Góp phần tìm hiểu bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam hiện nay
Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình cũng chính là bảo đảm cơ hội thực sự bình đẳng cho tất cả phụ nữ. Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã làm thay đổi nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Gia đình là một thiết chế xã hội cũng cần phải thay đổi theo xu hướng tiến bộ, đặc biệt các mối quan hệ trong gia đình phải hướng tới sự dân chủ, bình đẳng thực sự. Trên cơ sở đó, vị thế và vai trò của người phụ nữ trong gia đình cần được thừa nhận, khẳng định để tạo điều kiện, cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ phát huy năng lực. Việc thực hiện bình đẳng giới từ trong mỗi gia đình là cần thiết và cũng là cơ sở nhằm góp phần thúc đẩy các khung chính sách về bình đẳng giới ở Việt Nam.
1. Một số vấn đề lý luận về bình đẳng giới trong gia đình
1.1. Quan niệm về bình đẳng giới và bình đẳng giới trong gia đình
* Bình đẳng giới
Bình đẳng giới là một khái niệm hàm chứa ý nghĩa xã hội to lớn. Sự ra đời của khái niệm bình đẳng giới là kết quả của phong trào phụ nữ và chủ nghĩa nữ quyền. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về bình đẳng giới, trong Luật Bình đẳng giới định nghĩa như sau: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Như vậy, bình đẳng giới trước hết được hiểu là sự đối xử như nhau giữa nam giới và phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội. Khi đề cập tới bình đẳng giới, không nên hiểu bình đẳng giới theo cách đơn giản là nam giới và nữ giới tham gia như nhau trong tất cả các hoạt động, cũng không phải là phương châm phụ nữ “vùng lên” đòi hỏi quyền lợi ngang bằng với nam giới, bất chấp sự khác biệt về đặc tính sinh học giữa nam và nữ.
Ngày nay vấn đề bình đẳng giới đang là vấn đề có tính quốc tế, là mối quan tâm của toàn nhân loại. Sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hướng tới bình đẳng nam - nữ thể hiện rõ nhất tại Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (viết tắt theo tiếng anh là CEDAW). Công ước này được Đại hội đồng Liên Hợp quốc phê chuẩn ngày 18-2-1979 và sau khi nước thứ 20 thông qua ngày 3/9/1981, Công ước này bắt đầu có hiệu lực như một Hiệp ước quốc tế. Đến nay đã có trên 185 quốc gia cam kết thực hiện các điều khoản của Công ước này và là Văn kiện quốc tế có số thành viên tham gia đông thứ hai trên thế giới sau Công ước về quyền trẻ em. Lần đầu tiên các quyền con người của phụ nữ được đề cập một cách toàn diện nhất trong công pháp quốc tế. Theo tinh thần của công ước CEDAW, nội dung bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực: Bình đẳng về chính trị; Bình đẳng trong kinh tế, việc làm; Bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục; Bình đẳng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; Bình đẳng trong vấn đề hôn nhân và gia đình.
Việt Nam là quốc gia thứ 6 ký công ước CEDAW. Cho đến nay, Việt Nam là một trong các quốc gia tích cực thực hiện các cam kết của mình nhằm thúc đẩy sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ. Với quan điểm thừa nhận những sự khác biệt về giới và giới tính giữa nam và nữ, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt công ước CEDAW. Quan điểm thực hiện đối xử đặc biệt với phụ nữ trên mọi lĩnh vực đã được cụ thể hóa trong các chính sách, các chương trình, dự án phát triển ở Việt Nam, trong Kế hoạch Hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt đã ban hành Luật Bình đẳng giới (2007) thể hiện rõ sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới. Theo Luật Bình đẳng giới (2007) của nước ta, nội dung của bình đẳng giới gồm có: Bình đẳng về chính trị; Bình đẳng về kinh tế, việc làm; Bình đẳng trong lĩnh vực lao động; Bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Bình đẳng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; Bình đẳng trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao; Bình đẳng trong lĩnh vực y tế; Bình đẳng trong gia đình.
Như vậy, bình đẳng giới trong gia đình là một trong tám lĩnh vực thực hiện bình đẳng giới được luật hóa ở nước ta hiện nay.
* Bình đẳng giới trong gia đình
Theo luật hôn nhân gia đình, gia đình được hiểu: “ Là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật”.
Quan hệ giữa gia đình với xã hội là quan hệ giữa cái bộ phận với cái toàn thể. Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Trong mối quan hệ với xã hội, gia đình là yếu tố hạt nhân, vì vậy xã hội muốn đạt tới bình đẳng về giới phải chú ý giải quyết tốt mối quan hệ về giới ngay từ trong gia đình. Về mặt khái niệm, các nghiên cứu thường dừng lại ở khái niệm bình đẳng giới mà ít đề cập tới khái niệm bình đẳng giới trong gia đình. Mặc dù chỉ là một cấp độ của bình đẳng giới nhưng bình đẳng giới trong gia đình lại thể hiện các khía cạnh rất phong phú thông qua quan hệ giữa nam và nữ trên một loạt vấn đề.
Điều 18, Luật Bình đẳng giới (2007) nêu rõ nội dung bình đẳng giới trong gia đình qua các khía cạnh sau:
Lĩnh vực pháp luật: Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Lĩnh vực về quyền quyết định: Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
Lĩnh vực tái sinh sản: Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
Lĩnh vực giáo dục con cái: Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
Lĩnh vực sản xuất: Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
1.2. Sự cần thiết phải thực hiện bình đẳng giới trong gia đình
Bình đẳng giới trong gia đình không chỉ có ý nghĩa với phụ nữ mà còn đem lại ý nghĩa lớn lao đối với phát triển xã hội. Gia đình là nền tảng của xã hội, là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, thực hiện giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới trong gia đình là nền tảng cho việc bình đẳng giới trong xã hội. Hiện nay bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, tự nó là mục tiêu của sự phát triển và là yếu tố hỗ trợ, nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của quốc gia. Sự phát triển của từng giới đặc biệt là của giới nữ, phải theo kịp bước phát triển của nhân loại văn minh hiện đại và bước tiến của xã hội họ đang sống. Nó dẫn tới sự giải phóng cá nhân của người phụ nữ, việc nâng cao chất lượng sống của họ, sự phát triển nhân cách và tài năng sáng tạo của từng người, phù hợp với những đòi hỏi của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của thế kỉ XXI. Vì vậy việc giải quyết vấn đề giới, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình liên quan đến sự tiến bộ, đi lên của một quốc gia dân tộc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội theo kịp trình độ văn minh của thời đại. Có thể thấy sự cần thiết phải bảo đảm quyền kinh tế của phụ nữ thể hiện trên các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, Bình đẳng giới trong gia đình tạo điều kiện cho người phụ nữ hoàn thành tốt vai trò làm vợ, làm mẹ, tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao.
Thứ hai, Bình đẳng giới trong gia đình góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo.
Thứ ba, Bình đẳng giới trong gia đình là nền tảng thúc đẩy bình đẳng và tiến bộ xã hội.
2. Vấn đề thực hiện bình đẳng giới trong gia đình hiện nay
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong gia đình nói riêng. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bộ máy quốc gia về bình đẳng giới cũng được củng cố. Có thể nói, việc bảo đảm quyền bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu lớn. Quyền bình đẳng giới trên các lĩnh vực và trong đời sống gia đình được thực hiện đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, khoảng cách giới và bất bình đẳng giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực và đặc biệt là trong gia đình. Có thể thấy ở một vài khía cạnh như sau:
Một bộ phận gia đình trẻ hiện nay, vẫn chịu ảnh hưởng tư tưởng trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Áp lực sinh con trai nối dõi trong gia đình là một vấn đề không mới, nó tồn tại trong xã hội Việt Nam từ rất lâu. Đến thời đại ngày nay, mặc dù đã được tiếp cận với những tư tưởng hiện đại về bình đẳng giới nhưng bên trong mỗi mái ấm vẫn luôn tồn tại một đợt sóng ngầm đến từ bố mẹ chồng, từ người chồng của mình. Áp lực ấy tác động đến cuộc sống của người phụ nữ, vẫn có những câu chuyện đau lòng về vấn đề sinh con nối dõi. Người phụ nữ không sinh được con trai bị coi là người “không biết đẻ”, có thể phải chấp nhận để chồng có con với người khác, chịu sự kì thị của gia đình chồng... Điều này, vô tình đã đẩy người phụ nữ đến bên bờ vực của sự tuyệt vọng.
Về sự phân công lao động trong gia đình giữa người vợ và người chồng. Định kiến giới truyền thống về vai trò của phụ nữ, gắn phụ nữ với công việc chăm sóc gia đình và nam giới vẫn được kỳ vọng trở thành người thành đạt, bảo đảm kinh tế cho gia đình. Hiện nay trong gia đình, thời gian làm việc của phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Nên một thực tế dễ thấy trong các gia đình Việt Nam hiện nay đó là, thời gian làm việc của phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Sự chênh lệch này, chủ yếu là do ngoài công việc hàng ngày, người phụ nữ phải đảm nhận thêm công việc nội trợ, chăm sóc con cái, giáo dục con cái…
Ngày nay đa số các cặp vợ chồng trẻ sống riêng, tự lập. Chính môi trường tự lập, tạo cho sự thoải mái nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho người phụ nữ: vấn đề làm thế nào để duy trì hạnh phúc, vấn đề bạo lực gia đình. Bởi, thực tế cho thấy, hiện nay, gia đình trẻ có chiều hướng ly hôn tăng. Những số liệu gần đây, cho thấy có đến hơn 30% các cặp vợ chồng trẻ ly hôn sau chưa đầy 3 năm chung sống. Và mặc dù phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các quyết định trong gia đình, song nam giới vẫn là người ra các quyết định chính. Điều này đang tạo ra những rào cản đối với sự lựa chọn các cơ hội phát triển của cả nam và nữ. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ cũng đang tồn tại khá nghiêm trọng.
Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và góp phần mang tới thành công cho “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc. Bình đẳng ngay từ trong mỗi gia đình chính là nền tảng cho việc nâng cao quyền phụ nữ, cho phép họ tự quyết định cuộc sống và khẳng định vị thế của mình ngoài xã hội.
3. Một số khuyến nghị
Thứ nhất, Đẩy mạnh phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình, khi đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đòi hỏi người phụ nữ phải có tay nghề, kĩ năng nhất định, buộc họ phải đầu tư thời gian nghiên cứu, học hỏi nhằm tương ứng với trình độ sản xuất mới, nên họ cần suy nghĩ quyết định khoảng thời gian sinh con thích hợp. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hoá, tăng cường mở rộng các ngành dịch vụ, tạo thêm việc làm, thu hút nhiều lao động, giảm thời gian nhàn rỗi, nâng cao thu nhập sẽ tạo nên tiếng nói quan trọng hơn của người phụ nữ trong gia đình. Phát triển kinh tế là điều kiện tốt nhất để đầu tư thêm ngân sách cho các chương trình giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, mạng lưới dân số - kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, đảm bảo sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, trẻ em, góp phần thực hiện tốt hơn quyền bình đẳng của phụ nữ.
Thứ hai, Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội ngày nay đã có nhiều bước cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước nhưng những tư tưởng định kiến giới, “trọng nam khinh nữ” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam từ bao đời nay nên đã chi phối các hành vi ứng xử hàng ngày của mỗi người. Đổi mới nhận thức này không phải là điều dễ dàng. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức ở mỗi người, đặc biệt phải làm cho nhận thức đó chuyển hóa thành các hành vi, thái độ ứng xử bình đẳng với phụ nữ. Thay đổi này cần bắt đầu từ ngay trong mỗi gia đình, trong mối quan hệ giữa các thành viên và trong cách giáo dục con cái để tránh tư tưởng phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Khi tuyên truyền cần tránh tư tưởng bình đẳng giới là vấn đề của phụ nữ nên chỉ tập trung vào phụ nữ. Nam giới cần được tuyên truyền, vận động để có cách nhìn nhận cởi mở, tích cực về sự bình đẳng giới nhất là về sự cần thiết phải nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ tiến tới xóa bỏ những định kiến và cách suy nghĩ khuôn mẫu cứng nhắc, lạc hậu về vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ. Cần phải tuyên truyền để cho người dân thấy được sự bất bình đẳng trên nhiều khía cạnh sẽ là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của chính bản thân phụ nữ, gia đình và toàn xã hội.
Thứ ba, nâng cao trình độ học vấn và kĩ năng nghề nghiệp cho phụ nữ. Tri thức là vấn đề mấu chốt của sự phát triển. Đầu tư vào giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng nhất quyết định hạnh phúc, tương lai của con người, tạo ra các cơ hội nghề nghiệp, việc làm, thu nhập. Một khi người phụ nữ được giáo dục, đào tạo đầy đủ, trình độ mọi mặt được nâng lên, họ sẽ là người lao động giỏi đạt năng suất cao, họ nhận thức được và thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, có kiến thức và biết nuôi dạy con tốt, họ có khả năng làm vợ đảm đang và biết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Thật vậy, đầu tư cho giáo dục, đào tạo cho phụ nữ nhằm nâng cao trình độ năng lực cá nhân, thực chất đó là một khía cạnh tạo quyền cho phụ nữ để họ khẳng định quyền bình đẳng thực sự với nam giới, giúp họ vươn lên có đủ khả năng đáp ứng được những yêu cầu mới ngày càng cao của xã hội.
Thứ tư, Xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở bình đẳng giới. Gia đình và sự tiến bộ của phụ nữ là hai vấn đề có quan hệ khăng khít với nhau. Trong gia đình, phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng, là người thầy đầu tiên của con người, là linh hồn của một gia đình, là người tạo dựng nền tảng tâm hồn và nhân cách cho con người ngay từ thuở lọt lòng cho đến khi trưởng thành. Để phát huy tốt vai trò của mình, người phụ nữ phải là người tiến bộ, và gia đình là nơi bắt đầu sự tiến bộ của phụ nữ. Người phụ nữ không thể nâng cao vị trí của mình khi gia đình thiếu sự bình đẳng, sự chia sẻ vai trò của mình cùng với các thành viên trong gia đình và sự ủng hộ của xã hội. Bất bình đẳng giới xuất hiện đầu tiên trong gia đình, tồn tại dai dẳng trong gia đình. Muốn xóa bỏ bất bình đẳng về giới trong gia đình cần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đây là môi trường trực tiếp nhất để thiết lập quan hệ bình đẳng giới trong gia đình. “Hạt nhân của xã hội là gia đình” do vậy mà “xây dựng gia đình văn hóa mới có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay, góp phần phát triển lực lượng sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống, thực hiện kế hoạch hóa dân số, giữ gìn và phát huy những truyền thống đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
4. Kết luận
Bình đẳng giới gắn với phát triển xã hội, song bản thân sự phát triển xã hội không thể tự đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ. Quá trình tiến tới bình đẳng giới diễn ra nhanh hay chậm còn tùy thuộc mỗi quốc gia, mỗi địa phương có đưa ra được hệ thống giải pháp đồng bộ, đúng đắn, có tính khả thi hay không, có gắn kết được quá trình phát triển kinh tế - xã hội với quá trình tiến tới bình đẳng giới hay không. Muốn thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình cần phải đánh giá một cách khách quan,toàn diện những nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động đến bất bình đẳng giới để có giải pháp khắc phục. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đưa ra một vài khuyến nghị gắn liền với những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bất bình đẳng giới trong gia đình hiện nay.
ThS. Vũ Thị Yến - Khoa Nhà nước & Pháp luật
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
2. Luật Bình đẳng giới năm 2007.
3. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
4. Lê Thi (chủ biên) (2006): Gia đình Việt Nam ngày nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Trần Thị Huyền: Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền của phụ nữ, Tạp chí Nhân quyền (5).
6. Trần Thị Minh Đức (2006), Định kiến và phân biệt đối xử với phụ nữ theo giới: Lý thuyết và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.