Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2018 và giải pháp nâng cao PAPI trong những năm tới
1. Khái quát về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)
1.1. PAPI là gì?
PAPI - Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh:“Provencial Governance and Public Administration Performance Index” là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện. Quá trình thực hiện khảo sát PAPI còn có sự hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật của Ban Tư vấn quốc gia dự án PAPI và nhóm chuyên gia quốc tế về đo lường quản trị nhà nước.
PAPI là công cụ theo dõi và đánh giá hiệu quả thực thi chính sách liên quan đến quản trị và hành chính công, đo lường mức độ hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Việt Nam. Phương pháp xây dựng PAPI là thông qua điều tra, khảo sát, phản ánh trải nghiệm của người dân khi tương tác với chính quyền cấp cơ sở hay khi sử dụng dịch vụ công.
Về triết lý phát triển: PAPI coi người dân là trọng tâm của quá trình phát triển, là ‘khách hàng’ với đầy đủ khả năng đánh giá chất lượng phục vụ của nhà nước và chính quyền các cấp, đồng hành cùng nhà nước trên bước đường xây dựng “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở Việt Nam.
1.2. Nội dung PAPI đo lường
PAPI đánh giá mức độ hiệu quả của quản trị và hành chính công cấp tỉnh thông qua các trục chỉ số nội dung và các nội dung thành phần.
Từ năm 2009 đến 2017, PAPI có 6 chỉ số nội dung, 22 nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu cụ thể.
Từ năm 2018, PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể.
(Các chỉ số nội dung và chỉ số nội dungg thành phần được trình bày cụ thể trong bảng số liệu kết quả PAPI Bình Dương giai đoạn 2016 – 2018)
PAPI của 63 tỉnh/thành phố được chia làm 04 nhóm điểm (không xếp hạng): Nhóm điểm cao nhất, nhóm điểm trung bình cao, nhóm điểm trung bình thấp và nhóm thấp điểm nhất.
1.3. Ý nghĩa của PAPI
Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. Các trục nội dung được thiết kế đặc biệt cho bối cảnh Việt Nam cả tầm quốc gia và cấp địa phương. PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách, được xây dựng trên triết lý coi người dân như “khách hàng” của cơ quan công quyền; người dân có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương.
Dựa trên kiến thức và trải nghiệm của người dân đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ công khác của bộ máy nhà nước, PAPI cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý của mình. PAPI góp phần hoàn thiện quá trình minh bạch, thúc đẩy cải cách, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách. Đồng thời dữ liệu của PAPI sẽ là những thông tin định lượng giá trị có thể tham khảo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách của các địa phương.
1.4. Phương pháp lấy mẫu khảo sát PAPI
Kể từ năm 2009 đến năm 2018, quá trình thực hiện đánh giá PAPI, đã lắng nghe ý kiến của 117.363 người dân thuộc mọi tầng lớp dân cư, mọi ngành nghề trong xã hội trên toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. PAPI là nghiên cứu xã hội học lớn nhất hiện nay ở Việt Nam tìm hiểu hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
PAPI chia các tỉnh thành Việt Nam ra làm ba loại: loại lớn với trên 5 triệu dân (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), loại vừa với số dân 2 – 5 triệu (Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, An Giang) và loại nhỏ với số dân dưới 2 triệu (57 tỉnh, thành phố còn lại).
Để đảm bảo tính tương thích giữa tất cả các tinh/thành phố khảo sát, mỗi tỉnh/thành phố loại nhỏ sẽ có 3 huyện/quận được chọn, các tỉnh cỡ trung và lớn có 6 huyện/quận được chọn, trong đó huyện/quận là nơi có trụ sở UBND tỉnh/thành phố luôn được chọn để khảo sát (chọn mặc định). Các huyện/quận còn lại được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên (Probability proportional to size –PPS) (xác suất theo quy mô dân số). Sau đó, tại mỗi huyện/quận đã chọn sẽ chọn 02 xã/phường, trong đó một xã/phường là nơi có trụ sở UBND huyện/quận được chọn mặc định, còn xã/phường thứ hai được chọn trong các xã/phường còn lại theo phương pháp ngẫu nhiên. Bước tiếp theo, chọn thôn/ấp/khu phố (gọi chung là thôn); tại mỗi xã/phường đã chọn, sẽ chọn 02 thôn, trong đó một thôn là nơi có địa điểm trụ sở UBND xã/phường, còn thôn thứ hai được chọn trong các thôn còn lại theo phương pháp ngẫu nhiên (chọn mẫu theo phương pháp tỷ lệ với cỡ dân số). Cách chọn mẫu như vậy đảm bảo khả năng tham dự đồng đều theo địa lí và tình trạng kinh tế-xã hội, từ các vùng đô thị đông dân cư tới các vùng xa, vùng sâu, mền núi
2. PAPI của Bình Dương giai đoạn 2016 – 2018 và giải pháp nâng cao PAPI trong những năm tới
2.1. PAPI Bình Dương giai đoạn 2016 - 2018
STT
|
Nội dung chỉ số
|
Điểm số nội dung(thang điểm 10)
|
Năm 2016
|
Năm 2017
|
Năm 2018
|
1
|
Tham gia của người dân ở cấp cơ sở
|
4,47
|
4,33
|
5,28
|
|
Tri thức công dân
|
0,81
|
0,7
|
1,15
|
Cơ hội tham gia
|
1,6
|
1,63
|
1,62
|
Chất lượng bầu cử
|
1,27
|
1,27
|
1,48
|
Đóng góp tự nguyện
|
0,79
|
0,73
|
1,02
|
2
|
Công khai, minh bạch trong việc ra QĐ ở địa phương
|
5,28
|
5,54
|
5,48
|
|
Tiếp cận thông tin
|
0
|
0
|
0,78
|
Danh sách hộ nghèo
|
2.13
|
2,09
|
1,84
|
Thu, chi ngân sách cấp xã/phường
|
1,57
|
1,71
|
1,43
|
Quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù
|
1,58
|
1,74
|
1,19
|
3
|
Trách nhiệm giải trình với người dân
|
4,45
|
5,05
|
4,87
|
|
Hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền
|
2,18
|
2,14
|
1,72
|
Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân
|
1,21
|
1,66
|
1,26
|
Hiệu quả của Ban Thanh tra Nhân dân (2016,2017)
Tiếp cận dịch vụ tư pháp (2018)
|
1,06
|
1,25
|
1,89
|
4
|
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công
|
4,31
|
4,99
|
6,82
|
|
Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền
|
0,7
|
1,16
|
1,69
|
Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công
|
0,32
|
1,53
|
1,91
|
Công bằng trong tuyển dụng vào nhà nước
|
1,35
|
0,7
|
1,27
|
Quyết tâm chống tham nhũng
|
1,65
|
1,61
|
1,95
|
5
|
Thủ tục hành chính công
|
6,95
|
6,97
|
7.44
|
|
Chứng thực/xác nhận
|
1,64
|
1,63
|
1,78
|
Giấy phép xây dựng
|
1,82
|
1,78
|
1,87
|
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
|
1,65
|
1,72
|
1,86
|
Thủ tục hành chính cấp xã/phường
|
1,84
|
1,84
|
1,93
|
6
|
Cung ứng dịch vụ công
|
7,13
|
6,61
|
6,58
|
|
Y tế công lập
|
1,64
|
1,69
|
1,86
|
Giáo dục tiểu học công lập
|
1,72
|
1,23
|
1,2
|
Cơ sở hạ tầng căn bản
|
2,06
|
2,05
|
1,07
|
An ninh, trật tự
|
1,71
|
1,63
|
1,44
|
7
|
Quản trị môi trường;
|
|
|
4,22
|
|
Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường
|
|
|
1,91
|
Chất lượng không khí
|
|
|
1,93
|
Chất lượng nước
|
|
|
0,38
|
8
|
Quản trị điện tử.
|
|
|
3,08
|
|
Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương
|
|
|
0,61
|
Tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương
|
|
|
2,47
|
2.1.1. Năm 2016
Qua số liệu ở bảng trên cho thấy, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2016 của tỉnh Bình Dương là 32,59/60 điểm, thuộc nhóm4, nhóm thấp điểm nhất, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, các chỉ số nội dung “sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân” của Bình Dương đều rơi vào nhóm các tỉnh đạt điểm thấp nhất. Không có điểm chỉ số nội dung nào trong nhóm cao điểm nhất. Cụ thể là:
Trong 6 lĩnh vực của tiêu chí đánh giá chỉ số PAPI, lĩnh vực cung ứng dịch vụ công đạt 7,13/10 điểm (địa phương có điểm cao nhất là 8,08). Lĩnh vực thủ tục hành chính công đạt 6,95/10 điểm(địa phương có điểm cao nhất là 7,67), nằm trong nhóm khá và lĩnh vực công khai minh bạch đạt 5,28/10 điểm, nằm trong nhóm trung bình thấp. Ba lĩnh vực: tham gia của người dân cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công nằm trong nhóm đạt điểm thấp, cụ thể: Lĩnh vực tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,47/10 điểm. Lĩnh vực này có 4 chỉ số, trong đó có 2 chỉ số đạt điểm thấp là chỉ số về tri thức công dân và chỉ số đóng góp tự nguyện.Nội dung trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,45 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 4,31 điểm,(địa phương có điểm cao nhất là 7,14), trong đó điểm chỉ số thành phầnkiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công đạt 0,32 điểm – thuộc nhóm điểm thấp nhất.
2.1.2. Năm 2017
Kết quả PAPI năm 2017, tỉnh Bình Dương đạt 33,49/60 điểm, xếp trong nhóm thấp điểm nhất. Khoảng cách điểm giữa Bình Dương và địa phương có số điểm cao nhất là 6,04 điểm (địa phương có tổng điểm cao nhất là 39,53 điểm.
Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp Bình Dương xếp trong Nhóm thấp điểm nhất (xếp thứ 62/63 tỉnh/thành). So với kết quả PAPI năm 2016, Bình Dương có 4/6 chỉ số lĩnh vực tăng điểm. Trong đó có hai chỉ số nội dung thấp điểm năm 2016: Trách nhiệm giải trình tăng 0,6 điểm; Kiểm soát tham nhũng tăng 0,68 điểm. Ngoài ra, nội dungThủ tục hành chính công (tăng 0,02 điểm, đạt 0,28%), Công khai minh bạch tăng 0,26 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh/thành. Đồng thời có 2/4 chỉ số lĩnh vực giảm điểm là: lĩnh vực tham gia của người dân cấp cơ sở giảm 0,14 điểm, trong đó có 02 chỉ số nội dung thành phần giảm điểm là: Tri thức công dân về bầu cử ấp/khu phố, đạt 0,70/2,5 điểm (giảm 0,11 điểm); Đóng góp tự nguyện, đạt 0,73/2,5 điểm (giảm 0,06 điểm). Lĩnh vựccung ứng dịch vụ công giảm 0,52 điểm.
2.1.3. Năm 2018
Kết quả PAPI năm 2018 được cải thiện rất rõ nét, có thể coi là một sự nhảy vọt nếu so với năm 2017; từ vị trí khá thấp (63/63 năm 2016 và 62/63 năm 2017) trong bảng xếp hạng, đã vươn lên vị trí 39với 43,50 điểm, thuộc nhóm giữa bảng xếp hạng (nhóm điểm trung bình thấp). Trong đó, một số chỉ số cấu thành chỉ số tổng thể PAPI của tỉnh có sự tăng khá mạnh so với năm 2017 như chỉ số "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" đạt 5,28/10 điểm, tăng 0,95 điểm so với năm 2017. Chỉ số "Thủ tục hành chính công" đạt 7,44/10 điểm, tăng 0,47 điểm so với năm 2017. Chỉ số "Kiểm soát tham nhũng" đạt 6,82/10 điểm, tăng 1,83 điểm so với năm 2017.
Ngoài ra, ở 2 chỉ số nội dung mới được áp dụng trong năm 2018 là "Quản trị môi trường" và "Quản trị điện tử", Bình Dương đạt số điểm thấp, lần lượt đạt 4,22/10 và 3,08/10 điểm. Trong đó, địa phương có điểm chỉ số lĩnh vực Quản trị điện tử cao nhất là 6,74 điểm.
Bên cạnh đó, PAPI năm 2018 của Bình Dương cũng cho thấy những hạn chế mà các cấp chính quyền, sở, ngành của tỉnh cần tiếp tục nỗ lực, khắc phục trong công tác quản trị và hành chính công ở địa phương. Ở các chỉ số nội dung: "Công khai, minh bạch" giảm 0,06 điểm; "Trách nhiệm giải trình" giảm 0,18 điểm, "Cung ứng dịch vụ công" giảm 0,03 so với năm 2017, đặc biệt “Cung ứng dịch vụ công” giảm điểm 2 năm liên tiếp.
2.2. Nguyên nhân và giải pháp nâng cao PAPI của Bình Dương trong những năm tới
2.2.1. Một số nguyên nhân PAPI của Bình Dương thấp
a. Nguyên nhân khách quan
Dân số Bình Dương có trên ½ là người nhập cư, do đó người dân cũng chưa có điều kiện tham gia hết các hoạt động tại chính quyền cơ sở nên chưa biết và chưa hiểu rõ những hoạt động này để trả lời khi được khảo sát. Số lượng điều tra mẫu còn quá ít (chỉ 200 phiếu) có thể chưa phản ánh hết ý kiến của người dân
Nguyên nhân khác là về tri thức công dân trong bầu cử (cấp cơ sở), đa số người dân những nơi được phỏng vấn chưa nắm bắt nhiều thông tin về thời hạn nhiệm kỳ của các vị trí đại biểu dân cử, chưa phân biệt cán bộ dân cử và cán bộ do chính quyền đề cử, chưa biết nhiệm kỳ của trưởng ấp, tổ trưởng dân phố … Trong khi đó, về các khoản đóng góp tự nguyện: tỷ lệ người dân biết được đóng góp của họ được cộng đồng giám sát thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân cấp cơ sở còn thấp, người dân chưa nắm được các khoản đóng góp của họ được sử dụng đúng mục đích hay không. Việc tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án, công trình hạ tầng ở cấp cơ sở còn hạn chế. Những yếu tố này, phần lớn do người dân chưa quan tâm nhiều tới đời sống chính trị của địa phương, chưa tham gia, đóng góp ý kiến của mình vào quá trình ra quyết định ở cấp cơ sở.
Phân tích sâu ở lĩnh vực trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,45/10 (2016), 5,05 (2017), 4,87 (2018) điểm cho thấy, ở lĩnh vực này có 3 chỉ số, trong đó có 1 chỉ số đạt điểm thấp là hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân (BTTND). Thực tế khảo sát, số người được hỏi biết đến hoạt động của BTTNDcòn hạn chế. Năm 2018, nội dung thành phần này được thay bằng nội dung “tiếp cận dịch vụ tư pháp” đã tăng điểm. Tuy nhiên, đáng lo ngại là chỉ số thành phần “Hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền” trong lĩnh vực này giảm điểm liên tục trong 2 năm 2017, 2018 so với năm 2016. Điều này thể hiện một phần là do người dân ngại tiếp xúc với chính quyền. Lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công điểm thấp.
Về điểm lĩnh vực “cung ứng dịch vụ công” luôn giảm có từ nguyên nhân khách quan là dân số Bình Dương tăng cơ học nhanh cùng với sự phát triển các khu công nghiệp gây áp lực lên việc đáp ứng nhu cầu về dịch vụ công.
b. Nguyên nhân chủ quan
Trong quá trình thực hiện pháp luật về dân chủ tại cơ sở vẫn còn tình trạng vi phạm dân chủ: dân không được biết, được bàn,…theo quy định. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm làm chủ của người dân hiệu quả chưa cao.
Thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức nhất là cấp cơ sở chưa thân thiện, chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng…. Thủ tục hành chính còn rườm ra, gây khó khăn cho người dân làm cho người dân cảm nhận chính quyền không thân thiện và thậm chí cảm nhận có biểu hiện tiêu cực.
Ban Thanh tra nhân dân cấp cơ sở hoạt động chưa hiệu quả. Việc hỗ trợ pháp lý cho người dân còn hạn chế.
Các dịch vụ công như giao thông, giáo dục, y tế và dịch vụ hành chính công tuy có chuyển biến theo hướng tích cực, ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, thậm chí có khi còn gây bức xúc cho người dân.
Hiện tượng, các vụ án án tham nhũng trong khu vực công còn nhiều cùng với việc xử lý tham nhũng chưa hài lòng người dân nên người dân chưa đánh giá cao trong kiểm soát một số hành vi tham nhũng của chính quyền. Ngoài ra họ còn cho rằng có hiện tượng tiêu cực khi xin việc vào khu vực công.
3.2.2 Một số giải pháp nâng cao PAPI của Bình Dương trong những năm tới
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp
Các cấp, ngành, nhất là cơ sở cần tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả việc “Nâng cao ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chính quyền cấp xã cần tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức phù hợp, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống thường ngày; ý thức được quyền lợi và trách nhiệm đầy đủ của mình trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở như: bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Trưởng ấp/khu phố,…
Tạo điều kiện thuận lợi để người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân như: các khoản đóng góp tự nguyện, xây mới, sửa chữa công trình công cộng...
Thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã bằng nhiều hình thức phù hợp như: công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trụ sở (điểm hoạt động văn hóa), bảng thông tin tổ dân phố… để người dân tiếp cận dễ dàng và thực hiện, đồng thời giám sát việc thực hiện của chính quyền cơ sở theo quy định.
Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân đối với các vấn đề dân sinh, những vướng mắc trong đời sống hàng ngày; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải thiện hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.
Thứ hai, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo khi người dân yêu cầu. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, để góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân. Đồng thời tăng cường và đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm; nâng cao tinh thần, trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhu cầu tuyển dụng nhân sự vào khu vực công, quyết tâm loại trừ mọi biểu hiện tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, công chức.
Thứ ba, quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính ở địa phương, trong đó tập trung vào củng cố, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả trong hoạt động của chính quyền cơ sở.
Đẩy mạnh các hình thức công khai để người dân nắm được thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và bảng giá đất ở địa phương. Nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan mật thiết đến đời sống người dân như: công chứng, chứng thực, xác nhận tình trạng đất đai trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đảm bảo sự hài lòng của người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ sở.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là công chức địa chính – xây dựng, công chức Bộ phận một cửa,…; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các bộ phận này để kịp thời chấn chỉnh và kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công
Chăm lo xây dựng cơ sở vật chấtbệnh viện, đặc biệt là trạm y tế tại cấp cơ sở. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao (cán bộ y tế). Làm tốt công tác truyền truyền toàn dân về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đảm bảo người dân yên tâm điều trị trước hết ở tuyến y tế cơ sở Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh tác phong, tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên ngành y tế trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học hiện đại; từng bước thực hiện đảm bảo số lượng học sinh trên mỗi lớp học theo quy định. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về năng lực, kỹ năng giảng dạy về phẩm chất đạo đức; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm; hạn chế các vấn đề tiêu cực trong đội ngũ giáo viên. Tăng cường mối liên hệ, phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội, nhất là giữa giáo viên và cha mẹ học sinh trong việc giáo dục toàn diện cho trẻ.
Ngoài ra, việc tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước và đảm bảo an ninh trật tự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất và sinh hoạt.
Tóm lại, cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là cấp cơ sở; liên quan đến trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cần được tiến hành với nhiều giải pháp đồng bộ, liên tục, lâu dài. Đồng thời, đòi hỏi người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, thông qua đó nâng cao PAPI của tỉnh trong những năm tới./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. binhdương.gov.vn
2. Papi.org.vn
3. UBND tỉnh Bình Dương, Công văn số: 1824 /UBND-NC ngày 03 tháng 5 năm 2018 về kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 và giải pháp nâng cao Chỉ số trong những năm tiếp theo
ThS. Bùi Thị Dung - Trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật