Quay phim và chụp lén người khác có bị coi là vi phạm pháp luật?
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng bổ của các loại smartphone trên thị trường, việc chụp hình và quay phim được thực hiện ngày càng dễ dàng và phổ biến hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực mà chúng ta thấy được thì việc quay phim, chụp không được sự đồng ý của người khác (chụp lén) vì những mục đích không tốt cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Như vậy việc quay phim và chụp hình khi chưa có sự đồng ý của người khác có bị coi là vi phạm pháp luật không và hình thức xử lý như thế nào? Sau đây là một số quy định có liên quan:
Về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời, nếu hình ảnh đó được sử dụng sai sự thật ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác thì người đó có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.
Cụ thể, tại Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm có ghi:
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Còn trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội sẽ vi phạm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ có thể "bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật"./.
ThS. Trần Cảnh - Phòng NCKH-TT-TL