Ngày 21/4 là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Ngày 21/11/2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14 thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000. Luật thư viện bao gồm 6 chương 52 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
Theo đó, tại Điều 30 về việc phát triển văn hóa đọc có quy định: chọn ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đồng thời, việc phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động sau đây:
- Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước;
- Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông;
- Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện;
- Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện từ; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
Bên cạnh đó, Luật Thư viện cũng có một điểm nổi bật sau đây:
* Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện. Theo đó, không chỉ dừng lại ở các tổ chức của Việt Nam mà mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cứ đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng đủ các điều kiện:
- Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;
- Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện;
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện;
- Người làm công tác thư viện có chuyên môn phù hợp với hoạt động của thư viện;
- Người đại diện theo pháp luật của thư viện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
* Bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập. Theo đó, từ ngày 01/7/2020, thư viện được tổ chức theo 02 mô hình: Thư viện công lập và Thư viện ngoài công lập. Đồng thời Luật cũng quy định rõ:
- Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản;
- Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhận nước ngoài, công đồng dân cư đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.
Cụ thể, thư viện gồm các loại sau đây:
1- Thư viện Quốc gia Việt Nam;
2- Thư viện công cộng;
3- Thư viện chuyên ngành;
4- Thư viện lực lượng vũ trang;
5- Thư viện cơ sở giáo dục đại học (thư viện đại học);
6- Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác;
7- Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng;
8- Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.
* Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số. Thư viện số là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng truy cập và khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện.
- Việc phát triển tài nguyên thông tin số được dựa trên cơ sở thu thập tài liệu số hoặc số hóa tài liệu của thư viện. Người sử dụng được cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin số và các dạng khác.
* Định kỳ hàng năm đánh giá hoạt động thư viện. Theo đó, việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với tất cả các loại thư viện nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện và nâng cao hoạt động thư viện. Khi thực hiện đánh giá hoạt động thư viện phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Khách quan, chính xác, đúng quy định;
- Trung thực, công khai, minh bạch, bình đẳng;
- Theo định kỳ hàng năm.
* Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thư viện:
1. Lợi dụng hoạt động thư viện để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín; lôi kéo người sử dụng thư viện vào tệ nạn xã hội.
2. Cung cấp tài nguyên thông tin thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Hạn chế quyền tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin của người sử dụng thư viện trái với quy định của pháp luật.
4. Cung cấp thông tin về người sử dụng thư viện, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Chiếm dụng, đánh tráo, hủy hoại, làm hư hỏng tài nguyên thông tin.
6. Xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin thư viện, cơ sở dữ liệu thư viện; làm sai lệch, gián đoạn hoặc phá hoại hệ thống thông tin thư viện, cơ sở dữ liệu thư viện.
Trên đây là một số quy định theo Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua. Các tổ chức, đơn vị đã và đang có ý định thành lập thư viện cần nắm rõ những quy định mới này để thực hiện cho đúng./.
ThS. Trần Cảnh - GV khoa Xây dựng Đảng