“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”
Giàu tình nhân ái đối với mọi kiếp người, Bác Hồ cũng luôn mang trong mình tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với thiếu nhi nước nhà – chủ nhân tương lai của đất nước, tình cảm ấy cho đến nay vẫn để lại sự thương nhớ trong trái tim bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Bác đã từng tâm sự: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Vì vậy, trong suốt cuộc đời của mình, Bác đã dùng tình cảm của một người cha để quan tâm, chăm sóc, giáo dục thế hệ măng non của đất nước.
Khi đất nước bị dày xéo dưới gót giày của thực dân, cả dân tộc bị áp bức, tất cả các tầng lớp nhân dân phải sống cảnh lầm than, trong đó “Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Đi ăn ở với người ta bên ngoài” Trước tình cảnh đó, Bác dùng trái tim vĩ đại của một vị cha già để thương xót và lo lắng: “Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...”
Không chỉ gửi gắm tình cảm đối với thiếu nhi, Bác còn khẳng định vai trò của trẻ em Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, khi vận động tập hợp quần chúng, khi tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bác Hồ đều có thư và thơ cho thiếu nhi.
Trước cách mạng tháng Tám, Bác viết nhiều bài thơ và bài ca kêu gọi mọi tầng lớp, trong đó có thiếu nhi, tùy theo sức lực của mình, cùng toàn dân cứu nước, cứu nhà. Bác kêu gọi thiếu nhi đoàn kết đấu tranh góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình”, Bác khích lệ các em phải biết lễ phép, vệ sinh, tự rèn luyện mình cũng là tham gia kháng chiến. Lời kêu gọi ấy của Bác Hồ có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên, nhi đồng cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Đã có rất nhiều tấm gương thiếu niên, nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tiêu biểu như Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, các đơn vị nổi tiếng như: Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội Thiếu niên du kích thành Huế, Đội Thiếu niên du kích Đồng Tháp Mười...
Sau khi đất nước giành được độc lập, ngay trong phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 03-9-1945, Bác đã đề ra 6 việc cấp bách cần phải làm ngày trong đó có nhiệm vụ diệt giặc dốt, xóa mù chữ cho người lớn tuổi và tổ chức trường lớp để trẻ em Việt Nam được đi học. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9-1945, Bác viết: “ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Bác Hồ là người đầu tiên coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra, trong thư gửi thiếu nhi cả nước nhân ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1951 Bác viết: ngày 1-6 “Là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình...”. Đối với thiếu nhi nước nhà, Bác đã nêu ra các hình thức đấu tranh rất cụ thể, thiết thực: các cháu cần phải “Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”. Bác nhắc nhở: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau” trong đó đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau và đoàn kết với bạn bè thiếu nhi trên thế giới, Bác gọi đó là tinh thần quốc tế. Lời dạy của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, hướng vào Nam, khi “thành đồng Tổ quốc” đang ngày đêm gồng mình hứng chịu bom đạn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam luôn cồn cào trong tim Bác. Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, Bác ao ước: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Bác luôn nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải “yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...”. Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ðội Thiếu niên Tiền phong, Bác đã gửi thư và đúc kết năm điều giáo dục thiếu nhi: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” và cho đến nay năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi Việt Nam đã trở thành những điều ghi nhớ sâu sắc trong tất cả các em khi đến tuổi cắp sách tới trường.
Trong những năm cuối đời, trên bàn làm việc của Người có chiếc phong bì để những tấm ảnh các cháu dũng sĩ miền Nam, mỗi khi có khách quý nước ngoài đến thăm, Bác thường đem ra giới thiệu. Bằng cảm xúc tự hào, Bác nói: Các cháu này đã được đồng bào miền Nam bầu là dũng sĩ, các cháu ấy đã làm được những việc mà trước đây chúng tôi ở tuổi ấy không làm được! Và đúng như Bác khẳng định: “Em bé Việt Nam, các cháu Bác Hồ, cũng nhiều em anh hùng. Trẻ con anh hùng chứng tỏ cả dân tộc anh hùng. Với chí khí anh hùng do lòng yêu nước và tinh thần quốc tế hun đúc, nhất định đánh tan được bọn đế quốc tham tàn”
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-1969, ba tháng trước lúc đi xa, Bác Hồ viết bài trên báo Nhân Dân khẳng định: “Chăm sóc và giáo dục các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”, và kêu gọi “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc, giáo dục các cháu bé cho tốt”. Trong Di chúc, Người lại nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Nhớ lời dạy của Người, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến thiếu niên nhi đồng - những người chủ tương lai của đất nước, lực lượng cách mạng quan trọng. Để bảo vệ và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em Việt Nam đến nay chúng ta có hàng trăm văn bản luật và dưới luật liên quan đến trẻ em. Ngoài ra, để huy động nguồn lực trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án trợ giúp, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), ILO (Tổ chức lao động thế giới), Save the Children (Cứu trẻ em)… nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi trẻ em, bảo vệ quyền bình đẳng giới, chống bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên, tạo điều kiện để trẻ có môi trường phát triển tốt và an toàn nhất.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 cũng đã thể hiện quan điểm coi trọng công tác trẻ em của Đảng và Nhà nước ta. Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em”, Khoản 2 Điều 58 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình”. Năm 2016 tại kỳ họp kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII cũng đã thông qua Luật Trẻ em, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII, Đảng ta nêu phương hướng, nhiệm vụ sắp tới: “Coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Tháng 4 năm 2016, thành phố Hồ Chí Minh thành lập Tòa án Gia đình và người chưa thành niên. Đây là tòa án chuyên trách đầu tiên cho trẻ em của Việt Nam, nhằm hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn trẻ em có liên quan đến pháp luật; dự kiến sẽ mở rộng Tòa án Gia đình và người chưa thành niên tại tất cả các tỉnh thành và quận huyện trong cả nước; việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên; tháng 6/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ ra mắt Tòa Gia đình và người chưa thành niên, đây là Tòa chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên thứ hai được thành lập trong hệ thống Tòa án nhân dân, sự ra đời của Tòa án này tiếp tục chứng minh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam, của lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan đối với trẻ em. Tòa chuyên trách này là bước phát triển mới của hệ thống tư pháp Việt Nam nhằm bảo vệ trẻ em; bởi lẽ dù tham gia ở vị trí nào trong phiên tòa cũng đều được bảo vệ. Thực tế, hoạt động của hình thức tòa án này đã góp phần lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khác nhau như thiết lập đường dây nóng để bảo vệ trẻ em, sửa đổi bổ sung luật hình sự, luật giáo dục; luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… Nhiều hoạt động thiết thực đã diễn ra như Chương trình hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các địa phương phát động Tháng hành động vì trẻ em (tháng 6) nhằm vận động toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phát triển của kinh tế - xã hội giúp trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, tốc độ đô thị hóa cao, sự du nhập của văn hóa ngoại lai… tạo ra môi trường sống hiện tại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi cho trẻ em, dẫn đến các vụ xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi, mua bán trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Bên cạnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội số vụ ly hôn ngày càng gia tăng, đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất là trẻ nhỏ, ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển toàn diện của trẻ… Đứng trước thực trạng này đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục có những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để đạt mục tiêu đề ra, cụ thể:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em.
Việc tạo môi trường luật pháp đầy đủ, thân thiện với trẻ em và tạo môi trường xã hội phù hợp để trẻ em phát triển là vô cùng quan trọng. Hiện nay một số quy định xử phạt như xử lý các hành vi xâm hại trẻ em chưa có tính răn đe… Vì vậy, cần trình Quốc hội xem xét dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), trong đó xử lý nghiêm cách hành vi xâm hại trẻ; quy định việc hình thành, củng cố hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em ở ba cấp độ phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em; thực hiện đầy đủ công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Hai là, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ em cho chính đối tượng này.
Một trong những cách hiệu quả để thiếu nhi Việt Nam bảo vệ được bản thân mình chính là tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ em thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như tổ chức các chiến dịch truyền thông, các buổi học ngoại khóa về rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; đồng thời những người thân trong gia đình cũng là một mắt xích quan trọng bên cạnh nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em các biện pháp để bảo vệ bản thân, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quyền công dân và quyền trẻ em, tạo môi trường thuận lợi nhất để trẻ em phát triển toàn diện.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội
Ý nghĩa sâu sắc của việc phối hợp giáo dục đã được Bác Hồ chỉ ra từ rất sớm: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Và hiện nay, việc phối hợp chặt chẽ này trở thành một nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Sự phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục trên, trước là để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như trong hoạt động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của trẻ, tránh sự tách rời mâu thuẫn, vô hiệu hóa lẫn nhau gây cho trẻ tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của nhân cách. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Vấn đề cơ bản hàng đầu là tất cả các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra các mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu giáo dục đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân hữu ích cho đất nước.
Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Để tạo môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ, đòi hỏi sự chung tay góp sức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tại các địa phương tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện quyền trẻ em giữa các ngành, các cấp; đặc biệt là việc nghiên cứu, xây dựng và thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em. Thúc đẩy thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Hơn 50 năm trôi qua, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam không được nhận thư của Bác mỗi dịp Quốc tế thiếu nhi, tết trung thu hay ngày tựu trường. Nhưng tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên nhi đồng cả nước, là di sản văn hóa vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta. Các thế hệ thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn cất cao lời hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh /Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.
Th.S Nguyễn Thị Mai - GV Khoa Lý luận cơ sở
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, t.4, tr.41