Một số điểm mới Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kể từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chính thức có hiệu lực, với nhiều quy định mới mang tính đột phá, đã góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Các bộ, ngành, địa phương nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của pháp luật, tập trung hơn nguồn lực và thời gian chuẩn bị, nhờ đó chất lượng văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung, trong đó việc cụ thể hóa một số nội dung bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các quy định pháp luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; việc xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành thủ tục hành chính trong VBQPPL…
Ngày 18/6/2020, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Về tổng thể Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 có 54 điều sửa đổi, bồ sung về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, những điểm mới nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
1. Thêm văn bản được coi là văn bản quy phạm pháp luật
Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn bổ sung thêm một số văn bản khác. Cụ thể là:
Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
2. Bổ sung và làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Hiện nay, việc phản biện xã hội và trình tự, thủ tục thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang được thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN. Tuy nhiên, việc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: (1) Quy định rõ thời điểm thực hiện phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; (2) Trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội; (3) Bổ sung trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến phản biện xã hội khi chỉnh lý dự thảo văn bản. Các nội dung khác liên quan đến phản biện xã hội được thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Văn bản có thể bị bãi bỏ bởi văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền
Nếu như khoản 1 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền.
Thì khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã điều chỉnh nội dung này theo hướng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo giá trị cho các văn bản được ban hành:
Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.
4. Mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở cấp huyện, cấp xã
Nếu như Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.
Thì tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:
- Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
- Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.
5. Bổ sung trường hợp ngoại lệ cho phép địa phương được quy định thủ tục hành chính
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định (sửa đổi, bổ sung khỏa 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) những hành vi bị nghiêm cấm:
Quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này.
6. Bổ sung trường hợp văn bản được ban hành theo thủ tục rút gọn
So với hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bổ sung thêm 03 trường hợp văn bản được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Và như vậy, tới đây, sẽ có 05 trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cụ thể:
- Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
- Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
- Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Trên đây là một số điểm nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 hiện hành.
ThS. Chung Phi Long – Phòng QLĐT&NCKH