Quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 30/9/2019, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4874-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo đó, Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm 5 chương, 26 điều. Quy chế này quy định hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: chương trình bồi dưỡng; tổ chức, quản lý hoạt động bồi dưỡng; đánh giá kết quả và công nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng; cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận; đánh giá chất lượng hoạt động bồi dưỡng. Quy chế này áp dụng đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các chương trình bồi dưỡng theo phân cấp bao gồm:
1. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở.
2. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương; ngạch chuyên viên và tương đương; ngạch chuyên viên chính và tương đương.
3. Bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.
4. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương tương.
5. Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4).
6. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện.
7. Bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
8. Bồi dưỡng các chương trình khác do cấp có thẩm quyền giao.
Nội dung cơ bản của từng chương trong Quy chế như sau:
- Chương I: Quy định chung bao gồm các quy định: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc hoạt động bồi dưỡng; các chương trình bồi dưỡng theo phân cấp.
- Chương II: Tổ chức bồi dưỡng, bao gồm các quy định: tổ chức lớp học; quản lý lớp; học viên; hình thức bồi dưỡng; phương pháp bồi dưỡng; quy định tính giờ chuẩn.
- Chương III: Đánh giá kết quả học tập, xét công nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ, bao gồm các quy định: kiểm tra và xét điều kiện kiểm tra (áp dụng cho các chương trình bắt buộc phải làm kiểm tra); viết tiểu luận, đề án, thu hoạch cuối khóa (áp dụng cho những chương trình bắt buộc phải viết tiểu luận, đề án, thu hoạch cuối khóa); kinh phí học bổ sung, học lại; kiểm tra bổ sung, kiểm tra lại; chấm lại; phúc tra kết quả kiểm tra, tiểu luận, đề án, thu hoạch cuối khóa; cách tính điểm và xếp loại học tập; điều kiện được công nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ; cấp chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành khóa học; lưu bài và điểm kiểm tra, tiểu luận, đề án, thu hoạch cuối khóa; khen thưởng; xóa tên, kỷ luật.
- Chương IV: Trách nhiệm tham gia hoạt động bồi dưỡng, bao gồm các quy định: Ban Giám hiệu; phòng quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; phòng tổ chức hành chính, thông tin, tư liệu; thanh tra hoạt động bồi dưỡng; các khoa chuyên môn; đánh giá chất lượng hoạt động bồi dưỡng.
- Chương V: Điều khoản thi hành.
Kèm theo quy chế này là 2 phụ lục về Mẫu chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp và Mẫu chứng nhận hoàn thành khóa học bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp./.
ThS. Trần Cảnh - Phòng NCKH-TT-TL