Đôi nét về văn hóa trọng dụng nhân tài của Việt Nam và sự cần thiết tiếp tục đẩy mạnh chính sách trọng dụng nhân tài ở tỉnh Bình Dương hiện nay
Nhân tài là nguyên khí quốc gia, có những đóng góp vô cùng to lớn, tài đức và trí tuệ của họ thật sự là tài sản quý giá của dân tộc. Lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã sản sinh ra nhiều nhân tài, đóng góp những giá trị to lớn cho sự phát triển của đất nước. Hiện nay, trong xu thế hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nhân tài có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của tiến trình phát triển. Phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, tỉnh Bình Dương đã xây dựng văn hóa trọng dụng nhân tài trở thành một “thương hiệu” và hy vọng chính sách trọng dụng nhân tài sẽ tiếp tục có những bước đột phá trong tương lai, góp phần quan trọng giúp Bình Dương phát triển bền vững, hiện đại và văn minh.
1. Nhân tài và văn hóa trọng dụng nhân tài trong lịch sử Việt Nam
Trước hết để hiểu nhân tài là người thế nào, chúng ta đi vào tìm hiểu một số quan điểm về nhân tài của các học giả chuyên nghiên cứu về vấn đề này. Theo từ điển Tiếng Việt: “Nhân tài là người có tài năng xuất sắc. Đào tạo nhân tài. Phát hiện nhân tài”.
Trong khi đó, giáo sư Dave Ulrich Đại học Michigan (Hoa Kỳ), người am hiểu sâu sắc về nhân sự đã nhấn mạnh: “Nhân tài phải là những người có khả năng làm tốt những công việc của ngày hôm nay và đặc biệt là của tương lai. Sẽ hết sức sai lầm nếu chỉ so sánh thành tích của quá khứ để xác định ai là nhân tài, mà phải nhìn về phía trước xem ở tương lai tổ chức mình sẽ cần những con người như thế nào”.
Hai tác giả Cao Văn Thống – Đỗ Xuân Tuất trong cuốn Chiến lược phát triển nhân tài của Việt Nam hiện nay thì khẳng định: “Nhân tài trước hết là người có nhân cách đẹp, minh triết, giàu tính nhân văn, thông minh, trí tuệ phát triển, có một số phẩm chất nổi bật mà ít người có được, đồng thời phải là người giàu tính sáng tạo, có những tư duy hết sức độc đáo, sắc sảo, quyết đoán mà người bình thường không có được”.
Trong cuốn Phát hiện và sử dụng nhân tài, tác giả Nhiệm Ngạn Thân cho rằng, một cán bộ được gọi là nhân tài phải: “Vừa có đức vừa có tài, chữ đức đặt lên hàng đầu, coi trọng thành tích thực tế, được quần chúng công nhận, xem xét trình độ chính trị trên cơ sở coi trọng vấn đề nhân cách, tính đến công luận trên cơ sở coi trọng thành tích thực tế, tính đến vấn đề học vị trên cơ sở coi trọng năng lực lãnh đạo”.
Như vậy, có thể khẳng định, nhân tài là người có những tố chất đặc biệt về trí tuệ, kĩ năng, kĩ xảo xử lý công việc, đem lợi nhiều lợi ích trong lĩnh vực mà họ phụ trách cho tổ chức, quê hương và đất nước. Họ có sự nhạy bén về trí tuệ, tư duy sâu sắc về vấn đề cần quan tâm, có những ý tưởng sáng tạo, không bằng lòng với kết quả thực tại và luôn tìm tòi cái mới. Người tài thường rất say mê với công việc, luôn chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất của công việc và có những giải pháp đặc biệt để hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất. Do là người có những khả năng đặc biệt, nên việc sử dụng nhân tài cũng phải có nghệ thuật đặc biệt, cần được quy chiếu thành văn hóa sử dụng nhân tài để giúp người tài phát huy hết khả năng, tạo ra nhiều giá trị to lớn cho tổ chức và đất nước. Theo định nghĩa, văn hóa chính là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần của con người trong lịch sử. Do đó, văn hóa sử dụng nhân tài chính là kết tinh tất cả những giá trị sử dụng nhân tài của ông cha, của thế giới trong lịch sử, trên cơ sở kết hợp những nghiên cứu của các học giả để vận dụng vào thực tiễn sôi động nhằm đạt được hiệu quả cao trong sử dụng nhân tài.
Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, được định hình trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước khi phải chống lại các thế lực phong kiến phương Bắc mạnh hơn nhiều lần. Trong đó, văn hóa trọng dụng nhân tài trở thành một nét đặc trưng tiêu biểu để xây dựng một quốc gia hùng mạnh, nhỏ nhưng không yếu, yêu chuộng hòa bình nhưng không bao giờ khuất phục trước bất kỳ thế lực xâm lược hùng mạnh nào. Lịch sử đã chứng minh, khi các vị thủ lĩnh, vị vua anh minh tập hợp được nhiều người tài phò trợ, được sự ủng hộ của nhân dân thì đất nước luôn vững mạnh, bình yên và sẳn sàng đánh bại các thế lực xâm lược. Những thành tích của Việt Nam để bảo vệ độc lập dân tộc trong lịch sử, như thắng lợi của nhà Ngô trước quân Nam Hán, nhà Lý trước quân Tống, nhà Trần trước quân Mông Nguyên, nhà Tây Sơn trước quân Thanh...đã chứng minh giá trị chân lý của việc sử dụng nhân tài hiệu quả, tất yếu sẽ đem đến những thành công. Có thể khẳng định, ở bất cứ triều đại nào, đất nước cũng có những nhân tài kiệt xuất và xung quanh họ cũng tập hợp những người tài năng không kém. Những tấm gương sáng với tài năng của Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung...vẫn mãi lưu danh sử sách để các thế hệ hậu bối học hỏi, noi theo. Ở tấm bia đầu tiên trong 82 bia trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tiến sĩ Thân Nhân Trung thời Hậu Lê đã ghi rõ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc thánh đế, minh vương không đời nào không coi trọng giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp đầu tiên”. Điều đó chứng minh rằng, văn hóa coi trọng hiền tài của ông cha ta đã được nâng tầm thành chân lý trong phát triển đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã tập hợp sức mạnh đoàn kết của dân tộc, quy tụ nhiều người tài dưới lá cờ của Đảng. Từ đó, đem lại thành công cho dân tộc Việt Nam trong cách mạng Tháng 8/1945, trong kháng chiến chống Pháp (1954) và chống Mỹ (1975). Có thể khẳng định, với tài trí hơn người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được xung quanh mình những nhân tài kiệt xuất (Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...) để đem đến thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm rất khách quan, đặt đúng người, đúng việc trong dùng người tài: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có tư duy viễn minh trong việc dùng nhân tài, luôn mở rộng cửa để đón nhận những người tài đức, mở rộng phạm vi tìm kiến người tài. Sau cách mạng Tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đến đồng bào cả nước, mong muốn giới thiệu cho Chính phủ những người tài để xây dựng đất nước, trong đó khẳng định: “Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Sau cách mạng Tháng 8/1945, để sẳn sàng đón những người ngoài Đảng, cống hiến công sức, trí tuệ cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”.
Với tinh thần cầu thị, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều bậc hiền tài không phải là đảng viên cộng sản đã tình nguyện ra phục vụ đất nước (Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe...) và cống hiến nhiều công sức, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Không chỉ tìm kiếm nhân tài trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ trương tìm kiếm những người Việt Nam tài năng đang làm việc ở nước ngoài để mời về nước phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong đó, những tấm gương sáng của tinh thần yêu nước, sẳn sàng trở về phục vụ quê hương của kĩ sư Trần Đại Nghĩa, kĩ sư Lương Định Của...là minh chứng sống động cho sự đúng đắn trong chiêu hiền, đãi sĩ, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ phải tránh xa bệnh ích kỷ, bệnh kéo bè kéo cánh, những bệnh này rất nguy hiểm vì sẽ dẫn đến không phát hiện và sử dụng được nhân tài. Ngoài việc phát hiện nhân tài, bố trí công việc phù hợp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đến công việc huấn luyện cán bộ, nhân tài: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.
Các bậc tiền nhân trong lịch sử đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá về văn hóa phát hiện, sử dụng nhân tài, đem đến nhiều thành quả cho dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, mang tính thời sự sâu sắc, đáng để cho chúng ta suy ngẫm, học học và tiếp tục phát triển giá trị. Hiện nay, trách nhiệm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nhân tài không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ, những người có trách nhiệm mà cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trong đó, việc phát hiện nhân tài, sử dụng hợp lý ở các tỉnh, thành không chỉ giúp địa phương hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp đất nước phát triển bền vững, ổn định và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.
2. Tiếp tục phát huy chính sách trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển của Bình Dương hiện nay
Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong lịch sử phát triển, Bình Dương là nơi hội tụ của cư dân bốn phương và nơi giao thoa của các giá trị văn hóa. Trong lao động, đấu tranh với thiên nhiên đã hun đúc ở con người Bình Dương tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo, tinh thần yêu nước và yêu quê hương sâu sắc. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bình Dương, nhân dân Bình Dương đã thể hiện tinh thần anh hùng cách mạng, giành nhiều thắng lợi, giải phóng quê hương và góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ Bình Dương từ khi ra đời và lớn mạnh trong phong trào cách mạng, dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng vẫn giữ được sự tin yêu của nhân dân và lãnh đạo nhân dân đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Không chỉ lãnh đạo nhân dân trong đấu tranh giành chính quyền, chống ngoại xâm mà trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ Bình Dương đã lãnh đạo nhân dân giành những thắng lợi lớn, thể hiện tinh thần giám nghĩ, biết làm mang tính đột phá mạnh mẽ và đem đến thành công của sự phát triển.
Trong vòng 22 năm từ khi tái lập tỉnh (1997 - 2019), Bình Dương có sự “lột xác”, thay đổi nhanh chóng, trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp được xây dựng, quá trình đô thị hóa diễn ra hết sức mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh sang công nghiệp và dịch vụ. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Dương 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, đạt tốc độ tăng trưởng cao, trên 13 %/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, đó là tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (Năm 2018: công nghiệp 63,87%, dịch vụ 23,94%, nông nghiệp 3,08%). Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng gấp nhiều lần so với lúc mới tái lập Tỉnh. Trong năm 2018 tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) tăng 9,01%, GRDP bình quân đầu người 130,8 triệu đồng, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 9,79%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,6%, dịch vụ có chuyển biến mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,6% so với năm 2017, thu ngân sách năm 2018 đạt 50.000 tỷ đồng”. Bộ mặt tỉnh Bình Dương thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Để có được những thành tựu to lớn trên, ngoài những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ, Chính quyền về định hướng chiến lược phát triển của Bình Dương thì việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trở thành một nét văn hóa đẹp trong sinh hoạt của hệ thống chính trị ở Bình Dương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương luôn đánh giá khách quan những mặt thuận lợi, khó khăn của Tỉnh để đưa ra chính sách phù hợp. Trong đó, xem nhân tố thu hút nhân lực chất lượng cao, trong dụng nhân tài là then chốt bên cạnh yếu tố thiên thời và địa lợi. Với chủ trương “trải thảm đỏ đón nhân tài”, Bình Dương đã thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao đến làm việc, sinh sống và cống hiến cho Bình Dương. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ Bình Dương đã khẳng định quyết tâm: “Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn nhân lực để tăng đầu tư nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nhiều nhân lực chất lượng cao đã thật sự yêu mến, xem Bình Dương là quê hương thứ hai bởi chủ trương đúng đắn, cộng với phong cách ứng xử hiếu khách, chân thành, luôn mong muốn hợp tác lâu dài, trọng chữ tín và thực chất hành động của con người Bình Dương. Theo văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X: “Tỉnh đã thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh làm việc; kết quả đã thu hút được 398 người có trình độ sau đại học gồm 03 phó giáo sư - tiến sĩ; 45 tiến sĩ và 350 thạc sĩ. Việc thu hút cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề được các doanh nghiệp thực hiện với nhiều giải pháp, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất, kinh doanh”. Bên cạnh chú trọng xây dựng văn hóa trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao, Tỉnh ủy, chính quyền Bình Dương đặc biệt quan tâm đến đào tạo cán bộ trẻ tài năng nhằm chuẩn bị cho sự kế cận. Trong thời gian qua, Bình Dương đã mở 03 lớp đào tạo được 263 cán bộ chủ chốt cấp ủy xã, phường, thị trấn và giao cho Trường Chính trị Bình Dương phụ trách quản lý, giảng dạy.
Có thể khẳng định, Bình Dương đã xây dựng được cho mình “thương hiệu” trong thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao, phát hiện, đào tạo nhiều cán bộ trẻ có tài, có đức và đem đến những thành công to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao, sự cạnh tranh quyết liệt trong kinh doanh khi đất nước hội nhập quốc tế ngày ngày sâu rộng, đòi hỏi tỉnh Bình Dương cần tiếp tục có những sáng tạo trong văn hóa sử dụng người tài. Điều băn khoăn, trăn trở, làm sao văn hóa trọng dụng nhân tài phải đi vào thực chất, hiệu quả, trở thành xung lực giúp Bình Dương cất cánh phát triển triển mạnh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh về mọi mặt là bài toán không dễ. Nhằm góp phần giải quyết khó khăn, cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sử dụng nhân tài: “Nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong sử dụng người tài đòi hỏi phải làm tốt từ khâu lựa chọn, bố trí công việc đến phương pháp, kĩ năng sử dụng nhân tài cho thật sự hiệu quả.
Để đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện mục tiêu xây dựng thành công “thành phố thông minh”, đưa Bình Dương trở thành nơi thật sự đáng sống của người dân, thì việc tiếp tục phát triển chính sách sử dụng nhân tài là một nhân tố không thể thiếu. Xây dựng văn hóa trọng dụng nhân tài là một chiến lược, không chỉ trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền, lãnh đạo các tổ chức mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn Tỉnh. Phải có giải pháp để văn hóa trọng dụng người tài tiếp tục phát triển, trở thành một phần tất yếu trong sinh hoạt của hệ thống chính trị ở Bình Dương. Bên cạnh đó, Bình Dương cần xây dựng chiến lược phát triển nhân tài đáp ứng những yêu cầu mang tính đặc thù riêng của Bình Dương để có chính sách phân phối và sử dụng nhân tài phù hợp.
Thứ nhất, để sử dụng hiệu quả nhân tài, cần có chiến lược phát triển nhân tài trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhân tài. Cần phải có những người lãnh đạo, quản lý tài năng mới có thể quản lý nhân tài hiệu quả, tạo ra được môi trường làm việc phù hợp, giúp nhân tài phát huy hết năng lực, sở trường và “công suất” làm việc. Các nhà lãnh đạo, quản lý phải thực sự tôn trọng, trọng dụng nhân tài và cán bộ tài năng. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn đặt quyền lợi của nhân dân, đất nước lên hàng đầu, trong đó xem “hiền tài là nguyên khí quốc gia” như một nhiệm vụ, trách nhiệm của người lãnh đạo đối với Đảng, đối với dân tộc. Bởi vì, tôn trọng nhân tài cũng chính là tôn trọng trí thức, hướng đến sự phát triển của đất nước. Ông cha ta thường nói “nhân vô thập toàn” nên cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải hiểu rằng: “Bồi dưỡng nhân tài cần phát huy điểm mạnh, bổ sung điểm yếu; Sử dụng nhân tài cần phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm; Bảo vệ nhân tài cần phát huy sở trường, chấp nhận sở đoản”.
Thứ hai, cần phải có cơ chế khuyến khích đa dạng hóa nhiều hình thức trong phát hiện nhân tài, đi đôi với theo dõi đào tạo, bồi dưỡng. Có thể thông qua các cuộc thi trí tuệ, tài năng, tay nghề, thông qua sự tiến cử của những người có uy tín, thông qua các cơ quan, đoàn thể, các hội để giới thiệu người tài. Đặc biệt, cần phải phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng, vai trò của quần chúng nhân dân trong việc phát hiện, giới thiệu những người thực sự có đức, có tài cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong Tỉnh. Cần phải chú ý đến việc phát hiện nhân tài ở những “độ chín” khác nhau để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và bố trí phù hợp.
Thứ ba, để thực hiện tốt khâu tuyển chọn, thu hút nhân tài, Bình Dương cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức tuyển chọn, chế độ đãi ngộ vừa mang tính chặt chẽ vừa mang tính mở để có thể không bỏ sót bất kỳ nhân tài nào. Trong việc thu hút nhân tài, lương thưởng, chế độ đãi ngộ rất quan trọng, nhưng không phải là nhân tố quyết định tất cả mà môi trường, bầu không khí làm việc, kĩ năng quản lý tốt, giúp người tài cảm thấy hạnh phúc để sáng tạo và cống hiến mới chính là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, sự ghi nhận công lao, tôn vinh kịp thời khi đạt thành tích xuất sắc sẽ là động lực để giúp người tài tích cực phấn đấu. Để làm được điều đó, bên cạnh những quy chế, quy định đúng đắn, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong tỉnh Bình Dương để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này.
Thứ tư, cần có chủ trương, chính sách hợp lý trong công tác đào tạo và bồi dưỡng người tài ở nhiều cấp độ, trong nhiều lĩnh vực với mục tiêu, nội dung và phương pháp phù hợp. Tỉnh cần chủ động hơn nữa trong liên kết với các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế để tập trung đào tạo nhân tài ở các ngành mũi nhọn phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Bình Dương. Cần xây dựng, triển khai hiệu quả quỹ phát triển nhân tài, đồng thời xây dựng, phát triển một số ngành công nghệ cao mũi nhọn, có cơ sở vật chất hiện đại để nhân tài có điều kiện thực nghiệm và nâng cao trình độ. Ngoài ra, Bình Dương cần có cơ chế vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt để khuyến khích, đãi ngộ việc nghiên cứu khoa học, không chỉ bó hẹp trong đội ngũ nghiên cứu khoa học mà mở rộng trong toàn dân để không bỏ sót người tài. Bên cạnh đó, cần thường xuyên bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn sử dụng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, đáp ứng nhiệm vụ chiến lược phát triển tổng thể của Bình Dương. Trong đó: “Muốn bồi dưỡng nhân tài hợp lý, có hiệu quả, phải có chính sách trong việc mạnh dạn cất nhấc, giao cho nhân tài những công việc phức tạp, khó khăn ở từng cấp, mức độ, lĩnh vực khác nhau (nhất là nhân tài trong các cơ quan Đảng, Nhà nước). Muốn vậy, phải có chính sách cán bộ hợp lý, vừa mở, vừa động trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động để nhân tài có cơ hội, điều kiện phát triển tài năng, sáng tạo của mình, phấn đấu vươn lên trong những hoàn cảnh, điều kiện, môi trường thử thách khác nhau”.
3. Kết luận
Trong bất kỳ quốc gia nào, địa phương nào cũng đều có những nhân tài trên các lĩnh vực nhất định của đời sống. Vai trò của nhân tài đối với xã hội là rất lớn, giá trị mà nhân tài đem lại cho xã hội là rất cao, do vậy sử dụng lãng phí nhân tài là lãng phí tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Bình Dương là tỉnh công nghiệp, kinh tế phát triển mạnh, với 29 khu công nghiệp, nhiều công ty, xí nghiệp lớn thu hút lực lượng lao động có hàm lượng chất xám cao. Bình Dương còn là một trong 10 tỉnh đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, tổng thu nhập bình quân đầu người thuộc tốp cao trong 63 tỉnh, thành. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, một số chỉ tiêu kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Bình Dương đã vượt mức đề ra. Đây là thành quả to lớn, có sự đóng góp không nhỏ của chính sách sử dụng nhân tài hợp lý, đem đến những thành công lớn cho Bình Dương. Mặt khác, sự thành công của Bình Dương đã mở ra cơ hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút người tài đến làm việc, sinh sống và cống hiến trí tuệ cho vùng đất nhiều hứa hẹn này.
Tinh chắc rằng, với tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo để phát triển, Đảng bộ, chính quyền Bình Dương sẽ có những bước phát triển trong văn hóa sử dụng nhân tài với giải pháp đột phá trong chính sách phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài hợp lý. Qua đó, giúp Bình Dương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bình Dương lần thứ X đã đặt ra. Tiếp tục đưa Bình Dương phát triển nhanh về kinh tế, văn minh, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, phát triển y tế, giáo dục, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và đưa Bình Dương trở thành một địa danh thật sự đáng sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TS. Đinh Đức Duy - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng