Để áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị đạt hiệu quả cao ở Trường Chính trị Bình Dương hiện nay
Như chúng ta đều biết, đối tượng của công tác giảng dạy lý luận chính trị là đội ngũ cán bộ Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, công chức, viên chức Nhà nước. Một khi công tác giảng dạy lý luận chính trị được nhà trường tổ chức có hiệu quả thì đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ thấm nhuần các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ngược lại, nếu công tác giảng dạy lý luận chính trị không được quan tâm chỉ đạo thực hiện, hoặc thực hiện qua loa đại khái thì sẽ không tránh khỏi những nhận thức sai lầm trong việc thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ở các trường Chính trị nói chung và trường Chính trị tỉnh Bình Dương nói riêng, trình độ, tuổi tác, kỹ năng, kinh nghiệm… của học viên không đồng đều nên việc nắm bắt bài giảng cũng bị hạn chế, nhất là khi giảng viên sử dụng phương pháp tích cực (đặt câu hỏi và yêu cầu học viên trả lời). Có một số học viên ngần ngại khi phải trả lời các câu hỏi hoặc không tham gia vào bài giảng, đó cũng là lý do khiến giảng viên chưa mạnh dạn sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong bài giảng của mình.
Hơn nữa, qua khảo sát thực tế, phần lớn học viên đều thích phương pháp giảng dạy truyền thống, nghĩa là giảng viên giảng bài và đọc chậm cho học viên ghi chép lại, đó cũng là lý do giảng viên ít dùng phương pháp giảng dạy tích cực. Khi giảng viên đặt câu hỏi, học viên còn ngại tham gia trả lời, nhất là ở các lớp tại chức lớn tuổi, bởi lẽ họ vừa học vừa làm nên ít có thời gian nghiên cứu bài trước khi đến lớp.
Bên cạnh đó, sỹ số lớp quá đông và trình độ, tuổi tác không đồng đều cũng phần nào ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy tích cực của giảng viên. Một số giảng viên ngại yêu cầu những học viên lớn tuổi trả lời câu hỏi và sẽ mất thời gian nếu họ không muốn trả lời những câu hỏi đó.
Lý luận chính trị là các môn khoa học trừu tượng, mang tính lý luận cao. Để giảng dạy môn lý luận chính trị theo phương pháp giảng dạy tích cực ở trường chính trị Bình Dương đạt hiệu quả, theo chúng tôi cần chú ý một số vấn đề sau:
- Về phía nhà trường.
+ Nhà trường nên đề xuất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xem xét lại kết cấu chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và phân bổ thời gian cho hợp lý hơn.
+ Nhà trường nên chủ động phân bổ lại sỹ số lớp học (khoảng 30 - 35 học viên/lớp), độ tuổi và trình độ của học viên ở mức cân đối để giảng viên có thể sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong khi giảng bài.
+ Nhà trường chủ động liên kết mở các lớp tập huấn về phương pháp sư phạm tại trường nhằm tạo điều kiện giúp cho giảng viên có cơ hội học hỏi để nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.
- Về phía giảng viên.
Đội ngũ giảng viên của nhà trường cần nâng cao trình độ về phương pháp sư phạm và kỹ năng sử dụng phương pháp. Để làm được điều đó giảng viên cần phải:
+ Phải có kỹ năng sư phạm, được học về phương pháp sư phạm và đặc biệt là phải được tập huấn về phương pháp giảng dạy tích cực. Có như vậy mới sử dụng phương pháp này có hiệu quả.
+ Phải tăng cường tìm hiểu, nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để bổ sung vào bài giảng của mình. Tận dụng những chuyến đi tập huấn ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để bổ sung thêm kiến thức. Nắm bắt thực tiễn, dành nhiều thời gian cho việc dự giờ, đi nghiên cứu thực tế, có kế hoạch tự giác học hỏi, rèn luyện, nhất là rèn luyện phương pháp sư phạm. Thực sự yêu nghề và gắn bó với nghề.
- Về phía học viên.
Để học các môn lý luận chính trị một cách có hiệu quả, học viên cần nâng cao tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong nghiên cứu và học tập, phải dành thời gian nhất định cho việc tự học, tự nghiên cứu trước khi đến lớp. Để làm được điều đó học viên cần phải:
+ Xác định đúng động cơ học tập, chủ động đặt câu hỏi để giảng viên trả lời hoặc định hướng cách giải quyết. Không nên quá ỷ lại, phải nâng cao tính năng động, sáng tạo, lật đi lật lại những vân đề, những ý kiến được giảng viên nêu ra và luôn luôn phải có thái độ hoài nghi khoa học trong mỗi luận đề, mỗi bài giảng.
+ Phải tập trung nghe giảng và biết cách gắn kết giữa lý luận và thực tiễn ở cơ sở, đặc biệt là trong lĩnh vực công tác của bản thân. Cần xóa bỏ mặc cảm về tuổi tác, chức vụ, trình độ… để thoái mái hơn trong quá trình trao đổi.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ và nguy cơ, điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức; có năng lực công tác mới đáp ứng được yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của người cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt cấp cơ sở càng đòi hỏi phải có trình độ cao về mọi mặt, nhất là trình độ lý luận chính trị. Bởi lẽ, cơ sở là cấp cuối cùng trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cán bộ cơ sở chính là người đại diện cho Đảng và Nhà nước trực tiếp làm việc với nhân dân; đồng thời là người đại biểu cho tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Chủ trương, đường lối, Nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có đúng đắn đến đâu đi chăng nữa mà không được cán bộ chủ chốt cấp cơ sở tổ chức triển khai một cách sáng tạo thì cũng không thể thành hiện thực, không thể đem lại hiệu quả trong thực tế.
So với thời kỳ trước, yêu cầu hiện nay đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở được đặt ra cao hơn, đó là yêu cầu về trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị; yêu cầu về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ; yêu cầu về tư duy, tác phong làm việc hiện đại; yêu cầu về năng lực sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm; yêu cầu về phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ… Vì vậy, trong những đòi hỏi gay gắt của công tác cán bộ, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nổi lên như một nhiệm vụ quan trọng và bức thiết hàng đầu. Muốn tạo lập cho được những cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, những cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở nói riêng có đủ trình độ để hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới hiện nay thì đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị cần phải phấn đấu hơn nữa nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
ThS. Nguyễn Văn Hân
Khoa lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh