Bình Dương tổ chức liên hoan đờn ca tài tử nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá nghệ thuật của dân tộc
Đờn ca tài tử Nam Bộ (còn gọi là nhạc tài tử) là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được hình thành ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ Nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và Đờn ca Huế. Đây là một loại nhạc thính phòng dân gian mang đặc thù của cư dân Nam Bộ. Đờn ca tài tử Nam Bộ được giới chuyên môn và người mộ điệu đánh giá là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo bởi nó vừa mang tính bác học, hàn lâm; lại vừa mang tính bình dân, đại chúng, gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội.
Hiện nay, Đờn ca tài tử Nam Bộ có sức lan tỏa mạnh mẽ, bao trùm khắp các tỉnh, thành của cả nước nói chung và cả trên thế giới cũng quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Theo Giáo sư, nhạc sĩ Tô Vũ: “Đờn ca tài tử xưa là nét văn hoá độc đáo của người dân Nam bộ, nhưng ngày nay đã lan truyền rộng ra khắp mọi miền đất nước và thậm chí còn được phát triển ra cả nước ngoài”. Chính vì thế, ngày 5/12/2013, Ủy Ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO đã chính thức công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể. Việc Đờn ca Tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh đã cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật này, đồng thời cũng chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới.
Bình Dương là một tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, do đó, Đờn ca tài tử ở Bình Dương mang đậm nét đặc trưng của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Nhằm duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này, định kỳ hàng năm liên hoan Đờn ca tài tử được tổ chức sôi nổi từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Thông qua hoạt động này, bên cạnh những mặt đạt được về công tác tổ chức, quản lý nhà nước, liên hoan chính là dịp để đánh giá phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cũng từ đó, nhiều nhân tố mới được phát hiện, rèn luyện, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức và đã trở thành những nghệ nhân giỏi, có nhiều đóng góp cho sự phát triển phong trào Đờn ca Tài tử của tỉnh nhà.
Đề cập đến lịch sử hình thành nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương, trong công trình nghiên cứu, sưu tầm Nhạc Lễ và Ca nhạc tài tử ở tỉnh Bình Dương có ghi: Khi hoạt động âm nhạc và đào tạo môn sinh ở Đa Kao, Sài Gòn, ông Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi) ở Long An đã đào tạo khá nhiều thế hệ học trò, trong đó có 2 người cùng trang lứa và về sau đều xuất sắc là ông Sáu Thới (Lại Văn Thới) ở Gia Định và ông Sư Dung ở Thủ Dầu Một… Như vậy có thể suy đoán rằng, người thay mặt bậc thầy Nguyễn Quang Đại để truyền bá ca nhạc tài tử đầu tiên ở tỉnh Bình Dương là ông Sư Dung, và thời gian ước đoán vào khoảng một vài năm trước khi kết thúc thế kỷ XIX, tức là lúc ông Sư Dung chừng trên 20 tuổi. Cùng thời với ông Sư Dung, ở Búng (An Thạnh) còn có một bậc thầy tài tử nổi tiếng nữa là ông Giáo Khái. Đây có thể xem là hai vị tiền bối của làng ca nhạc tài tử ở tỉnh Bình Dương. Hai ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò và khai sinh cho làng nhạc tài tử đất Thủ…
Trong cuốn sách Địa chí Bình Dương cũng khẳng định: Ông Nguyễn Quang Đại đã đào tạo khá nhiều học trò xuất sắc, trong đó có ông Sư Dung ở Thủ Dầu Một và ông Giáo Khái ở An Thạnh (Thuận An)… có thể xem ông Sư Dung và ông Giáo Khái là hai vị tiền bối khai sinh nghệ thuật ca nhạc tài tử Bình Dương. Hai ông đào tạo nhiều thế hệ nghệ nhân cho làng nhạc yài tử đất Thủ.
Như vậy, nghệ thuật Đờn ca tài tử có mặt ở tỉnh Bình Dương từ rất sớm, từ năm 1885 cùng với nhiều nhạc sư khác, nghệ nhân Nguyễn Quang Đại đã mở lò dạy nhạc ở Gia Định, đào tạo nhiều học trò xuất sắc cho cánh miền Đông, tiêu biểu như nghệ nhân Sáu Thới, tức Lại Văn Thới người Gia Định; nghệ nhân Sư Dung người Bình Dương… Sau này nghệ nhân Sư Dung, nhà tu hành đã trở thành bậc thầy nổi tiếng của làng ca nhạc tài tử Bình Dương. Ông là một trong những người đầu tiên tạo dựng, truyền bá nhạc tài tử ở Bình Dương. Ông đã đào tạo ra nhiều học trò như Út Lăng, Giáo Thinh vang danh trong giới nghệ thuật truyền thống Nam Bộ. Người có công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương là cụ Sư Dung và cụ Giáo Khái: “Hai ông, từ những kiến thức học được của mình đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò, đã ươm những hạt giống Đờn ca tài tử đầu tiên trên đất Bình Dương, để từ đó những hạt giống đã nảy mầm, phát tán thành một phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh”.
Năm 2007, Bình Dương có 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, trong đó có nghệ nhân Tư Còn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bình Dương (hiện ông đã mất). Năm 2014, trong đợt 1 phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Bình Dương có 12 nghệ nhân được phong, trong đó có 4 nghệ nhân Bóng Rỗi và 8 Nghệ nhân ưu tú về lĩnh vực Đờn ca tài tử: Kim Anh, Thu Hồng, Thùy Dương, Tấn Xuân, Kiều My, Phạm Ngọc Phú, Cao Thị Thắng, Lê Đức Cang (Huy Thanh).
Hình 1: Lễ công bố danh hiệu NSƯT cho nghệ sĩ Nguyễn Văn Còn (thứ 2 từ trái sang)
Có thể thấy điểm nổi bật trong truyền thống văn hoá ở Bình Dương là những di sản văn hoá đặc sắc, mà tiêu biểu là Đờn ca tài tử. Sau khi nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thì việc làm thế nào để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này là một vấn đề hết sức cấp thiết. Chính vì vậy, việc tổ chức những cuộc thi, liên hoan Đờn ca tài tử để phổ biến rộng khắp, giúp người dân thêm yêu, gần gũi hơn với loại hình nghệ thuật này để từ đó, nghệ thuật Đờn ca tài tử sẽ không bị mai một mà phát triển ngày càng mạnh mẽ là một trong những việc làm cần thiết. Điều này sẽ giúp không chỉ thế hệ của những người đi trước, mà cả thế hệ trẻ cũng sẽ được tìm hiểu thêm về Đờn ca tài tử, và từ đó để họ không quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập với quốc tế.
Mặc dù mang đậm nét đặc trưng của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhưng Đờn ca tài tử ở Bình Dương cũng có những đặc điểm riêng của nó, đó là:
Thứ nhất, phong cách cầm đờn kìm dựng đứng.
Ở Bình Dương, người ta thường thấy các nghệ nhân cầm đờn kìm dựng đứng như cách đánh đàn tỳ bà. Đây là một phong cách cầm đờn rất khác người. Theo nghệ nhân Tư Còn (Thủ Dầu Một) thì kiểu cầm đờn kìm dựng đứng này xuất phát từ việc ngày trước, ông hay chơi ở những nơi chật chội nên phải dựng đứng cây đờn kìm để khỏi vướng víu và vì ông có nhiều học trò nên họ bắt chước cách đánh của thầy, chính vì thế nên kiểu cầm đờn kìm dựng đứng được phổ biến. Tuy nhiên, cách lý giải này có vẻ như chưa thực sự thuyết phục, bởi theo một số nghệ nhân khác thì họ cho rằng, việc dựng đứng cây đờn kìm có liên quan đến kỹ thuật lăn ngón trên dây đàn và việc dựng đứng cây đờn kìm lên thì thuận lợi hơn cho việc lăn ngón. Điều này thực hư thế nào chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng, nhưng phong cách cầm đờn kìm dựng đứng là điều hoàn toàn có thật ở Đờn ca tài tử Bình Dương.
Thứ hai, bài Tây Thi Quảng do chính nghệ nhân Bình Dương sáng tác.
Đó là nghệ nhân Út Lăng. Bài Tây Thi vốn là một bài Bắc, nhưng nghệ nhân Út Lăng lại chơi theo hơi Quảng và được giới Đờn ca tài tử thừa nhận là một bài độc lập. Trong thực tế, việc chơi một bài thuộc hơi này bằng một hơi khác cũng khá phổ biến. Nhưng một bản nhạc “lai” được thừa nhận cũng là một đặc điểm thú vị của Đờn ca tài tử Bình Dương. Điều này cũng cho thấy mức ảnh hưởng mạnh mẽ của sự giao lưu tiếp biến văn hóa Việt - Hoa trên vùng đất Bình Dương.
Thứ ba, bộ dây Ngân Giang do nghệ sĩ Nguyễn Văn Còn là dân Bình Dương sáng tác.
Đây là bộ dây guitar phím lõm rất thích hợp cho đờn vọng cổ và cải lương. Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Còn, thì vào năm 1952, thời kỳ chiến tranh loạn lạc, ông và cả xóm cùng đi lánh nạn chiến tranh, mà vào thời đó thiên hạ gọi là đi “chạy giặc”. Từ Dĩ An lên Biên Hòa lánh nạn, ông không quên mang theo cây đàn Lục Huyền Cầm, và nhờ đó mà sau này kho tàng cổ nhạc mới có được dây Ngân Giang. Mỗi lần nhạc sĩ dạo đờn là như oán như than, nghe buồn não ruột. Số là trong một buổi tối nọ, tại nhà ga xe lửa Bảo Chánh, Biên Hòa, nhạc sĩ Văn Còn ngồi buồn ôm đàn so dây nắn phím, dây đàn bị lạc, bỗng bất chợt nghe được tiếng đàn rất hay, ông vô tình khám phá ra tiếng đờn lạ, và từ đó bắt đầu hoàn chỉnh chữ đờn và đặt tên là “dây Bảo Chánh”. Về sau nhạc sĩ Văn Vĩ và Bảy Bá đổi tên thành “dây Ngân Giang” cho thâm trầm thi vị hơn.
Nói về công tác tổ chức hoạt động liên hoan Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tính từ năm 2001 đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã tổ chức được 10 cuộc liên hoan Đờn ca tài tử, trong đó có 2 cuộc liên hoan Âm nhạc dân tộc (nhạc lễ và Đờn ca tài tử), 5 cuộc liên hoan Đờn ca tài tử, cụ thể:
- Năm 2001 tổ chức liên hoan âm nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương lần II tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Dương (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) có 7 đội Đờn ca tài tử đại diện cho 7 huyện, thị của tỉnh Bình Dương tham gia.
- Năm 2003 tổ chức liên hoan âm nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương lần III tại Đình Tân An, thị xã Thủ Dầu Một với sự tham gia của 14 đội nhạc lễ và Đờn ca tài tử của 7 huyện, thị. Đặc biệt, trong đêm khai mạc có sự tham gia giao lưu biểu diễn của đội Đờn ca tài tử của tỉnh Long An.
- Năm 2005 tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương, có 11 đội Đờn ca tài tử trong toàn tỉnh Bình Dương tham dự.
- Năm 2007 tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương có 11 đội trong toàn tỉnh tham dự. Kết quả Ban Tổ chức đã trao 42 giải thưởng cho các thể loại.
- Năm 2008 tổ chức hội thi Giọng ca cải lương tỉnh Bình Dương lần I/2008 tại huyện Tân Uyên, có hơn 100 tiết mục của 7 huyện, thị tham gia. Kết quả Ban Tổ chức đã trao 27 giải thưởng cho các thể loại.
- Năm 2009 có 16 câu lạc bộ đại diện cho 7 huyện, thị trong toàn tỉnh tham gia. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao tặng 52 giải thưởng các thể loại cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.
- Năm 2011, liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương có 11 câu lạc bộ đại diện cho 7 huyện, thị trong toàn tỉnh tham gia. Kết quả chung cuộc, thành phố Thủ Dầu Một đạt giải nhất, thị xã Dĩ An đạt giải nhì, huyện Dầu Tiếng đạt giải ba và huyện Bến Cát, Phú Giáo đồng giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao nhiều giải nhất, nhì, ba và khuyến khích cho các cá nhân và đơn vị có thành tích cao ở từng thể loại, tiết mục.
- Năm 2013, liên hoan Đờn ca tài tử và Cải lương tỉnh Bình Dương có chủ đề: “Ngọt ngào hương sắc Bình Dương” nằm trong “Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013” đã quy tụ được 14 câu lạc bộ Đờn ca tài tử tham gia, trong đó có 9 câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở tỉnh Bình Dương và 5 câu lạc bộ ở ngoài tỉnh với hơn 100 nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia.
- Năm 2014, với chủ đề “Giai điệu phương Nam”, liên hoan Đờn ca tài tử và Cải lương tỉnh Bình Dương diễn ra từ ngày 25/8/2014 đến 29/8/2014 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Giáo (đơn vị đăng cai). Liên hoan lần này quy tụ được 8 câu lạc bộ Đờn ca tài tử đại diện cho 7 huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh tham gia.
- Năm 2015, liên hoan Đờn ca tài tử - Cải lương với chủ đề “Ngọt ngào hương sắc Bình Dương” tổ chức tại Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín" năm 2015. Liên hoan diễn ra trong 3 ngày từ 22/6/2015 đến 24/6/2015, với sự tham gia của 10 ban Đờn ca tài tử đến từ các Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thị, thành phố và câu lạc bộ Đờn ca tài tử gia đình Tấn Xuân (thị xã Tân Uyên). Thông qua những làn điệu: Nam, Hạ, Bắc, Oán, Vọng cổ, Chập cải lương và hòa tấu, các câu lạc bộ Đờn ca tài tử đã đem đến liên hoan nhiều chương trình đặc sắc và ý nghĩa, góp phần làm cho không khí lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” thêm vui tươi, rộn rã.
- Đặc biệt, vào tháng 4 năm 2017 vừa qua, tỉnh Bình Dương đã đăng cai tổ chức thành công Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II diễn ra từ ngày 8 đến ngày 12/4/2017. Festival đã quy tụ được 22 tỉnh, thành trong khu vực phía Nam về tham dự. Đoàn Bình Dương đã xuất sắc đạt 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và huy chương vàng toàn đoàn.
Hình 2: Lễ Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần II tại tỉnh Bình Dương
Để có cái nhìn khách quan trong việc đánh giá về công tác quản lý, tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử tại tỉnh Bình Dương, qua buổi phỏng vấn cùng ông Trần Văn Sìn - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Nai, ông cho biết: “Đồng Nai là đơn vị thường được Bình Dương mời tham gia các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử hàng năm, tôi đánh giá rất cao về công tác tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử của Bình Dương, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu có nhiều kinh nghiệm và năng động…”, và “So với tỉnh Đồng Nai, phong trào Đờn ca tài tử của Bình Dương phát triển rất mạnh, có nhiều nghệ nhân giỏi. Bình Dương là tỉnh luôn tạo được dấu ấn trong các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử cấp khu vực và cấp toàn quốc”.
Kết quả khảo sát 250 công chúng cho thấy, có 81,2% khán giả đánh giá công tác tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử ở Bình Dương tốt. Liên hoan đã tập trung được các ngón đờn hay, thành danh trong phong trào Đờn ca tài tử, cũng như một số ngón đờn mới vào nghề, ở nhiều lứa tuổi, từ các nghệ nhân có ngón đờn điêu luyện, đến các tài tử đờn trẻ trong tỉnh Bình Dương cũng như một số địa phương bạn; nhiều giọng ca hay, lớn lên từ phong trào Đờn ca tài tử, cùng với một số giọng ca được công chúng yêu quý. Chính điều đó đã khẳng định sức sống của phong trào Đờn ca tài tử Bình Dương về chất lượng nghệ thuật biểu diễn, cũng như về chất lượng sinh hoạt cộng đồng.
Năm 2015, với chủ đề: “Ngọt ngào hương sắc Bình Dương” đã đánh dấu bước phát triển mới của thời kỳ hội nhập, quảng bá Đờn ca tài tử, đưa Đờn ca tài tử vào đời sống cộng đồng, đó là nội dung chủ đề của nhiều chương trình. Hầu hết các chương trình đều có các tiết mục mang nội dung tốt, phù hợp với chủ đề; nghệ thuật biểu diễn cá nhân tốt, trang phục, hóa trang phù hợp. Song song đó, nghệ thuật biểu diễn Đờn ca tài tử trên sân khấu cũng bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn “nghệ thuật Đờn ca tài tử biểu diễn phục vụ công chúng”. Thành công này thuộc về Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các nghệ nhân Đờn ca tài tử địa phương. Hơn nữa, công tác dàn dựng được chú trọng trong những cuộc liên hoan với nhiều bài ca, nhiều chập cải lương mới được giới thiệu trong liên hoan có nội dung giới thiệu về tình người, tình đất Bình Dương đã được đánh giá cao.
Theo kết quả khảo sát 250 công chúng tham dự liên hoan, có 200 phiếu đánh giá các chương trình liên hoan Đờn ca tài tử hay (đạt 80%), 50 phiếu đánh giá chương trình chưa hay (20%).
Từ kết quả khảo sát cho thấy, các đơn vị về tham dự liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương đã có sự nghiên cứu, đầu tư về chất lượng, nội dung, chủ đề và trang phục biểu diễn. Tuy nhiên, để đánh giá một chương trình Đờn ca tài tử, ngoài Hội Đồng giám khảo thẩm định, công chúng cũng đóng góp một phần quan trọng. Ở một góc độ nào đó, ý kiến của công chúng sẽ mang tính khách quan. Trong 250 công chúng được khảo sát, có 197/250 ý kiến cho rằng kết quả của các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương là hoàn toàn xứng đáng (78,8%), 53 ý kiến cho rằng kết quả chưa xứng đáng (21,2%).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu như vừa nêu trên thì cũng cần phải khẳng định rằng, công tác tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử tại tỉnh Bình Dương hiện nay vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định:
Thứ nhất, về công tác tổ chức.
Các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương nhìn chung còn rập khuôn, chưa có nhiều sự đổi mới trong cách thức tổ chức. Liên hoan phần lớn diễn ra tại các nhà hát, hội trường lớn, xa khu dân cư sinh sống. Do đó việc thu hút khán giả đến xem liên hoan còn rất ít. Khi có chủ trương đưa liên hoan cấp tỉnh về các huyện, thị tổ chức cũng vẫn theo phương thức cũ, đó là đưa vào trong các hội trường rộng lớn nên vẫn dẫn đến tình trạng trống trải người xem, đôi khi chỉ có các ban Đờn ca tài tử, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo tại các buổi thi.
Hệ thống thiết chế văn hoá toàn tỉnh chưa có các buổi tập huấn về kỹ năng công tác tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn. Việc tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử chưa đồng bộ trong 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Dương. Do đó phong trào Đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương phát triển không đồng đều, nơi mạnh, nơi yếu. Chính vì thế nên khi tham gia liên hoan Đờn ca tài tử do tỉnh tổ chức đã thể hiện rõ kết quả thực lực của từng địa phương.
Sự quan tâm đến loại hình Đờn ca tài tử của các cấp lãnh đạo, các Sở ban ngành còn qua loa, đại khái, chưa thật sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.
Thứ hai, về cơ sở vật chất.
Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Bình Dương là đơn vị được Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch chọn là nơi tổ chức các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử cấp tỉnh, nhưng hiện nay, theo đánh giá, nhận định chung tại báo cáo hoạt động hàng năm của đơn vị, cơ sở vật chất của Trung tâm đang xuống cấp trầm trọng. Mỗi khi Hội trường có các hoạt động mang tính quy mô khu vực hoặc toàn quốc đều phải đề nghị hỗ trợ từ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Dương hoặc từ thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ ba, về nguồn nhân lực quản lý, tổ chức.
Theo kết quả khảo sát, đội ngũ làm công tác quản lý hoạt động Đờn ca tài tử tại tỉnh và các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh hiện nay còn hạn chế hoặc không có chuyên môn về loại hình Đờn ca tài tử. Có thể nói rằng, đa số đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chưa được đào tạo bài bản hoặc chưa có sự hiểu biết về loại hình Đờn ca tài tử. Do đó, công tác tham mưu, tổ chức về hoạt động Đờn ca tài tử còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định.
Thứ tư, về kinh phí tổ chức liên hoan.
Hiện nay, các hội thi, hội diễn, liên hoan do ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức áp dụng theo Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 4/2/2010 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành định mức chi cho các hoạt động văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND ngày 4/8/2009 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ đối với diễn viên, huấn luyện viên, vận động viên ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương.
Theo định mức chi của Quyết định 483, phần chi cho giải thưởng áp dụng cho tình hình hiện nay không còn phù hợp. Hơn nữa, trong quá trình cân đối giải thưởng, mặc dù mức duyệt chi tiền giải thưởng theo Quyết định 483 đã thấp, Ban Tổ chức lại cắt bớt để chia cho một số giải động viên phong trào. Do đó, người được lãnh thưởng cuối cùng nhận được mức tiền thưởng rất thấp.
Mức chi bồi dưỡng cho Ban Giám khảo theo định mức của Quyết định 483 là rất thấp, điều này đã ảnh hưởng đến việc mời giám khảo từ thành phố về thẩm định nghệ thuật cho các cuộc liên hoan. Nếu mức chi quá thấp thì hiển nhiên giám khảo sẽ từ chối, vì công sức của họ bỏ ra trong khoảng 7 tiếng đồng hồ (từ 14 giờ chiều đến 23 giờ đêm) mà chỉ nhận khoảng 400.000 đồng đến 500.000 đồng là quá ít so với thu nhập thực tế hiện nay.
Thứ năm, về công tác tuyên truyền, quảng bá.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền cổ động nhằm quảng bá liên hoan Đờn ca tài tử đến với công chúng đã được thực hiện với các hình thức trực quan sinh động như biên tập nội dung và thu âm đĩa tuyên truyền, cho tiến hành xe loa tuyên truyền cổ động trước và trong thời gian tổ chức liên hoan trên các tuyến đường trọng điểm…
Theo kết quả khảo sát, có 160/250 khán giả đánh giá công tác tuyên truyền của liên hoan tốt (đạt 64%), 90/250 khán giả đánh giá chưa tốt (36%). Trong 250 khán giả được khảo sát, có tới hơn 100 ý kiến đề nghị Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương phải thường xuyên đổi mới về nội dung, hình tức tổ chức; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá loại hình này trên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ kết quả trên cho thấy, công tác tuyên truyền, quảng bá loại hình này đến với công chúng còn nhiều hạn chế. Ban Tổ chức các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương cần có giải pháp để tăng cường cho công tác tuyên truyền loại hình này đến với công chúng. Có như vậy thì mục đích của liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương mới đạt hiệu quả về chất lượng của công tác tổ chức cũng như có thể phát triển và bảo tồn loại hình nghệ thuật này trong tình hình hiện nay.
Thứ sáu, về khán giả.
Trong nhận thức của các nhà quản lý văn hoá, yếu tố quyết định sự thành công của một dạng thức hoạt động văn nghệ đại chúng được tính trên số lượng công chúng tham dự, hưởng ứng. Qua tiến hành khảo sát 250 phiếu điều tra xã hội học gồm các câu hỏi chủ yếu đánh giá về công tác tổ chức và đánh giá của khán giả đối với các chương trình tham dự liên hoan có 94/250 khán giả thường xuyên tham dự các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử (đạt 38,4%), còn lại 156/250 khán giả đến xem nhưng không thường xuyên (đạt 61,6%).
Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy vẫn còn khá nhiều khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử. Trong 250 phiếu khảo sát có 164 phiếu trả lời thích loại hình nghệ thuật này (đạt 65,6%), 57 phiếu trả lời rất thích (đạt 22,8%) và còn lại 29 phiếu trả lới không thích loại hình này (11,6%).
Để duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử tại tỉnh Bình Dương, căn cứ vào kết quả khảo sát thực trạng cũng như những mục tiêu bảo tồn và phát huy loại hình Đờn ca tài tử này, Bình Dương cần có các giải pháp cụ thể như sau:
Một là, cải tiến, biên soạn tất cả các bài bản gốc để lưu giữ lại làm tư liệu nghiên cứu và phục vụ cho các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử của tỉnh.
Hai là, có chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các nhạc sư, nghệ nhân làm công việc truyền dạy Đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương.
Ba là, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hiểu biết về Đờn ca tài tử cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hoá.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá khi tổ chức liên hoan Đờn ca Tài tử trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm là, đổi mới các mô hình, các hình thức tổ chức liên hoan cũng như đánh giá, tổng kết và khen thưởng phải sát hợp với phong trào.
Sáu là, phát triển lực lượng khán giả tham gia hoạt động liên hoan Đờn ca tài tử.
Bảy là, hoàn thiện về cơ sở vật chất, điều chỉnh, bổ sung tăng định mức chi cho các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan; đồng thời ban hành kịp thời chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân tài tử.
Hiện nay nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều nền văn hoá nước ngoài du nhập vào Việt Nam đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự hưởng thụ văn hoá tinh thần của người dân ta. Hơn nữa, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh vào đời sống văn hoá - xã hội nước ta kéo theo nhiều biến đổi sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân. Một bộ phận giới trẻ hiện nay chỉ quan tâm và yêu thích các thể loại văn hoá văn nghệ hiện đại mà thờ ơ với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong đó có loại hình Đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử Nam Bộ có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng nhờ luôn tồn tại song song dưới cả hai hình thức: sinh hoạt thính phòng tri kỷ như thuở xưa và trình diễn mới trên sân khấu. Với tính đặc thù của mình, vừa bình dân đại chúng lại vừa hàn lâm bác học nên Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân, được họ đón nhận một cách nồng nhiệt.
Đờn ca tài tử Nam Bộ giờ đây đang có những thuận lợi do được thế giới thừa nhận, Đảng, Nhà nước và công chúng quan tâm. Khó khăn lớn nhất trong việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này là thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nhằm tạo được nguồn kinh phí duy trì, nuôi dưỡng các Câu Lạc bộ hoạt động; nâng cao hiệu quả, chất lượng việc truyền dạy; xây dựng đội ngũ kế thừa… Chính vì vậy, nâng cao chất lượng tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử ở tỉnh Bình Dương hiện nay cần phải thường xuyên tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu Đờn ca tài tử tại các địa bàn cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Đồng thời, có hình thức khen thưởng, khích lệ phù hợp để kích thích phong trào. Đối với những nghệ nhân hay nhóm nghệ nhân cần giúp họ phát huy hết khả năng làm “nghề”. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần tạo điều kiện tốt nhất để nuôi dưỡng tài năng, trao truyền lại cho các thế hệ nối tiếp sau này…
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Hy (2002), Đại cương công tác Nhà Văn hoá, Nxb Văn hoá - Thông tin.
2. Mai Mỹ Duyên (2007), Đờn ca tài tử trong đời sống cư dân Tây Nam Bộ, Luận án tiến sĩ Văn hoá học, Viện Văn hoá - Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.
3. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X.
4. Trần Văn Khê (2014), Quá trình hình thành và phát triển Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, tỉnh Bạc Liêu.
5. Võ Trường Kỳ (2013), Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nxb Văn hoá Thông tin.
6. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (1995), Tìm hiểu ca nhạc tài tử thính phòng Nam Bộ, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Văn Quốc (2014), Đặc trưng phong cách Đờn ca tài tử Bình Dương trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ, tỉnh Bạc Liêu.
8. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương (2016), Báo cáo tổng kết 15 năm công tác văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2001 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.
ThS. Nguyễn Văn Hân - Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh