Một vài suy nghĩ về yêu cầu của người giảng viên Trường Chính trị
Trường Chính trị với nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Chính quyền, Đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương) về lý luận chính trị, hành chính nhà nước và một số lĩnh vực khác. Để thực hiện được sứ mệnh cao cả trên rất cần đến một đội ngũ cán bộ giảng dạy, đội ngũ đó chính là những giảng viên của trường Chính trị.
Giảng viên trường Chính trị là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của tỉnh. Sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ này góp phần quan trọng xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Thiết thực nhất, cụ thể nhất là việc đào tạo, cán bộ công chức cấp cơ sở; cán bộ, công chức lãnh đạo cấp phòng thuộc huyện hoặc sở, ngành. Sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Do đó sự ảnh hưởng, tác động đến xã hội, đến đời sống nhân dân vô cùng to lớn. Bác Hồ đã từng căn dặn “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Vinh dự, tự hào được làm “công việc gốc của Đảng”, nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề, đòi hỏi đội ngũ giảng viên trường Chính trị phải có những yêu cầu nhất định để xứng đáng và hoàn thành nhiệm vụ cao cả trên. Tôi xin chia sẻ một số cảm nghĩ của mình về những yêu cầu cần có đối với một người giảng viên trường Chính Trị như sau:
Thứ nhất, người giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên ngành, tổng thể kiến thức về chương trình đào tạo, kết hợp lý luận với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh lượng kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, về khoa học bổ trợ thì người giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên ngành, kiến thức môn khoa học mà mình đảm nhận - đâylà điều kiện cơ bản nhất để người giảng viên thực hiện thành công chức năng giáo dục của mình. Không gì nguy hiểm hơn là giảng dạy sai, việc này còn tai hại hơn là không giảng dạy, bởi lẽ đối tượng người họccủa trường Chính trị là cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành của tỉnh và cán bộ chủ chốt ở cơ sở - vị trí của họ là cái gốc của mọi công việc, ngay cái gốc mà siêu vẹo thì có nghĩa là công việc sẽ sai ngay từ cái cốt lõi. Chính vì vậy giảng dạy sai có thể ảnh hưởng cho thế hệ hôm nay, thậm chí là cả thế hệ mai sau và làm giảm đi uy tín của người giảng viên, của nhà trường.
Với quan niệm “người học là trung tâm của hệ thống giáo dục” đã làm vai trò của người giảng viên có nhiều thay đổi căn bản. Người giảng viên phải chuyển từ vai trò của người đơn thuần truyền thụ kiến thức sang vai trò của người hướng dẫn, hỗ trợ và cố vấn. Muốn thực hiện tốt vai trò đó, người giảng viên phải tự phấn đấu, nỗ lực không ngừng, phải thấu hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận, luôn tìm tòi sáng tạo… Bác Hồ đã chỉ rõ: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”.
Kiến thức chuyên ngành và tình hình thực tiễn là hai yếu tố đảm bảo một bài giảng có sức thuyết phục và thành công. Bởi trên thực tế nếu chỉ nắm chắc về lý luận mà không có sự kết hợp sinh động với thực tiễn thì bài giảng trở nên hàn lâm, không có sức thuyết phục, gây nhàm chán... Đối tượng học viên của trường Chính trị là cán bộ đi học, họ đều là những người có nhiều kinh nghiệm tích lũy trong thực tiễn công tác và bản thân họ cũng cần được trao đổi, bổ sung kiến thức về thực tiễn để họ hoàn thiện hơn trong công tác của mình. Do đó, đòi hỏi giảng viên khi giảng phải gắn lý luận với thực tiễn, cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương, của các đối tượng học viên. Sự liên hệ này tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi giảng viên, có thể giảng viên cung cấp tình hình thực tiễn, có thể giảng viên gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận vì kiến thức thực tiễn của học viên vô cùng phong phú.
Ngoài ra, giảng viên còn cần phải nắm được kiến thức về chương trình đào tạo để đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học. Việc nắm tổng thể kiến thức về chương trình đào tạo sẽ giúp giảng viên thấy được vị trí của môn khoa học mình đảm nhậntrong bức tranh tổng thể, nó cung cấp thông tin về vai trò, sự tương tác giữa một chuyên ngành với các chuyên ngành khác trong cùng một lĩnh vực, kể cả giữa các chuyên ngành trong các lĩnh vực khác nhau nhằm bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong từng bài giảng.
Thứ hai, Giảng viên trường chính trị khi giảng dạy phải bảo đảm tính đảng, tính khoa học trong giảng dạy các môn lý luận.
Tính đảng là một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận đòi hỏi người giảng dạy phải tuân theo, vì nó là vũ khí để đấu tranh tư tưởng, chính trị. Người giảng viên trường Chính trị khi giảng dạy,nghiên cứu phải đứng trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, đứng trên lập trường lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; phục tùng tổ chức và giữ vững nguyên tắc phát ngôn của Đảng. Tôn trọng khách quan của lịch sử, sự thật lịch sử và phải trung thành với lịch sử.
Tính khoa học yêu cầu giảng viên phải sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, năng lực tư duy khoa học, thái độ vô tư, công bằng trong đánh giá và phải có trách nhiệm trước lịch sử, trước sự tiến bộ của khoa học: bảo vệ chân, thiện, mỹ. Đấu tranh phê phán, loại bỏ những quan điểm phản động, xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch.
Trong mối quan hệ giữa tính đảng và tính khoa học thì tính đảng phải đặt lên hàng đầu, vì tính đảng phục vụ cho sự nghiệp chính trị.
Thứ ba, người giảng viên phải có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng
Phẩm chất, đạo đức là yêu cầu quan trọng đối với nghề giáo mà bất cứ người giáo viên giảng dạy nào đều phải có. Đối với giảng viên Trường Chính trị thì yếu tố này càng trở lên quan trọng, bởi lẽ đối tượng giảng dạy của họ chính là những cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, để có thể đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học viên thì giảng viên cần phải là một người có “phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng”.
Phẩm chất chính trị của người giảng viên đó chính là: có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không hoang mang dao động về chính trị tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của đất nước; tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước.Phẩm chất chính trị đúng đắn sẽ là cái gốc cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục được giao trong bất kỳ tình huống khó khăn nào.
Người giảng viên bên cạnh phẩm chất chính trị còn phải có đạo đức cách mạng trong sáng, đó là: sự say mê với công việc giảng dạy, nghiên cứu; trung thành với khoa học; lao động sáng tạo cho sự nghiệp giáo dục của Đảng; lấy tự phê bình và phê bình để phát huy ngày càng cao những ưu điểm và sửa chữa những khuyết điểm; khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị, là sự tôn trọng, quý mến học viên của mình, là đức tính cần kiệm, liêm,chính, chí công vô tư như chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Trường Chính trị là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng, của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, người giảng viên Trường Chính trị bên cạnh giỏi về chuyên môn, đòi hỏi cần phải có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, để khi tiến hành công việc giảng dạy, sản phẩm đào tạo sẽ là những người học viên, cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Thứ tư, Người giảng viên phải tâm huyết với ngành, với nghề
Người giảng viên có tâm huyết sẽ biết lượm nhặt, chắt chiu kiến thức, sàng lọc cô kết lại, để rồi với từng lớp, từng đối tượng học viên mà truyền đạt, diễn giải cho vừa, cho đủ, bằng những phương pháp thích hợp. Một bài giảng có kết cấu hợp lý, đầy đủ nội dung, phương pháp phong phú… Song thiếu đi một chút nhiệt tình, tâm huyết sẽ giảm đi tính sâu sắc, sự lantỏa. Người học viên đến trường cái họ cần là kiến thức nhưng họ cũng muốn ở người giảng viên một sự nhiệt tình trong bài giảng, một tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường, đó là tấm lòng yêu ngành, yêu nghề, yêu người.
Thứ năm, người giảng viên phải có kỹ năng sư phạm
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục thì người giảng viên cũng cần có “kỹ năng sư phạm”. Kỹ năng sư phạm của người giảng viên có được một phần là do bẩm sinh, nhưng chủ yếu là do sự khổ công rèn luyện để ngày càng hoàn thiện hơn. Để rèn luyện kĩ năng sư phạm, tôi thiết nghĩ bản thân mỗi giảng viên cần phải làm tốt các công việc như sau: trước khi giảng, người giảng viên cần tự đặt bản thân mình vào vị trí của học viên để xem rằng học viên có thể hiểu, hứng thú với những kiến thức mà mình truyền đạt hay không?, ngoài ra, giảng viên cần tập giảng thật lưu loát để truyền cảm hứng những vấn đề mà mình có ý định trình bày tới học viên. Để bài giảng trở nên sinh động, thu hút học viên, người giảng viên nên sử dụng một cách linh hoạt ngôn ngữ hình thể như: mắt, tay, chân, kết hợp với lời nói, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học phát huy tính tích cực;sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật (bao gồm: các phần mềm ứng dụng vi tính văn phòng, radio, ghi âm, video, máy chiếu... ) trong giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên – đây cũng là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với giảng viên lý luận chính trị. Các phương tiện đó nhằm bổ sung và làm phong phú thêm những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên, làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Đồng thời để kỹ năng sư phạm của mình ngày càng hoàn thiện hơn, người giảng viên cũng cần tham gia thường xuyên các buổi dự giờ của các giảng viên khác trong trường, các giáo viên trường mời thỉnh giảng để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm…
Cuối cùng, xin mượn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thay cho lời kết: “Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hoá…”.Điều này khẳng định vai trò quan trọng của người giáo viên nói chung và người giảng viên Trường Chính trị nói riêng. Vậy nên, giảng viên Trường Chính trị để đáp ứng sự nghiệp cao cả đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì người giảng viên phải vững kiến thức về chuyên môn, có lập trường chính trị vững vàng, có tâm huyết với nghề, có kỹ năng sư phạm… đồng thời người giảng viên phải thật sự là tấm gương mẫu mực và có tinh thần trách nhiệm cao./.
Phạm Thị Quý
Khoa Lý luận Mác - Lênin, TT HCM
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996, tập 9, tr. 489.