“Phá rào” trong kinh tế trước khi đổi mới - Một nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi ước nguyện của Bác trong di chúc
MỞ ĐẦU
Trước khi đi xa Bác đã để lại trong Di chúc những lời căn dặn thiêng liêng, nhắc nhở Đảng ta phải có những kế hoạch để nâng cao đời sống Nhân dân ta, đưa nước ta trở thành nước giàu mạnh, góp phần quan trọng vào phong trào cách mạng thế giới. Thời kỳ 1976 - 1985 cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội đất nước lâm vào tình trạng ách tắc khủng hoảng trầm trọng, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn.Trong hoàn cảnh đó đã có những mũi tìm tòi khảo nghiệm để “phá rào” trong kinh tế tháo gỡ những ách tắc.Những bước đi tìm đường đầy gian truân ấy trong một giai đoạn dài chính là xuất phát từ yêu cầu bức thiết của đời sống, tạo tiền đề cho những đổi mới toàn diện sau năm 1986 - Đây là nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân để thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.
1. Ước nguyện của Bác về chăm lo cuộc sống ấm no cho Nhân dân
Trải qua chiều dài lịch sử, vai trò to lớn của Nhân dân luôn được các triều đại phong kiến coi trọng.Ý thức “dân là gốc” được hình thành từ rất sớm.Từ việc ý thức vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nên việc chăm lo cho đời sống Nhân dân, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân là công việc mang tính chất chiến lược. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo công tác chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, ổn định tình hình đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, thực hiện thắng lợi những mong muốn, căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn luôn nhằm một mục đích: Giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, phấn đấu mang lại ấm no, hạnh phúc cho mỗi con người, trước hết là nhân dân lao động. Ðó cũng chính là quan điểm nhất quán trong tư tưởng và hành động của Người.Cũng bởi ước nguyện ấy người đã dành cả cuộc đời hi sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho phong trào cách mạng thế giới. Đến những ngày tháng cuối đời để phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng người vẫn khẳng định một tương lai tươi đẹp chắc chắn của Tổ quốc ta: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn… Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi.Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta.Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.”
Theo Người, độc lập, thống nhất của Tổ quốc không thể tách rời tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người nói: Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì vậy: Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục Nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Ðảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được.
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Trong Di chúc, Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.”
Di chúc của Người đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tháng sau khi người đi xa và cho đến ngày nay. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ và đã thu được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ và đổi mới đất nước. Đảng ta luôn khắc ghi lời căn dặn của Người để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện và không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên để có được thành tựu rạng rỡ của đất nước như ngày hôm nay, trong chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc và ước nguyện của Bác về chăm lo, ổn định, nâng cao đời sống Nhân dân đã có những giai đoạn đất nước gặp rất nhiều khóa khăn, trong đó giai đoạn đầu khi cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là một thử thách lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Thời kỳ 1976 - 1985 là thời kỳ đất nước đững trước nhiều thử thách, khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài trầm trọng, những thực tiễn khó khăn bế tắc đặt ra nhiều câu hỏi lớn đối với một đất nước đã can trường gian khổ và giành những thắng lợi lừng lẫy năm châu. Thời kỳ này làm thế nào để thực hiện thắng lợi nguyện vọng trong Di chúc của Bác: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” là một trăn trở lớn. Với tinh thần lấy dân làm gốc, “dân vi quý, xã tắc thứ chi…”, chính cái đói, cái nghèo, thiếu thốn cùng cực và ước nguyện của người dân thời kỳ khủng hoảng kinh tế đã thôi thúc “phá rào” cơ chế cũ trong thời kỳ đầu cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính từ cuộc sống, từ “dạ dày” của người dân đã tạo ra những mũi đột phá, những tìm tòi khảo nghiệm, những bước đi dũng cảm phá ‘húy kỵ” nhổ “biển cấm” tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới đất nước.
Nền tảng của quá trình “phá rào” đó chính là những trái tim thương dân, yêu nước, thiết tha với sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa để từ đó dần dần đi đến những quyết sách của đổi mới sau này. Có thể nói đứng trước những thôi thúc, cấp bách của tình hình đất nước, những bước tìm tòi, khảo nghiệm, đột phá của những cá nhân, địa phương, những lãnh đạo thời kỳ này là những nỗ lực đầy chông gai trên con đường bảo vệ chế độ mà Đảng và Nhân dân đã lựa chọn và chăm lo cho đời sống Nhân dân, thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Một chặng đường 10 năm “thai nghén” của những quyết sách, đột phá lớn sau năm 1986, chặng đường đấu tranh giữa cái mới - cái lạc hậu, đúng - sai. Chặng đường ấy là những nỗ lực lớn trên con đường chúng ta thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.
2. Thực tiễn kinh tế đất nước sau ngày thống nhất năm 1975
Sau thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã hoàn thành tâm nguyện của Bác Hồ trong Di chúc:“Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Tuy nhiên Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh.Bom đạn, chất độc hóa học Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tàn khốc ở Việt Nam đã hủy hoại môi trường tự nhiên, thành phố, làng mạc, gây chết chóc, thương tật để lại nhiều hậu quả về mặt xã hội. Đất nước hòa bình thống nhất chưa lâu lại chịu cảnh thiên tai - địch họa hoành hành. Từ năm 1977 - 1978 bóng quân thù lại xuất hiện ở phía Tây Nam.Đầu năm 1979 Trung quốc tiến hành các hoạt động xâm lược lãnh thổ Việt Nam khắp biên giới phía Bắc gây những tổn thất nặng nề.
Bên cạnh đó, bị thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Mỹ tiến hành bao vây, cô lập, phong tỏa tài sản của Việt Nam, tuyên bố cấm vận thương mại, phủ quyết việc Việt Nam ra nhập Liên hợp quốc. Chính vì vậy ở miền Nam, sự phong phú về hàng hóa trước đây đã sớm trở thành sự thiếu hụt.Sau ngày giải phóng máy móc thì còn nhưng xăng dầu ngày càng khan hiếm.Trong công nghiệp nguồn điện chủ yếu cũng dựa vào xăng dầu để sản xuất giờ cũng bắt đầu khó khăn. Một số nhà máy thiếu nhiều thứ nguyên vật liệu quan trọng: Nhà máy đường thiếu đường thô (trước đây nhập khẩu theo chương trình viện trợ Mỹ). Nhà máy dệt thiếu sợi dệt, thuốc nhuộm, nhà máy in thiếu mực, giấy, các lò bánh mỳ thiếu bột mỳ, men nở…Đặc biệt hầu hết các máy móc đều thiếu hụt phụ tùng thay thế khi viện trợ chấm dứt và bị bao vây cấm vận.
Ở miền Bắc sau thời kỳ khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa 1954-1960, với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất miền Bắc đã bắt đầu áp dụng mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong những năm tháng chiến tranh, mô hình này đã cho phép huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến.Tuy nhiên mô hình kéo dài hơn 20 năm với ít sự điều chỉnh đã bắt đầu không thích hợp sau khi chiến tranh kết thúc.Các hợp tác xã bậc cao liên tục được mở rộng gây nên tình trạng bất cập với trình độ tổ chức, quản lý, kỹ thuật.Ruộng đất bị bỏ hoang, lãng phí. Các cơ sở công nghiệp sản xuất trì trệ, năng xuất thấp…
Về kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 với việc ưu tiên nhiều cho phát triển công nghiệp nặng, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội IV đề ra đều không thực hiện được. Đến hết năm 1980 Kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) chỉ đạt được khoảng 50%, có lĩnh vực chỉ đạt 20%. Mức tăng trưởng bình quân GDP dự định tăng 13 - 14% trong thực tế chỉ tăng 0.4% trong khi thời kỳ này dân số tăng 2.2%. Sản lượng nông nghiệp chỉ tăng gần 2% thay vì 6-7% đề ra.Công nghiệp dự kiến tăng 15 - 18%/năm thực tế chỉ tăng 0.6%. Khủng hoảng nặng nề nhất là hai năm 1979 - 1980 GDP giảm 2% và 1.4%, công nghiệp giảm 4.7% và 10.3%. Cùng với sự sa sút của sản xuất sự ách tắc lan tràn khắp nền kinh tế xã hội từ Bắc chí Nam
Về lương thực phân bổ cho các thành phố cũng thiếu nghiêm trọng. Do thiếu hụt và không thu mua được lương thực người dân các thành phố phải ăn độn. Tại Thủ đô Hà Nội khẩu phần định lượng vốn đã ít ỏi (13kg/người/tháng), đến năm 1978 thực tế chỉ còn được 4 kg gạo còn lại là khoai và sắn. Đây là điều mà trong suốt mấy chục năm chiến tranh cũng chưa bao giờ xảy ra. Thậm chí Thường trực Ban bí thư lúc đó là đồng chí Nguyễn Duy Trinh phải có điện khẩn cho các tỉnh nông nghiệp quanh Hà Nội phải bằng mọi cách cung cấp cho Hà Nội. ức điện còn nhấn mạnh đó là “trách nhiệm chính trị” của các tỉnh đối với Trung ương và Thủ đô. Ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải ăn độn hạt bo bo là điều chưa từng có trong lịch sử…
Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh này là làm thế nào chúng ta có thể thực hiện thắng lợi Di chúc của Bác, thực hiện được lời căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.Một câu ngắn gọn, nhưng đã khái quát rất rõ mục đích cao nhất của sự nghiệp cách mạng là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, đồng thời đó cũng là lời căn dặn tâm huyết của Người đối với toàn Ðảng. Cả cuộc đời phục vụ cách mạng ham muốn tột bậc của Bác Hồ được nói một cách rất giản dị: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.“Ham muốn tột bậc” của Bác không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động nhất quán của Người, một người suốt đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. “Ðộc lập, tự do, hạnh phúc” là lý tưởng chiến đấu, là lẽ sống, là hệ giá trị vô giá mà Bác Hồ đề ra cho việc xây dựng đất nước, trước đây cũng như hiện nay. Vì lý tưởng ấy, vì hệ giá trị ấy mà Nhân dân ta đã đi theo Ðảng làm Cách mạng tháng Tám thành công, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, và ngày nay đang tiến bước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo Người, độc lập, thống nhất của Tổ quốc không thể tách rời tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc chăm lo cho hạnh phúc của Nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta. Ðiều đó được thể hiện ngay trong quan điểm của Người về chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ…Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội.
Nhưng, tất cả những diễn biến về sự khủng hoảng kinh tế xã hội giai đoạn 1976 - 1985 nêu trên là điều khó tưởng tượng được đối với một dân tộc đã chiến thắng vẻ vang dưới sự lãnh đạo của một Đảng đã dày dạn kinh nghiệm trong chiến đấu, quyết tâm đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho Nhân dân. Tất cả thực trạng đó đã dội vào dạ dày của mỗi người dân, đặt lên bàn của các bộ trưởng, các giám đốc xí nghiệp, các lãnh đạo tỉnh, các cán bộ cấp cao của Đảng và day dứt trong đầu những nhà quản lý, nhà kinh tế. Chính những bức xúc, khổ cực đó là điều kiện trực tiếp của những bước tìm tòi, những mũi đột phá. Phải có những cuộc “sửa rào”, “phá rào”, mở đường, những quyết sách lớn để bảo vệ chế độ và thay đổi diện mạo đất nước trong cơn khủng hoảng kéo dài. Dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc dễ bị khuất phục trước những áp đặt và thất bại.Sự nghiệp cách mạng đã để lại trong lòng người dân những tình cảm rất sâu đậm với chế độ, với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy trước những bí bách của cuộc sống người dân yêu cầu những lối thoát, những hướng đi mới chứ không dễ gì vì những khó khăn, những khiếm khuyết trong điều hành, quản lý mà rũ bỏ những niềm tin và thành quả cách mạng. Về khía cạnh này Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Dân mình tốt quá, tốt lạ lùng. Ta có đền đáp bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa đúng, chưa thỏa đáng, bất cứ ai có chức quyền cũng phải đóng góp thật tương xứng cho dân. Tình hình kinh tế của ta thế này, người ta cực, người ta có nói, có nói nặng một chút cũng phải nghe, để thấy hết cái hư hỏng của mình…”.Có thể nói nếu công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã bước một bước dài trên con đường thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ thì những cuộc “phá rào” trong kinh tế vào đêm trước đổi mới là nỗ lực trầm mình để xây cầu, để mở đường, để khảo nghiệm tìm tòi hướng đi. Những người thời kỳ đó có thể được ví như ‘công thần” của cách mạng trên con đường chúng ta mang lại hạnh phúc ấm no cho Nhân dân, thỏa lòng nguyện ước của Bác Hồ:
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
3. “Phá rào” trong kinh tế - bước đi đầy thử thách góp phần thực hiện thắng lợi ước nguyện trong Di chúc Bác Hồ
Trong giai đoạn 1975 - 1986 chính trong điều kiện kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn ở nhiều nơi đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu đổi mới trong nông nghiệp và công nghiệp:
Trong nông nghiệp nhiều địa phương áp dụng hình thức “khoán chui” trước tình trạng khó khăn trì trệ ở cơ sở. (Ví dụ: Khoán Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc, hợp tác xã Đoàn Xá ở Hải Phòng, An Giang đã “xé rào” một cách hợp pháp giải thể các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp của tỉnh, mở ra một hướng đột phá mới…).Những mũi đột phá như thế, đã đẩy đến điểm chín muồi cho sự ra đời chỉ thị 100 (tháng 1-1981), áp dụng “khoán 100” (khoán ba khâu: cấy lúa, chăm bón, thu hoạch) trên cả nước. Đèn xanh đã bật nhấp nháy chuẩn bị cho khoán triệt để (khoán 10) giao đất cho dân, bỏ công điểm… sau năm 1986.
Một trong những yếu tố gây ức chế nhất cho nền kinh tế lúc đó là chính sách giá mà nổi cộm và có ảnh hưởng lớn nhất là giá thu mua lương thực. Sự phản đối cơ chế thu mua này diễn ra ở cơ sở tuy âm thầm nhưng rất mạnh mẽ hơn nhiều. Người nông dân có thể cho chúng ta hàng trăm ngàn tạ lúa để đánh Mỹ. Nhưng bây giờ mua không đúng là mua, bán không đúng là bán. Cơ chế mua không được, bán không được gây ách tắc nghẹt thở ở nông thôn lẫn thành thị.
Trong công thương nghiệp, giao thông vận tải…bị ách tắc mọi khâu bởi chỉ tiêu, kế hoạch, ngăn sông cấm chợ…
Trong bối cảnh đó, tháng 8-1979, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được triệu tập.Hội nghị đã đánh giá về thực trạng đất nước, tập trung bàn về phương hướng phát triển hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nghiêm trọng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Hội nghị này khởi đầu chuyển biến về nhận thức đường lối kinh tế của Đảng, tháo gỡ những ràng buộc của cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất “bung ra”.
Những cuộc “phá rào” trong các xí nghiệp quốc doanh như Dệt Thành Công, dệt Nam Định, công ty xe khách Thành phố Hồ Chí Minh…không chỉ có tác dụng tháo gỡ những khó khăn ách tắc của bản thân xí nghiệp đó mà còn dẫn tới một kết quả có ý nghĩa lớn hơn: góp phần đưa đến sự thay đổi về quan điểm kinh tế và hướng tới sự thay đổi về cơ chế kinh tế mà sự ra đời của Quyết định 25 - CP ngày 21/1/1981, các Nghị quyết về công tác phân phối lưu thông, về giá cả… là bước tìm tòi, khảo nghiệm tiếp theo đưa đến những đột phá sau năm 1986.
Quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái lạc hậu, cái đúng và cái chưa hợp lý là một chặng đường dài, khó khăn.Đặc biệt trong bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ấy đã trở thành nguồn sức mạnh để chúng ta chiến thắng kẻ thù, đất nước mới thoát khỏi cuộc chiến tranh chống đế quốc kéo dài nên còn nhiều tư tưởng dè dặt với những sự thay đổi.Đột phá là quá trình vừa đi tìm đường và mở đường. Mỗi bước đột phá là một bước sáng tỏ ra con đường đi tiếp để cuối cùng đưa tới đổi mới toàn cục. Cũng chính vì phải vừa đi đường vừa tìm đường và mở đường nên đây là một lộ trình khúc khuỷu, gian truân, có biết bao giằng co, trăn trở giữa một bên là những nguyên tắc cũ kỹ những đã trở thành húy kỵ rất thiêng liêng, một bên là lợi ích của cuộc sống, của Nhân dân, của cơ sở.Nhiều người tổ chức xé rào, đi ngược lại chủ trương đều từng là những người xông pha nơi chiến trường. Trên mặt trận kinh tế, họ tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp chung, vì hạnh phúc của Nhân dân: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc bị phê phán dám áp dụng khoán trong nông nghiệp. Anh đội trưởng đội sản xuất Đoàn Xá (Đồ Sơn, Hải Phòng) bị gọi lên huyện rồi được “mời” thẳng vào nhà giam vì tội “phá” hợp tác xã. “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn (Hà Nội) bị bắt và tịch thu tài sản, công xưởng vì tội “bóc lột”…Chặng đường “phá rào” đầy gian truân, những đấu tranh âm ỉ trên bình diện toàn quốc chính là những nỗ lực lớn để thực hiện lý tưởng cao đẹp vì sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân đó cũng chính là tâm nguyện lớn lao trong Di chúc của Bác.
Có thể nói, Sau năm 1975, đất nước Việt Nam tưởng được bình yên và xứng đáng được hưởng nền hòa bình hạnh phúc , nhưng Nhân dân ta lại phải gồng mình đối diện với hàng loạt khó khăn bế tắc. Vì thế, cuộc “chiến đấu khổng lồ” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhằm thực hiện Di chúc của Người đã hiển hiện ngày càng rõ hơn mức độ và tính chất phức tạp, đòi hỏi những quyết tâm lớn lao trong hoàn cảnh hoàn toàn mới.
Trong hoàn cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự cố gắng của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, Đảng và Nhân dân ta đã phá rào thành công, bắc những viên gạch khó khăn đầu tiên cho công cuộc đổi mới toàn diện. Để rồi sau Đại hội VI (1986) Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.Bên cạnh coi trọng tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh sự phát triển bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, thực thi những chính sách xã hội, chăm lo sự phát triển con người.
Bác kết thúc Di chúc của mình: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”- Đó chính là chỉ thị cuối cùng, ước vọng của Bác trước lúc đi xa và cũng là gói gọn ước nguyện trọn đời của Người. Sau những mũi tìm tòi khảo nghiệm để sản xuất “bung ra”, để mọi khâu trong nền kinh tế xã hội được “cởi trói” Việt Nam đã có những bứt phá trên con đường đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vững bước trên con đường làm theo Di chúc Bác Hồ để xây dựng đất nước ta ngày càng “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”!
KẾT LUẬN
Qua 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, những lời căn dặn trong Di chúc luôn là mục tiêu phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân ta trên con đường đã chọn.Những nỗ lực tìm tòi, khảo nghiệm bước đi mới trong thời kỳ đất nước khủng hoảng 1976 - 1985 chính là thể hiện sự quyết tâm thực hiện thắng lợi những mong muốn, những căn dặn trong Di chúc của Bác. Ước nguyện của Bác trước lúc đi xa hơn 50 năm qua vẫn luôn thôi thúc toàn Đảng, toàn dân có những đột phá, những sáng tạo, đoàn kết để vững bước và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Những bước đi đã qua bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những trăn trở còn dở dang để những thế hệ tiếp nối, kiện toàn. Chúng ta vững tin rằng sẽ luôn luôn tiếp nối thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác. Và: “Sự đồng lòng, nhất trí và tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là nguồn sức mạnh vô tận. Chúng ta nhất định thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
4. Trần Thị Thu Hương (Chủ biên), (2006), Đảng Cộng sản Việt Nam – Chặng đường qua hai thế kỷ. Nxb Chính trị quốc gia.
5. Hồ Chí Minh, (2011),Toàn tập, t6, Nxb Chính trị Quốc gia.
6. Đặng Phong, (2009),“Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước đổi mới. Nxb Tri thức.
7. PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (Chủ biên), (2006),Các Đại hội đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2006).Nxb Chính trị quốc gia.
8. Http://baochinhphu.vn/Toan-van-Di-chuc-cua-Chu-tich-Ho-Chi-Minh/206578.vgp