Một số quy định mới được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01 tháng 7 năm 2020
Ngày 25 tháng 11 năm 2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Luật số: 52/2019/QH14). Luật số: 52/2019/QH14 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực một số quy định mới được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Sau đây là một số quy định mới:
1. Thêm 2 trường hợp công chức được tuyển dụng không cần qua thi tuyển
Cụ thể, theo khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Như vậy, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 sẽ có thêm 2 trường hợp công chức được tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển là: những người học theo chế độ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
2. Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12, từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp sau:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trước đây, theo quy định của Luật viên chức 2010 (Điều 25, Luật viên chức 2010) thì sau khi viên chức đã thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn và tiếp tục ký hợp đồng sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn (thường gọi là biên chế suốt đời).
3. Kéo dài thời hạn tối đa của hợp đồng làm việc xác định thời hạn với viên chức lên 60 tháng
Theo quy định hiện hành tại Luật viên chức 2010 thì Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng (khoản 1 Điều 25 Luật Viên chức 2010).
Theo khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 “Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này”.
Như vậy, Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, Hợp đồng làm việc xác định thời hạn có là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
4. Thêm trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức 2010 Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
- Viên chức có 02 năm liên tiếp bị có thể được xét tuyển vào công chức ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
- Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 của Luật này;
- Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
- Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Tại khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 đã bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, là: "Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự".
Như vậy, từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 sẽ có 6 trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc, bao gồm 05 trường hợp khoản 1 Điều 29 Luật viên chức 2010 và 01 trường hợp trên (Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự) theo khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, viên chức năm 2019.
5. Không tính thời hiệu kỷ luật với cán bộ, công chức trong một số trường hợp
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 80 Luật cán bộ, công chức 2008 thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được xác định là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm, nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 đã tăng thời hiệu này lên mức tối đa là 60 tháng (khoản 4 Điều 1), kể từ thời điểm có hành vi phạm.
Cũng theo khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 sẽ không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức có một trong những hành vi vi phạm sau đây:
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Như vậy, cán bộ, công chức sẽ không được áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật và bị xem xét xử lý kỷ luật vào bất cứ thời điểm nào nếu bị phát hiện là có một trong các hành vi vi phạm nêu trên.
6. Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc có thể được xét tuyển vào công chức
Theo khoản 2 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 chỉ người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
Theo khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây:
- Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Như vậy, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng có thể được xét tuyển vào công chức
Trên đây là một số điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 sẽ áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Hy vọng rằng với các quy định hợp lý, phù hợp trên của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 sẽ giúp các cơ quan quản lý cán bộ, công chức và viên chức quản lý, sử dụng tốt hơn đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, đồng thời, cũng giúp đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà Luật quy định./.
ThS. Trịnh Duy Biên – Phó Trưởng phòng TC, HC, TT, TL