Một số nội dung cơ bản trong Luật Thanh niên 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16/6/2020
Ngày 16 tháng 6 năm 2020, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 (sau đây gọi tắt là Luật Thanh niên 2020). Luật Thanh niên 2020 bao gồm 7 chương, 41 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
So với Luật Thanh niên năm 2005 thì Luật Thanh niên 2020 tăng 01 Chương và 05 Điều. Cụ thể từng chương như sau:
Chương I, Quy định chung gồm 11 Điều (Từ Điều 1 đến Điều 11) quy định: Thanh niên; Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Hợp tác quốc tế về thanh niên; Tháng Thanh niên; Đối thoại với thanh niên và Áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Chương II, Trách nhiệm của thanh niên gồm 04 điều (Từ Điều 12 đến Điều 15) quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc; đối với Nhà nước và xã hội; đối với gia đình và đối với bản thân.
Chương III, Chính sách Nhà nước đối với thanh niên gồm 11 Điều (Từ Điều 16 đến Điều 26) quy định 11 nhóm chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trong đó có 06 điều (từ Điều 16 đến Điều 21) quy định chính sách theo lĩnh vực gồm: Chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc và 05 điều (từ Điều 22 đến Điều 26) quy định chính sách đối với một số nhóm đối tượng thanh niên, gồm: Chính sách đối với thanh niên xung phong; chính sách đối với thanh niên tình nguyện; chính sách đối với thanh niên có tài năng; chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số và chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Chương IV, Tổ chức thanh niên, gồm 4 điều (Từ Điều 27 đến Điều 30) quy định về tổ chức thanh niên; quy định về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và quy định về chính sách cùa Nhà nước đối với tổ chức thanh niên.
Chương V, Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình gồm 05 điều (Từ Điều 31 đến Điền 35), quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên.
Chương VI, Quản lý nhà nước về thanh niên. Gồm 5 Điều (từ Điều 36 đến Điều 40), quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chương VII, Quy định hiệu lực thi hành, gồm 01 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Một số nội dung mới của Luật Thanh niên 2020:
- Thứ nhất, không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định trách nhiệm của thanh niên: Trong Luật Thanh niên năm 2005 có 01 chương (chương II) quy định 8 quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên. Còn trong Luật Thanh niên 2020 không quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trên các lĩnh vực cơ bản mà quy định thành 01 Điều chung quy định về vai trò, quyền và nghĩa vụ chung của thanh niên (Điều 4). Đồng thời, Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) đã dành 01 Chương (Chương II) quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân thanh niên.
- Thứ hai, Luật Thanh niên 2020 quy định nguồn lực thực hiện chính sách nhà nước đối với thanh niên, quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên: Luật Thanh niên 2020 quy định Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. Đồng thời quy định việc đối thoại với thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thực tiễn nhằm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên thông qua hoạt động đối thoại với thanh niên.
- Thứ ba, về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên: Luật thanh niên 2020 đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng để không chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành. Các chính sách cơ bản về: Học tập và nghiên cứu khoa học; về lao động, việc làm; về khởi nghiệp; về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, thể dục, thể thao, về bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời quy định chính sách đối với một số nhóm thanh niên cụ thể, như: Chính sách hỗ trợ thanh niên tài năng, thanh niên khởi nghiệp; thanh niên từ đủ mười sáu tuối đến dưới mười tám tuổi, thanh niên dân tộc thiểu số.
- Thứ tư, quy định cụ thể về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sỏe giáo dục, gia đình đối với thanh niên.
- Thứ năm, quy định cụ thể về cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên.
Trên đây là một số nội dung cơ bản trong Luật Thanh niên 2020 đã được ban hành ngày 16 tháng 06 năm 2020. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên, nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên./.
ThS. Trần Cảnh - GV khoa Xây dựng Đảng