Giải pháp nhằm đạt thành tích cao khi tham gia“Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ...
1. Đặt vấn đề
“Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Mục đích của Hội thi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đồng thời suy tôn giảng viên dạy giỏi, nhân rộng điển hình tiên tiến. Hội thi cũng là cơ hội, động lực để giảng viên các trường làm phong phú, sâu sắc thêm nội dung bài giảng, đi sâu cải tiến phương pháp, phương tiện dạy học, kết hợp linh hoạt phương pháp dạy học tích cực; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thông qua quá trình chuẩn bị tổ chức, lựa chọn và cử giảng viên tham gia Hội thi, các trường có cơ sở để đánh giá, phân loại giảng viên chính xác hơn, trên cơ sở đó có kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trong những năm tiếp theo, hướng tới mô hình trường chính trị chuẩn.
Đặc biệt, thông qua tổ chức Hội thi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có cơ sở để nắm bắt cụ thể hơn nhu cầu và tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, của đội ngũ giảng viên của các trường; nghiên cứu rút kinh nghiệm, xây dựng, hướng dẫn, thống nhất quản lý và đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, học tập, bổ sung quy chế, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên v.v... cho các trường.
2. Một số nội dung và yêu cầu cơ bản của quy chế Hội thi ban hành kèm theo Quyết định số 1269/QĐ-HVCTQG sẽ áp dụng cho Hội thi lần thứ VII năm 2020
Ngày 13/3/2018 Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ký Quyết định số 1269/QĐ-HVCTQG về việc ban hành Quy chế Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII (sau đây gọi tắt là quy chế số 1269). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1627/QĐ-HVCTQG ngày 23/4/2015 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VI(sau đây gọi tắt là quy chế số 1627).
Trong bài viết này tôi chỉ nêu những vấn đề cơ bản nhất trong quy chế số 1269mà tất cả giảng viên tham gia cuộc thi sắp tới cần phải lưu ý.
Một, về người dự thi.
Người tham dự Hội thi là giảng viên thuộc biên chế của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có thời gian trực tiếp giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính từ 02 năm trở lên, căn cứ kết quả thao giảng cấp trường (lấy điểm từ cao xuống thấp).Quy chế này cũng quy định rõ người đã dự thi các Hội thi lần trước được tiếp tục tham gia Hội thi lần sau nhưng không lặp lại bài giảng mà mình đã thi tại các Hội thi lần trước.
Hai, về nội dung và hình thức thi
Mỗi giảng viên tham gia hội thi đều phải thi 3 nội dung: thi giáo án, thi viết và thi giảng bài trên lớp. Trong đó thi viết và thi giáo án tính điểm hệ số 1; điểm thi giảng bài trên lớp tính hệ số 3.
- Hình thức thi giáo án, người dự thi chọn 01 bài trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính sẽ tham gia thi giảng để soạn giáo án (mẫu giáo án do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định). Nếu bài dài hơn 04 tiết thì soạn hoàn chỉnh 04 tiết liền nhau để đăng ký dự thi, các tiết còn lại của bài chỉ cần ghi tên mục. Trong giáo án cần phân chia nội dung tương ứng từng tiết.
- Hình thức thi viết,người dự thi viết 01 bài tự luận trong thời gian 120 phút, quy định rõ nội dung thi là kiến thức cập nhật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Hình thức thi giảng trên lớp,người dự thi sẽ bắt thăm chọn 01 tiết giảng trong 4 tiết giảng đã soạn hoàn chỉnh trong bài đã đăng ký và giảng đủ 01 tiết (45 phút). Đây là một trong những đểm mới trongquy chế số 1269(theo quy chế số 1627 thì người dự thi được chọn tiết giảng đã chuẩn bị sẵn dự thi từ cấp khoa, cấp trường đến cấp Học viện)
Ba, vềcách tính điểm khoa học.
- Về điểm nghiên cứu khoa học:Để được công nhận danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” thì điểm nghiên cứu khoa học của người dự thi phải đạt từ 2,5 điểm trở lên, tăng hơn so với Quy chế số 1627 là 1,0 điểm, “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc” điểm nghiên cứu khoa học phải đạt từ 5,0 điểm trở lên, tăng hơn so với Quy chế ban hành năm 2015 là 2,0 điểm. Điều này sẽ bắt buộc các giảng viên cần phải tích cực tham gia nghiên cứu viết bài Hội thảo khoa học, bài đăng các tạp chí, báo, bài đăng trang WebSitecủa trường và tham gia đề tài khoa học các cấp nhiều hơn nữa.
- Về cách tính điểm nghiên cứu khoa học:Tại Điều 15 của Quy chế số 1269quy định điểm nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy là điểm quy đổi từ các đề tài khoa học do người dự thi trực tiếp nghiên cứu, đã được nghiệm thu đạt yêu cầu trở lên, các bài nghiên cứu khoa học công bố trên các phương tiện truyền thông được cấp phép, các bài tham luận tham gia hội thảo từ cấp trường trở lên được in trong kỷ yếu, các bài đăng trên website của trường. Các công trình khoa học trên đây phải được nghiệm thu hoặc công bố giữa hai kỳ Hội thi và chỉ được cộng điểm 01 lần.
Cách tính điểm nghiên cứu khoa học được cụ thể hóa ở khoản 4 điều 15 của quy chế như sau:
Tên các công trình được tính điểm
|
Điểm
|
Chủ nhiệm đề tài
|
|
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước được tính
|
5.0
|
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương
|
4.0
|
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (cấp trường)
|
1.5
|
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa
|
0.5
|
Nếu là cộng tác viên có bài viết hoặc thư ký đề tài
|
¼ số điểm mỗi công trình
|
Chủ biên giáo trình, tập bài giảng, tài liêu bồi dưỡng
|
|
Chủ biên giáo trình, tập bài giảng “tình hình, nhiệm vụ của địa phương (hoặc ngành) đã xuất bản
|
4.0
|
Chủ biên các loại tài liệu bồi dưỡng, tham khảo cho học viên đã xuất bản hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt
|
1.0
|
Nếu là cộng tác viên
|
¼ số điểm mỗi công trình
|
Bài viết đăng tạp chí, website, báo, kỷ yếu hội thảo khoa học
|
|
Mỗi bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí ISSN
|
1.5
|
Mỗi bài đăng trên bản tin hoặc trang thông tin điện tử (website) của Trung ương
|
0.5
|
Mỗi bài đăng trên bản tin, website của Trường, của tỉnh
|
0.25
|
Mỗi bài đăng trên báo (báo giấy, báo điện tử) của Trung ương
|
0.5
|
Mỗi bài đăng trên báo (báo giấy, báo điện tử) của địa phương
|
0.25
|
Mỗi bài tham luận (bao gồm cả bài đề dẫn của chủ trì hội thảo) được công bố trong kỷ yếu hội thảo quốc tế
|
4.0
|
Mỗi bài tham luận (bao gồm cả bài đề dẫn của chủ trì hội thảo) được công bố trong kỷ yếu hội thảo quốc gia
|
2.0
|
Mỗi bài tham luận (bao gồm cả bài đề dẫn của chủ trì hội thảo) được công bố trong kỷ yếu hội thảo cấp tỉnh hoặc liên trường
|
0.5
|
Mỗi bài tham luận (bao gồm cả bài đề dẫn của chủ trì hội thảo) được công bố trong kỷ yếu hội thảo cấp trường
|
0.25
|
Bốn, Điều kiện để được xếp hạng và phân loại danh hiệu.
- Về điều kiện xếp hạng danh hiệu:xếp hạng danh hiệu được thực hiện dựa trên 2 điều kiện sau:
Một là, dựa trên tổng số điểm thi: gồm thi viết, thi giáo án, thi giảng bài trên lớp; điểm thi được tính theo thang điểm 20 và tổng điểm tối đa là 100 điểm. Trong đó tổng điểm của người dự thi phải đạt từ 80 điểm trở lên kèm theo điều kiện là điểm thi giáo án, thi viết phải đạt từ loại Khá trở lên, tức là phải đạt số điểm từ 14 điểm đến cận 16 điểm.
Hai là, xét điểm nghiên cứu khoa học của người dự thi: điểm nghiên cứu khoa học của người dự thi phải đạt từ 2,5 điểm trở lên
- Về phân loại danh hiệu
Một, danh hiệu “giảng viên dạy giỏi xuất sắc”
Để đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi xuất sắc” người dự thi phải phải đạt tổng số điểm thi từ 90 điểm đến 100 điểm. Trong đó điểm các nội dung thi phải đạt loại giỏi trở lên, tức từ 16 điểm đến cận 18 điểm và điểm nghiên cứu khoa học phải đạt từ 5.0 điểm trở lên.
Hai, danh hiệu “giảng viên dạy giỏi”
Để đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi” người dự thi phải đạt tổng số điểm thi từ 80 điểm đến 100 điểm. Trong đó điểm thi giảng bài trên lớp phải đạt loại giỏi trở lên,tức từ 16 điểm đến cận 18 điểm; các nội dung thi khác phải xếp từ loại khá trở lên, tức từ 14 đến cận 16 điểm và điểm nghiên cứu khoa học phải đạt từ 2,5 điểm trở lên.
3. Một số giải pháp
a. Đối với Ban giám hiệu nhà trường và các Khoa.
- Về phía Ban giám hiệu
Thứ nhất: Sau khi nhận được Quyết định số 1269/QĐ-HVCTQG về việc ban hành Quy chế Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc triển khai quy chế 1269 tại các cuộc họp giao ban,Ban Giám hiệu nhà trường cần chỉ đạo các Khoa, Phòng (các Phòng có giảng viên kiêm nhiệm thì phối hợp với Khoa) xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Khoa.
Thứ hai: Xây dựng kế hoạch Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường ngay sau khi nhận được kế hoạch và thời gian tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi cụ thể của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; tổ chức Hội thi cấp trường trước 2 tháng so với thời gian tổ chức Hội thi của Học viện. Qua đó nhằm giúp những giảng viên được lựa chọn tham dự Hội thi do Học viện tổ chức tiếp tục hoàn thiện, khắc phục những hạn chế mà Ban giám khảo Hội thi cấp trường chỉ ra...
- Đối với các khoa chuyên môn
Sau khi có sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu về tổ chức Hội thi. Các Khoa nhanh chóng xây dựng kế hoạch và tổ chứchội thi cấp Khoa(thi giáo án và thi giảng trước khi hội thi cấp trường diễn ra khoảng 10 tháng) nhằm chọn ra một hoặc hai giảng viên ưu tú nhất trên cơ sở đó tiếp tục bồi dưỡng về chuyên môn. Thi cấp khoa cũng chỉ thi 1 tiết nên sau khi giảng viên nào được chọn Khoa sẽ tiếp tục dự giờ đủ 4 tiết thực tế ở một số lớp khác nhau trên cơ sở đó đóng góp ý kiến về nội dung và phương pháp cho giảng viên, nhằm hoàn thiện tất cả nội dung 4 tiết giảng trước khi hội thi cấp trường diễn ra
b. Đối với giảng viên tham gia hội thi
Một là, về công tác chuẩn bị trước khi tham gia hội thi (bắt đầu từ hội thi cấp khoa)
Thứ nhất, về tích lũy điểm nghiên cứu khoa học
Theo Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG về việc Ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ chính của giảng viên. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác giảng dạy mà bắt buộc người giảng viên phải thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu tự cập nhật thêm cho mình những tri thức mới, để tự tổng kết thực tiễn cho bản thân và để phục vụ cho công tác giảng dạy. Trong quá trình nghiên cứu, tri thức, trình độ, năng lực, tay nghề và uy tín của giảng viên cũng được nâng lên qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường nói chung. Chính vì thế, việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn phải là công tác thường xuyên được quan tâm thực hiện cùng với nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường chính trị tỉnh, thành phố hiện nay.
Đặc biệt, Hội thi giảng viên dạy giỏi do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thì điểm nghiên cứu khoa học là điều kiện bắt buộc hay còn gọi là tiêu chí cứng (điểm nghiên cứu khoa học của người dự thi tối thiểu phải đạt được 2.5 điểm tương đương với 10 bài đăng trên website của trường = 2.5 điểm). Vì vậy, trong công tác chuẩn bị trước khi tham gia hội thi (cấp quốc gia), đặc biệt là sau khi hội thi cấp khoa kết thúc, người được chọn dự thi cấp Trường cần chủ động tích lũy điểm nghiên cứu khoa học bằng nhiều hình thức như: nghiên cứu đề tài khoa học; viết bài cho hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa; viết bài cho trang thông tin điện tử của nhà trường, các báo và tạp chí địa phương, trung ương; hoạt động thao giảng, dự giờ... nhằm tích lũy đủ số điểm theo tiêu chí của Hội thi do Học viện quy định và chuẩn bị các minh chứng về việc nghiên cứu khoa học gửi về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với giáo án dự thi trước khi Hội thi diễn ra một tháng.
Thứ hai: Chọn bài giảng tham gia hội thi
Bài giảng tham gia dự thi trước hết đó phải là bài mà mình tâm đắc nhất, dễ vận dụng kiến thức thức tế, dễ sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực hay những hình ảnh minh họa vào bài giảng. Tiếp đến là kết cấu của bài dễ phân chia thời gian theo từng tiết (45 phút 1 tiết. Người dự thi phải bốc thăm 1 trong 4 tiết đã soạn) bởi vì trên thực tế có những mục, tiểu mục chưa đến một tiết hoặc dài hơn 1 tiết, nếu không chú ý đến vấn đề này thì người giảng sẽ lúng túng trong việc phân chia thời gian hoặc giảng đủ 45 phút nhưng chưa làm nổi bật được vấn đề vì nội dung của mục đó dài hơn 45 phút.
Thứ ba:Soạn giáo án
- Giáo án giấy
Giáo án trước hết phải trình bày đúng, đủ các bước theo quy định củacủa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đặc biệt là bám sát nội dung khung của giáo trình trung cấp lýluận chính trị - hành chính do Học viện ban hành. Trong giáo án cần lựa chọn câu chữ ngắn ngọn, súc tích, ý tứ rõ ràng tránh hàn lâm.
Đặc biệt lưu ý, khi lấy những ví dụ và dẫn chứng để làm minh chứng cho phần lý luận được thể hiện trong giáo án, người dự thi cần chọn những ví dụ mang tính thời sự (những ví dụ và dẫn chứng thường được lấy từ Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, thực tế cuộc sống đang diễn ra của đất nước, của địa phương). Để làm được điều đó người dự thi phải thường xuyên nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng, cập nhật thông tin thời sự hàng ngày (tốt nhất là chương trình thời sự, bản tin tài chính, vấn đề hôm nay... trên VTV1 của đài truyền hình Việt Nam, trên các tạp chí chuyên ngành... Đây là thông tin luôn được cập nhật và chính thống), tránh lấy ví dụ và các dẫn chứng không rõ nguồn ở trên internet hay những nguồn không chính thống khác.
- Giáo án điện tử (trình chiếu PowerPoint)
Đối với giáo án điện tử người dự thi chỉ cần lưu ý 2 ý cơ bản: trong một Slide không nên có quá nhiều chữ, chỉ nên trình chiếu những ý chính được sàng lọc từ giáo án giấy; chọn phông chữ và màu chữ phù hợp để người học có thể quan sát rõ nét nhất.
Thứ tư: về phương pháp và phương tiện giảng dạy
Cần dự kiến các phương pháp và phương tiện dạy phù hợp với nội dung kiến thức từng phần thể hiện trong lúc soạn giáo án. Việc sử dụng các phương pháp cần chú ý đến các phương tiện phù hợp với từng phương pháp trong giảng dạy nhằm thu hút và phát huy tính chủ động của người học là rất cần thiết.
Thứ năm: chuẩn bị kiến thức phục vụ phần thi viết (bắt đầu từ hội thi cấp trường)
Phần kiến thức này phải được giảng viên tích lũy lâu dài trong quá trình giảng dạy (nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước). Tuy nhiên, bên cạnh đó người dự thi cần tập trung vào những quan điểm, đường lối mới nhất của Đảng như Nghị quyết hội nghị Trung ương ... những vấn đề mang tính thời sự đang diễn ra của đất nước và thế giới gần nhất lúc sắp diễn ra hội thi cấp trường, cấp quốc gia (đặc biệt lưu ý những vấn đề liên quan đến khối kiến thức mà Khoa và người dự thi đang đảm nhận). Vì thi cấp quốc gia người dự thi sẽ được chọn một trong ba bộ câu hỏi liên quan đến khối kiến thức của ba khoa để dự thi (khoa lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khoa Nhà nước – Pháp luật; khoa xây dựng đảng).
Hai là, trong quá trình thi (thi viết và thi giảng trên lớp): Riêng phần thi giáo án người dự thi phải gửi ra Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trước một tháng khi hội thi diễn ra và Hội đồng chấm thi sẽ tổ chức chấm trước phần thi viết và thi giảng. Vì vậy, người dự thi cần soạn kỹ giáo án như nội dung đã trình bày ở trên. Trong nội dung này, chúng ta chỉ đề cập đến nội dung thi viết và thi giảng.
- Về thi Viết: Như đã trình bày ở phần triên, người dự thi phải lựa chọn một trong ba bộ câu hỏi liên quan đến ba khối kiến thức. Mỗi bộ câu hỏi sẽ có hai câu mà người dự thi phải thực hiện. Để thực hiện tốt phần thi này trước hết người dự thi cần tập trung tối đa để lắng nghe toàn bộ ba bộ câu hỏi (vì giám thị đọc đề thi rất nhanh nên cần phải tập trung tối đa) chọn một bộ câu hỏi mà mình nắm chắc nhất để tham gia dự thi (có thể chọn bộ câu hỏi không nằm trong khối kiến thức thuộc Khoa mình phụ trách) ví dụ: người dự thi thuộc khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng lại nắm chắc bộ câu hỏi liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng và vấn đề tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước (khối kiến thức thuộc khoa Nhà nước – Pháp luật) thì nên chọn bộ câu hỏi này.
Trong quá trình viết, nên chọn câu dễ để viết trước và đặc biệt tránh sa đà vào một câu mà cần phân phối thời gian hợp lý cho cả hai câu; viết đúng quan điểm, đường lối của đảng, pháp luật của Nhà nước. Lấy những dẫn chứng đặc biệt là những mặt trái của xã hội cần phải chính thống (đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận và công bố), tránh suy diễn, tránh sa vào mặt trái của đời sống xã hội mà không thấy được những thành tựu trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước nhằm ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập quốc tế ...
- Về thi giảng trên lớp: trước khi vào lớp người dự thi cần kiểm tra lại toàn bộ dụng cụ liên quan đến tiết giảng như kiểm tra File bài giảng trong máy tính, cáp nối máy chiếu nếu có, và các phương tiện hỗ trợ phương pháp giảng dạy tích cực.Trong khi giảng, cần tuân thủ đúng và đủ các bước lên lớp. Tuyệt đối tuân thủ theo giáo án, kể cả các ví dụ đã chuẩn bị trong giáo án, tránh ngẫu hứng và sa đà (vì có thể nói sai vì không có sự chuẩn bị trước), khi đưa ví dụ cần sàng lọc trong giáo án, không cần nhiều nhưng phải có tính thời sự và sâu sắc. Nói như vậy không có nghĩa là rập khuôn hoàn toàn, mất tính sáng tạo.
Trong 45 phút giảng, người dự thi không nên quá lạm dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, có thể sử dụng một hoặc nhiều nhất là hai phương pháp tích cực (nhưng phải sử dụng đúng các bước của phương pháp). Vì trong thực tế, một buổi giảng tính 4 tiết nếu mỗi tiết sử dụng 2 phương pháp tích cực = 8 phương pháp, điều đó rất khó (mặc dù có những phương pháp được sử dụng lặp lại ở nội dung tiết giảng khác). Theo tôi, người dự thi chỉ nên lựa chọn một phương pháp tích cực và áp dụng vào một tiết giảng đúng và phù hợp với nội dung bài giảng là quá tốt rồi.
Ngoài ra, người dự thi cần chú ý quan sát lớp, không nên đứng một chỗ. Khi giảng người dự thi phải trình bày rõ ràng, mạch lạc, đảm bảo chuẩn tiếng phổ thông, chọn vị trí nhấn giọng trong mỗi câu, tránh âm lượng đều đều khi giảng.Một điều không kém phần quang trọng là sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong giảng bài như: nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, hành vi, điệu bộ, cách đi đứng, trang phục phải đặc biệt chú ý, đó là tấm gương sống trực tiếp đập vào mắt học viên. Giảng viên biết biểu lộ cảm xúc, thái độ nhiệt tình, vui vẻ, phấn khởi hài lòng, thân thiện tạo được sự thoải mái giữa giảng viên và học viên, thể hiện ở khả năng bao quát lớp, tư thế tác phong trong giờ giảng thì kết quả bài giảng sẽ tốt hơn rất nhiều và ngược lại....
4. Kết luận
Việc tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc cùng với hoạt động thao giảng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ươngcó ý nghĩa thiết thực đối với toàn bộ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống trường chính trị, trường bộ, ngành trong cả nước, trực tiếp tác động tích cực, mạnh mẽ đến tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học của các trường, thúc đẩy giảng viên tích cực cập nhật kiến thức mới, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên... góp phần thúc đẩy và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị, trường bộ, ngành. Việc tìm ra các giải pháp nhằm đạt kết quả cao tại hội thi của các trường chính trị, của người dự thi là hết sức quan trọng. Góp phần vào thành công chung của hội thi cũng như nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường chính trị nói riêng. Tuy nhiên, ý thức tự giác, tính tích cực của người dự thi đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến kết quả của người dự thi. Vì vậy, người dự thi cần phải thường xuyên nghiên cứu lý luận, cập nhật kiến thức thực tiễn, nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, góp phần quan trong trong công tác đào tạo, bồi dượng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong gia đoạn hiện nay.
ThS. Phan Văn Bằng
Giảng viên khoa lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh