Quy định của pháp luật hiện hành về việc “Chê người khác mập, lùn, xấu, … sẽ phải bồi thường thiệt hại”
Thời gian gần đây, một số trang mạng xã hội và nhiều người chia sẻ thông tin về việc “Chê người khác mập, lùn, xấu, đen,… sẽ phải bồi thường thiệt hại”. Vậy quy định của pháp luật đối với vấn đề này như thế nào?
Thực tế, thông tin này xuất phát từ một quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, theo quy định này thì những người bị thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm có quyền yêu cầu bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc bù đắp này do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người không quá 10 lần mức lương cơ sở. Và nếu dự kiến theo lộ trình tăng lương cơ sở trước đó thì từ ngày 01/7/2020, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1 triệu 600 ngàn đồng (nghĩa là mức bồi thường là 10 x 1.600.000 đồng = 16.000.000 đồng).
Tuy nhiên, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, trong đó có nội dung chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ 01/7/2020. Nguyên nhân là do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, cần cân đối ngân sách nhà nước nên việc chưa tăng lương cơ sở là cần thiết (Nghĩa là mức lương cơ sở hiện nay vẫn giữ mức 1 triệu 490 ngàn đồng). Như vậy, thông tin từ ngày 01/7/2020, chê người khác mập, lùn, xấu, … sẽ phải bồi thường đến 16 triệu đồng là chưa chính xác.
Đồng thời, trong thực tế, việc chê người khác là mập, xấu, ốm, đen… đôi khi chỉ là câu nói đùa, lời nhận xét về ngoại hình người khác một cách thiếu tế nhị. Khó có thể cho rằng sự nhận xét đó nghiêm trọng đến mức xúc phạm danh dự, nhân phẩm một ai đó. Vì vậy, một người bị người khác nhận xét là mập, xấu, lùn, đen,… rất khó để chứng minh những lời nhận xét đó là sự xúc phạm, và cũng không dễ để đòi tiền bồi thường danh dự, nhân phẩm như thông tin trên mạng xã hội thời gian qua.
Liên quan đến hành vi danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm, hiện nay cũng có 02 văn bản xử phạt liên quan đến hành vi này:
- Thứ nhất: Điều 5, Nghị định 167/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Thứ hai: Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trên đây là một số quy định liên quan đến việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác và các chế tài có liên quan.
ThS. Trần Cảnh - GV khoa Xây dựng Đảng