Công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị Bình Dương - Thực trạng và giải pháp
Như chúng ta đều biết, đối tượng của công tác giảng dạy lý luận chính trị là đội ngũ cán bộ Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, công chức, viên chức Nhà nước. Một khi công tác giảng dạy lý luận chính trị được nhà trường tổ chức có hiệu quả thì đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ thấm nhuần các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ngược lại, nếu công tác giảng dạy lý luận chính trị không được quan tâm chỉ đạo thực hiện, hoặc thực hiện qua loa đại khái thì sẽ không tránh khỏi những nhận thức sai lầm trong việc thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”.
Ở các Trường Chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Bình Dương nói riêng, đội ngũ giảng viên là người giữ vai trò chủ yếu trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị. Vì vậy, người giảng viên là người trực tiếp truyền đạt những kiến thức khoa học, mang tính chất lý luận. Ngoài ra, họ còn hướng dẫn cho học viên cách thức vận dụng những kiến thức lý luận đó để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế công tác. Đồng thời, thông qua người giảng viên mà các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được truyền tải đến học viên một cách nhanh chóng, chính xác và sáng tạo. Điều đó đòi hỏi đội ngũ giảng viên của nhà trường ngoài kiến thức lý luận còn phải có vốn sống, vốn kiến thức thực tiễn phong phú và sâu sắc, am hiểu tình hình thực tế, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và có khả năng chỉ ra cách giải quyết tình huống, ít nhất là trong phạm vi chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Đây là yêu cầu khó với các giảng viên, nhất là với các giảng viên trẻ vốn chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa qua công tác thực tế ở cơ sở.
Thực hiện Quy chế của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Quy chế của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương, những năm vừa qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức cho đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại các tỉnh bạn. Cùng với đó, các khoa căn cứ vào bộ môn giảng dạy do khoa phụ trách mà xây dựng kế hoạch, chủ đề đi nghiên cứu thực tế tại một số địa phương trong tỉnh nhà. Chính vì thế, việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế hàng năm của đội ngũ giảng viên trong trường đã trở thành nề nếp thường xuyên và đem lại kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên và gắn lý luận với thực tiễn ở cơ sở.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì công tác nghiên cứu thực tế cơ sở của đội ngũ giảng viên trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay cũng không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn:
Thứ nhất, nội dung nghiên cứu thực tế của các khoa còn chung chung, chưa đi sát vào tình hình thực tế tại địa phương; còn từng giảng viên chưa xây dựng được kế hoạch nghiên cứu thực tế cho cá nhân. Thời gian các khoa đi nghiên cứu quá ít, hàng năm mỗi khoa chỉ tổ chức 1 đến 2 lần đi nghiên cứu thực tế cơ sở, trong khi đó Quy chế giảng viên quy định một năm học các giảng viên đi nghiên cứu thực tế là 15 ngày/năm.
Thứ hai, việc quy định xây dựng chủ đề nghiên cứu thực tế của khoa cũng được xem là một khó khăn vì khoa có nhiều môn học khác nhau nên sẽ phải lựa chọn nhiều chủ đề. Hơn nữa, khi trao đổi thông tin với cơ sở, tìm hiểu thông tin từ cơ sở, cùng một thời điểm nhiều vấn đề khác nhau được đặt ra sẽ không có điều kiện tìm hiểu sâu.
Thứ ba, một số giảng viên ngại đi xa, đi dài ngày, thời gian đi quá ngắn do đó chưa nắm bắt sâu thực tiễn cơ sở, có khi chỉ lấy thông tin trong báo cáo. Mặt khác, có những giảng viên (đặc biệt là những giảng viên trẻ) lại không biết sử dụng những thông tin mà mình có được sau chuyến đi thực tế vào bài giảng của mình.
Thứ tư, hình thức tổ chức đi nghiên cứu thực tế theo đoàn (5 - 6 đồng chí) vừa qua đã ít nhiều tạo một áp lực lớn cho địa phương. Với số lượng này nếu đến những địa phương khó khăn sẽ tạo ra một áp lực lớn. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều nội dung trao đổi chưa sâu, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ. Kết quả là lượng thông tin mà giảng viên thu nhận sau mỗi đợt đi thực tế còn hạn chế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Từ những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, để hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị Bình Dương đạt hiệu quả cao cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, Ban Giám hiệu nhà trường đề xuất với Tỉnh ủy Bình Dương xây dựng kế hoạch đưa các giảng viên trẻ đi thực tế dài ngày ở cơ sở (giảng viên về làm việc trực tiếp tại xã, phường, thị trấn hoặc các ban, ngành có nội dung công việc cụ thể gắn với chuyên môn). Qua đó tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội rèn luyện, thử thách, nắm bắt thực tế, phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, các khoa và giảng viên phải tích cực chuẩn bị kế hoạch cũng như xác định tinh thần để tổ chức triển khai thực hiện việc luân chuyển giảng viên xuống cơ sở.
Hai là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế để các giảng viên nhận thấy được hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu thực tế là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Từ đó, mỗi giảng viên sẽ tự giác, tích cực tham gia tốt hoạt động nghiên cứu thực tế nhằm phát huy tính sáng tạo và tiềm năng của các giảng viên.
Ba là, phải đa dạng hoá hoạt động nghiên cứu thực tế và tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và các cuộc hội thảo tại địa phương để giảng viên có cơ hội nắm bắt được các hoạt động thực tiễn tại địa phương.
ThS. Nguyễn Văn Hân
GV Khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh