Xây dựng Trường Chính trị tỉnh theo hướng thông minh - giải pháp góp phần đổi mới công tác giảng dạy và học tập chương trình trung cấp lý luận chính trị
Tóm tắt: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm gần đã làm thay đổi lớn diện mạo của cả thế giới. Không chỉ riêng trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật mà cả những lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội... cũng bị ảnh hưởng sâu sắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó. Nhiều phương thức tiên tiến ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học, giáo dục ở các nhà trường như: Dạy học dựa trên máy tính, dạy học dựa trên website, dạy học trực tuyến, dạy học từ xa và những năm gần đây đang phát triển mạnh hình thức dạy học thông qua thiết bị di động (M-Learning)... Tất cả các hình thức đó tập trung trong một nhà trường, góp phần biến đổi trường học truyền thống thành một trường học hiện đại, được gọi tên: Trường học thông minh.
Sự xuất hiện và ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, Internet kết nối vạn vật, hệ thống kết hợp thực - ảo,... đã làm mọi vật trên thế giới trong đó có con người có thể kết nối, tác động với nhau bằng các tương tác thông minh. Chính công nghệ thông tin và truyền thông đã ảnh hưởng đến phương thức giảng dạy và học tập thông qua những lợi ích mà nó mang lại. Việc tiếp cận trường học thông minh như là một nhu cầu tất yếu để nhà trường truyền thống thích ứng với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, bài viết này với mong muốn làm rõ đặc điểm, các tiêu chí của mô hình trường học thông minh, cụ thể là Trường Chính trị tỉnh đổi mới theo hướng trường học thông minh làm nền tảng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Có thể hiểu trường học thông minh là nơi vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời là nơi mà giảng viên, học viên đổi mới, sáng tạo trong hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Đặc điểm trường học thông minh
Nhìn chung, trường học thông minh bao gồm một số đặc điểm cơ bản sau đây: Người học là trung tâm, được cung cấp các dịch vụ học tập hiện đại, chất lượng theo nhu cầu, đặc điểm và năng lực cá nhân của từng người; Tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại và phát triển liên tục; Tạo môi trường đào tạo, bồi dưỡng thông minh cho người học mà ở đó công nghệ thông tin và truyền thông giữ vai trò quan trọng. Các đặc điểm của trường học thông minh có thể được hiểu rõ hơn khi được mô tả qua so sánh với đặc điểm các trường học phổ biến hiện nay:
Tiêu chí so sánh
|
Trường học bình thường
(phổ biến hiện nay)
|
Trường học thông minh
|
Chiến lược phát triển
|
Chưa có mục tiêu phát triển trường học thông minh
|
Mục tiêu phát triển thành trường học thông minh
|
Chương trình giảng dạy
|
- Đóng khung, thiếu linh hoạt; ít có cơ hội đào tạo, bồi dưỡng cá nhân.
- Nội dung chưa tập trung vào phát triển các kĩ năng STEM.
|
- Mở, linh hoạt, lấy sự phát triển người học làm trung tâm; ưu thế đào tạo, bồi dưỡng phù hợp từng cá nhân người học.
- Nội dung tập trung các kĩ năng STEM, mở rộng và không giới hạn.
|
Lãnh đạo và quản lý
|
- Mang tính hành chính cao.
- Ít hoặc chưa có ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý.
- Ít hoặc chưa có điều kiện hỗ trợ giảng viên, học viên tiếp cân và sử dụng công nghệ thông minh.
- Phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý trường học truyền thống.
|
- Trao quyền và khuyến khích tự chủ.
- Quản lý hiệu quả dựa trên nền tảng các ứng dụng các công nghệ hiện đại.
- Hỗ trợ tích cực giảng viên, học viên tiếp cân và sử dụng tối ưu các nguồn lực, công nghệ thông minh.
- Phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý môi trường đào tạo, bồi dưỡng thông minh.
|
Giảng viên
|
- Chưa có cam kết giảng dạy thông minh.
- Ít hoặc chưa có các phần mềm, thiết bị công nghệ thông minh hỗ trợ dạy học.
- Quản lý, giảng dạy học viên theo phương thức truyền thống.
- Phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm trong môi trường lớp học truyền thống.
|
- Cam kết về chiến lược giảng dạy thông minh phù hợp với từng cá nhân người học.
- Ứng dụng đa dạng các phần mềm, các thiết bị công nghệ thông minh trong dạy học.
- Thực hiện vai trò là nhà quản lý, người giảng viên, nhà tư vấn dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại; đề cao vai trò quản lý môi trường đào tạo, bồi dưỡng.
- Bên cạnh năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, chú trọng phát triển năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực tư vấn, hỗ trợ học tập thông minh.
|
Học viên
|
- Chưa phát triển học tập tự định hướng.
- Học theo hướng dẫn và tiến độ bài học của giảng viên theo chương trình chung.
- Ít hoặc không có sự hỗ trợ, không bắt buộc sử dụng công nghệ đa phương tiện trong học tập.
- Cơ hội học tập hạn chế.
|
- Học tập tự định hướng phù hợp năng lực và đặc điểm của cá nhân người học.
- Tự tiếp cận với các tài liệu, tài nguyên học tập và tự học.
- Sử dụng các công nghệ đa phương tiện là bắt buộc để học tập.
- Cơ hội học tập mở rộng.
|
Đánh giá và giám sát trường học
|
- Đánh giá tập trung một số khía cạnh nổi bât tương ứng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
- Giám sát chưa đáp ứng tiêu chí toàn diện, đa chiều, công khai.
|
- Đánh giá khách quan và toàn diện trên nền tảng công nghệ thông minh.
- Giám sát đa chiều, toàn diện, công khai. Thông tin giám sát là một tiêu chí đánh giá nhà trường.
|
Cơ sở vật chất
|
Ít hoặc chưa có các thiết bị công nghệ thông minh
|
- Các thiết bị công nghệ thông minh đa dạng, đồng bộ dựa trên trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng nền tảng ICT (bảng thông minh, bục giảng thông minh, máy chiếu, máy tính bảng,..); hệ thống camera giám sát; hệ thống công nghệ giám sát trường học, kết nối Internet băng thông rộng.
- Cơ sở dữ liệu, tài nguyên học tập mở, phong phú.
|
Thực trạng việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh theo hướng trường học thông minh hiện nay
- Về chủ trương: Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn, với quan tâm sâu sắc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của tập thể cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh, ngày 24/9/2024, Trường Chính trị tỉnh đã vinh dự đón Bằng công nhận trường chính trị đạt chuẩn mức 1.
Tuy nhiên, đối với vấn đề xây dựng Trường Chính trị tỉnh theo hướng thông minh thì chưa có quy định, văn bản cụ thể nào. Đây có thể xem là một trong những nội dung cần được quan tâm nghiên cứu vì hiện nay, tỉnh Bình Dương đang là một trong những tỉnh, thành trong cả nước có chiến lược xây dựng đô thị thông minh, và cũng đã có nhiều năm liên tiếp được Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là 01 trong 21 quốc gia, khu vực có chiến lược phát triển đô thị thông minh tiêu biểu của thế giới. Không nằm ngoài xu hướng đó, Trường Chính trị tỉnh cũng cần được định hướng theo chiến lược phát triển trường học thông minh trong thời gian tiếp theo.
- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật:
Hệ thống các phòng làm việc, phòng chức năng của nhà trường được trang bị đầy đủ máy tính, máy in, kết nối mạng internet, hệ thống wifi; hội trường lớn và phòng họp - phòng hội thảo có kết nối họp trực tuyến.
Các phòng học được trang bị đầy đủ máy chiếu và các trang thiết bị dạy học cơ bản như hệ thống âm thanh, dây kết nối; một số hội trường có gắn camera nhưng chưa sử dụng.
Ký túc xá, nhà khách được trang bị đầy đủ máy lạnh, quạt máy, tivi, máy nước nóng và đầy đủ cơ sở vật chất cho học viên, giảng viên nghỉ ngơi.
Thư viện nhà trường có hệ thống máy tính, kết nối wifi, internet.
Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng một phần được thực hiện thông qua phần mềm (chưa ổn định) và hiện nay đang từng bước xây dựng phần mềm quản lý chuyên nghiệp trong thời gian tới.
Việc xây dựng đề thi, ra đề thi, kiểm tra, công tác quản lý lớp học, điểm danh được thực hiện bằng phương thức truyền thống.
Từ những phân tích trên cho thấy, các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường chưa đáp ứng tốt cho giảng dạy thông minh. Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong giảng dạy thời gian qua thiếu đồng bộ; kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông chưa thật sự hiệu quả; Trình độ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên chưa đồng đều; còn thiếu các giải pháp phần mềm, cơ sở dữ liệu đồng bộ để nhà trường kết nối vào hệ thống chung của đô thị thông minh của tỉnh. Hình thức tổ chức dạy học truyền thống gắn với việc truyền thụ kiến thức, tài liệu in, thời gian biểu cố định,... đã khiến công tác đào tạo, bồi dưỡng thiếu tính linh hoạt, sáng tạo. Tất cả những nội dung liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đều được trang bị tương đối đầy đủ, đảm bảo công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập của giảng viên và học viên. Tuy nhiên, những trang bị nêu trên đều mang tính chất truyền thống rất cao, chưa có những trang thiết bị, kỹ thuật, ứng dụng theo hướng thông minh, hiện đại, công nghệ cao, nên việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh theo hướng thông minh sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là liên quan đến công tác tài chính nhằm mua sắm, trang bị những trang thiết bị hiện đại này.
Một số kiến nghị nhằm xây dựng Trường Chính trị tỉnh theo hướng thông minh trong thời gian tới:
Một là, xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng trường học thông minh và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển trường học thông minh
Trước tiên, lãnh đạo tỉnh cũng như Ban Giám hiệu nhà trường cần xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng trường học thông minh đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong thời gian tới. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ phát triển trường học thông minh là hữu ích cho quá trình chuyển đổi, duy trì và phát triển bền vững các yếu tố của trường học thông minh. Sự chuyển đổi sang trường học thông minh là quá trình chuẩn bị về nhân lực, vật lực, tài lực để đáp ứng những yêu cầu mới. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ về pháp lí, chính sách khuyến khích phát triển trường học thông minh, chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ nhà trường thông minh, chính sách hỗ trợ phát triển nghề nghiệp cho giảng viên trường học thông minh, chính sách huy động cộng đồng hỗ trợ và giám sát trường học thông minh, chính sách phát triển quản lý thông minh trường học,...
Hai là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông minh
Lãnh đạo tỉnh cũng như Ban Giám hiệu nhà trường cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông minh. Đây là các yếu tố điều kiện quan trọng, ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động sư phạm thông minh, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy của giảng viên, học tập của học viên cũng như công tác quản lý của nhà trường. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông minh phục vụ hoạt động sư phạm thông minh của nhà trường cần được nghiên cứu, có kế hoạch cho hoạt động đầu tư, có xác định và lựa chọn các hạng mục đầu tư để đảm bảo các yếu tố đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Hệ thống máy tính có nối mạng Internet, bảng tương tác, bục giảng thông minh, máy tính bảng cá nhân cho học viên, hệ thống băng thông rộng chất lượng cao, hệ thống các phần mềm dạy và học, hệ thống các phần mềm quản lý, hệ thống camera giám sát và điều khiển các hoạt động của nhà trường,. là những hạng mục cần được xem xét để đầu tư cho nhà trường.
Ba là, xây dựng và thiết kế chương trình giảng dạy thông minh
Nhằm tạo ra môi trường tương tác thông minh cho người học, THTM cần có chương trình giảng dạy thông minh có tính tổ hợp cao, linh hoạt và có tính mở. Nội dung chương trình đáp ứng yêu cầu cung cấp kiến thức nền tảng, phát triển năng lực người học đáp ứng yêu cầu của người lao động trong xã hội hiện đại trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chương trình phải được xây dựng theo hướng làm tăng hứng thú học tập, tăng khả năng học tập cho học viên, tăng tính hiệu quả của chương trình. Trên cơ sở đó, trường học thông minh tạo ra môi trường học tập tích cực, người học có thể học với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu và năng lực cá nhân.
- Đối với Ban giám hiệu: Thành lập Ban chỉ đạo cấp trường, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai mô hình “lớp học thông minh - Trường học thông minh” theo lộ trình và phấn đấu để đạt các yêu cầu về xây dựng “lớp học thông minh - Trường học thông minh”.
Cụ thể: Các yêu cầu đối với “Lớp học thông minh”:
(1) Lớp học phải có hệ thống internet băng thông rộng hoặc hệ thống internet cáp quang, có tốc độ đường truyền đảm bảo tốt, phủ được sóng wifi toàn trường và có đường truyền internet dự phòng;
(2) Lớp học có các thiết bị công nghệ thông, truyền thông, điện tử phục vụ công tác giảng dạy và học tập như: bục giảng thông minh - trung tâm điều khiển lớp học bao gồm âm thanh, ánh sáng, máy chiếu Projector, máy chiếu vật thể, máy tính...; bảng tương tác thông minh hoặc màn hình LCD; bàn học viên thông minh và các thiết bị hỗ trợ khác phục vụ công tác dạy và học;
(3) Có nguồn tài nguyên bài giảng, bài giảng điện tử, bài giảng E-learning phục vụ giảng dạy cho giảng viên. Có các thiết bị dạy học khác đáp ứng được yêu cầu của phòng học linh hoạt, đa chiều, thân thiện (như: bảng, tranh ảnh xung quanh lớp học; bàn ghế đa năng; dụng cụ phục vụ cho giảng viên và học viên);
(4) Có hệ thống phần mềm quản lý học tập phục vụ cho hoạt động tương tác giữa giảng viên với học viên, giữa học viên với học viên, với bài giảng (phần mềm được cài đặt cho máy chủ của giảng viên và các máy tính bảng học viên riêng biệt theo từng lớp học);
(5) Phấn đấu trang bị thiết bị học tập cho học viên (máy tính bảng cá nhân) tối thiểu phục vụ được từng nhóm học tập của học viên (2 học viên - 01 máy), tiến tới trang bị đầy đủ cho mỗi học viên trong lớp 01 máy để tham gia học tập.
Các yêu cầu đối với trường học thông minh:
(1) Có lắp đặt hệ thống internet băng thông rộng tốc độ đường truyền đảm bảo tốt, phủ sóng wifi toàn trường và có đường tuyền internet dự phòng.
(2) Có ít nhất 30% số lớp học trong nhà trường đạt tiêu chí là “Lớp học thông minh”.
(3) Có hệ thống camera giám sát tại các lớp học, một số điểm cần thiết trong trường như: sân tường, cổng trường, khu thể dục thể thao, bếp ăn...
(4) Quản lý nhà trường theo mô hình hiện đại, ứng dụng các phần mềm quản lý trực tuyến trong công tác điều hành nhà trường, phát huy tốt các chức năng trang thông tin điện tử của nhà trường.
(5) 100% giảng viên đạt trình độ chuẩn theo quy định, ứng dụng được công nghệ thông tin vào giảng dạy có hiệu quả. Điều khiển tốt các thiết bị phòng học thông minh, đặt công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định trong hoạt động giảng dạy và học tập.
Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường cần tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động trong cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên, học viên hiểu và nhận thức rõ tầm quan trọng, tác dụng của mô hình “lớp học thông minh - trường học thông minh”. Tổ chức thực hiện từng bước theo kế hoạch triển khai thực hiện “lớp học thông minh - trường học thông minh”. Đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ quản lý năng lực lãnh đạo như: Năng lực lập kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường theo các giai đoạn của mô hình trường học thông minh; năng lực lãnh đạo, điều hành giảng viên tiếp cận với các nguồn lực để phát triển liên tục nghề nghiệp; năng lực kết nối và tạo lập mối liên hệ giữa các thành viên, tổ chức trong và ngoài nhà trường; năng lực hỗ trợ và cố vấn cho giảng viên, cán bộ nhà trường; năng lực thích ứng và sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và lãnh đạo nhà trường; năng lực huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển trường học thông minh; năng lực phân tích và giải quyết vấn đề, hóa giải kịp thời những khó khăn phát sinh trong hoạt động của nhà trường; năng lực chia sẻ, tạo động lực tham gia hoạt động sư phạm thông minh cho các thành viên nhà trường.
- Đối với các khoa chuyên môn: Tham mưu cho Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch mô hình “lớp học thông minh - trường học thông minh”. Tăng cường công tác tuyên truyền cho các thành viên của tổ rõ hơn về tầm quan trọng, tác dụng của mô hình “lớp học thông minh - trường học thông minh” và đồng thời triển khai và tổ chức thực hiện đến toàn bộ giảng viên trong khoa. Quản lý việc thực hiện chương trình giảng dạy, giảng dạy thông minh của giảng viên trong khoa. Tham mưu cho Ban Giám hiệu tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy.
Nói chung, trường học thông minh là mô hình trường học thích ứng với sự phát triển của xã hội góp phần xây dựng đô thị thông minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng thông minh. Việc xây dựng trường học thông minh là quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng, trải qua nhiều giai đoạn tương ứng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, của giảng viên, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đề án số 05-ĐA/TU ngày 30/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đạt chuẩn.
2. Điều kiện nào để có trường học thông minh? Báo Thanh niên Online, https://thanhnien.vn, ngày 26/4/2021.
3. Mô hình trường học thông minh, Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Online, https://hcm.edu.vn, ngày 19/12/2019.
4. Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn.
5. Trường học hạnh phúc và trường học thông minh có gì khác biệt? Báo Nhân dân Online, https://nhandan.vn, ngày 14/02/2022.
ThS. Nguyễn Trần Cảnh
Phó Trưởng phòng QLĐT và NCKH