quy định này nhằm tạo bình đẳng cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia chăn nuôi.
(3) Cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng: Quy định này, cùng với các quy định khác về sử dụng kháng sinh trong Luật này và Luật thú y nhằm ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh tràn lan, hạn chế hiện tượng kháng kháng sinh ở vật nuôi và con người.
(4) Cấm nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân. Quy định này nhằm ngăn chặn hành vi nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm từ vật nuôi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
(5) Cấm sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại. Đây là quy định nhằm ngăn chặn hành vi đã xuất hiện hiện nay là nhồi nhét thức ăn, vật thể lạ (cát, sỏi) hoặc bơm nước (bao gồm cả nước bẩn) vào vật nuôi để bán, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cả về sức khỏe và kinh tế.
(6) Cấm xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(7) Cấm gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi. Hoạt động kê khai chăn nuôi được quy định tại Điều 54 của Luật và là cơ sở được để được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh như quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật.
(8) Cấm cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp. Quy định này nhằm bảo vệ cơ sở chăn nuôi đã xây dựng và hoạt động đúng pháp luật.
Ngoài ra, Luật còn quy định các hành vi cấm khác như cấm phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi; xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen; thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
III. NHỮNG ĐIỂM MỚI ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT
1. Luật hóa một số khái niệm về chăn nuôi (Điều 2)
Điều 2 Luật giải thích 33 khái niệm sử dụng trong các quy định của Luật, trong đó có một số khái niệm lần đầu tiên được luật hóa để áp dụng thống nhất:
(1) Quy định về “chăn nuôi” là “ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi”. Như vậy, “chăn nuôi” là một ngành gồm một chuỗi các hoạt động tạo ra sản phẩm từ các quy định đối với thành phần đầu vào (giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi) đến các hoạt động liên quan đầu ra sản phẩm (giết mổ, chế biến, thị trường sản phẩm).
(2) Quy định về “vật nuôi” gồm 03 nhóm: gia súc, gia cầm, động vật khác được phép chăn nuôi, trong đó điểm mới là “động vật khác được phép chăn nuôi”. Nhóm vật nuôi này được giải thích tại khoản 8 Điều 2 và được lập thành Danh mục do Chính phủ ban hành theo quy định tại Điều 68 Luật này.
(3) Quy định về “dòng” vật nuôi là “một nhóm vật nuôi trong giống” nhưng “có đặc điểm riêng đã ổn định”. Khái niệm này được áp dụng phổ biến trên thế giới từ lâu và ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
(4) Quy định về đơn vị vật nuôi (ĐVN) áp dụng cho gia súc, gia cầm. Đây là khái niệm mới nhằm khắc phục những bất cập của những quy định trước kia khi đưa ra các quy định về mật độ chăn nuôi với các đối tượng vật nuôi khác nhau. Cách hiểu trước kia về “mật độ chăn nuôi” là số lượng vật nuôi trên một đơn vị diện tích không được chính xác vì có loại vật nuôi có khối lượng rất lớn như trâu, bò khác với loại có khói lượng nhỏ hơn rất nhiều như gà, vịt. ĐVN đang được nhiều nước sử dụng. Cơ sở để tính ĐVN là nhu cầu dinh dưỡng, thức ăn của từng loại gia súc, gia cầm; từ đó tính được lượng phân và nước tiểu thải ra và mức độ gây ô nhiễm môi trường. Mỗi loại gia súc, gia cầm cụ thể có hệ số ĐVN để đảm bảo tính tương đương khi quy đổi quy đổi về cùng ĐVN. Hệ số này được quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi.
2. Quy định về xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (Điều 8)
Luật quy định về “vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh”, trong đó quy định cụ thể các yêu cầu cần thỏa mãn của “vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh” như:
- Đáp ứng các yêu cầu của vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật về thú y của Việt Nam; - Đáp ứng các yêu cầu của vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định quốc tế; - Phù hợp với điều kiện của vùng sinh thái, lợi thế vùng, miền gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Luật đồng thời giao “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí và công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh”. Việc xây dựng “vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đàm phán, ký kết xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi (Điều 11)
Luật quy định việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi là hệ thống thông tin liên quan đến chăn nuôi, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, được chuẩn hóa để cập nhật và quản lý bằng công nghệ thông tin.
Nội dung của cơ sở dữ liệu bao gồm hầu hết các lĩnh vực thuộc ngành chăn nuôi như: 1) Văn bản quy phạm pháp luật; 2) Giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; 3) Cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; 4) Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 5) Dữ liệu khác về chăn nuôi.
Luật giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu về chăn nuôi; đồng thời quy định “tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi”. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được nhà nước đầu tư theo quy định tại Điều 4 của Luật.
Tổ chức, cá nhân được khai thác, đồng thời tham gia cung cấp và cập nhật thông tin cho cơ sở dữ liệu. Đây cũng là tiền đề để thực hiện các thủ tục hành chính một cách đơn giản, nhanh chóng hơn trong quá trình quản lý các thông tin về chăn nuôi. Cơ sở dữ liệu sẽ giúp cho tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm hiểu đầy đủ thông tin liên quan đến các hoạt động chăn nuôi, tìm kiếm đối tác, kiểm tra chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.
4. Quy định về Danh mục giống vật nuôi (Điều 19) và điều kiện sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi (Điều 22, 23)
Luật chỉ quy định Chính phủ ban hành Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu; không quy định Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh như Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004. Đồng thời quy định tổ chức, cá nhân được sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Luật. Quy định này giúp tổ chức, cá nhân được quyền tự do hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014; có cơ hội tiếp cận nhanh hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật; giảm thiểu rất nhiều thủ tục hành chính trong quá trình nhập khẩu.
5. Quy định về nhập khẩu giống và sản phẩm giống (Điều 20), nhập khẩu vật nuôi sống và sản phẩm chăn nuôi (Điều 78)
Giống và sản phẩm giống nhập khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền nước xuất xứ “xác nhận bằng văn bản về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng giống, mục đích sử dụng để nhân giống, tạo giống”. Quy định này nhằm ngăn ngừa việc nhập khẩu vật nuôi thương phẩm hoặc loại thải, sản phẩm giống kém chất lượng vào Việt Nam để nhân giống, tạo giống (khoản 1 Điều 20).
Trường hợp nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc lần đầu phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 4 Điều 20; nhập khẩu từ lần thứ hai cùng loại sản phẩm thì chỉ cần thông báo bằng văn bản đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà không phải có sự đồng ý (khoản 4 Điều 20). Đây là quy định theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống. Quy định này là một thay đổi lớn so với quy định tại Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 vì việc nhập khẩu tinh, phôi theo quy định của Pháp lệnh phải được sự “cho phép” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua nhiều thủ tục hành chính cấp phép nhập khẩu, không phân biệt lần nhập khẩu. Quy định như vậy gây tốn kém về thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
Nhập khẩu vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam theo một cửa khẩu cụ thể do Chính phủ quy định (khoản 3, khoản 5 Điều 78). Những cửa khẩu được quy định là nơi tiếp nhận vật nuôi hoặc sản phẩm vật nuôi nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu do Chính phủ quy định nhằm đảm bảo an toàn cho cả con người và vật nuôi trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra tại nước xuất xứ về văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực thi, điều kiện sản xuất, kinh doanh khi: 1) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sinh học đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi (Điều 20); 2) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu (Điều 20).
6. Quy định điều kiện sản xuất, mua bán tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi, dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi (Điều 23)
Luật bổ sung điều kiện đối với hoạt động sản xuất, mua bán tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi, dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi, gồm:
- Cá nhân làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo phải có chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo; cá nhân nhân làm dịch vụ cấy truyền phôi giống vật nuôi phải có chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật cấy truyền phôi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khoản 2 Điều 23). Quy định “phải có chứng chỉ đào tạo” chỉ áp dụng cho các cá nhân “làm dịch vụ” mà không áp dụng cho kỹ thuật viên trong các cơ sở chăn nuôi.
- Chủ sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải thực hiện kê khai đực giống với UBND cấp xã theo mẫu kê khai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khoản 3 Điều 23, Điều 54).
- Quy định chỉ được khai thác trứng giống gia cầm từ đàn giống cấp bố mẹ hoặc tương đương trở lên (để tránh sử dụng trứng từ đàn thương phẩm là giống).
7. Quy định về kiểm định dòng, giống vật nuôi (Điều 28)
Lần đầu tiên, Luật quy định về kiểm định giống vật nuôi, theo đó việc kiểm định được thực hiện tại các cơ sở khảo nghiệm đủ điều kiện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.
Luật quy định có 03 trường hợp được kiểm định gồm: (1) có khiếu nại tố cáo về chất lượng; (2) có yêu cầu trưng cầu, giám định của cơ quan nhà nước; (3) theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
8. Quy định về công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trước khi lưu thông trên thị trường (Điều 33-34)
Luật quy định tổ chức, cá nhân phải công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với thành phần hồ sơ quy định thống nhất.
Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và đậm đặc: tổ chức, cá nhân được quyền tự công bố thông tin sản phẩm, công bố thay đổi thông tin sản phẩm và tiến hành sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi tự công bố thông tin sản phẩm. Luật không quy định thời hạn lưu hành sản phẩm đã công bố. Thông tin về sản phẩm nếu thay đổi thì tổ chức, cá nhân phải cập nhật trên cổng thông tin đã công bố sản phẩm.
Đối với thức ăn bổ sung: hồ sơ công bố thông tin sản phẩm phải được thẩm định trước khi công bố. Việc nộp hồ sơ đề nghị công bố, thông báo kết quả thẩm định hồ sơ đều thực hiện qua Cổng thông tin điện tử. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thẩm định và công bố thông tin sản phẩm nếu kết quả thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu. Thời hạn lưu hành sản phẩm là 5 năm.
Đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống, nguyên liệu đơn: do Bộ Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Nội dung công bố gồm tên sản phẩm, yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.
Các loại thức ăn chăn nuôi không phải công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm các loại không trao đổi, mua bán trên thị trường như: (1) thức ăn tự phối trộn để tiêu thụ nội bộ; (2) thức ăn theo đơn đặt hàng của cơ sở chăn nuôi; (3) các loại không thuộc nhóm chăn nuôi truyền thống, nguyên liệu đơn đã công bố.
9. Quy định về điều kiện và việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (Điều 38-39)
Theo Điều 38 quy định cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng, thức ăn tiêu thụ nội bộ phải đáp ứng các điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng, thức ăn tiêu thụ nội bộ chỉ cần đáp ứng các điều kiện và chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý về việc duy trì điều kiện trong quá trình sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn trên địa bàn, trừ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung.
10. Quy định về quy mô chăn nuôi, đơn vị vật nuôi và mật độ chăn nuôi (Điều 52-53)
- Điều 52 quy định 03 quy mô chăn nuôi trang trại (lớn - vừa - nhỏ) và chăn nuôi nông hộ.
- Điều 53 quy định về ĐVN đối với gia súc, gia cầm, theo đó mỗi ĐVN tương đương 500 kg khối lượng sống của gia súc, gia cầm và không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính của vật nuôi; mật độ chăn nuôi là tổng số ĐVN trên 01 ha diện tích đất nông nghiệp và Chính phủ quy định mật độ chăn nuôi của từng vùng, trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh sẽ quyết định mật độ chăn nuôi của tỉnh.
- Mật độ chăn nuôi làm cơ sở để xác định quy mô chăn nuôi.
Quy định mới này tương đồng với một số nước trên thế giới. Cơ quan quản lý có thể sử dụng mật độ chăn nuôi để quản lý chăn nuôi theo từng vùng sinh thái, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dựa vào mật độ chăn nuôi của từng vùng quy định mật độ của tỉnh để đảm bảo mật độ chăn nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.
11. Quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi (Điều 54, 55, 58)
- Luật quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã và Luật cũng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định loại vật nuôi, số lượng vật nuôi phải kê khai, trình tự thủ tục, mẫu kê khai. Quy định này tương đồng với quy định của các nước trên thế giới nhằm quản lý được cung - cầu của thị trường. Kê khai chăn nuôi là một trong các điều kiện để xem xét hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Luật phòng, chống thiên tai năm 2013, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/ 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
- Chăn nuôi tập trung là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện chăn nuôi quy định tại Điều 58 của Luật: vị trí xây dựng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng vể mật độ, nguồn nước, có biện pháp bảo vệ môi trường… Tổ chức, cá nhân chăn nuôi quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi được quy định cụ thể tại Điều 58 Luật Chăn nuôi năm 2018. Hồ sơ, trình tự, thủ tục sẽ được Chính phủ quy định để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và bảo đảm Luật được thi hành hiệu quả nhất.
- Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu, chủ yếu về vệ sinh, phòng dịch, vệ sinh môi trường.
12. Quy định về xử lý chất thải và sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (Điều 59, 62)
- Luật phân loại chất thải chăn nuôi thành chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải và chất thải khác, từ đó quy định các biện pháp xử lý phù hợp với từng loại chất thải (Điều 59).
- Luật quy định chặt chẽ việc quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi như: (1) công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy sản phẩm; (2) đăng tải thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (3) khảo nghiệm đối với sản phẩm mới hoặc lần đầu nhập khẩu; (4) cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải phải đáp ứng điều kiện do luật định.
13. Quy định về chăn nuôi động vật khác (Điều 64-68)
- Động vật khác được phép chăn nuôi được quy định tại khoản 8 Điều 2, đó là động vật không thuộc các loại sau: (1) gia súc, gia cầm; (2) loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; (3) động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; (4) động vật rừng thông thường; (5) động vật thủy sản; (6) động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước CITES.
- Chính phủ sẽ ban hành Danh mục các động vật khác được phép chăn nuôi và phải tuân thủ quy định của Luật Chăn nuôi đối với vật nuôi.
- Một số “động vật khác” do yêu cầu thực tế đang đòi hỏi cấp thiết cần quản lý vì có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, dịch bệnh liên quan con người nhưng hoặc đang được quản lý bằng các văn bản cá biệt hoặc chưa được quản lý bằng văn bản nào nên đã được đưa vào Luật như: chim yến, ong mật, hươu sao, chó, mèo.
14. Quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi (Điều 69-72)
Luật quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi, theo đó tổ chức, cá nhân phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác. Các quy định đối xử nhân đạo đều hướng tới việc vật nuôi được đảm bảo đủ thức ăn, nước uống, điều kiện nuôi phù hợp và an toàn, được phòng bệnh và trị bệnh, không bị hành hạ, đánh đập; được gây ngất, hạn chế đau đớn trước khi giết mổ và không chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Các quy định này đang được phổ biến ở nhiều nước và được coi là điều kiện phải đáp ứng đối với hoạt động chăn nuôi, xuất nhập khẩu sản phẩm. Luật Chăn nuôi quy định các nội dung này nhằm định hướng cho người chăn nuôi có hành vi nhân văn hơn đối với vật nuôi, đồng thời đảm bảo tiếp cận được với các quy định của thế giới khi hội nhập.
Luật cũng quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống để phù hợp với thực tế cuộc sống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.
15. Quy định về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi (chương VI)
- Các quy định liên quan đến mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi đều hướng tới đảm bảo an toàn thực phẩm như các yêu cầu: sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo truy xuất nguồn gốc; không sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi đã quá thời hạn sử dụng hoặc không được phép sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc bị cấm sử dụng; phải ghi thời gian, thời hạn và quy định kỹ thuật trong bảo quản.
- Luật quy định về dự báo thị trường sản phẩm chăn nuôi, theo đó việc dự báo được thực hiện hàng năm và các thông tin dự báo được công bố trên bản tin chuyên ngành, phương tiện thông tin đại chúng.
- Luật cũng quy định trách nhiệm của 02 bộ trong dự báo, dự tính thị trường và nguồn cung sản phẩm chăn nuôi. Theo đó, Bộ Công Thương dự báo về nhu cầu thị trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo về nguồn cung, cập nhật giá và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước theo tuần, thị trường quốc tế theo tháng để doanh nghiệp, người dân cập nhật điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi.
16. Quy định trách nhiệm của UBND các cấp (Điều 80)
Chương VII quy định về quản lý nhà nước về chăn nuôi, trong đó có các quy định mới nổi bật sau:
(1) Khoản 1 Điều 80 quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:
- Xây dựng nội dung chiến lược phát triển chăn nuôi của địa phương;
- Xây dựng và tổ chức vùng chăn nuôi, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi tập trung;
- Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất, bảo đảm nguồn nước và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung;
- Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại chăn nuôi;
- Trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi.
(2) Khoản 2 Điều 80 quy định UBND cấp huyện có trách nhiệm:
- Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất theo thẩm quyền để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi;
- Thống kê, đánh giá và hỗ trợ thiệt hại cho cơ sở chăn nuôi sau thiên tai, dịch bệnh.
c) Khoản 3 Điều 80 quy định UBND cấp xã có trách nhiệm:
- Tổ chức thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi;
- Thống kê cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.
17. Điều khoản chuyển tiếp (Điều 83)
Luật quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp sau:
- Hiệu lực chỉ định các tổ chức chứng nhận, phòng thử nghiệm; hiệu lực giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ trong chăn nuôi cấp trước ngày Luật có hiệu lực được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
- Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật có hiệu lực thuộc khu vực quy định cấm chăn nuôi phải ngừng hoạt động hoặc di dời trong thời hạn 05 năm.
- Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật có hiệu lực thi hành mà không đáp ứng điều kiện phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi trong thời hạn 05 năm.
Những quy định tiến bộ trong Luật Chăn nuôi năm 2018 đã từng bước khắc phục những hạn chế, thiếu sót của Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quản lý, kinh doanh chăn nuôi. Giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động xuất, nhập khẩu giống vật nuôi, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong hoạt động kinh doanh, tiếp cận với các tiêu chuẩn của quốc tế về quản lý, kinh doanh, chăn nuôi gia ngày một phù hợp hơn. Đối với hành vi giết mổ vật nuôi, Luật quy định việc thực hiện các biện pháp nhằm giảm nhẹ đau đớn và không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ là một quy định nhân đạo mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc.
Để những quy định trên đi vào cuộc sống, cần phải có sự tuyên truyền, phổ biến rộng rãi người dân hiểu rõ và thực hiện, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh giết mổ vật nuôi cần phải tiên phong đi đầu./.
Chung Phi Long - Chuyên viên Phòng QLĐT&NCKH