Du lịch sinh thái tỉnh Bình Dương trong liên kết vùng Đông Nam bộ hiện nay
Phát triển “kinh tế xanh” là một trong những mục tiêu của chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Chính vì thế, ngày 15/8/2011, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2303/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đặt ra mục tiêu: Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh;… Khai thác hiệu quả lợi thế vị trí địa lý và tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang đặc trưng văn hóa địa phương.
Ngày 18/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Quy hoạch bao gồm 8 tỉnh, thành là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang. Quan điểm của Quy hoạch là phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và vị thế của Vùng với đầu tàu là thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, tạo sức lan tỏa và góp phần thúc đẩy thị trường văn hóa, hoạt động thể dục thể thao của cả nước và các địa phương phát triển. Đồng thời, tăng cường liên kết nội Vùng trên cơ sở phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, chú trọng hợp tác với các nước ASEAN để đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Vùng bền vững. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, trong đó ưu tiên các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hài hòa với các mục tiêu kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bình Dương là một tỉnh công nghiệp, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cho đến nay, sau hơn 20 năm tái lập, Bình Dương đã là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (trong đó 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động), diện tích 12.743 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 83,3% và 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 790 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,4%. Nhờ hạ tầng đảm bảo, trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã thu hút đầu tư rất hiệu quả. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 146,9 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 66,8% – 22,4% – 2,6% – 8,2%.
Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế, Bình Dương cũng là địa phương có tiềm năng du lịch tương đối đa dạng với hệ thống vườn cây ăn trái Lái Thiêu đã có thương hiệu trên thị trường hàng trăm năm qua, có các con sông Đồng Nai, Sài Gòn chảy qua với những cù lao nổi trên sông… Ngoài ra, Bình Dương còn có những làng nghề đã nổi tiếng ở vùng Đông Nam bộ và cả nước, những di tích lịch sử – văn hóa độc đáo… Đây là điều kiện thích hợp, thuận lợi để hình thành các loại hình sản phẩm du lịch dịch vụ hướng đến khai thác thị trường du lịch đầy tiềm năng, nhất là du lịch sinh thái và sông nước.
Có thể thấy, trong không gian du lịch Việt Nam hiện nay, Bình Dương nằm trong tiểu vùng du lịch Đông Nam bộ. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi nên Bình Dương có khả năng kết nối với nhiều trung tâm du lịch quan trọng như thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai hoặc các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hay thậm chí các địa phương khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ…
Bình Dương nằm trong lưu vực của 3 con sông lớn ở khu vực Đông Nam bộ là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, trong đó, sông Sài Gòn là ranh giới tự nhiên giữa Bình Dương và Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực ven sông có những cảnh quan rất đẹp, đất đai bằng phẳng, mặt nước rộng lớn cùng những khu vườn xanh tươi… Đây chính là điều kiện lý tưởng để Bình Dương phát triển các khu nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, những khu du lịch sinh thái vườn và các tour du lịch sông nước. Sông Đồng Nai đoạn chảy qua tỉnh Bình Dương cũng là một tuyến sông lớn, ven bờ tạo thành những cù lao như cù lao Bạch Đằng, cù lao Rùa, các bãi bồi ven sông… do đó có khả năng khai thác phát triển các tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch sông nước. Riêng sông Bé với cảnh quan sông nước, rừng núi và khí hậu trong lành có khả năng phát triển các khu nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần và các tour du lịch mạo hiểm trên sông…
Ngoài các hệ thống sông lớn trên địa bàn, tỉnh Bình Dương còn có một số hồ nước lớn như hồ Dầu Tiếng, Cần Nôm, Đá Bàn, Bình An… có khả năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp.
Hiện nay, hệ thống các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh chỉ bao gồm các loại hình chính là các đơn vị kinh doanh lữ hành có quy mô hoạt động vừa và nhỏ, doanh thu thấp, chủ yếu là các tour du lịch phục vụ dân cư nội tỉnh, do đó hiệu quả kinh doanh chưa cao. Các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, chủ yếu ở khu vực thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí quy mô nhỏ, tập trung ở các khu vực đô thị hóa mạnh (hiện nay tỉnh chỉ có một cơ sở kinh doanh dịch vụ với quy mô lớn là Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến). Các cơ sở kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng (chủ yếu dưới hình thức đầu tư các khu nghỉ dưỡng mô hình nhỏ) trong đó có một số khu đã thu hút khá đông khách như Khu nghỉ dưỡng Phương Nam, Làng du lịch Sài Gòn, Khu du lịch Xanh Dìn Ký, Khu nghỉ dưỡng Mắt Xanh và một số khu du lịch khác đang trong quá trình đầu tư như Khu du lịch Hàn Tam Đẳng, Khu nghỉ dưỡng Phước Lộc Thọ…
Thời gian gần đây, du lịch vui chơi giải trí ở Bình Dương tập trung vào các khu công viên vui chơi giải trí theo mô hình công viên chuyên đề (Theme Park) trong đó khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến được đánh giá là một khu công viên chuyên đề lớn nhất Việt Nam. Riêng du lịch sinh thái của tỉnh hiện nay chủ yếu được tổ chức theo các hình thức chính là du lịch sinh thái vườn (được phát triển từ thương hiệu vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng); du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ (phát triển theo mô hình các điểm du lịch nhỏ, chủ yếu khai thác khách du lịch cuối tuần với các dịch vụ chính như bơi lội, ẩm thực, các trò vui chơi giải trí cho trẻ em); du lịch sinh thái gắn với tiềm năng du lịch sinh thái rừng núi (phát triển một cách tự phát ở các khu vực có cảnh quan đẹp như hồ Than Thở, hồ Dầu Tiếng, núi Cậu…); du lịch thể thao cao cấp (phát triển dưới hình thức các sân golf); du lịch nghỉ dưỡng (như khu du lịch nghỉ dưỡng Phương Nam, Dìn Ký, Mắt Xanh).
Những năm qua, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng ở Bình Dương tuy có phát triển và đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Vùng, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh thấp, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng mới chỉ mang tính thuần túy, các lĩnh vực cơ bản như sinh thái kết hợp với nghỉ mát, thư giãn, nghỉ dưỡng có chất lượng, chăm sóc sức khỏe thực sự chưa phát triển… nên chưa khai thác hiệu quả tài nguyên, chưa thu hút được du khách.
Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chưa có các sản phẩm du lịch mang đẳng cấp quốc tế có thể tạo thành động lực nâng tầm cho du lịch Bình Dương. Mô hình tổ chức kinh doanh du lịch chỉ mới phổ biến là các Khu du lịch dịch vụ với quy mô nhỏ, phục vụ khách du lịch cuối tuần với sản phẩm chủ yếu là dịch vụ ăn uống, bơi lội, vui chơi giải trí. Trong khi đó, theo nhiều du khách đã đến Bình Dương, để có thể thu hút khách du lịch đến với các tour du lịch sinh thái và sông nước, các đơn vị kinh doanh du lịch của tỉnh cần đa dạnh hóa các hình thức vui chơi giải trí và nhất là quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách như trang bị đầy đủ áo phao, người điều khiển phương tiện phải có bằng cấp, phương tiện phải bảo đảm chất lượng và phải được kiểm định đúng định kỳ.
Thực tế cho thấy, Bình Dương có đủ điều kiện để phát triển các khu du lịch sinh thái và sông nước vì con người ngày càng muốn hướng về thiên nhiên hơn, có thể Nhà nước đầu tư xây dựng toàn bộ hoặc mời gọi các đơn vị, cá nhân, tập thể tham gia đầu tư xây dựng các khu du lịch này theo hướng xã hội hóa… Để khai thác tiềm năng du lịch nhờ vào vị trí địa lý và sự ưu đãi của thiên nhiên, trong thời gian tới, các địa phương và các đơn vị kinh doanh ngành dịch vụ du lịch của tỉnh cần có kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là các sản phẩm du lịch sinh thái và sông nước.
Trong quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm 3 không gian chính là:
Thứ nhất, không gian phía Nam bao gồm khu vực thành phố thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và một phần của thị xã Bến Cát với sản phẩm du lịch chính gồm du lịch sinh thái như du lịch miệt vườn, du lịch sông nước; du lịch văn hóa như tham quan di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh, tín ngưỡng; vui chơi giải trí, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm, du lịch MICE, du lịch thể thao cao cấp.
Thứ hai, không gian phía Tây Bắc bao gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn và khu vực phụ cận thuộc huyện Dầu Tiếng và thị xã Bến Cát với các sản phẩm du lịch chính gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch thể thao cao cấp. Các khu vực ưu tiên đầu tư là khu vực hồ Dầu Tiếng, khu vực ven sông Sài Gòn, khu vực hồ Cần Nôm.
Hồ Dầu Tiếng cũng là một trong những địa danh du lịch đẹp của Bình Dương
Thứ ba, không gian phía Đông bao gồm khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên, các huyện Bắc Tân Uyên và Phú Giáo. Sản phẩm du lịch chính gồm du lịch sinh thái với các loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghỉ cuối tuần, du lịch thể thao cao cấp.
Cả 3 không gian này đều nhấn mạnh trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái. Đây cũng chính là tiềm năng và lợi thế so sánh về sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Dương trong liên kết Vùng Đông Nam bộ hiện nay. Vì vậy, trong thời gian tới, Bình Dương cần chú trọng chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch sông nước, coi đây là giải pháp quan trọng nhất và mang tính đột phá cho ngành du lịch của tỉnh nhà trong những năm tiếp theo.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có thể kể đến những vùng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái nổi tiếng như măng cụt Lái Thiêu (thị xã Thuận An), bưởi Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên), vùng cây ăn quả có múi Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên)… Ngoài ra, Bình Dương còn được biết đến với những món ăn nổi tiếng như: gà hoặc cút nướng sầu riêng, gà hoặc tôm trộn gỏi măng cụt hay tôm, cá lăng, cá duồng…
Vì vậy, giải pháp cơ bản trước mắt là cần phải thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, cụ thể là phải thay đổi tư duy sản xuất của các chủ nhà vườn. Các cơ quan nhà nước như Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến du lịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương sẽ giữ vai trò chính trong việc tổ chức, hướng dẫn các nhà vườn thực hiện các mô hình sản xuất sạch (sản xuất hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP) và tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhân rộng các dự án như Dự án phát triển vùng cây ăn quả có múi tại xã Hiếu Liêm, từ đó dẫn dắt, lôi kéo những người sản xuất khác tham gia. Bên cạnh đó, người dân cũng cần có ý thức hơn trong việc sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm và tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm sạch cho thị trường du lịch của tỉnh nhà.
Song song đó, các cấp, các ngành, các địa phương cũng cần tuyên truyền sâu rộng đến các nông dân, các chủ nhà vườn ý nghĩa của việc sản xuất nông nghiệp (sạch) phục vụ du lịch sinh thái mang đến lợi ích không chỉ ở việc bán trái cây như thông thường mà còn đem đến nhiều lợi ích thiết thực ở các lĩnh vực khác. Tổ chức các hoạt động du lịch gắn với vườn cây một cách chuyên nghiệp hay nâng cấp các cơ sở vật chất trong cung ứng các dịch vụ hỗ trợ du lịch…
Tiếp theo đó, có thể phát triển du lịch sông nước theo các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn để hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như các tour du lịch khám phá văn hóa và đời sống dân cư trên sông, các khu du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, du thuyền trên sông nước ngắm cảnh và nghe đờn ca tài tử; du lịch mạo hiểm sông nước như tour đi thuyền thám hiểm ghềnh đá, đua thuyền vượt thác ở sông Bé… Đối với khu vực núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng, một trong những danh thắng của Bình Dương có nhiều phong cảnh đẹp, nên thơ có thể khai thác tiềm năng về khí hậu, cảnh quan theo mô hình các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các khách sạn nghỉ dưỡng ven sông, trung tâm điều trị và điều dưỡng bệnh cao cấp, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Riêng Cù lao Bạch Đằng, từ trước đến nay nơi đây được biết đến là một cù lao xanh, được bao bọc bởi những vườn cây trĩu quả, đặc biệt là cây bưởi với hương vị ngọt ngào, đậm đà đã làm nên thương hiệu bưởi Bạch Đằng trong nhiều năm qua. Đây là địa điểm thích hợp, đủ điều kiện để phát triển từ du lịch sinh thái, du lịch sông nước, đến du lịch miệt vườn và loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE (một hình thức du lịch kết hợp tham dự Hội nghị, Hội thảo, triễn lãm và tổ chức các sự kiện…).
Du lịch tỉnh Bình Dương hướng đến năm 2030 với mục tiêu được xếp vào nhóm tỉnh, thành có du lịch phát triển trong cả nước. Để triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu này đòi hỏi sự đồng thuận, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Dương trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh Bình Dương cũng sẽ phải tăng cường phối hợp với các Sở, ngành và Ủy Ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố để triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp cấp bách như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật; Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch; Phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của các tỉnh/thành khác trong Vùng để hình thành các tuyến du lịch đường sông; Chú trọng chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái; Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh…
ThS. Nguyễn Văn Hân – GV Khoa Lý luận cơ sở