Nghiên cứu và trao đổi: Bàn về tiêu chí "chợ" trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng ta mang tính chiến lược, lâu dài nhằm mục tiêu đảm bảo xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Trong bộ tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí số 7 quy định về chợ là một trong những tiêu chí mà nhiều địa phương khẳng định khó thực hiện được. Mặc dù, theo quyết định 342/QĐ-TTg ngày 20-2-2013 của Thủ tướng chính phủ về sửa đổi 5 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó chợ nông thôn được sửa lại là “chợ theo quy hoạch và đạt chuẩn theo quy định” chứ không phải “đạt chuẩn của Bộ Xây dựng” như tiêu chí cũ và không nhất thiết mỗi xã phải có 1 chợ để phục vụ người dân. Đồng thời, đối với các xã chưa có chợ do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng chợ và trong quy hoạch chưa có chợ sẽ không xem xét tiêu chí số 7. Như vậy, đây là một sự linh hoạt giúp các địa phương có thể điều chỉnh để quy hoạch, xây dựng chợ theo đặc thù vùng miền, đảm bảo tính bền vững của tiêu chí, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
![](/ImageUpload/image/Khoa%20hoc%20TT%20TL/Cho%20nong%20thon%20moi.jpg)
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Báo Bình Dương)
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tiêu chí chợ nông thôn cũng còn không ít việc phải làm, phải bàn nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả và ý nghĩa thực tiễn của nó với sự phát triển chung của mỗi địa phương.
Một là: những vấn đề đặt ra khi thực hiện tiêu chí
Thứ nhất, để đạt được tiêu chí số 7, chợ nông thôn phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng, gồm: nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác, diện tích xây dựng chợ tối thiểu phải từ 2000 đến 3.000 m2...vẫn là những yêu cầu khó đối với rất nhiều vùng nông thôn hiện nay khi mà quỹ đất không nhiều, nguồn vốn ít.
Thứ hai, sự điều chỉnh này lại dẫn đến nhận thức không đầy đủ của một số địa phương. Có cán bộ ở một số địa phương cho rằng nông thôn mới không cần chợ nếu không đủ điều kiện thực hiện. Có nơi cán bộ còn chủ quan tự cho rằng địa phương mình không cần có chợ vì ngày nay các dịch vụ phát triển, người dân muốn mua, bán gì không cần đến chợ. Từ nhận đó họ đã bỏ qua việc xây dựng chợ cả ở những nơi cần thiết, kìm hãm giao thương hàng hóa và hạn chế các nhu cầu trao đổi, mua sắm của nhân dân. Thực tế, chính quyền nói không cần chợ nhưng người dân cần và chợ tự phát hình thành dẫn đến nhiều hệ lụy như an toàn giao thông, môi trường…
Hai là: định hướng nhận thức về nhu cầu chợ nông thôn
Thứ nhất, trong thực tế, tại nhiều xã, nhu cầu được đầu tư xây dựng chợ rất lớn để đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân. Kinh tế thị trường tuy dịch vụ phát triển nhưng cũng không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân nông thôn. Vì ở nông thôn không phải gia đình nào cũng phát triển kinh tế quy mô lớn mà ngay cả quy mô lớn cũng có nhu cầu bán hàng hóa nhỏ lẻ và nhu cầu đa dạng, chất lượng về hàng hóa tiêu dùng như lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thông thường khác.
Thứ hai, chợ nông thôn thường được gọi là chợ quê, không chỉ là nơi trao đổi buôn bán mà còn là điểm gặp gỡ giao lưu của những người dân mà ngày thường họ khó thể gặp gỡ. Đến chợ quê, người ta sẽ thấy những nụ cười tươi rói, ánh mắt và tiếng cười nói râm ran không chỉ là của người mua, người bán mà còn là của những người bạn, người quen, họ hàng sau nhiều ngày không gặp.
Chợ quê đến nay vẫn còn mang đậm dấu ấn chợ truyền thống. Ở đó có những sản vật của mỗi vùng quê mà người dân sản xuất được, nó thường không mang giá trị thương mại mà chính là chứa đựng giá trị văn hóa. Không đơn thuần chỉ là mua sắm, trao đổi hàng hóa, đến với chợ nông thôn người ta còn được thưởng thức rượu ngon, những món ăn dân dã nhưng đậm hương vị quê hương. Chợ quê là nơi những người con xa xứ khi trở về vẫn muốn đến để tìm về ký ức tuổi thơ, Bởi vì, ở nông thôn, đứa trẻ nào cũng từng được mẹ dắt đi chợ và luôn trở về với một món ăn hay quà nào đó.Chợ quê, ở đó người ta luôn thấy nụ cười thường trực trên môi và tiếng chào mời đon đả của những người bán hàng mà ít thấy ở các siêu thị hiện đại nơi thành phố. Và do đó, chợ quê chính là bản sắc văn hóa và là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa.
Ba là: đề xuất biện pháp thực hiện tiêu chí
Thứ nhất, vẫn duy trì tiêu chí chợ nông thôn nhưng điều chỉnh cả điều kiện và cách đánh giá đối với tiêu chí này. Đó là quy định về diện tích chợ không là quy định bắt buộc đối với tất cả các xã nhưng nên khuyến khích phải có chợ nông thôn. Như vậy các địa phương có chợ truyền thống cần được đầu tư hoàn thiện với quy mô phù hợp, các xã chưa có chợ chính quyền nên thăm dò ý kiến người dân để quyết định không được chủ quan duy ý chí.
Thứ 2, để thực hiện được, trước hết phải nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở về mục đích chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và tiêu chí “chợ” nói riêng. Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình.
Suy cho đến cùng thì nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn chính là mục tiêu quan trọng nhất của xây dựng nông thôn mới.
ThS. Phan Văn Bằng
Giảng viên khoa Lý luận Mác - Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh