Để áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng các bài giảng Triết học Mác - Lê nin trong chương trình Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính sao cho có hiệu quả nhất
Trong thời đại ngày nay, giáo dục học hiện đại rất coi trọng phương pháp dạy học vì nó đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với chất lượng, hiệu quả của quá trình đào tạo. Phương pháp dạy học càng hiện đại bao nhiêu, thì kết quả, chất lượng của quá trình dạy và học càng được nâng cao bấy nhiêu. Do đó, việc sử dụng một phương pháp dạy học hiện đại, thích hợp với môn học và đối tượng dạy học là hết sức quan trọng và cần thiết.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng thiết thực, hiệu quả”. Để thực hiện được nhiệm vụ này, một trong những việc cần thiết là áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào trong giảng dạy lý luận chính trị nói chung và triết học Mác – Lênin nói riêng.
Chính vì vậy, bài viết này đề cập đến những vấn đề như: bản chất của đổi mới giảng dạy theo hướng tích cực; các phương pháp giảng dạy tích cực và việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng các bài giảng triết học Mác – Lênin trong chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính sao cho có hiệu quả cao nhất…
1. Bản chất của đổi mới giảng dạy theo hướng tích cực.
Một là, lấy người học làm trung tâm, là người học sẽ đóng vai trò chủ động trong việc tiếp cận tri thức.
Hai là, gắn lý thuyết với thực tế, điều này sẽ tạo nên sự tham gia tự giác của người học và họ là những người nhận ra giá trị của tri thức.
Ba là, giảng viên có kỹ năng sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, chính điều đó giúp giảng viên đạt được những mục tiêu cho mỗi bài giảng của mình.
Bốn là, khuyến khích sự tham gia của người học, tạo nên cách học năng động, người học tự trải nghiệm những kiến thức mới và ghi nhớ nhanh hơn.
Năm là, tạo không khí lớp học sôi nổi, hấp dẫn, đây là một cách để thay đổi không khí lớp học, tránh tình trạng người học chỉ ngồi nghe, không cần tham gia.
2. Một số phương pháp giảng dạy tích cực.
- Phương pháp 1: phương pháp phỏng vấn nhanh.
Thứ nhất, mục đích và ý nghĩa.
Đây là phương pháp giảng viên sử dụng để nắm bắt nhanh câu trả lời và thu hút sự chú ý của người học vào nội dung bài giảng. Phỏng vấn nhanh không mất nhiều thời gian nhưng tạo sự giao tiếp năng động, làm cho không khí lớp học hứng thú hơn. Phương pháp này cũng có thể giúp giảng viên thăm dò hiểu biết của người học về một vấn đề nhất định.
Thứ hai, quy trình thực hiện.
Một, thuyết trình dẫn dắt, nêu câu hỏi.
Hai, học viên trả lời.
Ba, giảng viên kết luận.
- Phương pháp 2: phương pháp hỏi – đáp.
Thứ nhất, mục đích và ý nghĩa.
Giảng viên sử dụng phương pháp này để kích thích sự tham gia của người học vào bài giảng, cùng chia sẻ những hiểu biết về chủ đề, làm cho người học nhớ kiến thức. Giảng viên sẽ thu được những câu trả lời từ nhiều góc độ, làm phong phú thêm tri thức trong giáo trình. Giảng viên thay vì truyền đạt nội dung một chiều thì đã dẫn dắt người học bằng phương pháp hỏi – đáp để mọi người cùng chia sẻ.
Để tham gia trả lời, người học phải có thời gian suy nghĩ, thậm chí có thể hỏi lại giảng viên hoặc những học viên khác những điều chưa rõ, do đó phương pháp này giúp người học chủ động và tích cực khi tiếp thu kiến thức.
Thứ hai, quy trình thực hiện.
Một, thuyết trình vào chủ đề.
Hai, nêu câu hỏi.
Ba, cho học viên suy nghĩ.
Bốn, học viên trả lời và tranh luận.
Năm, giảng viên kết luận.
- Phương pháp 3: phương pháp thảo luận nhóm.
Thứ nhất, mục đích và ý nghĩa.
Đây là phương pháp mà giảng viên dành nhiều thời gian cho người học làm việc để đạt được mục đích nắm kiến thức sâu hơi về một nội dung. Phương pháp này tạo không khí học sôi nổi vì các nhóm cùng thảo luận và cạnh tranh với nhau. Đây cũng là cách mà giảng viên khai thác những giá trị từ người học để nội dung bài giảng phong phú và gần thực tiễn.
Thứ hai, quy trình thực hiện.
Một, giảng viên thuyết trình, nêu chủ đề thảo luận.
Hai, giao nhiệm vụ.
Ba, chia nhóm.
Bốn, các nhóm làm việc.
Năm, đại diện nhóm trình bày.
Sáu, giảng viên tổng kết.
- Phương pháp 4: phương pháp tình huống.
Thứ nhất, mục đích và ý nghĩa.
Phương pháp này hướng tới kỹ năng giải quyết những vấn đề thực tiễn của người học. Thông qua tình huống, giảng viên đưa ra những vấn đề lý thuyết cần truyền đạt. Đây là phương pháp tích cực dựa trên nguyên tắc bài giảng gắn với thực tế và học viên chủ động tham gia.
Thứ hai, quy trình thực hiện.
Một, thuyết trình và giới thiệu tình huống.
Hai, giải quyết tình huống.
Ba, giảng viên tập hợp và định hướng.
Bốn, neo chốt kiến thức.
- Phương pháp 5: phương pháp hỏi chuyên gia.
Thứ nhất, mục đích và ý nghĩa.
Giảng viên sử dụng phương pháp này nhằm giải quyết những vướng mắc, những điều chưa rõ của người học liên quan đến nội dung bài giảng. Bản chất vẫn là cách giảng dạy và truyền đạt kiến thức nhưng phương pháp chuyên gia tạo sự hấp dẫn và hứng thú cho người học.
Thứ hai, quy trình thực hiện.
Một, nêu chủ đề.
Hai, giới thiệu chuyên gia.
Ba, học viên đặt câu hỏi.
Bốn, phân loại câu hỏi.
Năm, giải đáp câu hỏi.
Sáu, giảng viên tổng kết.
- Phương pháp 6: phương pháp nêu ý kiến ghi bảng.
Thứ nhất, mục đích và ý nghĩa.
Giảng viên sử dụng phương pháp này để lấy ý kiến của nhiều người học về một vấn đề nào đó và cần tập hợp lưu giữ để phân tích trong quá trình giảng dạy. Phương pháp này giúp người học tích cực tham gia vào bài giảng, kích thích sự sáng tạo trong tư duy và tạo không khí tích cực. Phương pháp này cũng tạo mối quan hệ thân thiện giữa giảng viên và người học, mọi người cảm nhận ý kiến của mình được tôn trọng.
Thứ hai, quy trình thực hiện.
Một, thuyết trình nêu chủ đề.
Hai, mời 2 người ghi bảng.
Ba, lấy ý kiến.
Bốn, giảng viên tổng kết.
3. Giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng các bài giảng triết học Mác – Lênin trong chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính sao cho có hiệu quả nhất.
Ở trường Chính trị các tỉnh nói chung, để giảng dạy triết học Mác – Lênin một cách hấp dẫn, lôi cuốn, có chất lượng và hiệu quả là vấn đề không dễ nhưng không phải là không thực hiện được. Muốn vậy, người giảng viên cần làm tốt những việc sau đây:
Thứ nhất, người giảng viên giảng dạy triết học phải thấy được đặc thù của môn triết học Mác – Lênin.
Triết học Mác – Lênin khác với các ngành khoa học khác, có đối tượng riêng của nó. Đối tượng của triết học Mác – Lênin là những quy luật phổ biến nhất của sự tồn tại, vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Nhưng những quy luật này lại được phản ánh thông qua hệ thống các nguyên lý, quy luật, phạm trù của triết học Mác – Lênin. Do vậy, dạy và học triết học Mác – Lênin theo một nghĩa nào đó là dạy và học tập, nghiên cứu những nguyên lý, quy luật, phạm trù của triết học Mác – Lênin.
Có một điều cần lưu ý, do đặc thù tiếng Việt, nên trong ngôn ngữ thường ngày và các phạm trù triết học có sự trùng hợp về phát âm và chữ viết. Nhưng nội hàm của các phạm trù triết học đôi khi lại hoàn toàn khác với những phạm trù, khái niệm vẫn được sử dụng trong ngôn ngữ đời thường. Chẳng hạn, phạm trù mâu thuẫn, theo nghĩa triết học đó là sự liên hệ, tác động, ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau của các mặt đối lập; còn theo ngôn ngữ thông thường có nghĩa là không hòa thuận với nhau, chống chọi nhau, xung đột với nhau. Hay phạm trù phủ định theo nghĩa triết học có nghĩa là từ một sự vật này ra đời (nảy sinh) một sự vật khác; còn theo ngôn ngữ thường ngày thì đó là sự bác bỏ, từ chối hay phản bác lại…
Chính vì thế, khi giảng dạy triết học, người giảng viên ngay từ đầu phải làm rõ đối tượng nghiên cứu và làm cho người học hiểu các phạm trù triết học theo tinh thần triết học. Chẳng hạn, khi giảng về phạm trù vật chất, phải chỉ cho người học rõ, tại sao V.I.Lênin khi định nghĩa về vật chất lại xác định “vật chất là một phạm trù triết học”? Trên cơ sở đó phải chỉ cho người học biết được rằng “vật chất với tư cách là một phạm trù triết học” khác với “vật chất không phải là phạm trù triết học”, ví như khác với “vật chất” trong cụm từ “nâng cao đời sống vật chất cho mọi tầng lớp nhân dân” như thế nào. Làm được điều này, người học sẽ không hiểu sai kiến thức triết học và sẽ có hứng thú hơn khi học.
Để làm được điều này, người giảng viên nên sử dụng phương pháp phỏng vấn nhanh để có thể biết rõ đối tượng người học là ai, trình độ học vấn của họ ra sao, trên cơ sở đó mà quyết định cách trình bày (lựa chọn phương pháp, lấy ví dụ chứng minh, rút ra ý nghĩa phương pháp luận…) cho thích hợp với từng lớp học, từng đối tượng người học. Ngoài ra, giảng viên cũng có thể sử dụng phương pháp hỏi – đáp đối với từng lớp học cụ thể để học viên trả lời và tranh luận, thậm chí học viên cũng có thể đặt câu hỏi ngược trở lại… Từ đó, mọi người cùng nhau phân tích, lý giải, tranh luận để làm rõ vấn đề.
Chẳng hạn, người giảng viên có thể sử dụng phương pháp hỏi – đáp khi giảng về phạn trù vật chất để cho học viên phân biệt vật chất theo nghĩa triết học khác với vật chất trong đời thường, thường được hiểu là “cơm, áo, gạo, tiền…” như thế nào; phạm trù ý thức – theo nghĩa triết học là hình ảnh chủ quan, (tức là hình ảnh ở trong bộ óc con người) của thế giới khách quan, khác với ý thức của một người nào đó theo nghĩa người đó “có ý thức giữ vệ sinh chung”, “có ý thức tuân thủ luật giao thông”… như thế nào. Ngoài ra, người giảng viên cũng có thể sử dụng phương pháp này khi giảng về các phạm trù khác như: vận động, không gian, thời gian, chất, lượng, độ, mâu thuẫn, mặt đối lập, phủ định, cái chung, cái riêng, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, đấu tranh giai cấp, ý thức xã hội…
Thứ hai, khi giảng dạy triết học Mác – Lênin đòi hỏi người giảng viên phải sử dụng và kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp khác nhau.
Trong giảng dạy triết học, ngoài sử dụng phương pháp thuyết trình là chủ đạo, người giảng viên cần biết lựa chọn và kết hợp thêm với các phương pháp khác sao cho phù hợp với từng nội dung cụ thể của bài học để đạt được hiệu quả cao nhất. Tùy từng đối tượng lớp học cụ thể mà người giảng viên có thể lựa chọn các phương pháp khác nhau. Việc chuẩn bị công phu, lựa chọn phương pháp phù hợp cho từng tiết dạy sẽ giúp người giảng viên truyền đạt được những nội dung trọng tâm của bài học, giúp cho lớp học sinh động và người học tiếp thu kiến thức nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, khi giảng về nội dung các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật, giai cấp – nhà nước – cách mạng xã hội hay ý thức xã hội, người giảng viên có thể sử dụng các phương pháp như phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp hỏi – đáp, phương pháp nêu ý kiến ghi bảng… kết hợp với các phương pháp khác như thuyết trình, phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp, so sánh, đối chiếu… Việc kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp nêu trên, lựa chọn phù hợp với từng đối tượng học viên khác nhau sẽ giúp cho người giảng viên chẳng những đỡ mất nhiều thời gian khi truyền tải nội dung trọng tâm của bài giảng, mà còn đem lại hứng thú học tập và tiếp thu kiến thức nhanh hơn, hiệu quả cao hơn từ học viên.
Khi giảng về nội dung lý luận nhận thức duy vật biện chứng; lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, giai cấp, cách mạng xã hội, người giảng viên có thể sử dụng phương pháp tình huống hay phương pháp hỏi chuyên gia. Phương pháp tình huống và phương pháp hỏi chuyên gia rất có giá trị đối với giảng viên khi phải rút ra ý nghĩa phương pháp luận. Như chúng ta đều biết, những nguyên lý của triết học Mác – Lênin là giống nhau, nhưng ý nghĩa phương pháp luận rút ra cho từng đối tượng học là khác nhau. Chính vì thế, phương pháp tình huống sử dụng trong các trường hợp này sẽ giúp lớp học sôi nổi, bớt nhàm chán; còn phương pháp hỏi chuyên gia sẽ giúp cho học viên hiểu sâu hơn về những lĩnh vực mà mình đang muốn tìm hiểu.
Ngoài ra, khi giảng những vấn đề (nội dung) cụ thể, có thể sử dụng thêm phương pháp lịch sử và phương pháp so sánh. Phương pháp lịch sử đòi hỏi người giảng viên khi giảng bài phải giúp cho người học thấy được lịch sử của vấn đề. Trên cơ sở đó, người học hiểu được rằng triết học Mác – Lênin không phải là một biệt phái. Phương pháp so sánh sẽ giúp người học thấy được triết học Mác – Lênin đã kế thừa những gì của các nhà tư tưởng trước, phát triển cái gì hơn hẳn so với những nhà tư tưởng trước đây. Chẳng hạn, khi trình bày phạm trù thực tiễn, giảng viên sẽ trình bày quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, quan điểm của triết học tôn giáo, quan điểm của chủ nghĩa duy vật trước Mác, quan điểm của chủ nghĩa thực dụng, sau đó trình bày quan điểm của triết học Mác – Lênin về thực tiễn. Khi trình bày quan điểm của triết học Mác – Lênin về thực tiễn thì so sánh với những quan điểm mà ta đã trình bày, lý giải cho người học biết được triết học Mác – Lênin về thực tiễn đã kế thừa cái gì, phát triển cái gì hơn so với các quan niệm trước đó…
Nhưng, để thực hiện được hai phương pháp này trong giảng dạy các vấn đề triết học là không dễ. Nó đòi hỏi người giảng viên cần nắm chắc kiến thức chuyên môn, đặc biệt là kiến thức về lịch sử triết học. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, người nào nắm kiến thức chuyên môn sâu sắc, người đó mới có thể diễn đạt dễ hiểu, rõ ràng, chặt chẽ. Do vậy, để bài giảng hấp dẫn, lôi cuốn người nghe thì việc trau dồi kiến thức chuyên môn, nhất là kiến thức lịch sử triết học là vô cùng quan trọng.
Thứ ba, người giảng viên phải nắm vững kiến thức toàn bộ môn triết học, dù chỉ giảng một bài hay một phần (nội dung) trong chương trình.
Triết học Mác – Lênin là môn khoa học có sự thống nhất hữu cơ không thể tách rời giữa các bài với nhau. Kiến thức của bài này liên hệ chặt chẽ với bài kia. Chẳng hạn, khi giảng nội dung của phép biện chứng duy vật không thể không đề cập đến nội dung của chủ nghĩa duy vật mácxít; giảng phần nhà nước và cách mạng xã hội không thể không đề cập đến nội dung của phần giai cấp và đấu tranh giai cấp; không thể giảng tồn tại xã hội, ý thức xã hội khi không hiểu mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức… Do đó, việc nắm vững kiến thức của toàn bộ môn triết học giúp cho người giảng viên thêm bình tĩnh, tự tin trong khi giảng dạy. Hơn nữa, rất có thể trong quá trình giảng dạy sẽ có những học viên đặt câu hỏi về kiến thức của các bài trước đã học, thậm chí cả những kiến thức liên quan đến các bài chưa giảng. Vì vậy, nếu không nắm vững kiến thức toàn bộ môn học, người giảng viên sẽ khó áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, đặc biệt là các phương pháp như thảo luận nhóm, hỏi chuyên gia (khi giảng viên là chuyên gia), tình huống hay nêu ý kiến ghi bảng…
Để sử dụng nhuần nhuyễn, thuần thục các phương pháp giảng dạy tích cực và các phương pháp khác thì ngoài kiến thức chuyên môn ra, người giảng viên triết học còn cần phải có khối kiến thức nhất định về các lĩnh vực khác và các môn lý luận Mác – Lênin khác như kinh tế chính trị hay chủ nghĩa xã hội khoa học. Bởi lẽ, có rất nhiều vần đề triết học chỉ có thể được làm sáng tỏ nhờ sự trợ giúp của các tri thức của những môn khoa học liên ngành. Vì thế, có được những kiến thức đó, cộng với kiến thức thực tiễn của bản thân người giảng viên sẽ giúp họ thêm tự tin trong việc sử dụng các phương pháp khác nhau vào trong quá trình giảng dạy, giải đáp được những thắc mắc của học viên ở những lĩnh vực công tác khác nhau trong cùng một lớp học.
Thứ tư, trong suốt quá trình giảng dạy, người giảng viên luôn luôn phải làm chủ lớp học.
Để làm chủ lớp học, người giảng viên cần biết rõ đối tượng người học là ai, trình độ học vấn của họ, trên cơ sở đó mà quyết định cách trình bày (lựa chọn phương pháp, lấy ví dụ chứng minh, rút ra ý nghĩa phương pháp luận…) cho thích hợp với từng lớp học, từng đối tượng người học.
Làm chủ lớp học cũng có nghĩa là làm chủ chương trình bài giảng, bố trí thời gian giảng từng mục, từng phần phải phù hợp, tránh không được để cháy giáo án. Làm chủ chương trình bài giảng, mục giảng cũng có nghĩa là không được viết nhầm tên bài, tên chương, tên mục. Vì vậy, trước khi lên lớp, người giảng viên phải có kế hoạch chi tiết cho từng mục, từng phần (thời gian giảng là bao nhiêu, sử dụng những công cụ hỗ trợ gì, áp dụng phương pháp nào…). Nếu khi giảng mà quá thời gian theo kế hoạch thì phải điều chỉnh như thế nào?...
Làm chủ lớp học cũng có nghĩa là phải bao quát lớp học xem những gì mình trình bày người học có hiểu không… Nếu thấy lớp học ồn ào, có biểu hiện của sự không hiểu thì phải kịp thời điều chỉnh. Sự không hiểu của người học có thể có rất nhiều nguyên nhân: giảng viên nói quá nhanh, nội dung trình bày của giảng viên chưa rõ, giảng viên sử dụng phương pháp không thích hợp... Chẳng hạn, ngay bài đầu tiên, tiết đầu tiên mà giảng viên đã áp dụng phương pháp thảo luận nhóm hay phương pháp nêu ý kiến ghi bảng. Chính điều đó có thể gây tâm lý ức chế cho người học. Trong bối cảnh như vậy, người giảng viên có thể dừng lại để trao đổi trực tiếp với lớp học. Như thế sẽ vừa tạo ra sự thân mật, chân tình và vừa có cơ hội để người giảng viên điều chỉnh tốc độ nói, nội dung bài giảng hay lựa chọn phương pháp khác thích hợp hơn.
Thứ năm, không nên quá lạm dụng các công cụ, phương tiện hiện đại và phải lựa chọn kỹ ví dụ đắt giá cho từng nội dung cụ thể.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó có sử dụng các công cụ, phương tiện hiện đại để giảng dạy, học tập là cần thiết, song, nên nhận thức đúng mức: chúng chỉ là phương tiện. Các công cụ, phương tiện hiện đại chỉ mang tính chất hỗ trợ, giúp cho giảng viên giảm bớt một số thao tác tốn thời gian. Sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại không có nghĩa là lạm dụng công cụ, phương tiện máy móc hiện đại.
Như trên đã nói, giảng dạy triết học Mác – Lênin là giảng về nguyên lý, quy luật, phạm trù. Điều đó có nghĩa là, trong quá trình giảng dạy, người giảng viên phải phân tích, giải thích, lập luận, thuyết minh nhiều. Vì thế, trong quá trình giảng dạy, người giảng viên không nên quá lạm dụng các công cụ, phương tiện hiện đại mà phải biết sử dụng chúng đúng lúc, đúng chỗ và dung lượng hợp lý. Nếu sử dụng chúng hợp lý thì sẽ làm tăng tính hấp dẫn cũng như chất lượng bài giảng, ngược lại, nếu sử dụng không hợp lý sẽ làm cho người học sao nhãng và không nắm được nội dung bài học.
Khi giảng mỗi nguyên lý, mỗi quy luật, mỗi phạm trù của triết học người giảng viên bao giờ cũng phải lấy những ví dụ hết sức cụ thể, phân tích những ví dụ ấy để người học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng. Các ví dụ phải được chuẩn bị trước, hết sức chu đáo. Bởi lẽ, nếu lấy ví dụ và giải thích ví dụ không rõ ràng, không thuyết phục hoặc lấy ví dụ một cách tùy tiện thì sẽ phản tác dụng, càng làm cho người học khó hiểu, chán học. Các ví dụ phải phù hợp với trình độ học vấn của người học, có nguồn gốc rõ ràng, mang tính phổ biến. Kinh nghiệm cho thấy, những ví dụ về đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rõ ràng, mang tính phổ biến nếu được người giảng viên cắt nghĩa dưới lát cắt triết học sẽ rất thú vị, bao giờ cũng có tính thuyết phục và lôi cuốn người nghe.
Cuối cùng, không khí của lớp học sẽ phấn chấn hơn nếu người giảng viên nói to, rõ, không nuốt hơi, không nói ngọng và đôi khi biết đưa vào những câu chuyện cười dí dỏm, hài ước đúng lúc, đúng chỗ, có văn hóa.
Để nói to, rõ, không nuốt hơi, không nói ngọng đòi hỏi người giảng viên phải rèn luyện dần dần và kiên quyết phải rèn luyện. Để có thể dí dỏm với một chút chuyện cười tế nhị, có văn hóa đòi hỏi người giảng viên phải có một chút năng khiếu bẩm sinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên băn khoăn khi mình không có chút năng khiếu bẩm sinh này bởi lẽ nó không đóng vai trò quyết định tính hấp dẫn, sự lôi cuốn và chất lượng của một bài giảng.
Thực tế cho thấy, có những giảng viên khi giảng chỉ muốn lôi cuốn lớp học bằng những câu chuyện cười, nhưng kết thúc bài giảng người học không biết học cái gì, không nắm được nội dung gì. Đó không phải là tính hấp dẫn, sự lôi cuốn người học một cách đích thực. Chất lượng của bài giảng thể hiện chủ yếu ở chỗ người học hiểu và tiếp thu được nội dung bài giảng, muốn học tiếp và không chán môn học. Tính hấp dẫn, lôi cuốn đối với người học suy cho cùng vẫn là kiến thức uyên thâm, sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp, lựa chọn những ví dụ cụ thể và cách trình bày khúc triết, cô đọng, thuyết phục của người giảng viên làm cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Đó mới là điều quan trọng mà mỗi người giảng viên nói chung, giảng viên giảng dạy triết học Mác – Lênin nói riêng chúng ta cần phải phấn đấu hướng tới.
Tóm lại, để áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng các bài giảng triết học Mác – Lênin trong chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính sao cho có hiệu quả là cả một quá trình. Quá trình này đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng hoàn thiện mình từ việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật những tri thức mới, những tri thức liên ngành… đến việc phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc lựa chọn các phương pháp giảng dạy thích hợp để khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập của người học.
Th.S Nguyễn Văn Hân
Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn (2007), Đổi mới việc dạy triết học trong nhà trường đại học ở nước ta hiện nay, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, tháng 11.
2. PGS.TS Vũ Trọng Dung (2007), Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy triết học ở Học viện chính trị khu vực I trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Triết học, số 4 (191), tháng 4.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
4. Đặng Thị Thúy Hoa (2016), Nâng cao hiệu quả giảng dạy triết học Mác – Lênin ở trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Tạp chí KHGD CSND, tháng 6.
5. PGS.TS Nguyễn Thái Sơn (2016), Đổi mới chất lượng dạy – học môn triết học theo hướng phát huy năng lực thực tiễn của người học, Kỷ yếu Hội thảo khoa học – trường Đại học Vinh.