Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Dầu Tiếng trong giai đoạn hiện nay
Thực hiện theo chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến trong thời gian qua đã góp phần xây dựng và phát triển nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại.
Trong đó, tình hình sản xuất nông nghiệp về trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn huyện Dầu Tiếng phát triển ổn định và có sự chuyển biến tích cực, Huyện đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn phát triển đa dạng và phong phú với quy mô tăng về diện tích và có nhiều hình thức đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao.
1. THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DẦU TIẾNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Với đặc điểm thời tiết và thổ nhưỡng thuận lợi, ít bị ảnh hưởng của thiên tai, huyện Dầu Tiếng có điều kiện phát triển đa dạng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và các loại cây ngắn ngày khác, một số cây trồng chủ yếu đang phát triển trên địa bàn Huyện như sau:
- Cao su vẫn là cây trồng chủ lực của huyện. Diện tích cao su: Toàn huyện có tổng diện tích cao su 49.700ha giảm 0,2% so cùng kỳ, chiếm 85,3% đất sản xuất nông nghiệp (kể cả 2.114,3 ha cao su trồng trong khu rừng phòng hộ Minh Hòa) trong đó cao su tiểu điền 25.550 ha, diện tích cao su Dầu Tiếng (phần nằm trên địa bàn huyện) 24.150ha, năng suất bình quân 1,46 tấn/ha/năm. Trên 70% diện tích cao su hiện nay sử dụng giống củ, thoái hóa, cho năng suất thấp, một số vườn cây của cao su tiểu điền khai thác không đúng quy trình và thời gian sinh trưởng dẫn đến sản lượng không cao, vườn cây cao su Dầu Tiếng đang trong giai đoạn tái canh trồng mới chưa đến thời kỳ khai thác 7.948ha. Giá trị sản xuất cao su bình quân 1 ha năm 2020 đạt 54,4 triệu đồng (chưa tính chi phí khai thác).
- Cây ăn quả: Toàn Huyện có khoảng 650ha (tăng 7,6% so với cùng kỳ), trong đó vùng cây đặc sản (sầu riêng và măng cụt) xã Thanh Tuyền và xã Thanh An 150 ha. Năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, giá trị sản phẩm cây ăn quả đạt 912triệu đồng/ha/năm.
- Diện tích đất trồng lúa: Tổng diện tích canh tác lúa đến thời điểm cuối năm 2020 do nông dân gieo trồng thực tế đạt 220,14ha (giảm 10% so cùng kỳ), (quy hoạch diện tích lúa 198ha), chiếm 0,38%; trong đó, xã Thanh Tuyền 115 ha, xã Thanh An 90 ha, thị trấn Dầu Tiếng: 15,14 ha; năng suất lúa bình quân 5,5 tấn/ha/vụ. Giá trị sản xuất đạt 62,7triệu đồng/ha/2vụ.
Trong năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.301 tỷ 798 triệu đồng chiếm 24,37% trong cơ cấu kinh tế của Huyện. Nếu tính theo giá hiện hành thì đạt 5.858 tỷ 22 triệu đồng, trong đó: giá trị trồng trọt 3.291 tỷ 933 triệu đồng, chiếm 56,2%, giá trị chăn nuôi 2.566 tỷ 089 triệu đồng, chiếm 43,8% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giai đoạn 2015-2020, Huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn; khai thác lợi thế, điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,7% và giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 90% lao động nông thôn, nâng thu nhập bình quân đầu người lao động nông thôn lên 66 triệu đồng/năm. Những kết quả trên có thể khẳng định kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của Huyện với cơ cấu kinh tế vào cuối năm 2020 là nông nghiệp 24,37%, thương mại - dịch vụ 31,15%, công nghiệp - xây dựng 44,48%.
Huyện Dầu Tiếng đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp - nông thôn đến năm 2025 theo hướng bền vững gắn với nông nghiệp chế biết, trong đó: Nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao tăng giá trị sử dụng trên 01 đơn vị sản xuất nông nghiệp đạt 100 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bình quân 500 triệu đồng/ha/năm. Phát triển và kết nối mô hình hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện sơ chế biến, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Huyện cũng Đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng Khoa học công nghệ trong phát triển mô hình nông nghiệp:
- Dự án khảo nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) tại xã Minh Thạnh và Minh Hòa đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đã cấp giấy đạt tiêu chuẩn VietGAP 45ha; đến nay, nâng tổng diện tích trên toàn huyện đã cấp chứng nhận VietGAP trên cây ăn quả lên 51,6ha.
- Đầu tư hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm và kết hợp bón phân, thuốc thông qua hệ thống tưới cho cây ăn quả tại xã Định Thành, Minh Hòa, Thanh An, qua 3 năm (2017-2019) với diện tích 27ha, nhân dân tự đầu tư nhân rộng với diện tích trên 70 ha, tiếp tục đầu tư khoảng 10ha.
- Đối với phương án phát triển nghề trồng nấm tại xã Thanh An, Long Tân, Định An, Thanh Tuyền và thị trấn Dầu Tiếng (triển khai thực hiện từ năm 2016 – 2019). Đến nay, đã thành lâp được hợp tác xã nấm ăn, nấm dược liệu và đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất cung ứng nấm ăn, nấm dược liệu đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường.
- Hình thành được vùng sản xuất chuối nuôi cấy mô với diện tích 117.08 ha tại xã Thanh An do Cty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng liên kết với công ty cổ phần Nông nghiệp U & I đầu tư, cung cấp sản phẩm cho thị trường nước ngoài.
- Xây dựng hoàn thành và nghiệm thu, thực hiện công bố Nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng do Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định và bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý (Số đăng ký: 322381).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có trên 6.700 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt trên 33.000 tấn. Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân phát triển vùng cây ăn quả.
Đơn cử như huyện Dầu Tiếng đã thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây măng cụt 150 ha tại xã Thanh Tuyền. Theo dự án, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí mua và vận chuyển cây giống, hỗ trợ 50% chi phí khai hoang và 30% vật tư; đồng thời được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật qua 2 lớp tập huấn và hội thảo đầu bờ…
Măng cụt Dầu Tiếng được trao nhãn hiệu tập thể. (Ảnh: Hội nông dân Thanh Tuyền)
Từ dự án, cây măng cụt đã được nâng tầm, nhiều gia đình trong xã vươn lên khá giả, có thể kể đến như các gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Sáu, Lê Văn Mé, Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Văn Can...
Những năm gần đây, cây ăn quả có múi dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương). Đây được xác định là cây trồng trọng tâm thúc đẩy phát triển hàng hóa, góp phần thiết thực vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới huyện nhà.
Vườn cây có múi của gia đình ông Phan Hùng Cường, xã Định Thành
Để giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả diện tích đất, những năm gần đây, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng đã xây dựng và triển khai các mô hình trồng cây có múi, tập trung chủ yếu ở các xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Thanh An, Thanh Tuyền và thị trấn Dầu Tiếng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, huyện xác định một số hạn chế cần được khắc phục để tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp - nông thôn như: Chưa phá được thế độc canh của cây cao su, hiện diện tích cao su vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong diện cây trồng trên địa bàn huyện trong khi những năm qua giá mũ cao su vẫn duy trì ở mức thấp, ảnh hưởng đến thu nhập phần lớn người dân nông thôn; khâu chế biến sản phẩm nông nghiệp được quan tâm nhưng mới dừng lại ở khâu sơ chế, chưa đi vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính tự phát, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chưa có dự án mang tính động lực; việc hình thành nhãn hiệu và phát huy nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương tuy được quan tâm nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, đa số sản phẩm nông nghiệp của huyện vẫn chưa hình thành được thương hiệu; việc điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới còn chậm, công tác quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn một số hạn chế...
2. GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DẦU TIẾNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới Huyện đã đưa ra nhiệm vụ thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng để khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Chọn cây trồng chủ lực để tập trung phát triển nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (cây cao su, cây ăn quả và sinh vật cảnh).
- Cây cao su: Chiếm 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, xác định đây là loại cây trồng chủ lực của huyện, cần giữ vững và tiếp tục phát triển ổn định, từng bước tái canh theo hướng thay thế giống năng suất thấp bằng giống tốt, sản lượng cao. Chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp để trồng sang cây khác. Khuyến khích thành lập các Công ty hoặc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đảm nhận chức năng cung ứng vật tư nông nghiệp, làm các dịch vụ tư vấn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao năng suất mủ cao su, phối hợp với Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng tổ chức thu mua mủ cao su tiểu điền đưa vào chế biến xuất khẩu để nâng cao giá trị trị sản phẩm tăng thu nhập cho nông dân.
- Cây ăn quả: Tập trung phát triển vườn cây ăn quả đặc sản với quy mô từ 150 ha tại 2 xã Thanh Tuyền và Thanh An để nâng cao thu nhập cho nông dân, phục vụ khách tham quan du lịch ven sông Sài Gòn theo quy hoạch của tỉnh, phối hợp với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp thực hiện ứng dụng kỹ thuật cao trong canh tác đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng có năng suất cao, bảo quản sau thu hoạch;
Xây dựng hoàn thành Dự án bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cây ăn quả có múi (cam và bửơi) đựoc ngừoi dân trồng tập trung tại các xã phía Bắc của huyện Dầu Tiếng.
- Sinh vật cảnh (hoa, cây cảnh, cá cảnh): Quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh, cá cảnh công nghệ cao, tập trung tại các xã Thanh Tuyền, Thanh An, Định Thành, Minh Hòa. Ưu tiên chọn mô hình Hợp tác xã sản xuất làm trung tâm cho phát triển, củng cố và hình thành Hội sinh vật cảnh cấp xã. Xây dựng các mô hình trình diễn, triển lãm các giống hoa, cây cảnh, cá cảnh tại Huyện và tại các địa phương khác.
Ngoài 3 loại cây trồng chủ lực kể trên cần duy trì diện tích đất chuyên trồng lúa 2 vụ/năm (khoảng 198ha) tại 2 xã Thanh Tuyền, Thanh An, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để đạt năng suất từ 6tấn/vụ/ha, có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân để giữ diện tích lúa, rà soát phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả tổ chức luân canh trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi trồng thủy sản (tang trại tổng hợp) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân.
Mời gọi các chủ trang trại có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm và chuyên môn cao làm đầu mối chuyển giao cho nông dân mở rộng sản xuất sinh vật cảnh, cây ăn quả và cây ăn quả đặc sản gắn với tiêu thụ sản phẩm; từng bứoc hình thành các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, an toàn thực phẩm trên địa bàn các xã, thị trấn.
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp - nông thông giai đoạn 2020-2025, huyện đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, như:
- Quan tâm, chú trọng đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào đầu tư, sản xuất; thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá đầu tư nhằm huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp; phối hợp với Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng quy hoạch, định hướng cây trồng gắn với vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nhất là bảo quản và chế biến trái cây. Xây dựng nhãn hiệu tập thể cây ăn quả có Múi (cam, quýt, bưởi da xanh).
- Tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất có hiệu quả và đúng quy định. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có khả năng thích ứng với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng chuyển dịch lao động ở nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế.
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện mở các tuyến đường giao thông quan trọng vào khu phát triển sản xuất nông nghiệp kết nối với hệ thống giao thông nông thôn của các xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển vật tư, sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch từ nơi sản xuất được thuận lợi, là tiền đề kích thích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của huyện Dầu Tiếng và đây cũng là sự chuyển động mạnh mẽ của ngành nông nghiệp trong tình hình mới. Với định hướng, mục tiêu và giải pháp nêu trên cùng với sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và sự phối hợp của các phòng, ban, địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp của Huyện sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Dầu Tiếng lần thứ V.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huyện ủy Dầu Tiếng (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu lần Thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng (2020), Kế hoạch thực hiện chương trình số 06-CTr/HU ngày 20/10/2020 của Huyện ủy Dầu Tiếng về phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn giai đoạn 2020 – 2025.
3. Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng (2020), Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp – nông thôn (2017 - 2020), phương hướng phát triển nông nghiệp – nông thôn (2020 - 2025).
4. Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.
5. Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
ThS. Phạm Thị Hải Yến – Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở