Đất nước đổi mới - nhớ tới lời dạy của Bác Hồ về trách nhiệm của thanh niên Việt Nam đối với dân tộc
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[1]. Lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quy luật của đất trời và sức mạnh của tuổi trẻ ngay từ ngày đầu đất nước giành độc lập (trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc tháng 01/1946) đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bác coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là nền tảng cho sự trường tồn của xã hội. Chính vì vậy, Bác luôn nhắc nhở thanh niên Việt Nam phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với dân tộc, và rằng “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?” Lời dạy của Bác đối với thanh niên nước nhà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
1. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thanh niên
Thanh niên và trách nhiệm của thanh niên đối với dân tộc – một vấn đề được Bác đặc biệt quan tâm, nhiều lần nhắc tới, nó cũng đã xuất hiện nhiều trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của Người. Kể từ khi nước nhà giành độc lập năm 1945 cho tới khi Bác mất, Bác đã nhiều lần viết thư gửi riêng cho lực lượng thanh niên như “Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ” ngày 30/10/1945; “Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến” tháng 01/1946; “Thư gửi các bạn thanh niên” ngày 12/8/1947.... Và ngay trong bản “Di Chúc” Bác cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới thanh niên.
Tại sao Bác lại quan tâm đặc biệt tới thanh niên? Bởi vì, “thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng” , “Thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “ Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc” và “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Chính vì vai trò vô cùng quan trọng đó của thanh niên, nên Người đã dành sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ này.
Trước khi là một lãnh tụ, Bác cũng từng là một thanh niên – một thanh niên yêu nước mang trong mình hoài bão và khát vọng cứu nước cứu dân, đã từng hòa mình trong phong trào chống thuế ở Trung kỳ, từng quyết định ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc bằng chính sức trẻ của mình, từng làm rất nhiều nghề khác nhau để có tiền trang trãi cuộc sống nơi đất khách quê người và để theo đuổi hoài bão của mình... Nên Bác nhận thấy rõ thanh niên có rất nhiều ưu điểm “Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong”. Vì vậy, đây chính là lực lượng đi đầu trong trận chiến đấu tranh giành độc lập, bảo về nền hòa bình của nước nhà.
Thấy rõ vai trò và ưu điểm của thanh niên nên ngay khi đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, Người khẳng định, muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, Bác đã nhanh chóng có nhiều hành động để thức tỉnh thanh niên nước nhà. Ngay từ năm 1925 Bác đã bí mật thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), tập hợp những thanh niên yêu nước của Việt Nam trong tổ chức này, chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Sau khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và giao nhiệm vụ cho thanh niên cả nước hăng hái đi đầu trong việc tăng gia sản xuất, xóa nạn mù chữ, thực hành đời sống mới, khẳng định thanh niên là lực lượng chính trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cả dân tộc đặc biệt là đồng bào niềm Nam một lần nữa phải đứng dậy đánh đuổi thực dân Pháp giữ gìn nền độc lập, thanh niên một lần nữa trở thành một bộ phận không thể thiếu trong trận chiến này. Trong “Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ” ngày 30/10/1945, Người viết: “Trong cuộc chống xâm lăng này các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc, các bạn phải thống nhất mặt trận thanh niên, đoàn kết, nêu cao tinh thần tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc. Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng rọi khắp nước, những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết”.
Không chỉ đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, thanh niên còn là lực lượng đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước nhà. Trong quá trình lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Bác Hồ thường xuyên theo dõi từng bước trưởng thành và cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam, dành cho thế hệ trẻ niềm tin yêu và tình cảm đặc biệt. Trong Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc tháng 9/1962 Bác khẳng định: “Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”. Người luôn nhấn mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào cách mạng, vai trò xung kích đó trước hết thể hiện ở việc: “…Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”. Trong hai cuộc trường chinh lớn của dân tộc, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm gương anh dũng hy sinh của thế hệ trẻ đó là Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn bánh pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng. Chiến tranh đã tạo nên một thế hệ trẻ anh hùng, kiên trung, bất khuất, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh; nhưng không phải chỉ chiến tranh mới có anh hùng mà ngay trong thời bình vẫn sáng ngời những tấm gương trẻ dũng cảm, thông minh và sáng tạo.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, thanh niên nước ta tiếp tục là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an, dân quân tự vệ, đi đầu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của dân tộc. Chứng kiến sự cống hiến và trưởng thành của tuổi trẻ Việt Nam, tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, tháng 3966 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên niềm tin tưởng, phấn khởi trước sự lớn mạnh không ngừng của thế hệ thanh niên nước nhà: “Là người theo dõi tổ chức thanh niên từ bước đầu hiếm hoi chỉ có 8 cháu, ngày nay thấy có hàng triệu đoàn viên thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng phát triển mơn mởn như hoa mùa xuân. Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 01/1967). Ảnh tư liệu: TTXVN
Đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên, dành tình cảm yêu thương với thế hệ trẻ, Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình mình, sự mất mát của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. Tháng 01/1947, khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng (Giám đốc y tế Bắc Bộ) đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, chỉ trong vài ngày bom đạn của thực dân Pháp đã cướp đi 2 người con trai trong gia đình bác sĩ. Bác Hồ đã gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột… Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam”. Trái tim của Bác đã hòa nhịp đập chung cùng dân tộc, Bác đau cùng nỗi đau của dân tộc, của mỗi gia đình. Sự hy sinh của thế hệ trẻ đã vơi bớt đau thương trong tình thương mênh mông của Bác.
Thấy rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên, dành tình cảm yêu thương đặc biệt cho thanh niên, Bác luôn nhắc nhở thanh niên phải luôn giữ cho mình được ý chí “dời non, lấp bể”, “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Muốn giữ được ý chí đó, Bác yêu cầu bản thân thanh niên bên cạnh việc phát huy ưu điểm phải khắc phục những hạn chế của tuổi trẻ để có thể trở thành dường cột của nước nhà, xứng đáng với hình ảnh của huy hiệu đoàn “Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn, vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thề các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà là việc Bác dành nhiều tâm huyết. Vì vậy, ngay cả trong bản “Di chúc” để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Bác dành sự quan tâm sâu sắc để nói về “Đoàn viên và Thanh niên”. Trong đó, Bác khẳng định: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”, đánh giá của Người cũng chính là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn sinh động của tuổi trẻ Việt Nam. Người căn dặn “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đào tạo cách mạng cho họ, đào tạo thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”; “Hồng” đó là tư tưởng, đạo đức cách mạng, “chuyên” là kiến thức, năng lực, hiểu biết để làm việc. Cả hai yếu tố gắn bó với nhau. Người viết: “Việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ XHCN, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Bác yêu cầu “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”. Do vậy, đối với thế hệ trẻ, trước hết là đoàn viên, thanh niên phải luôn nỗ lực, rèn luyện đạo đức cách mạng: thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống trong sạch, có chí tiến thủ và đoàn kết, không kiêu ngạo; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; phê phán những thói hư, tật xấu. Bác căn dặn: “Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi”, đồng thời với tu dưỡng đạo đức, Bác yêu cầu thanh niên phải tu dưỡng, rèn luyện tài năng để cống hiến nhiệt huyết, sức trẻ cho dân tộc: “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”, đồng thời “làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.
2. Thanh niên Việt Nam trong thời đại mới
Thấm nhuần và thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam đã không ngừng nổ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và thử thách để học tập, rèn luyện, trưởng thành, có đầy đủ bản lĩnh trở thành lực lượng xung kích trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng đã truyền thêm cho thế hệ trẻ nước ta nguồn sức mạnh mới, luồng sinh khí mới tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, phong trào “Thanh niên tình nguyện”, hăng hái thi đua học tập, lao động, sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, trước sự tác động của những mặt trái nền kinh tế thị trường, một bộ phận thanh niên hiện nay đang có nhiều biểu hiện tiêu cực. Đó là phai nhạt lý tưởng, sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, coi thường truyền thống cách mạng, bi quan dao động, chưa thực sự cách mạng, thiếu ý thức phấn đấu, thiếu niềm tin vào xã hội, sống buông thả, sống không có lý tưởng, thậm chí một bộ phận còn có những hành động chống phá Đảng, Nhà nước và xã hội; một bộ phận nữa gây nguy hiểm cho Đảng, nguy hiểm cho xã hội không kém đó là thành phần cơ hội tìm mọi cách để đứng vào hàng ngũ của Đảng với mục đích để được thăng quan, tiến chức, để vun vén cho lợi ích cá nhân, vẫn còn tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”…Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội, bền vững của đất nước. Do đó, để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, các thế hệ thanh niên hôm nay cần phải phấn đấu, học tập và hành động theo những yếu tố sau đây.
Vậy, cần làm gì để đoàn viên thanh niên phát huy được vai trò, trách nhiệm của bản thân?
Thứ nhất, đối với bản thân thanh niên. Xây dựng và phát triển đất nước là trách nhiệm không phải của riêng ai; trong đó, thanh niên – cánh tay đắc lực của Đảng cần xác định rõ trách nhiệm “sãn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần”; phải có sức khỏe, có trí tuệ, nỗ lực cố gắng trong lao động, học tập và rèn luyện. Sống có mục tiêu, lý tưởng và hoài bão; rèn luyện bản lĩnh chính trị và nhất là phải rèn luyện đạo đức. Thanh niên cần được tôi luyện đạo đức vì đạo đức là cái gốc của con người. Có nền tảng đạo đức tốt thì bản thân sẽ biết làm điều thiện và lánh xa cái ác, biết bảo vệ cái hay, cái tốt. Tiếp bước truyền thống quê hương anh hùng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, thanh niên hôm nay cần tiếp tục ý thức được trọng trách và nghĩa vụ thiêng liêng, sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc; bên cạnh đó cần phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản, coi đó là niềm vinh dự và tự hào đối với thế hệ trẻ; bên cạnh đó, cần hiểu về lịch sử dân tộc, những truyền thống tốt đẹp của đất nước để kế thừa và phát huy trong thời đại mới.
Thứ hai, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước, tỉnh đoàn ở các tỉnh cần tiếp tục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên, làm tốt chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, chức năng đoàn kết, tập hợp, phát huy thanh niên. Tuyên truyền, giáo dục thanh niên sống có lý tưởng cách mạng, có niềm tin và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục, có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực tác động đến đoàn viên thanh niên. Công tác giáo dục của Đoàn không những rộng mà phải sâu, các hoạt động không nên dàn trải, nặng về hình thức. Các phong trào cần có nhiều cách thức thực tế, sinh động để thu hút đoàn viên thanh niên tích cực tham gia.
Thứ ba, ở tầm vĩ mô Nhà nước cần thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác thanh niên thành những chính sách, cơ chế, điều luật cụ thể để giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong mọi đối tượng thanh niên, trong đó có những chính sách đòn bẩy tạo động lực để phát huy lực lượng thanh niên tài năng, tinh hoa của xã hội. Đồng thời chăm lo lực lượng thanh niên yếu thế cơ hội phát triển. Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2030, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong rất nhiều vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt là ở 3 khâu đột phá. Đảng đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với sự tham gia của thanh niên để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi mỗi thanh niên Việt Nam trước hết phải luôn “cháy” trong mình ngọn lửa của tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người khẳng định tương lai dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc và sự thành công của cách mạng phần lớn phụ thuộc vào việc thanh niên và sự giáo dục đào tạo thanh niên. Những bài học, lời dạy của người đối với thanh niêm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII;
2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình TCLLCT, Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị;
4. Trần Dân Tiên (1970), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học.
ThS. Nguyễn Thị Mai – GV khoa Lý luận cơ sở