Đẩy mạnh xây dựng Văn hóa ứng xử một cách toàn diện tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn hiện nay
1. Đặt vấn đề
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
Có thể thấy, Đảng ta đã rất chú trọng đến việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tôc. Trong đó, văn hóa ứng xử có thể được xem là giá trị cốt lõi. Xã hội càng phát triển, yêu cầu về ứng xử của con người ngày càng toàn diện hơn. Ứng xử không chỉ giữa con người với con người mà còn là cách ứng xử giữa con người với môi trường sống của chính mình.
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh luôn có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I, với mục tiêu nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người dân, tiến tới đô thị văn minh, giàu đẹp. Để đạt được mục tiêu đó, vai trò của văn hóa đặc biệt là văn hóa ứng xử có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong bối cảnh mới hiện nay, đặc biệt là quá trình Bình Dương thu hút và giữ chân nhà đầu tư, người lao động thì việc xây dựng văn hóa ứng xử một cách toàn diện càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
2. Vai trò của văn hóa ứng xử đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
- Văn hóa và văn hóa ứng xử
Hiện nay, theo một số thống kê chưa đầy đủ có khoảng hơn 400 định nghĩa (khái niệm) về văn hóa với những góc độ tiếp cận khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẻ tiếp cận văn hóa theo quan điểm của Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin” Theo định nghĩa của UNESCO, văn hóa chứa đựng cả yếu tố vật chất và phi vật chất, tuy nhiên vai trò chủ yếu của văn hóa là về lĩnh vực tinh thần - phi vật chất (tâm hồn, tri thức, cảm xúc, văn học, nghệ thuật, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, đức tin…). Hơn nữa, theo định nghĩa này văn hóa thuộc phạm trù của cả một xã hội hay một nhóm người, như vậy vai trò của văn hóa trong cá nhân con người và vai trò của văn hóa trong thể chế chính trị - xã hội (nhất là nhà nước) đã không được đề cập tới.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa. Năm 1943 Người nêu lên quan niệm tổng quát về văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra, Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoại hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Quan niệm tổng quát của Hồ Chí Minh về văn hóa cho thấy, văn hóa không chỉ là lĩnh vực tinh thần, văn hóa chính là đời sống lao động sáng tạo gắn với phương thức tổ chức đời sống của xã hội loài người, văn hóa vừa là nhân tố bản chất bên trong vừa là kết quả trực tiếp của quá trình phát triển con người, của nền sản xuất xã hội và của các hình thức tổ chức tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, của xã hội loài người. Hay nói một cách khái quát, văn hóa là phương thức tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
Văn hóa ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Văn hóa ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong giao tiếp xã hội.
Hành vi ứng xử văn hóa là những biểu hiện hoạt động bên ngoài của con người, được thể hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với bản thân, với những người chung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi cá nhân trong xã hội.
-Vai trò của Văn hóa ứng xử trong phát triển kinh tế - xã hội
Hiện nay trong xã hội còn rất nhiều hành vi ứng xử kém văn hóa như hiện tượng ăn nói, quan hệ không đúng chuẩn mực; nhũng nhiễu, quan liêu của một bộ phận cán bộ trong cơ quan công quyền; hiện tượng “chặt, chém” của các dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận tải du lịch; thiếu văn hóa trong tham gia giao thông; vứt rác bừa bãi; ăn mặc thiếu nghiêm túc, sử dụng lời lẽ và hành vi khiếm nhã nơi công cộng… điều này tác động rất lớn tâm lý, thái độ của con người, đặc biệt là đối với khách du lịch và nhà đầu tư trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Ngày nay mặc dù xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng giao tiếp ứng xử vẫn có tầm quan trọng đặc biệt. Nó tạo nên các mối quan hệ đẹp có văn hóa, có đạo đức trong cộng đồng dân cư, trong tình bạn, trong tình yêu, trong gia đình, trong nhà trường, trong kinh doanh, đàm phán - thương lượng, khi có những bất đồng có thể dẫn đến xung đột. Giao tiếp ứng xử có văn hoá, có đạo đức là cơ sở để có những mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng, quan hệ tình nghĩa trong gia đình, quan hệ hợp tác trong kinh doanh là cơ sở để tạo ra môi trường thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
- Ứng xử văn hóa là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam
Trong cuộc sống hàng ngày, người Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề giao tiếp. Người Việt Nam do thiên về tình hơn về lý nên khi giao tiếp con người luôn đề cao vai trò của việc sử dụng ngôn ngữ để đảm bảo cho sự đoàn kết nhất trí, cho cuộc sống vui vẻ hài hoà. Vì vậy ca dao Việt Nam có câu:“Lời nói chăng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’’. Người Việt Nam luôn nhắc nhở nhau khi giao tiếp, nói năng phải cân nhắc lựa chọn, tránh kiểu hành xử khiếm nhã làm mất lòng người khác. Hơn nữa người Việt luôn coi trọng nghĩa tình, những lúc khó khăn, có công có việc người ta đến với nhau vì tình chứ không phải vì vật chất, nên trong văn hoá ứng xử, người Việt rất coi trọng tinh thần, đặt tinh thần lên hàng đầu.
Cái đẹp trong văn hoá ứng xử của con người Việt Nam là cái đẹp mang tính nhân dân, nó phục vụ đại đa số nhân dân. Cái đẹp mang tính dân tộc, nó phản ánh cái đẹp riêng của con người Việt Nam. Cái đẹp đó còn mang tính nhân loại vì nó là tia sáng mà tất cả mọi người trên hành tinh này muốn hướng tới. Cái đẹp đó đậm đà bản sắc dân tộc, bởi bản sắc đó là cái lõi, cái hồn đất, hồn nước, tinh hoa của dân tộc.
Văn hoá ứng xử cũng như cách ứng xử có văn hoá được hình thành từ rất sớm và ngày càng phong phú. Nó bao gồm hàng loạt hệ thống: Ứng xử trong gia đình, trong họ mạc làng xã, giữa các dòng họ, giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa tình yêu đôi lứa … Ngày nay, trong quá trình hội nhập đó là ứng xử với đối tác, là các nhà đầu tư, ứng xử với chính môi trường sống của mình.
3. Yêu cầu đặt ra cần phải cần phải xây dựng văn hóa ứng xử một cách toàn diện ở Bình Dương trong giai đoạn hiện nay
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai. Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam bộ); dân số 2.070.951, mật độ dân số là 769 người/ km2 (Niên giám thống kê 2017 do Cục Thống kê Bình Dương phát hành); 09 đơn vị hành chính cấp huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã (46 xã, 41 phường, 04 thị trấn).
Ngày 01/01/1997 tỉnh Bình Dương chính hức được tái thành lập. Với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, Bình Dương xác định hướng “đi tắt đón đầu”, thực hiện chủ trương “Trải thảm đỏ, đón nhà đầu tư” từ những năm 1990 và phát huy lợi thế là cửa ngõ vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa khá vững chắc. Hiện nay, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, trong đó có nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia có tiềm lực tài chính và công nghệ cao.
Sự phát triển mạnh các khu công nghiệp, cộng với chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách thông thoáng trong vấn đề kêu gọi, thẩm định, cấp phép đầu tư của Tỉnh khiến các dự án FDI ngày càng chảy mạnh vào Bình Dương. Bên cạnh đó, Bình Dương còn chú trọng công tác xúc tiến đầu tư được chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phối hợp với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan khi thực hiện trong và ngoài nước ngày càng đi chiều sâu và đạt hiệu quả, trong đó chú trọng vào từng quốc gia, từng nhà đầu tư ở các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhằm kêu gọi đầu tư vào các dự án: ít thâm dụng lao động, tiết kiệm năng lượng, cơ khí chính xác, điện, điện tử là những dự án có hàm lượng công nghệ cao. phát triển các loại hình dịch vụ khác như: thị trường tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, bưu chính viễn thông, vận tải…
Ngoài ra, Bình Dương cũng đã ban hành chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng cho yêu cầu phát triển của tỉnh nhà. Việc thu hút người tài, người có trình độ cao với những học vị, học hàm được tỉnh cụ thể hóa với các chế độ phụ cấp, thu nhập, mức lương. Để đáp ứng yêu cầu phát triển có trọng tâm, có chiến lược, tỉnh Bình Dương đã kết hợp chủ trương đãi ngộ nhân tài về công tác tại tỉnh và khuyến khích việc bồi dưỡng và đào tạo nhân tài từ nguồn nhân lực của tỉnh nhà. Những chủ trương và chính sách của Bình Dương nêu trên đã có sự tác động mạnh mẽ tới sự phát triển lực lượng sản xuất của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trải qua hơn 20 năm thực hiên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương đã đi đầu với chính sách “trải thảm đỏ” thu đầu tư. Kinh tế Bình Dương có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng cao, trên 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đó là tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2018 tỷ trọng công nghiệp 63,87%, dịch vụ 23,94%, nông nghiệp 3,08%. Toàn tỉnh hiện nay có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp. Những thành công bước đầu đã nâng tầm Bình Dương trở thành mô hình kiểu mẫu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, tỉnh đã vươn lên vào tóp 05 những tỉnh thành thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt 20 tỷ USD.
Như vậy, chúng ta có thể khái quát một cách tổng thể về đặc điểm về vị trí địa lý và chính sách của tỉnh Bình Dương như sau: Một, Bình Dương có vị trí địa lý hết sức thuận lợi (giáp thành phố Hồ Chí Minh, gần sân bay, bến cảng...) Hai, Lãnh đạo tĩnh luôn chú trọng trong thu hút nhà đầu tư, nguồn lực lao đông để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Xây dựng văn hóa ứng xử một cách toàn diên nghĩa là phải ứng xử có văn hóa đối với mọi người, mọi lĩnh vực vực trong đời sống xã hội; với môi trường sống của chính mình. Với Bình Dương để thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người dân, tiến tới đô thị văn minh, giàu đẹp, chúng ta cần xây dựng tốt văn hóa ứng xử một cách toàn diện. Ở đây tôi xin đề cập đến 3 khía cạnh chủ yếu trong xây dựng văn hóa ứng xử nhưng có tính chất bao trùm.
Một, ứng xử chuẩn mực với các nhà đầu tư
Với lợi thế về vị trí địa lý, cùng với những chủ trương của lãnh đạo tỉnh trong thu hút các nhà đầu tư. Trong những năm qua, Bình Dương đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, để duy trì và thu hút các nhà đầu tư chúng ta cần phải:
Đối với lãnh đạo tỉnh: cần có những chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình mới; chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và chính quyền các cấp thực hiện đúng các chủ trương của tỉnh trong thu hút đầu tư, tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Đặc biệt là hiện tượng mà một số nhà đầu tư nước ngoài khi vào đầu tư ở Việt Nam đã từng phản ánh là phát sinh “chi phí ngoài đầu tư”; cần thường xuyên đối thoại với nhà đầu một cách cởi mở, chân tình nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Đối vơi các cơ quan công quyền: Trong giao tiếp với các nhà đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của nhà đầu tư. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Đối với người dân: chúng ta cần xác định rõ, nhà đầu tư là người tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Bình Dương phát triển. Chúng ta cần có thái độ, cử chỉ thân thiện tạo hình ảnh đẹp trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Tránh tình trạng “chặt chém” trong các hoạt động dịch vụ nói chung.
Hai, ứng xử chuẩn mực với người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư
Đảng ta khẳng định nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đúng vậy, Bình Dương được xem là nơi “đất lành chim đậu”, trên mãnh đất Bình Dương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sông, có hầu hết lao đông đến từ 62 tỉnh thành khác cùng hội tụ. Người lao động ở những địa phương khác nhau sẽ có những giá trị văn hóa mang các sắc thái khác nhau, có phong tục tập quán khác nhau. Các giá trị và các sắc thái văn hóa đó bổ sung cho nhau, làm phong phú cho nền văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bình Dương tạo công ăn việc làm cho người lao động từ các địa phương khác, nhưng chính người lao động cũng góp phần đáp ứng nguồn lao động còn thiếu hụt trong quá trình thu hút đầu tư của tỉnh (theo thống kê, hiện nay lao động nhập cư trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 50% tổng số lao động)
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận có quan niệm phân biệt người theo vùng miền như “dân Bắc kỳ” “dân Miền Tây”... họ vẫn giữ những khoảng cách nhất định. Chúng ta cần hình dung “Bắc – Trung – Nam” chỉ xét về mặt địa lý, không nên phân biệt “Bắc – Trung – Nam” về mặt con người. Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam, hiện nay sinh sống, làm ăn trên mãnh đất Bình Dương, cùng góp phần thúc đẩy Bình Dương phát triển (tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều có sự tác động qua lại lẫn nhau). Chính vì vậy, chúng ta cần thay đổi nhận thức, cùng nhìn về một hướng. Vì chính bản thân mình và vì sự phát triển của tỉnh Bình Dương.
Ba, ứng xử với môi trường
Quá trình tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh trong thời gian qua đã tạo ra một sức ép không nhỏ đến môi trường của tỉnh. Sự gia tăng một lượng lớn nước thải, khí thải và chất thải rắn từ quá trình phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, dịch vụ, các hoạt động giao thông vận tải, sự gia tăng dân số…. Cùng với đó là ý thức “ứng xử” với mội trường của một số doanh nghiệp, người dân chưa đúng quy định đã đe doạ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian tới. Lãnh đạo tỉnh cần tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp, ngành nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; Sở Tài nguyên môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân.
4. Kết luận
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
Bình Dương đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu hút nhà đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, với mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững. Việc xây dựng văn hóa ứng xử một cách toàn diện để thu hút, giữ chân người lao động, nhà đầu tư có ý nghĩa sống còn với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy chúng ta cần phải ứng xử thật văn hóa, văn minh với nhà đầu tư, với người lao động, với môi trường. Xây dựng hình ảnh về một Bình Dương giàu về kinh tế, văn minh trong ứng xử giữa con người với nhau và giữa con người với môi trường.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
4. Tỉnh ủy Bình Dương (2019), Báo cáo 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hổ Chí Minh
5. Phạm Minh Hạc - Nguyễn Khoa Điềm (Chủ biên). Về phát triển văn hóa và xây dựng con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb CTQG, HN.2003.
6. Phạm Duy Đức (Chủ biên): Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Xu hướng và giải pháp. Nxb CTQG, HN, 2011.
7. Phan Văn Bằng(2015), vấn đề phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở bình dương hiện nay, Luận án Thạc sĩ Triết học, Hà Nội.
ThS. Phan Văn Bằng - Giảng viên khoa lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh