Phấn đấu để trở thành người giảng viên dạy tốt các môn lý luận Mác-Lenin. tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1).
Muốn huấn luyện cán bộ tốt trước hết phải có những người giảng viên dạy tốt. Bác Hồ đã chỉ rõ: “không phải ai cũng làm huấn luyện được”(2). Người còn nói cụ thể hơn về người huấn luyện như sau: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình…Người huấn luyện nào tự cho là mình biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”(3). Từ những lời dạy trên đây của Bác Hồ ta có thể thấy để trở thành người giảng viên dạy tốt các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương chính sách của Đảng trong các trường chính trị thì phải luôn luôn phấn đấu, trau dồi, rèn luyện, nâng cao không ngừng các mặt sau đây: phẩm chất chính trị; đạo đức cách mạng; kiến thức khoa học; phẩm chất nhà giáo; kỹ năng sư phạm.
Phẩm chất chính trị đòi hỏi phải có ở tất cả những giáo viên ở nước ta hiện nay, dù người đó giảng dạy ở lĩnh vực khoa học nào cũng đều phải giữ vững lập trường giai cấp vô sản, nói cách khác là có phẩm chất chính trị của giai cấp vô sản. Người giảng viên dưới mái trường XHCN không thể có thứ phẩm chất chính trị một cách chung chung, ngoài giai cấp, một kiểu chiết trung vô nghĩa. Đặc biệt, đối với những người giảng viên dạy các môn khoa học chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những người tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong hệ thống các trường chính trị thì đòi hỏi họ phải luôn là một người chiến sĩ cộng sản rất mực trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Đảng.
Phẩm chất chính trị của người giảng viên ở đây còn được biểu hiện ở chỗ truyền đạt trung thực, chính xác lý luận khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng cho người học; cung cấp cho người học một phương pháp nhận thức chân lý khoa học, để họ có thể vận dụng sáng tạo lý luận vào đời sống thực tiễn một cách hiệu quả nhất.
Phẩm chất chính trị của người giảng viên trong các trường chính trị còn thể hiện ở sự nhạy cảm về tình hình chính trị, sắc sảo trong phân tích khoa học, đánh giá đúng bản chất những hiện tượng chính trị - xã hội mới xuất hiện của đời sống hàng ngày ở trong và ngoài nước, từ đó có định hướng cho bản thân mình trong cuộc đấu tranh gay go và phức tạp chống kẻ thù trên mặt trận tư tưởng hiện nay. Trong giảng dạy phải kết hợp nhuần nhuyễn lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tình hình chính trị- xã hội sinh động ở trong nước và trên thế giới. Phẩm chất chính trị dựa trên lập trường giai cấp công nhân của mỗi người giảng viên trong trường chính trị là cái gốc cơ bản để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ tình huống khó khăn nào.
Đạo đức cách mạng là một trong những tiêu chuẩn đòi hỏi mỗi người giảng viên trong trường chính trị phải không ngừng nâng cao để trở thành người giảng viên tốt. Đạo đức cách mạng, như Bác Hồ đã dạy: đó là sự quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng. Đây là điểm chủ chốt nhất trong đạo đức cách mạng của bất kỳ người cán bộ nào.
Đối với người giảng dạy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đạo đức cách mạng phải được thể hiện trên lĩnh vực giáo dục hàng ngày. Đạo đức cách mạng của người giảng viên không phải là cái gì xa lạ, đó chính là niềm say mê nghề nghiệp- say mê giảng dạy, nghiên cứu; là sự trung thành với khoa học, là lao động không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục của Đảng; là lấy tự phê bình và phê bình để phát huy ngày càng cao những ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ không ngừng; là khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị nhưng thể hiện đầy đủ phong cách mô phạm của một nhà giáo; là sự tôn trọng, quý mến học viên.
Đạo đức cách mạng của người giảng viên phải thể hiện đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư như Bác Hồ đã dạy. Đạo đức cách mạng đứng trên lập trường giai cấp công nhân, là một trong những điều kiện tiên quyết để người giảng viên ở trường chính trị trở thành người giảng dạy tốt. Cùng với đạo đức cách mạng, kiến thức khoa học sâu rộng, nhuần nhuyễn được xem là nhân tố cơ bản nhất để người giảng viên thực hiện tốt chức năng giáo dục của mình. Đối với người giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiến thức khoa học được đòi hỏi về 2 mặt: Thứ nhất, phải có kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, khoa học bổ trợ; Thứ hai, phải đạt trình độ cao, sâu về kiến thức môn khoa học do mình đảm nhiệm giảng dạy. Người thầy nhất thiết phải cao hơn người học “một cái đầu” trở lên. Không có thầy giỏi không thể có trò giỏi. Thầy không giỏi thì chất lượng giảng dạy nhất định bị hạn chế, nhiều khi thầy dốt còn dẫn đến tình trạng giảng dạy sai. Không có gì nguy hiểm hơn là sự giáo dục lý luận sai. Giáo dục sai còn nguy hại hơn là cả là không giáo dục. Bác Hồ đã chỉ rõ: “một sự ngu dốt này làm phát sinh một sự ngu dốt khác”(4). Muốn trở thành người giảng viên giảng dạy tốt không được coi thường lý luận khoa học, nhất là môn khoa học do mình đảm nhiệm giảng dạy. Không nên nghĩ rằng chỉ cần có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt là có thể trở thành người giảng viên tốt, đặc biệt là đối với các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng. Suy nghĩ như vậy là không hiểu gì khoa học về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là mắc sai lầm tầm thường hóa lý luận chính trị.
Trong thực tiễn những năm qua, cũng có lúc việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ giảng dạy trong hệ thống các trường chính trịmà ít quan tâm đến việc xem xét họ đã đủ tiêu chuẩn về kiến thức khoa học chưa, mà chỉ chú ý đến xem xét phẩm chất đạo đức của họ. Đành rằng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng là cái gốc, nhưng nếu chỉ nhấn mạnh đạo đức mà xem nhẹ kiến thức khoa học thì chúng ta sẽ không tuyển được những giảng viên có khả năng giảng dạy tốt và bản thân những người có tuyển chọn theo kiểu đó cũng khó có thể phấn đấu để trở thành người giảng dạy tốt được.
Những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta từ bài học thực tiễn đã quan tâm đúng mức đến việc kết hợp tuyển chọn những người đã vừa có phẩm chất đạo đức tốt vừa có kiến thức khoa học với việc đào tạo cơ bản và thường xuyên bồi dưỡng để không ngừng nâng cao kiến thức khoa học cho người giảng viên - tạo cho họ tiền đề quan trọng để phấn đấu trở thành người giảng viên dạy tốt trong trường chính trị. Bác Hồ đã dạy: “Học mãi để tiến bộ mãi”(5).
Để trở thành giảng viên dạy tốt còn phải có đức tính nhà giáo và kỹ năng sư phạm. Đức tính nhà giáo ở người giảng viên thể hiện ở nhiều mặt, song chủ yếu nhất là lòng yêu ngành, yêu nghề và yêu người. Là người giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà bản thân lại không yêu ngành, yêu nghề và yêu người thì người đó chắc chắn không thực hiện được đầy đủ chức năng giáo dục chính trị của mình.
Kỹ năng sư phạm cũng là yếu tố không thể thiếu đối với người làm nghề giảng dạy. Kỹ năng sư phạm một mặt do những yếu tố bẩm sinh mà có, mặt khác cũng do khổ công rèn luyện mới có. Muốn trở thành người giảng dạy tốt, nhất là với các môn khoa học xã hội, khoa học chính trị thì không thể thiếu kỹ năng sư phạm. Kỹ năng sư phạm thật sự là một nghệ thuật của công tác giáo dục nói chung và giáo dục lý luận nói riêng. Vì vậy, bất cứ người giảng viên nào muốn trở thành người giảng dạy tốt đều phải khổ công rèn luyện kỹ năng sư phạm để tạo cho mình một “năng khiếu” giảng dạy.
Để phấn đấu trở thành người giảng viên dạy tốt trong trường chính trị cần phải:Trước hết, về phía Đảng và Nhà nước phải coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị, phải có nhiều phương thức và biện pháp đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo ở trong nước, gửi ra nước ngoài đào tạo, mở lớp dài hạn, ngắn hạn, tập trung, tại chức để thu hút được nhiều đối tượng khác nhau. Phải thực hiện điều này với một tinh thần tích cực nhất, có trách nhiệm nhất với thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Bác Hồ đã dạy: “vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(6). Thứ hai, về phía người giảng viên phải ra sức học hỏi thêm, tự trau dồi thêm kiến thức về khoa học- nhất là kiến thức khoa học mới của thời đại để đáp ứng yêu cầu mới của công tác giảng dạy chính trị trong trường chính trị. Đi đôi với không ngừng nâng cao kiến thức khoa học, người thầy còn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện các mặt: đạo đức, nhân cách và kỹ năng nghề nghiệp. Đó là phương châm, biện pháp đúng đắn nhất để mỗi người thầy có thể phấn đấu thành người giảng viên dạy tốt trong hệ thống các trường chính trị của Đảng./.
Ths. Võ Châu Thảo
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t 5, tr.269
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t 6, tr.46
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t 6, tr.46
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t 3, tr.83
(5)Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t 5, tr.588
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t9, tr.222