Một số điểm nổi bật trong Nghị định 115 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
Ngày 25 tháng 9 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định 115). Nghị định 115 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 9 năm 2020. Đồng thời, khi có hiệu lực thi hành, Nghị định 115 sẽ bãi bỏ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; bãi bỏ Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Một số điểm nổi bật của Nghị định 115:
- Thứ nhất, sửa đổi tiêu chí phân loại viên chức
Điều 3 Nghị định 115 nêu 02 tiêu chí phân loại viên chức gồm: Theo chức trách, nhiệm vụ và Theo trình độ đào tạo (trước đây phân loại theo vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp).
- Thứ hai, Bổ sung thêm 1 hạng chức danh nghề nghiệp
Tại Điều 28, căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp, viên chức được xếp thành 05 hạng thay vì 04 hạng như trước đây. (Nghị định 115 đã bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp hạng V bên cạnh 04 chức danh cũ hiện đang áp dụng là chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV.).
- Thứ ba, quy định mới về tuyển dụng viên chức
Nghị định 115 đều giữ nguyên các quy định về tuyển dụng viên chức như: Thực hiện theo 02 hình thức là thi tuyển và xét tuyển; mỗi hình thức lại thực hiện theo 02 vòng. Tuy nhiên, cũng có một số thay đổi quan trọng so với quy định trước đây về việc tuyển dụng viên chức như: Bổ sung quy định thời gian thi thực hành khi thi tuyển viên chức do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển; Bổ sung hình thức thi viết tại vòng 02 của kỳ thi tuyển dụng viên chức (trước đây chỉ có phỏng vấn hoặc thực hành); ...
- Thứ tư, không chuyển viên chức đang tập sự sang đơn vị khác
Một nội dung đáng chú ý được Chính phủ đề cập đến tại Nghị định 115 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức trong thời gian tập sự như sau: "Không bố trí, phân công công tác đối với người được tuyển dụng đang trong thời gian thực hiện chế độ tập sự sang vị trí việc làm khác vị trí được tuyển dụng ở trong cùng đơn vị sự nghiệp công lập hoặc sang đơn vị sự nghiệp công lập khác".
Mục đích chính là để viên chức tập sự có thời gian gắn với vị trí việc làm được tuyển để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm này.
- Thứ năm, quy định về việc không tuyển dụng viên chức tập sự
Theo đó, người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng khi:
- Không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự;
- Có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Quy định này đồng nghĩa với việc, viên chức tập sự chỉ cần có hành vi vi phạm đến mức kỷ luật đã có thể bị chấm dứt hợp đồng làm việc mà không cần phải đến mức bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên như quy định cũ.
Nhìn chung, điều kiện thực hiện tập sự của viên chức đã siết chặt hơn so với quy định trước đây.
- Thứ sáu, quy định 3 trường hợp viên chức không được giải quyết thôi việc
Khoản 4, Điều 57, Nghị định 115 bổ sung quy định không thực hiện chế độ thôi việc khi viên chức thuộc trường hợp: (1)Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị; (2)Viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật; (3)Viên chức thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Viên chức.
- Thứ bảy, viên chức được giải quyết thôi việc trong thời gian ngắn hơn
Nghị định 115 đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thôi việc cho viên chức. Cụ thể, khoản 3, Điều 57, Nghị định 115 quy định các bước viên chức xin thôi việc cụ thể như sau:
Bước 1: Viên chức làm thông báo bằng văn bản gửi đến người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nghỉ việc của viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức.
Nếu không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do vì sao không đồng ý cho viên chức biết.
Theo quy định trên, viên chức xin thôi việc được giải quyết chế độ trong thời gian 05 ngày kể từ ngày người đứng đầu đơn vị sự nghiệp nhận được văn bản đề nghị của viên chức (giảm 15 ngày so với quy định trước đây tại Nghị định số 29 năm 2012).
Trên đây là một số điểm nổi bật trong Nghị định 115 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực kể từ ngày 29/9/2020. Có thể thấy, sự ra đời của Nghị định này đã đồng bộ các quy định về viên chức ở các văn bản pháp luật khác, khiến việc quản lý viên chức dễ dàng hơn cũng như tao điều kiện thuận lợi cho viên chức nắm rõ các quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
ThS. Nguyễn Trần Cảnh - GV khoa Xây dựng Đảng