Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Đặt vấn đề
Bàn về vấn đề văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định sức mạnh đặc biệt của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vị trí, vai trò của văn hóa được Người khẳng định: Trong sự nghiệp kiến thiết đất nước có bốn lĩnh vực cần được coi trọng ngang nhau là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Nắm bắt được tinh thần của thời đại và sự phát triển kinh tế đất nước, Đại hội Đại biểu lần thứ XI của Đảng yêu cầu: “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”; đồng thời đưa ra quan điểm; Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước nói chung và với Bình Dương nói riêng, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng ngành văn hóa đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả và phát triển. Để có thực thể thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng xây dựng mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống... Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Thực tế hoạt động văn hóa ở các cấp đã cho thấy, dù điều kiện cơ sở vật chất có tốt, nhưng tác dụng và hiệu quả của hoạt động văn hóa lại phụ thuộc vào sự điều hành và tổ chức nội dung hoạt động của cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, điều này thể hiện vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ này. Do đó, lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa các cấp cần phải được củng cố, hoàn thiện để có thể hoàn thành nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh
- Cấp tỉnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, bên cạnh thành phần lãnh đạo các sở, lực lượng tham gia công tác xây dựng và quản lý hoạt động văn hóa cơ sở hiện nay được cơ cấu biên chế thuộc các phòng chức năng của sở gồm các phòng: Nghiệp vụ văn hóa, Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Quản lý Di sản văn hóa... Tương ứng với cơ cấu, chức năng nhiệm vụ, số lượng cán bộ nghiệp vụ của các phòng chuyên môn nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc. Cụ thể: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (tính đến tháng 5/2019) có 194 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác.
- Cấp huyện: Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, thị xã, thành phố (09 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh) có tổng cộng 81 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác.
- Cấp xã: Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao xã, phường, thị trấn; công chức phụ trách Văn hóa - Xã hội của xã: tổng cộng có 158 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác.
Ngoài ra còn có một số đội tuyên truyền thông tin lưu động các cấp, tuy nhiên đội ngũ này chủ yếu là những người làm trong các đơn vị phụ trách mảng văn hóa thực hiện kiêm nhiệm.
Yêu cầu và thực trạng về đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa hiện nay
- Yêu cầu về trình độ chuyên môn: Để tương ứng với cơ cấu bộ máy hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu cơ bản đáp ứng trình độ chuyên môn, đòi hỏi phải có số lượng cán bộ tương ứng được đào tạo cơ bản, đạt yêu cầu chuẩn hóa cán bộ. Cán bộ nghiệp vụ văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp quận/huyện, Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, cấp quận/huyện phải có trình độ từ Đại học; Công chức văn hóa - xã hội cấp xã phải đạt trình độ từ Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch trở lên.
- Yêu cầu về chất lượng cán bộ: Cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác văn hóa phải có phẩm chất đạo đức, bảo đảm những tiêu chí về số lượng và trình độ chuyên môn đòi hỏi cán bộ văn hóa phải có năng lực thực tiễn, vì hoạt động đời sống văn hóa ở các cấp khá đa dạng, nhạy cảm nên cán bộ phải thẩm thấu và am hiểu về nếp sống, lối sống của từng cộng đồng dân cư cũng như từng tôn giáo mới tham mưu giải quyết được những vấn đề luôn phát sinh trong đời sống thực tiễn.
Cụ thể, thống kê về đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh như sau:
Cấp tỉnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (tính đến tháng 5/2019) có 194 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: Trình độ chuyên môn: Sau đại học: 14 người (chiếm 7,2%); đại học: 158 người (chiếm 81,4%); cao đẳng và trung cấp: 22 người (chiếm 11,3%); Lý luận chính trị: Cử nhân và cao cấp 13 người (chiếm 6,7%); Trung cấp 42 người ( chiếm 21,6%).
Cấp huyện: Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, thị xã, thành phố: có 81 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: Trình độ chuyên môn: Sau đại học: 9 người (chiếm 11,1%); đại học: 29 người (chiếm 35,8%); cao đẳng và trung cấp: 43 người (chiếm 53%); Lý luận chính trị: Cử nhân và cao cấp 23 người (chiếm 28,3%); Trung cấp 42 người ( chiếm 51,8%).
Cấp xã: Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Thể thao xã, phường, thị trấn: có 158 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: Trình độ chuyên môn: Sau đại học: không có; đại học: 19 người (chiếm 12%); cao đẳng và trung cấp: 79 người (chiếm 50%); Lý luận chính trị: Cử nhân và cao cấp 9 người (chiếm 5,6%); Trung cấp 37 người (chiếm 23,4%).
Từ những số liệu trên có thể thấy đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đáp ứng khá đầy đủ những yêu cầu về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Điều này sẽ tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển ngành văn hóa của tỉnh đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Thực tiễn thời gian qua thể hiện rõ, ngành văn hóa đã có được những thành tựu vượt bậc bắt nguồn từ những cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống văn hóa của tỉnh theo xu hướng tích cực và tiến bộ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác đào tạo cán bộ văn hóa của tỉnh còn nhiều bất cập, năng lực của một bộ phận cán bộ văn hóa còn hạn chế, chưa cập với yêu cầu nhiệm vụ công tác là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của văn hóa chưa đồng bộ, văn hóa phát triển chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh, chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Cụ thể một số điểm hạn chế, bất cập như:
- Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ làm công tác văn hóa của tỉnh thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Công tác quy hoạch nguồn cán bộ cũng như đội ngũ kế thừa để định hướng đào tạo, bồi dưỡng lâu đài còn chậm.
- Chế độ chính sách cho những người làm công tác văn hóa thuộc các khu vực đặc biệt như khu vực đông công nhân, khu vực vùng kinh tế còn khó khăn còn hạn chế, chưa tạo ra hiệu quả cao, động lực kích thích sự phát triển và xây dựng văn hóa ở những khu vực này. Nhiều cán bộ văn hóa không thể gắn bó lâu dài trong ngành vì chế độ chính sách không đủ trang trải nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.
- Trình độ chuyên môn của những người làm công tác văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Văn hóa là một ngành đa lĩnh vực, chứa đựng cả những yếu tố vật thể và phi vật thể, mang tính đặc thù cao, nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ văn hóa chưa đủ năng lực, thế mạnh để giải quyết những hiện tượng văn hóa mới, những vấn đề nảy sinh có tính phức tạp trong hoạt động văn hóa ở cơ sở.
- Kinh phí đầu tư cho văn hóa mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chính điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, ảnh hưởng đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa, công tác quản lý văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh.
- Cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là công chức văn hóa - xã hội của cấp xã còn hạn chế về chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa. Phần lớn những cán bộ này có trình độ chuyên môn thuộc các ngành khác, khi được giao nhiệm vụ phụ trách công tác văn hóa thì được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, do đó chất lượng chuyên môn còn hạn chế, chưa có phương pháp tổ chức hoạt động phù hợp, nên thường bị động, chưa bảo đảm được yêu cầu công tác trong điều kiện xã hội và trình độ dân trí ngày càng cao.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp hiện nay:
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên thành công của tỉnh trong lĩnh vực văn hóa. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này về mọi mặt. Trên cơ sở thực tiễn tỉnh Bình Dương, chúng ta có thể tham khảo một số giải pháp cơ bản như sau:
- Thứ nhất, chủ động trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ làm công tác văn hóa, xây dựng đội ngũ kế thừa (bao gồm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và đội ngũ văn nghệ sĩ) đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, những cán bộ làm công tác văn hóa các cấp cần được đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh, phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, khu vực.
- Thứ hai, quan tâm xây dựng các trường văn hóa, nghệ thuật, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô đào tạo. Hình thành một số cơ sở đào tạo đại học, trên đại học trọng điểm, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Có thể gửi sinh viên, cán bộ của tỉnh đi đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao ở các tỉnh thành khác hoặc các nước phát triển. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy các chuyên ngành văn hóa.
- Thứ ba, đổi mới chương trình đào tạo liên quan đến hoạt động văn hóa cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đối với những đơn vị đào tạo chuyên ngành văn hóa trên địa bàn tỉnh, cần kịp thời bổ sung khung chương trình đào tạo những kiến thức thực tế về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở như kiến thức về xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa, quản lý các hoạt động văn hóa truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, về công tác gia đình trong giai đoạn hiện nay.
- Thứ tư, xây dựng chính sách đãi ngộ thích hợp cho cán bộ văn hóa các cấp, đặc biệt những người hoạt động trong các khu vực đặc thù. Có chính sách thu hút người có trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa, học sinh, sinh viên về công tác tại địa phương. Chính sách khen thưởng, tôn vinh những cán bộ làm công tác văn hóa… Những chính sách này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành văn hóa cũng như giữ chân lâu dài những người này công tác trong ngành.
- Thứ năm, mỗi cán bộ làm công tác văn hóa cũng không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Thường xuyên nắm bắt kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động văn hóa cơ sở, nắm bắt kịp thời những diễn biến trong đời sống của nhân dân tại địa phương mình để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.
Trên đây là một số ý kiến xoay quanh vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hi vọng rằng, với một số giải pháp cơ bản được đưa ra sẽ góp một phần nhỏ trong việc xây dựng và phát triển ngành văn hóa của tỉnh ngày càng đi lên, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước hiện nay./.
ThS. Trần Cảnh - Phòng NCKH-TT-TL