Sự chủ động của Đảng - Một nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của cách mạng tháng 8 năm 1945
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á - là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi đó là kết quả của sự phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó, thể hiện rõ sự chủ động của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận định tình hình, chuẩn bị lực lượng, khi thời cơ đến chủ động chớp thời cơ, phát huy sức mạnh dân tộc để giành chính quyền, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập gắn liền với CNXH.
1. Chủ động nhận định đúng về đặc điểm tình hình chính trị xã hội của đất nước để xây dựng phương pháp cách mạng
Sau Hiệp ước Patenôtre (Pa-tơ-nốt) năm 1884, tính chất của xã hội Việt Nam thay đổi, từ một xã hội phong kiến độc lập trở thành xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Đế quốc và phong kiến cấu kết chặt chẽ với nhau để áp bức, bóc lột nhân dân ta,làm cho người dân không có một chút tự do, dân chủ, họ bị áp bức đến tận xương tủy, những quyền sống tối thiểu của nhân dân ta đều bị tước đoạt, chúng thẳng tay đàn áp các phong trào yêu nước và cách mạng. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã sớm nhận thức được sự chuyển biến ấy và Đảng đã sớm xác định, cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta là con đường cách mạng bạo lực. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng chỉ rõ: “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”. “Ta phải luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh trả kẻ thù”. Đảng đã phát động động toàn dân nêu cao tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, ý chí tự lực, tự cường, chủ độngđem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Đồng thời, Đảng cũng chủ động trong việc đề ra sách lược đấu tranh cách mạng thích hợp để lôi kéo các giai cấp, tầng lớp trong xã hội về phía vô sản, xác định “bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng lập Hiến…) thì phải đánh đổ” và “…không khi nào nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào con đường thỏa hiệp”. Mọi khuynh hướng cải lương, thỏa hiệp đều không thể đưa cách mạng đi đến thành công. Điều này đã được minh chứng trong thực tiễn qua các phong trào yêu nước trước khi Đảng ta ra đời, như phong trào Cần Vương; phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng tư sản của cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…Tất cả những phong trào yêu nước này đều thất bại bởi chưa có đường lối đấu tranh đúng đắn, chưa có phương pháp cách mạng thực sự phù hợp.
Trải qua 3 cao trào cách mạng 1930-1931, cao trào cách mạng 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945, bằng sự chủ động đề ra và điều chỉnh phương pháp cách mạng, sử dụng bạo lực dựa trên sức mạnh của quần chúng, Đảng đã đưa cách mạng nước ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạngtháng Tám năm1945, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Có thể nói, nhờ sớm xác định rõ tính chất, đặc điểm chính trị, xã hội của nước ta là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nên Đảng ta đã chủ động đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, phương pháp cách mạng phù hợp. Đây là nhân tố quyết định, góp phần làm nên thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
2. Chủ động xác định đúng đối tuợng để đề ra phương pháp đấu tranh cách mạng phù hợp
Thực tiễn lịch sử trong giai đoạn 1930-1945 đã chứng minh sự nhạy bén của Đảng ta trong việc xác định đúng đối tượng của cách mạng. Ngay khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Đảng ta đã chỉ rõ thực dân Pháp là kẻ thù chính của dân tộc và đã tập hợp lực lượng, đồng thời hướng ngọn cờ đấu tranh của quần chúng nhân dân vào Chủ nghĩa đế quốc. Ngay khi phát xít Nhật đảo chính lật đổ thực dân Pháp ở Đông Dươngngày 09/3/1945, với Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945, Hội nghị Thường vụ mở rộng do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì đã nhận định tình hình và dự đoán hai tình huống có thể diễn ra và tạo nên một thời cơ “vàng” để nhân dân ta đứng dậy giành chính quyền: (1)Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; (2) Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Và khi khả năng thứ hai xảy ra - Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh ngày 15/8/1945, thời cơ cách mạng chín muồi thì Đảng ta đã lập tức nắm bắt thời cơ, lãnh đạo các lực lượng cách mạng quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị Đảng toàn quốc và Quốc dân Đại hội diễn ra sau đó đã khẳng định rất rõ điều này: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.Nhờ sớm xác định đúng đặc điểm của đối tượng cách mạng, Đảng ta đã chủ động đề ra cách thức, phương pháp đấu tranh phù hợp, xác định phương pháp tổ chức lực lượng, phát huy được tiềm năng to lớn của quần chúng và tập hợp được tối đa lực lượng để làm nên thắng lợi cuối cùng cho cách mạng.
3. Chủ động và xác định đúng lực lượng cách mạng để có phương pháp tổ chức và huy động hiệu quả
Nhận thức sâu sắc về Chủ nghĩa Mác-Lênin coi liên minh công-nông là lực lượng chủ yếu của chuyên chính vô sản trong đấu tranh giành chính quyền và xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, tổ chức ra lực lượng cách mạng, liên minh công-nông. Trong đó, giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo, Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận định, giai cấp công nhân Việt Nam tuy nhỏ nhưng cũng có đủ những đặc điểm của giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp nông dân dù đông đảo nhưng vẫn không thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng vì gắn liền với phương thức sản xuất lạc hậu, không có hệ tư tưởng độc lập. Giai cấp nông dân chỉ thực sự lớn mạnh khi liên minh với giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mới giành được thắng lợi trong cách mạng. Với tư duy lý luận sáng tạo và bám sát thực tiễn ấy, Đảng ta đã chủ động tập trung triển khai xây dựng lực lượng và tổ chức quần chúng đấu tranh trên các địa bàn chiến lược, nơi có đông đảo giai cấp công nhân và nông dân sinh sống và tiếp đó là phát triển rộng trên địa bàn thành thị và nông thôn. Với cách thức tổ chức lực lượng sáng tạo ấy, chỉ một thời gian ngắn lực lượng cách mạng của Đảng đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, được tổ chức chặt chẽ và hình thành sức mạnh đấu tranh cách mạng to lớn.
Thành công nổi bật của Đảng trong giai đoạn này là đã chủ động đề ra đường lối sáng tạo huy động được sức mạnh của lực lượng toàn dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập tự do ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; đã tập hợp được các tổ chức yêu nước và đông đảo quần chúng nhân dân thành một khối và phát triển lực lượng cách mạng rộng khắp trên tất cả địa bàn rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; trong tất cả mọi giai cấp, tầng lớp xã hội kể cả các giai cấp bóc lột “phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình…Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt, phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”, tầng lớp trên có tinh thần yêu nước, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, tiến bộ. Không có lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc như thế, không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945.
4. Chủ động xác định cách thức tập hợp lực lượng quần chúng, làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển đội quân chính trị của cách mạng
Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định rõ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và coi nhiệm vụ tập hợp và xây dựng lực lượng quần chúng là vấn đề cơ bản có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Đây cũng được coi là nét độc đáo của Đảng ta qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng. Để tập hợp được lực lượng quần chúng trước hết phải đề ra khẩu hiệu đấu tranh đúng, kịp thời, có sức động viên lôi cuốn quần chúng một cách mạnh mẽ và rộng rãi, đưa quần chúng vào cuộc đấu tranh từ hình thức thấp đến hình thức cao; phải thông qua đấu tranh mà giác ngộ chính trị của quần chúng. Xây dựng lực lượng quần chúng, tuyên truyền, tổ chức và đấu tranh là những vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và là cơ sở để hình thành và phát triển đội quân chính trị rộng lớn của quần chúng, chuẩn bị cho bước phát triển nhảy vọt của cách mạng.
Thực tiễn lịch sử đã khẳng định sự chủ động của Đảng, thời kỳ 1930-1931 với đường lối chống đế quốc và phong kiến, Đảng ta đã giương cao khẩu hiệu “độc lập dân tộc” và “người cày có ruộng” để tập hợp lực lượng. Nhờ sự đúng đắn và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân nên Đảng ta đã nhanh chóng thu hút và lôi cuốn giai cấp nông dân đi theo giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị; Thời kỳ 1936-1939, Đảng chủ động đưa ra nhiều hình thức tập hợp lực lượng với những hình thức đấu tranh phong phú của Đảng, Mặt trận dân chủ Đông Dương đã hình thành năm 1939, để tạo ra đội quân chính trị rộng lớn, chuẩn bị lực lượng cho cách mạng tháng 8/1945.
Thời kỳ 1939-1945, Đảng một lần nữa thể hiện tinh thần chủ động bằng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tập trung tối đa lực lượng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh) được thành lập với phương châm tập hợp tất cả những người Việt Nam yêu nước, cùng chung ý chí giành độc lập cho dân tộc đều có thể đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh đã trở thành ngọn cờ đoàn kết dân tộc, thu hút hết thảy các giai cấp, tầng lớp, đảng phái yêu nước có tinh thần chống đế quốc và tay sai, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc. Chính điều đó đã khơi dậy được sức mạnh của cả dân tộc đứng lên giành độc lập bằng cách đem sức ta mà giải phóng cho ta, đưa đến thắng lợi của cách mạng Tháng 8/1945.
5.Chủ động xây dựng căn cứ địa bàn đạp cho thế trận tổng khởi nghĩa
Ngay từ những ngày đầu cách mạng Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến và coi đó là một bộ phận chiến lược của đường lối chiến tranh nhân dân. Chính vì vậy, sau khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940), chúng ta đãchủ độngxây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai thuộc Lạng Sơn, Thái Nguyên và cùng với căn cứ địa Cao Bằng hình thành khu giải phóng Việt Bắc. Khi xây dựng căn cứ địa cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, “phải là nơi có địa thế hiểm yếu che trở và quần chúng cảm tình ủng hộ”, nghĩa là khu vực có đầy đủ các yếu tố địa lợi, nhân hòa, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, là cơ sở vững chắc về chính trị, quân sự, là nơi cung cấp sức mạnh vật chất, nguồn cổ vũ về tinh thần trong cách mạng và kháng chiến. Để chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ và tuyên bố chính thức thành lập Khu Giải phóng, gồm 2 căn cứ lớn nằm trên địa bàn của 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Trong Khu Giải phóng, các Ủy ban nhân dân do dân cử được hình thành và tổ chức thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh, thực sự là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành hậu phương và là bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
6. Chủ động sử dụng bạo lực cách mạng đúng thời cơ phát huy tối đa sức mạnh của đông đảo quần chúng
Karl Heinrich Marx (CMác) cho rằng, bạo lực chỉ là bà đỡ cho một xã hội đã thai nghén trong lòng xã hội cũ. Do đó, bạo lực không phải là mục đích của giai cấp vô sản mà chỉ là phương tiện của giai cấp vô sản mà thôi. Nắm vững vấn đề có tính nguyên tắc đó, Đảng ta đã chủ động, sáng tạo, giải quyết thành công mối quan hệ giữa mục đích và phương tiện, mục tiêu và phương pháp cách mạng trong quá trình lịch sử khi phải sử dụng đến bạo lực cách mạng. Khi kẻ thù đã lún sâu vào thất bại, không thể thống trị như cũ được nữa, và nhân dân ta cũng không thể sống mãi như thế được nữa thì lúc đó nắm chắc thời cơ và tình thế cách mạng để lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh giành lấy chính quyền về tay nhân dân đó là con đường phát triển tất yếu của cách mạng nước ta “cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”. Trong sử dụng bạo lực cách mạng, Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ hai lực lượng chính trị, quân sự và sử dụng kết hợp hai hình thức đấu tranh đó là; đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Trong đó, đấu tranh chính trị được xác định là hình thức đấu tranh cơ bản, có ý nghĩa quyết định trong mọi thời kỳ cách mạng, có sức tiến công và tạo ra thế uy hiếp địch rất to lớn về mặt chính trị tinh thần. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động và thường xuyên coi trọng việc xây dựng các lực lượng chính trị. Các đoàn thể quần chúng cách mạng thật sự là những đội quân đấu tranh chính trị chống địch ở khắp nông thôn và thành thị. Khi thời cơ xuất hiện, khi kẻ địch bị thất bại và hoang mang cực độ, những lực lượng chính trị đông đảo của các tổ chức quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giữ vai trò chủ động phát động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Tuy nhiên, nếu chỉ có đấu tranh chính trị và sử dụng lực lượng chính trị thì sức mạnh đấu tranh của quần chúng không được phát huy đầy đủ, do đó tất yếu phải được kết hợp với đấu tranh vũ trang. Đấu tranh vũ trang là hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng trực tiếp tiêu hao sinh lực địch, đập tan những âm mưu và hành động chính trị, quân sự của chúng, thắng lợi của đấu tranh quân sự cũng là tiền đề để đấu tranh chính trị phát triển. Sự kết hợp chủ động nhuần nhuyễn như vậy đã tạo ra phương pháp cách mạng hoàn chỉnh để đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù. Trải qua thực tiễn, Đảng ta đã chủ động và giải quyết thành công trong kết hợp giữa các hình thức đấu tranh một cách linh hoạt, sáng tạo, biết kết hợp và chuyển đổi khéo léo các hình thức đấu tranh, khởi nghĩa phù hợp với quy luật và truyền thống “lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu địch mạnh” của ông cha ta.
7. Chủ động nắm đúng thời cơ phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền
Bên cạnh việc chuẩn bị lực lượng cho cách mạng thì vấn đề chủ động nhận định chính xác tình hình, xác định thời cơ chín muồi để phát động quần chúng đấu tranh cách mạng cũng là nét độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta trong giai đoạn 1930-1945. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Trung ương Đảng đã sớm ra lời hiệu triệu hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa đó và đặt vấn đề phải đi tới vũ trang khởi nghĩa. Từ kinh nghiệm của các cuộc khởi nghĩa, của hoạt động của Cứu quốc quân, chiến tranh du kích ở Bắc Sơn - Vũ Nhai, Đảng ta đã quyết định đi đến khởi nghĩa vũ trang: “cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng khởi nghĩa vũ trang”. Điều kiện để khởi nghĩa bằng vũ trang là: Mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc, nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, mà đã sẵn sàng bước vào con đường khởi nghĩa; những điều kiện khách quan thuận lợi xuất hiện như quân Đồng minh thắng Nhật hay cách mạng nổ ra ở Pháp, ở Nhật.
Tại Hội nghị Trung ương VIII (5/1941), Đảng đã chủ động dự liệu những điều kiện để chuẩn bị cho những điều kiện đó phát triển và khẳng định: Ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa. Trước khi tiến hành khởi nghĩa vũ trang, Đảng ta hết sức chú trọng phân tích tình thế cách mạng cả trong nước và quốc tế để chủ động chuẩn bị về mọi mặt thúc đẩy thời cơ cách mạng. Việc nhận định đúng tình hình đóng vai trò quan trọng trong xác định thời cơ. Tại Hội nghị Trung ương VIII, Đảng ta đã dự báo chính xác tình hình quốc tế: Liên Xô thắng trận, quân Trung Quốc phản công, quân Nhật đang mắc sự phản công của Anh-Mỹ và tình hình thế giới sẽ biến chuyển ghê gớm làm cho tình hình Đông Dương thay đổi có lợi cho cách mạng. Ta phải luôn luôn chuẩn một lực lượng sẵn sàng (chủ động), nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù. Hội nghị đã nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể quốc gia dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai, cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp 09/3/1945, Trung ương Đảng cho rằng, cuộc đảo chính đã làm cho khủng hoảng chính trị thêm sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Ba cơ hội tốt giúp cho cuộc khởi nghĩa chín muồi nhanh chóng: (1) Chính trị khủng hoảng, làm cho quân thù không rảnh tay để đối phó với cách mạng; (2) Nạn đói ghê gớm làm cho quần chúng nhân dân oán ghét quân cướp nước; (3) Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (quân Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật). Đứng trước thời cơ, Đảng đã sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đủ điều kiện, để tổng khởi nghĩa thắng lợi, Đảng đã đề ra nguyên tắc chỉ đạo: Tập trung lực lượng vào những việc chính; thống nhất mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội. Với sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt, phân tích, đánh giá đúng tình hình, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định đúng thời cơ để tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 chỉ trong 15 ngày, lập nên nhà nước độc lập đầu tiên của Đông Nam Á - Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Hơn 85 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn chủ động, sáng tạo, kiên trì, chuẩn bị chu đáo, nhạy bén nắm bắt thời cơ, những điều đó đã được thể hiện trong cách mạng tháng 8/1945, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị đã chủ động nắm thời cơ, chủ động đẩy lùi nguy cơ. Tinh thần luôn chủ động, sáng tạo tiếp tục được Đảng vận dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập trọn vẹn cho đất nước, đưa dân tộc vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước xây dựngCNXH .
Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ độngđẩy lùi những nguy cơ, thách thức như: “tụt hậu xa hơn về kinh tế… tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Đồng thời, chủ độngtranh thủ những thời cơ, vận hội phát triển để “đi tắt đón đầu”, sáng tạo và chủ động tận dụng thời cơ trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế… là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN thực hiện được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Ths.Nguyễn Thị Thủy - Khoa Xây dựng Đảng