Đôi nét về công tác cán bộ ở huyện Bàu Bàng và Bí thư cấp ủy cơ sở với công tác cán bộ trong tình hình mới hiện nay
Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, việc tuyển chọn cán bộ giỏi, bố trí đúng năng lực, sở trường sẽ quyết định sự thành công của sự nghiệp các mạng. Để làm tốt công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi bí thư cấp ủy cơ sở phải nghiên cứu sâu các nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Thông qua tìm hiểu về công tác cán bộ, những thuận lợi, khó khăn trong công tác cán bộ của bí thư cấp ủy cơ sở ở Bàu Bàng, trên cơ sở nghiên cứu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của bí thư cấp ủy cơ sở, bài viết mạnh dạn nêu ra một số tiêu chuẩn, kĩ năng mang tính gợi mở, tham khảo để giúp bí thư cấp ủy cơ sở thực hiện tốt công tác cán bộ trong tình hình mới hiện nay.
1. Đôi nét về công tác cán bộ, thuận lợi và khó khăn trong công tác cán bộ của bí thư cấp ủy cơ sở
Đảng ta xem công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Đảng đề ra và lãnh đạo công tác cán bộ bằng các quan điểm, chiến lược, đường lối, chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy định và phân cấp quản lý cán bộ. Để thực hiện tốt công tác cán bộ, Đảng tiến hành công tác cán bộ trong các tổ chức đảng, thông qua các cấp ủy đảng và các cơ quan tham mưu của cấp ủy đảng. Đảng lãnh đạo công tác cán bộ trong các cơ quan nhà nước, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy trách nhiệm của đảng đoàn, ban cán sự đảng và cấp ủy đảng. Đồng thời, Đảng tiến hành công tác kiểm tra, giám sát ở các cơ quan nhà nước, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện các quyết định, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ.
Trong hệ thống chính trị của Việt Nam, tổ chức cơ sở đảng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cơ sở để xây dựng toàn bộ hệ thống tổ chức của Đảng. Đồng thời, tổ chức cơ sở Đảng là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và kiểm nghiệm sự đúng đắn, cũng là nơi trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng, trong đó có khâu then chốt là công tác cán bộ. Trong đó, vai trò của cấp ủy mà đứng đầu là người bí thư là rất quan trọng trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng, bố trí, đánh giá để tìm ra được những cán bộ tốt cho Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị trí, vai trò của người cán bộ là hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người xem cán bộ là cái gốc của công việc và công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng. Đồng thời, xem đây là công việc quan trọng, xuyên suốt, lâu dài và không ngừng cải tiến để công tác cán bộ đạt hiệu quả tốt nhất.
Đối với huyện Bàu Bàng, kể từ khi được thành lập cho đến nay (2013 - 2019), theo báo cáo của huyện ủy Bàu Bàng: “Đảng bộ huyện được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2014, toàn Đảng bộ hiện có 23 chi, đảng bộ cơ sở (gồm 11 đảng bộ và 12 chi bộ cơ sở), 123 chi bộ trực thuộc cơ sở, với tổng số đảng viên 2.361 đồng chí (6/2919). Ban Chấp hành Đảng bộ huyện hiện có 38 đồng chí, nữ có 5 đồng chí, Ban Thường vụ có 11 đồng chí, nữ có 1 đồng chí”. Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, huyện Bàu Bàng đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Để có được sự thành công đó, Đảng bộ huyện đã xây dựng được nghị quyết đúng đắn, lãnh đạo hiệu quả để đem đến thành công, đóng góp vào thành quả đó có vai trò trực tiếp rất lớn của các chi, đảng bộ cơ sở mà đứng đầu là bí thư cấp ủy cơ sở. Như vậy, vai trò của cấp ủy cơ sở mà đứng đầu là người bí thư có vai trò rất quan trọng trong công tác cán bộ, phát hiện, tuyển chọn người tài để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa và đô thị hóa của huyện. Huyện Bàu Bàng với mục tiêu phát triển là thực hiện chính sách phát triển kinh tế với hướng phát triển công nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ làm khâu đột phá, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế công nghệ cao phát triển. Do đó, công tác cán bộ ở các tổ chức cơ sở đảng phải bám sát theo yêu cầu nhiệm vụ, phải tuyển chọn được những cán bộ tài năng, tâm huyết, có tầm nhìn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt để đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy Bàu Bàng, các cấp ủy, bí thư cấp ủy ở các tổ chức cơ sở Đảng đã quan tâm đến xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở. Trong báo cáo của Huyện ủy Bàu Bàng ghi rõ: “Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc triển khai kịp thời các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ...Huyện cũng chỉ đạo ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động về công tác cán bộ, đảng viên, gắn với công tác quy hoạch, đào tạo, điều động, luân chuyển, bố trí cán hộ sau đại hội các cấp và củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở hoạt động hiệu quả”. Là một huyện mới thành lập, công tác cán bộ của huyện nói chung, công tác cán bộ của bí thư cấp ủy cơ sở có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Về thuận lợi, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác cán bộ. Sự chủ động của Huyện ủy Bàu Bàng trong chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ, sự tích cực của các tổ chức cơ sở đảng trong bố trí, đào tạo và sử dụng cán bộ. Đội ngũ cấp ủy, bí thư cấp ủy cơ sở trẻ, giàu nhiệt huyết, tích cực và hiệu quả trong công việc. Do đó, sau khi thành lập huyện không lâu, bộ khung cán bộ trong hệ thống chính trị huyện cơ bản đầy đủ, đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ công tác. Về khó khăn, trong công tác cán bộ của huyện Bàu Bàng vẫn còn hạn chế, việc bố trí cán bộ chưa đúng chuyên môn, ngành nghề đào tạo, một số cán bộ chưa qua nhiều thử thách còn lúng túng trong giải quyết công việc, số ít cán bộ lớn tuổi chưa theo kịp với công nghệ hiện đại, việc sử dụng nhân tài gắn với chế độ đãi ngộ còn chưa tương xứng...Bên cạnh đó, vẫn còn những đảng viên thiếu tu dưỡng, vi phạm kỷ luật đảng, giảm sút ý chí chiến đấu, “Tính đến tháng 6 năm 2019 Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Đảng ủy cơ sở và chi bộ trực thuộc cơ sở thi hành kỷ luật 37 đảng viên”.
Riêng công tác cán bộ của bí thư cấp ủy cơ sở, bên cạnh nhiều thuận lợi nhưng không ít những khó khăn. Về thuận lợi, công tác cán bộ ở cơ sở là nội dung hết sức quan trọng được sự quan tâm của toàn Đảng và của cả hệ thống chính trị. Bí thư cấp ủy và cấp ủy cơ hiện nay đa số là những người được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, có kinh nghiệm trong công tác đánh giá, quy hoạch và sử dụng cán bộ. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày càng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, những nhân tố trên là điều kiện thuận lợi cho công tác cán bộ của người bí thư cấp ủy cơ sở. Về khó khăn, nói đến công tác cán bộ là nói đến con người, để nhìn nhận và đánh giá một con người tốt đòi hỏi cần có thời gian, để nhìn nhận và đánh giá một cán bộ tốt, phù hợp với công việc được giao càng khó khăn hơn. Đặc biệt, cán bộ phải đáp ứng được nhiệm vụ mang tính chiến lược, tầm nhìn lâu dài như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Trong khi đó, ở tổ chức cơ sở Đảng vẫn chưa có một quy trình khoa học, xuyên suốt để đánh giá mang tính lượng hóa cao đối với cán bộ cho thật sự hiệu quả, việc đánh giá, quy hoạch, bố trí cán bộ đôi khi vẫn mang nhiều yếu tố cảm tính. Bên cạnh đó, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều vấn đề tác động, chi phối đến tư tưởng, lợi ích cá nhân gây khó khăn không nhỏ cho công tác cán bộ. Do đó, để thực hiện tốt công tác cán bộ, cần phải đào tạo được những bí thư cấp ủy cơ sở có phẩm chất tốt và kĩ năng thực hiện hiệu quả công tác cán bộ, đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa ở huyện Bàu Bàng.
2. Những tố chất của bí thư cấp ủy cơ sở giỏi về công tác cán bộ
Bí thư cấp ủy là người được tổ chức đảng ở cơ sở bầu ra hoặc do cấp ủy cấp trên chỉ định. Bí thư cấp ủy cơ sở là người đứng đầu cấp ủy, là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng ở cơ sở, có vai trò quyết định đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Bí thư cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ, cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ địa phương, cơ quan, đơn vị. Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo và thực hiện tốt công tác cán bộ, bí thư cấp ủy cơ sở có nhiệm vụ rất to lớn và cần phải trau dồi thêm những tố chất đặc biệt để hoàn thành tốt công tác cán bộ. Bí thư phải nắm vững Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ cấp mình, nắm chắc tình hình đảng bộ, tổ chức đảng trực thuộc và nhân dân trên địa bàn và chịu trách nhiệm chủ yếu về các mặt công tác của đảng bộ. Bí thư cấp ủy trực tiếp chuẩn bị và chủ trì cuộc họp của ban chấp hành, ban thường vụ, hội nghị đảng viên của đảng bộ cơ sở, chỉ đạo việc chuẩn bị xây dựng nghị quyết của đảng bộ, của ban chấp hành, ban thường vụ và tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết. Bí thư cấp ủy thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động, giữ vai trò trung tâm đoàn kết, giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Bí thư cấp ủy cơ sở lãnh đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, của đảng bộ, của ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy, cùng tập thể cấp ủy, bí thư cấp ủy cơ sở lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đảng bộ. Bên cạnh đó, bí thư cấp ủy phải chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân ở cơ sở, theo dõi chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo công tác cán bộ theo thẩm quyền. Trong phương thức lãnh đạo của mình, bí thư phải đề ra chủ trương đúng đắn, kịp thời, xác định nội dung trọng tâm cần thiết để chỉ đạo, lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể nhân dân tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Người bí thư phải phát huy trí tuệ tập thể trong tổ chức, vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ ở tổ chức cơ sở Đảng. Để trở thành một người bí thư cấp ủy cơ sở giỏi về công tác cán bộ, ngoài những phẩm chất trên, bí thư cần phải học tập, hình thành và trau dồi thêm những tố chất sau:
Thứ nhất, bí thư phải là người có nhân cách trong sáng, không vì tham vọng quyền lực, danh lợi mà bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Người bí thư cần phải hiểu mối quan hệ lợi hại giữa danh tiếng và sinh mệnh chính trị, giữa sinh mệnh chính trị và tài sản, giữa thành công và trả giá, bất chấp thủ đoạn tìm kiếm danh lợi sẽ gặp những tổn thất. Danh lợi như món ăn ngon, ai cũng thích ăn nhưng không nên tham lam ăn quá nhiều, nếu không sẽ gieo rắc mầm bệnh cho mình. Khi quá coi trọng danh lợi, bất chấp thủ đoạn, chịu nhiều sự tác động xấu sẽ kéo theo những sai lầm trong công tác cán bộ. Người bí thư phải rèn luyện cho mình bản lĩnh lãnh đạo xứng đáng với câu “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang phú quý không làm tâm trí mê loạn, nghèo nàn không thay đổi nhân cách, không khuất phục trước vũ lực). Là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở, người bí thư phải là tấm gương tốt, tập hợp được lực lượng, khiêm tốn, nhã nhặn, mềm mỏng khi làm việc, ít bộc lộ mình, không khoe khoang, trọng cán bộ giỏi, trọng người tài có vậy mới có thể làm tốt công tác cán bộ. Người bí thư không vì tiền bạc, vì khó khăn, vì uy lực của người khác mà chấp nhận làm trái nguyên tắc, đổi trắng thay đen, nhắm mắt làm ngơ trong đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ dẫn đến những sai lầm, sai phạm trong công tác cán bộ.
Thứ hai, người bí thư vừa phải biết rõ cán bộ vừa phải biết rõ bản thân mình. Người bí thư chỉ khi thẳng thắn thừa nhận “tôi không bằng người khác”, mới có thể phát hiện ra những cán bộ tài năng, phát huy sở trường và hạn chế sở đoản của họ, mới có thể huy động được tính tích cực của cán bộ, bổ sung cho nhau, để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh. Nhược điểm mà bí thư hay mắc phải là với cương vị người lãnh đạo đứng đầu ở cơ sở, chỉ thích nghe những lời ca ngợi, lâu dần sẽ mất đi ý thức tự nhìn nhận bản thân, chỉ thích được người khác tán thưởng, không thích tán thưởng người khác, lúc nào cũng cảm thấy “người khác không bằng tôi”, chứ không thấy “tôi không bằng người khác”. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi khi một người tự cho mình là tài giỏi, thiếu sự khiêm tốn sẽ không thể phát hiện và phát huy được cái giỏi của người khác, từ đó sẽ không bồi dưỡng được những cán bộ tài giỏi để phục vụ cho địa phương. Thực tế đã chứng minh một chân lý, thứ khó nhận biết nhất chính là con người, thứ mà con người khó nhìn nhận rõ nhất, khó nói chính xác nhất chính là bản thân mình. “Người có thể hiểu người khác là thông minh, nhưng người có thể hiểu bản thân là người sáng suốt”. Một người lãnh đạo không nên cho rằng mình điều gì cũng biết, làm gì cũng được, người khác luôn kém hơn mình. Một lãnh đạo khi hội họp thì chiếm dụng toàn bộ thời gian, không cho người khác cơ hội phát biểu, khi làm việc thì luôn giành quyền tuyệt đối, việc gì cũng cho rằng ý kiến của mình là tối thượng, khi tổng kết công tác thì quy hết thành tích, công lao về mình và đẩy trách nhiệm cho người khác. Người lãnh đạo như thế, làm sao có thể giành được sự tín nhiệm và ủng hộ của mọi người. Người lãnh đạo cao nhất ở cơ sở không nhất thiết phải là người có năng lực chuyên môn tốt nhất, mà tài năng lớn nhất của họ là có thể đoàn kết mọi người lại với nhau, đồng tâm hiệp lực, vui vẻ cộng tác hiệu quả với nhau để đem đến thành công.
Thứ ba, bí thư cần duy trì thói quen giao thiệp rộng rãi với quần chúng nhân dân để có được những kênh thông tin bổ ích, đa chiều cho việc tuyển chọn, đánh giá và sử dụng cán bộ. Người bí thư nên cố gắng mở rộng giao lưu với các giới, tiếp xúc với các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là quần chúng nhân dân. Khi trao đổi, tiếp xúc với quần chúng nhân dân liên quan đến các vấn đề thiết thực của cuộc sống, an sinh xã hội, làm thế nào để có cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ giúp gợi mở nhiều ý tưởng hay trong công tác cán bộ. Đồng thời, qua nhiều ý kiến đánh giá, phản hồi của nhân dân sẽ giúp bí thư có cách nhìn toàn diện, sâu sắc hơn khi đánh giá một cán bộ, bởi xét cho cùng thì nhân dân là người cuối cùng được hưởng lợi khi cán bộ làm tốt công việc đem lại sự hài lòng cho họ nên những đánh giá của nhân dân đối với cán bộ rất có giá trị. Nếu bí thư chỉ giao thiệp với người giàu có, nổi tiếng, có chức vị, kết bè phái, bắt tay với kẻ cơ hội sẽ dẫn đến “mất cân bằng tâm lý”, đây là khởi nguồn cho những sai lầm trong trong công tác cán bộ.
Thứ tư, bí thư phải có đức tính rộng lượng, khoan dung đối với người khác, không nên nhắc đi nhắc lại sai lầm của cán bộ. Khoan dung, không phải là biểu hiện của sự mềm yếu mà là biểu trưng của sức mạnh và lòng tự tin. Khoan dung, không chỉ là sự độ lượng đón nhận người khác, mà quan trọng hơn đó là sự chiến thắng chính bản thân mình. Trước tiên, hãy khoan dung với những thứ không phải của mình, tôn trọng những tiếng nói khác nhau. Bạn không phải là tôi và tôi cũng không phải là bạn, bởi vậy suy nghĩ chúng ta có những khác nhau là điều dễ hiểu. Suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi, bài viết của bạn cũng được bạn sửa chữa nhiều lần, điều đó chứng tỏ trong bản thân mỗi con người chúng ta cũng tồn tại không ít mâu thuẫn, tại sao có thể đòi hỏi mọi việc của người khác phải giống với suy nghĩ của mình. Bởi vậy, trình độ của người bí thư không quyết định bởi việc loại trừ những thứ khác mình, xóa bỏ sự bất đồng mà quyết định bởi khả năng có thể tìm ra điểm tương đồng trong sự bất đồng. Trách nhiệm của bí thư là lắng nghe, điều hòa những ý kiến khác nhau và tìm kiếm sự đồng thuận. Chỉ khi làm tốt điều đó, bí thư mới có thể tìm kiếm ra được những cán bộ tài năng, bồi dưỡng, uốn nắn để giúp họ trở thành những người có ích cho tổ chức, cho xã hội. Bí thư không nên canh cánh mãi trong lòng sự oán hận đối với những người đã làm phương hại đến mình trong quá khứ mà âm ỉ suy nghĩ cách để “báo thù”, bởi khi có những suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến những sai lầm trong công tác cán bộ. Con người không phải là thần thánh, ai cũng có thể mắc sai lầm, người biết mắc sai lầm mà sửa chữa là điều đáng quý. Khi xem xét cán bộ, không nên nhìn nhận họ bằng quá khứ, mà nên đánh giá họ sau khi sửa chữa những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ. Đôi khi một người từng phạm lỗi phải chịu nhiều sự giáo huấn có khi sẽ chín chắn, đáng tin cậy hơn người chưa từng phạm lỗi. Bởi bất kỳ sự giáo dục từ bên ngoài nào cũng không thể sâu sắc, khó quên bằng những bài học rút ra từ sai lầm và vấp váp của chính bản thân. Cần phải phân tích kĩ sai lầm đó do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, bất cẩn trong công việc hay thuộc về bản chất để có sự nhìn nhận và đánh giá cán bộ phù hợp.
3. Một số kĩ năng trong công tác cán bộ của bí thư cấp ủy cơ sở
Công tác tổ chức, công tác cán bộ là công việc rất phức tạp, bởi liên quan đến con người. Công tác nhân sự, lựa chọn con người để thực hiện công việc, lựa chọn người thích hợp với công việc, chuyên môn, năng lực là việc làm hết sức khó khăn. Do đó, đòi hỏi người bí thư cấp ủy cơ sở phải trau dồi thường xuyên những kĩ năng cần thiết để làm tốt công tác cán bộ.
Thứ nhất, bí thư cấp ủy cơ sở phải giành ít nhất 1/3 thời gian làm việc của mình cho công tác nhân sự, để lựa chọn, đánh giá đúng người, đặt đúng việc sẽ giúp công việc thực hiện hiệu quả. Biết cách dùng người là việc lớn, thể hiện mưu trí chính trị và tài năng lãnh đạo của bí thư cấp ủy. Không nên quá chú trọng vào các công việc khác mà coi nhẹ công tác quản lý nhân sự, khi xử lý các công việc khác thì cặn kẽ, tỉ mỉ, nhưng quản lý nhân sự lại đại khái, qua loa thì đó là sự thiếu trách nhiệm lớn nhất của bí thư. Nếu bí thư đánh giá con người không chuẩn, dùng người không hợp lý, không phân biệt được cán bộ có tài hay bất tài, người tốt hay kẻ xấu sẽ ảnh hưởng không tốt đến tổ chức. Do vậy, bí thư phải phân phối thời gian làm việc thật hợp lý, nhất thiết phải giành 1/3 thời gian làm việc của mình để thực hiện tâm huyết trong công tác nhân sự, công tác cán bộ. Đặc biệt, bí thư phải giành thời gian nghiên cứu sâu nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác cán bộ, cập nhật các văn bản mới về công tác cán bộ, cụ thể hóa thành nghị quyết đảng ủy cơ sở để hướng dẫn thực hiện hiệu quả.
Thứ hai, đánh giá cán bộ là khâu khó nhất, bởi đó là đánh giá toàn diện một con người. Con người là động vật bậc cao phức tạp nhất, trong mỗi con người bề ngoài với nội tâm, hiện tượng với bản chất, phiếm diện với toàn diện, nhất thời và lâu dài luôn tồn tại sự khác biệt. Về trực giác, chúng ta thấy ngoại hình chứ không biết nội tâm, thấy hiện tượng chứ không thấy rõ bản chất, chỉ thấy nhất thời chứ không thấy rõ lâu dài. Con người còn là động vật bậc cao giỏi biến đổi, trong mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường, con người có thể làm biến đổi môi trường và môi trường cũng có thể làm biến đổi con người. Ham muốn và tham vọng, vòng quay sinh, lão, bệnh, tử sẽ thay đổi tư duy và trạng thái tâm lý của con người. Đặc biệt, đứng trước khó khăn, thử thách, thời khắc sinh tử rất nhiều người sẽ thay đổi tính cách, đổi tâm tính và phẩm chất. Do vậy, đánh giá cán bộ, đòi hỏi người bí thư phải kĩ lưỡng, cẩn trọng, khách quan, dựa trên các cơ sở khoa học, đánh giá qua công việc, qua ứng xử, tránh phiếm diện, phát huy sức mạnh tập thể trong cấp ủy, vai trò của nhân dân để đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của cán bộ. Khi đánh giá một cán bộ tốt hay kém, bí thư trước hết phải nhìn từ góc độ nhân phẩm của người cán bộ. Việc lựa chọn cán bộ của Đảng ta từ trước đến nay vẫn chọn những người có đức, có tài trong đó lấy đức làm trọng. Đức ở đây bao gồm phẩm chất đạo đức (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), thái độ chính trị, tư tưởng và tác phong làm việc. Thường thì bí thư hay xem xét cán bộ, yếu tố quan trọng vẫn là thái độ chính trị, như có chấp hành mệnh lệnh hay không, có đồng quan điểm với lãnh đạo hay không...Với quần chúng, thì thường đánh giá cán bộ lại chú trọng đến nhân phẩm đạo đức, thái độ cư xử với quần chúng nhân dân, xem cán bộ có lo nghĩ cho dân, làm việc tốt, việc thật cho dân hay không. Tại sao xem đánh giá nhân phẩm là khâu hết sức quan trọng trong công tác đánh giá cán bộ? Bởi vì, một cán bộ khi vốn tri thức còn hạn chế thì có thể học nâng cao, nhưng nhân phẩm đã định hình sẽ rất khó thay đổi. Nhân phẩm không tốt, lập trường chính trị, thái độ chính trị sẽ không kiên định, rất dễ thay đổi và không đáng tin cậy. Ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, thì nhân phẩm cán bộ phải tốt, đây là hai nhân tố quan trọng để có được người cán bộ tốt vì tổ chức, vì nhân dân phục vụ. Phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng được nhiều cán bộ tài năng sẽ giúp đơn vị, tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả trách nhiệm, đem lại sự hài lòng và sự tin tưởng của nhân dân. Trong sử dụng cán bộ, cần phát huy sở trường và chấp nhận sở đoản, đôi khi cần thiết người lãnh đạo phải biết chấp nhận nhược điểm, thiếu sót của cán bộ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội khắc phục và sửa sai. Giữa làm người, làm việc và làm cán bộ tồn tại mối quan hệ biện chứng, trong đó làm người là cái gốc. Chỉ khi học được cách làm người mới có thể làm việc tốt, làm cán bộ tốt. Đạo lý làm người chủ yếu thể hiện ở việc có thể giải quyết đúng đắn các mối quan hệ xã hội (cấp trên với cấp dưới, cùng cấp với nhau, giữa cha với con, giữa vợ với chồng, giữa đồng nghiệp, bạn bè...) xây dựng môi trường giao tiếp hài hòa giữa con người với con người. Vị trí xã hội của cán bộ, không chỉ gói gọn trong cơ quan mà cần gương mẫu làm tròn các nghĩa vụ đạo đức và trách nhiệm xã hội khác. Mọi cán bộ đều được nuôi dưỡng và trưởng thành từ quần chúng nhân dân, đích đến cuối cùng cũng là nhân dân, không biết hòa mình vào quần chúng đó là điều bất hạnh của cán bộ. Làm người quyết định làm cán bộ, nhân cách của mỗi người quyết định tính cách, phẩm chất của họ khi làm cán bộ. Người nhân phẩm không tốt không thể trở thành một cán bộ tốt, cho dù quyền cao, chức trọng đến đâu nhưng thiếu nhân cách cũng không thể tạo dựng niềm tin với mọi người.
Thứ ba, bồi dưỡng cán bộ cần phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, sử dụng cán bộ cần phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Bí thư là người lãnh đạo, nên cần phải anh minh, sáng suốt trong công việc, nhưng không nên quá rõ ràng, rạch ròi trong đánh giá người khác, làm việc luôn có được mất, nhưng làm người phải có sự kiểm chứng và chiêm nghiệm của thời gian. Muốn mọi người nói lời chân thực, trước tiên người bí thư phải là người muốn nghe lời chân thực và phản đối lời giả dối, đảm bảo bí mật thông tin, tạo điều kiện cho người khác cảm thấy an toàn khi nói lời chân thực. Bí thư cần gương mẫu, đi đầu trong nói lời chân thực, hướng mọi người nói lời chân thực, dùng sự chân thành, uy tín của mình để khơi dậy sự chân thực và tín nhiệm của mọi người. Cán bộ tài năng chỉ có thể được khẳng định, thừa nhận qua hoạt động thực tiễn, cho dù bạn có năng lực, đào tạo bài bản nhưng nếu không được cọ xát thực tế sẽ không bộc lộ được tài năng, không thể cống hiến và chẳng ai biết được mà thừa nhận. Chọn cán bộ tài năng là một việc làm mang tính chiến lược, người bí thư phải biết nhìn xa, trông rộng, biết chấp nhận, bỏ qua cái không chính yếu, không phân biệt đối xử, phải biết khuyến khích, sử dụng, biết phát huy năng lực sở trường của cán bộ tài năng, phải biết bảo vệ và giúp đỡ họ. Ông cha ta có câu “nhân vô thập toàn”, không ai chỉ có toàn ưu điểm và không có khuyết điểm, hạn chế. Con người ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, chỉ có điều là biết phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để con người ngày càng hoàn thiện chính mình. Bí thư phải là người tạo sự tin tưởng, động lực để cán bộ có gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm và sẳn sàng chịu trách nhiệm. Bí thư phải tạo điều kiện cho họ phát huy sáng tạo, không nên biến họ thành cái máy, chỉ biết ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, nhát gan dễ bảo. Cán bộ tài năng chỉ thực sự phát huy tối đa đối với công việc khi tạo cho họ môi trường tốt, dân chủ, tôn trọng, trọng dụng, sử dụng cán bộ hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ, đúng năng lực và sở trường.
Thứ tư, khi đánh giá, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ cần chú trọng đến tài năng và trí thông minh mang tính đặc thù riêng của cá nhân. Giao việc, theo dõi, giúp đỡ, uốn nắn là con đường giúp cán bộ trưởng thành tốt nhất. Đoàn kết là con đường thành công quan trọng nhất, biết cách tán thưởng là đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo. Lựa chọn cán bộ quan trọng nhất phải nắm vững hai đầu, đó là việc tuyển chọn hiền tài, kiểm soát và ngăn chặn những hành vi tiểu nhân. Không để những người thật thà, nói thật, làm thật chịu thiệt thòi, không để những người có tư duy sáng tạo, đổi mới trong công việc bị gạt ra rìa, không để những kẻ đầu cơ luồn lách, mua quan bán chức lộng hành. Đồng thời, đánh giá cán bộ cũng cần chú ý đến các loại thông minh mang tính chất đặc thù riêng của từng cá nhân. Theo nhà tâm lý học Howard Gardner, căn cứ vào nhiều tiêu chí khoa học khác nhau để đưa ra lý thuyết về các loại trí thông minh sau đây: Trí thông minh logic (Einstein...), trí thông minh ngôn ngữ (Victo Hugo, Nguyễn Du...), trí thông minh âm nhạc (Mozart, Beethoven...), trí thông minh vận động cơ thể (Ronaldo, Messi...), trí thông minh không gian (Họa sĩ, kiến rúc sư), trí thông minh tương tác(doanh nhân giỏi, cố vấn tâm lý...), trí thông minh nội tâm (tự hiểu thấu nội tâm mình định hướng cho việc làm và cuộc đời mình...). Nếu người bí thư nhìn nhận, đánh giá, phá hiện được đặc thù trí thông minh của từng cán bộ để có định hướng đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng phù hợp sẽ mang lại những hiệu quả hết sức tích cực.
Thứ năm, để đánh giá một cán bộ có thực sự đủ đức, đủ tài hay không nhất thiết phải cho họ trải qua những thử thách về nhân cách và công việc. Thông qua các vấn đề đạo đức trong cuộc sống, mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với cá nhân trong cuộc sống, thông qua việc phân công công việc và theo dõi giám sát sẽ giúp cán bộ có thêm thử thách, giúp người bí thư có cơ sở để nhìn nhận và đánh giá cán bộ một cách hiệu quả nhất. Những bài học mà ông cha ta để lại nhằm đánh giá quan lại, tuyển chọn người tài vẫn còn nguyên giá trị mang tính thời sự sâu sắc như: Phái đi xa để thử thách, bởi đi xa thì khó đôn đốc, để kiểm tra xem người đó có tự giác, tận tâm với công việc hay không; hoặc giữ lại gần và không thúc giục xem anh ta có tự giác hay không; hoặc giao cho anh ta nhiều công việc lớn có, nhỏ có, khó có, dễ có để kiểm chứng năng lực và thái độ thế nào; đột nhiên ra một vấn đề bao gồm những ý tưởng kỳ lạ để thử xem tri thức, trí tuệ và sự nhạy cảm của anh ta ra sao; giao công việc và hẹn thời gian xem có giữ chữ tín hay không...Thử thách người làm quan qua những hoàn cảnh như thế mới thấy việc tuyển chọn quan lại, nhân tài của người xưa thật kỹ càng, khoa học, chặt chẽ và thận trọng. Những bài học của tiền nhân vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, vẫn biết hiện nay chúng ta có hệ thống pháp luật, quy định, điều lệ của Đảng, quy định Những điều Đảng viên không được làm, nội quy cơ quan nhưng trên hết vẫn là ý thức của mỗi người cán bộ. Việc ý thức, giữ mình, vượt qua những cám dỗ của cuộc sống sẽ giúp người cán bộ bản lĩnh vững vàng hơn trong công việc, trong cuộc sống để phụng sự tốt hơn cho Đảng, cho chính phủ và xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân.
Thứ sáu, nếu là bí thư mới nhậm chức, cần phải xử sự khéo léo, thận trọng với “di sản” của lãnh đạo tiền nhiệm trong công tác cán bộ. Sự nghiệp của mỗi con người rất dài, chức vụ chỉ là tạm thời, việc thay đổi, luân chuyển là chuyện bình thường. Trong quá trình công tác, bí thư sẽ gặp phải nhiều vấn đề tế nhị, trong đó cần phải xử lý khéo léo mối quan hệ giữa lãnh đạo đương nhiệm với tiền nhiệm. Ba sai lầm lớn mà lãnh đạo đương nhiệm thường mắc phải trong xử sự với “di sản” của lãnh đạo tiền nhiệm: Một là, vội vàng phủ định tất cả “di sản” của lãnh đạo tiền nhiệm trong công tác cán bộ. Hai là, vội vàng công bố bộ máy mới, mục tiêu mới, khẩu hiệu mới, chính sách mới. Ba là, tiến hành cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, hoặc sử dụng biện pháp “rung cây dọa khỉ”. Chỉ trích người khác không tốt thì dễ, nhưng muốn chứng minh bản thân mình tốt thì không dễ dàng chút nào. Bí thư mới nhậm chức, không nên hành động quá vội vàng, thời kỳ đầu nhậm chức, điều quan trọng là thu phục nhân tâm, ổn định tổ chức, đoàn kết càng nhiều càng tốt, không nên hấp tấp thay đổi, điều chỉnh bộ máy tổ chức khiến cán bộ cấp dưới hoang mang, lo lắng. Người lãnh đạo mới phải biết cách biến những cán bộ cốt cán được lãnh đạo tiền nhiệm tin cậy trở thành lực lượng tin cậy của mình, thu phục được những cán bộ còn hoài nghi, biến họ trở thành lực lượng ủng hộ, chính là người lãnh đạo sáng suốt. Đồng thời, bí thư biết cách cổ vũ, khuyến khích cán bộ giải phóng tư tưởng, chấn hưng tinh thần, mạnh dạn thử nghiệm, mạnh dạn đối diện với thử thách và đổi mới sáng tạo.
Kết luận
Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[5]. Do đó, việc tuyển chọn cán bộ cơ sở giỏi, bố trí đúng năng lực, sở trường sẽ quyết định sự thành công của sự nghiệp các mạng. Để làm tốt công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi bí thư cấp ủy cơ sở phải nghiên cứu sâu các nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Bí thư cùng với cấp ủy cơ sở phải vận dụng linh hoạt các bước trong công tác cán bộ về: Tiêu chuẩn cán bộ; Quy hoạch cán bộ; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Xây dựng, thực hiện quy chế công tác cán bộ (Đáng giá; tuyển chọn; bầu cử; bổ nhiệm - miễn nhiệm; luân chuyển; chế độ học tập; nhân dân giám sát cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ và phân công, phân cấp quản lý cán bộ); Đổi mới, củng cố tổ chức làm công tác cán bộ ngày càng hiệu quả đi vào thực chất, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ mang tính lượng hóa, khoa học. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ có tài năng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ quan, đơn vị mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước, nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc dùng nhân tài không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe...Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Quan điểm về sử dụng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ ràng, đánh giá đúng năng lực cán bộ và đặt đúng việc, vừa sức với khả năng của họ để giúp cán bộ phát huy hết khả năng của mình. Người khẳng định, phải phát huy sức mạnh toàn dân để phát hiện, giới thiệu người tài, cán bộ giỏi cho Đảng, chính phủ, các đoàn thể và chính quyền địa phương. Để tìm ra cán bộ giỏi, đủ đức, đủ tài, vai trò của cấp ủy cơ sở mà đứng đầu là người bí thư cần phải có những cân nhắc, đánh giá đúng cán bộ, khéo léo sử dụng cán bộ, phải trọng dụng cán bộ, tạo điều kiện bố trí công việc, vị trí công tác hợp lý với khả năng trí tuệ, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng và tôn vinh khi có thành tích. Thực tế đã chứng minh, nếu thật sự không có môi trường, điều kiện thuận lợi, không tôn trọng, sử dụng cán bộ tài năng một cách hợp lý, thì tài năng chẳng những không phát triển, không cống hiến được, mà còn có thể bị thui chột, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”, “di chuyển chất xám”, “lãng phí chất xám” nhất là trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thiết nghĩ, với sự quan tâm của Tỉnh ủy Bình Dương trong công tác cán bộ, sự năng động trong chỉ đạo, lãnh đạo của Huyện ủy Bàu Bàng trong công tác cán bộ sẽ giúp các tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy và người bí thư cấp ủy tổ chức cơ sở Đảng phát huy hết tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác cán bộ. Qua đó, tuyển chọn, phát hiện, bố trí sử dụng được nhiều người tài, nhằm phục vụ cho việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, giúp huyện Bàu Bàng phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tổ chức Trung ương, Vụ Tổ chức cơ sở Đảng (2010), Về công tác chi bộ ở xã, phường, thị trấn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu bồi dưỡng Bí thư chi bộ và cấp ủy viên ở cơ sở, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2009), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Trung cấp chính trị - hành chính, Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở, NXB Chính trị - Hành chính – Hà Nội.
6. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2017), Tư tưởng Hồ Chí Minh – NXB Chính trị - Hành chính – Hà Nội.
7. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 4, 5, 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Mai Yến Nga – Nguyễn Thị Tiếp (2017), Cẩm nang về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật -, Hà Nội.
10. Nhiệm Ngạn Thân (2016), Phát hiện và sử dụng nhân tài, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
11. Cao Văn Thống – Đỗ Xuân Tuất (2015), Chiến lược phát triển nhân tài của Việt Nam hiện nay, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội.
12. Tỉnh ủy Bình Dương (2018), Các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ ở cơ sở, VPTU Bình Dương.
13. Nguyễn Minh Tuấn (2017), Đổi mới việc đánh giá, sử dụng cán bộ, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội.
TS. Đinh Đức Duy - Phó Trưởng Khoa Nhà nước Pháp luật