Tọa đàm khoa học: Chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh giai đoạn 2006-2016, thực trạng và giải pháp
Ngày 02/6/2017, đoàn khảo sát của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Tọa đàm khoa học tại Trường Chính trị tỉnh với chủ đề: “Chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh giai đoạn 2006-2016, thực trạng và giải pháp”. Chủ trì buổi tọa đàm là PGS.TS Trương Thị Thông - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Hữu Từ - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Tham dự buổi tọa đàm có các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện các Ban đảng của tỉnh; Ban Giám hiệu và viên chức Trường Chính trị tỉnh; đại diện Ban Tổ chức và Trung tâm bồi dưỡng Chính trị các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Bình Dương đã cử 1.425 cán bộ lãnh đạo, quản lý đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại các trường trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời tỉnh cũng đã cử 5.500 cán bộ đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 716 cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức và 13.200 lượt cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong và ngoài nước.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm khoa học tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong những năm qua đã phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng, đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; chế độ chính sách cho giảng viên, học viên luôn đảm bảo. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay vẫn còn tồn tại hạn chế khó khăn như thiếu sự liên thông giữa các cấp học, các hệ đào tạo dẫn đến việc cán bộ phải học nhiều lần một số chuyên đề, một số nội dung chưa sát và theo kịp thực tiễn đặt ra; một số cơ quan đơn vị còn bị động trong việc phối hợp với cơ quan chức năng và cơ sở đào tạo về thủ tục mở lớp, làm ảnh hưởng đến tiến độ đề ra; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy của cơ quan cử cán bộ đi học với cơ sở đào tạo trong việc theo dõi, quản lý tình hình học tập của học viên; một số đơn vị cử cán bộ đi học chưa gắn với yêu cầu, nhiệm vụ và chức danh quy hoạch.
Trong buổi tọa đàm, các nhà khoa học, đại diện các Ban đảng của tỉnh, các sở ngành và Ban tổ chức, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng lần lượt phát biểu, đánh giá về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương thời gian qua, đặc biệt là thực trạng đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại địa phương.
PGS. TS Trương Thị Thông đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại buổi tọa đàm. Đồng chí cho biết, trong khuôn khổ làm việc tại các tỉnh, đoàn khảo sát sẽ tổng hợp ý kiến để có sự nghiên cứu, trao đổi cũng như bổ sung vào những nội dung đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời đề xuất những giải pháp về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp hơn trong thời gian tới.
Phòng NCKH-TT-TL