Giải pháp phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng huyện Dầu Tiếng phát triển bền vững, toàn diện
Đại đoàn kết toàn dân tộc là di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc Việt Nam đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người dân. Chính từ những cơ sở trên, Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm cơ bản của mình về đại đoàn kết dân tộc. Người cho rằng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng toàn Dân ta đã phát huy sức mạnh của cả dân tộc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Cùng với cả nước, tinh thần đại đoàn kết đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới, thúc đẩy địa phương phát triển.
1. Tình hình thực tế về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn huyện Dầu Tiếng
a. Tình hình khối đại đoàn kết toàn dần tộc trong Huyện
Dầu Tiếng là huyện nông nghiệp vùng xa của tỉnh Bình Dương, có diện tích 72.139 ha, dân số trên 115.000 người, đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 11 xã, với 89 khu phố, ấp.
Trong thời gian vừa qua các giai cấp và nhân dân đoàn kết, hợp tác thống nhất chung sức chung lòng, xây dựng các mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các giai tầng trong xã hội, đồng thời tích cực gắn bó với các cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần quan trọng vào sự đồng thuận của xã hội, xây dựng Khối Đại đoàn kết dân tộc ở địa phương trong thực hiện các cuộc vận động, với điểm nhấn thực hiện thành công theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn Huyện. Trong thành quả chung của Huyện nhờ có sự đóng góp to lớn của các giai tầng trong Huyện như: Công nhân lao động: Toàn huyện có trên 12.050 công nhân lao động (trong đó công nhân lao động Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng khoảng 5.000 người). Nông dân: Có 8.577 hộ. Đội ngũ trí thức: Phát triển nhanh về số lượng và tham gia trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ vai trò quan trọng đi đầu trong quá trình chuyển giao, phổ biến khoa học, kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào cuộc sống trên địa bàn huyện. Lực lượng Thanh niên: Có trên 26.950 người (trong độ tuổi từ 16-30). Lực lượng Phụ nữ: Có 28.318 người. Lực lượng vũ trang: Luôn giữ vững vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Cựu chiến binh: Có trên 2.055 người. Người Cao tuổi: Có trên 9.809 người. Đồng bào các dân tộc thiểu số: Trên địa bàn huyện có 21 dân tộc thiểu số với 991 hộ, với 3.002 nhân khẩu. Đồng bào là tín đồ các tôn giáo: Trên địa bàn huyện có 05 tôn giáo đang hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin lành, Hồi giáo. Có 73 chức sắc và trên 17.051 người theo đạo. Cộng đồng người Dầu Tiếng ở nước ngoài: những năm qua người Việt Nam huyện Dầu Tiếng định cư ở nước ngoài thường xuyên về thăm quê hương, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc bình quân 30 người/năm.
Trước những nhu cầu về phát triển thực tiễn, bên cạnh hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp trên địa bàn huyện còn hình thành nhiều câu lạc bộ, tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã vv… đã hình thành và phát triển đa dạng, đóng góp thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời là kết quả tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong huyện, là kết quả lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực của các giai cấp và tầng lớp nhân dân với sự tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính quyền.
b. Kết quả đạt được
Các tầng lớp nhân dân trong huyện đã chung sức, chung lòng xây dựng Khối Đại đoàn kết thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên, cùng sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân đã tạo điều kiện cho Khối Đại đoàn kết dân tộc trong huyện vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương góp phần vào thắng lợi chung, từng bước đưa huyện Dầu Tiếng phát triển bền vững. Cụ thể như sau:
- Công tác tuyên truyền, vận động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh Khối Đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước, điển hình là thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt hiệu quả cao. Tại xã Long Hòa đạt được một số kết quả: “Đã lồng ghép tuyên truyền rộng khắp trong Nhân dân phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… kết quả tuyên truền vận động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng nông thôn mới được 137 cuộc với 6.517 lượt người dự”.
Công tác đổi mới phương thức vận động và phát huy vai trò của các vị tiêu biểu, uy tín trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, các tôn giáo, đã vận động nhân dân đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa những người theo tôn giáo và những người không theo tôn giáo; tôn trọng truyền thống văn hóa tốt đẹp, chủ động tiếp xúc, đối thoại và chia sẻ hiểu biết; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc. Xã Định Thành đã thực hiện tốt công tác này như sau: “Vận động đồng bào các dân tộc, tổ chức, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tôn giáo mình trong đời sống xã hội như: đảm bảo an toàn giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS; chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn”.
Việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) đã trở thành nề nếp, là ngày sinh hoạt, gặp gỡ truyền thống của nhân dân ở khu dân cư với điều kiện phù hợp. Hàng năm có 89/89 khu dân cư đều tổ chức được ngày hội. Điển hình tại xã Minh Hòa, Ban công tác Mặt trận Ấp Hòa Cường đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với sự tham dự của đại diện 537 hộ dân của ấp. Vận động quà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, trẻ em nghèo được 352 phần trị giá 70.400.000 đồng. Đăng ký gia đình văn hóa năm 2020 là 555 đạt tỷ lệ 100%; ấp đăng ký ấp văn hóa. Cuối năm xét đạt hộ đạt gia đình văn hóa 537/555 hộ; đạt tỉ lệ 97,75%....”.
Tặng quà cho hộ nghèo, hộ cần nghèo tại xã Minh Hòa nhân ngày hội đại đoàn kết năm 2020
- Đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của địa phương
Qua thực hiện cuộc vận động nhân dân đã đồng tình thống nhất trong thực hiện giải toả hiến đất và hoa màu không đền bù để thi công các công trình đường giao thông nông thôn, thi công lắp đặt thiết bị chiếu sáng khu dân cư vv... tiêu biểu một số xã như: Xã Định Thành “Phối hợp cùng các ban ngành đoàn thể xã, ấp Núi Đất vận động từ nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới như hiến đất làm đường nông thôn đoạn nhà ông hai Vui với chiều dài 144m được:126.980..000đ”. Xã Long Hòa “UBND xã tiếp tục chọn mô hình “vận động người dân đóng góp tiền làm đường bê tông xi măng và tiền làm đường giao thông nông thôn””.
Phát động “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Thực hiện mô hình “Ánh sáng an ninh nông thôn”, đồng thời phối hợp triển khai xây dựng các mô hình cùng các thành viên và ngành Công an, trong nhiệm kỳ tiếp tục xây dựng, duy trì các mô hình như “Tiếng kẻng an ninh”; “Hòm thư tố giác tội phạm”; “Chiến sĩ an ninh nhỏ” vv…. Hình thành và duy trì được 187 Câu lạc bộ, tổ, nhóm. Tiêu biểu như xã Định Thành “Thực hiện phong trào xây dựng mô hình “ánh sáng an ninh” vận động hộ dân đóng góp thực hiện lấp ráp 100 bóng đèn tại ấp Núi Đất tổng kinh phí 260 triệu, trong đó 22 triệu trích từ nhân dân đóng góp, trích 238 triệu từ quỹ khen thưởng nông thôn mới tỉnh, Ban thường trực thành lập tổ tự quản ánh sáng an ninh ban điều hành gồm 16 người và 150 thành viên”.
Với sự đoàn kết của toàn dân trên địa bàn Huyện cuối năm 2016, 11/11 xã của huyện Dầu Tiếng đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”. Hiện nay xã Thanh An đạt 19/19 tiêu chí; xã Định Hiệp đạt 18/19 tiêu chí; xã Long Hòa, Định An, Định Thành, Minh Thạnh đạt 16 tiêu chí; xã Long Tân, Minh Hòa, Minh Tân đạt 15 tiêu chí; xã An Lập, Thanh Tuyền đạt 17 tiêu chí. Có 5/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Định Thành là một trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Dầu Tiếng.
Triển khai Phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” hình thành 19 các tổ hợp tác, hợp tác xã ở các xã, thị trấn, trong đó có 24 mô hình hoạt động có hiệu quả gắn với hoạt động nông nghiệp như: tổ hợp tác chăn nuôi bồ câu; tổ liên kết chăm sóc cao su; tổ chăn nuôi trâu bò; Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương Mại Dịch vụ; hợp tác xã vì cộng đồng vv... Các tổ hợp tác trên địa bàn huyện hoạt động khá hiệu quả, như tổ hợp tác chăn nuôi Bò sinh sản (ấp Núi Đất, xã Định Thành), tổ hợp tác chăn nuôi Bồ câu (xã Định An),… Trong số các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có thể kể đến Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền, thời gian qua, quỹ này là nơi để các tổ chức, hộ cá thể ở các xã Thanh Tuyền, Thanh An, An lập, Long Tân của huyện Dầu Tiếng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
- Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nhân dân đóng góp ý kiến, kiến nghị, giám sát cán bộ, đảng viên theo tinh thần, chủ trương, giải pháp của Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, khóa XII gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Góp ý cho việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, kế hoạch thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Toàn huyện có 89 tổ hòa giải, với 112 cán bộ Mặt trận tham gia làm thành viên. Trong năm các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải nhận 240 đơn, tiến hành hòa giải thành 205 đơn, đạt tỷ lệ 85,41%, còn 25 đơn chuyển về trên và tiến hành xác minh.
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân
Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong quan hệ giao tiếp ứng xử với người nước ngoài tại địa phương. Xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư của nước ngoài đầu tư trên địa bàn Huyện. Đấu tranh chống xuyên tạc, vu cáo của lực lượng thù địch chống lại Đảng, Nhà nước, chống lại chế độ, phá hoại gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người lao động huyện làm việc hợp tác lao động trên lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác chế biến mủ cao su thuộc Công ty cao su Việt-Lào luôn tích cực ngoại giao, tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm với nhân dân nước bạn Lào, góp phần thắt chặt mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc. Thông qua các hoạt động phong trào và thăm hỏi, qua đó thường xuyên nắm tình hình tâm tư nguyện vọng của kiều bào; động viên kiều bào tham gia đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nguồn lực chủ yếu thông qua nguồn kiều hối kiều bào tham gia đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và tham gia công tác an sinh xã hội của Huyện trong năm 2018. Định kỳ hàng năm tổ chức kiều bào về thăm quê hương nhân dịp tết Nguyên đán do Tỉnh tổ chức, với 10 lượt kiều bào tham dự. Thực hiện chương trình công tác đối ngoại nhân dân và công tác Người Việt Nam ở nước ngoài năm 2019 xã Định Thành: “Vận động mạnh thường quân là kiều bào sinh trao tặng quà cho hộ nghèo cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó trên địa bàn xã”. Xã An Lập: “vận động nguồn lực từ kiều bào vào đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, cùng với Đảng, chính quyền chăm lo người nghèo, hộ nghèo”.
b. Những hạn chế, yếu kém
Bên cạnh những thành tựu đạt được như trên huyện Dầu Tiếng còn những khuyết điểm, hạn chế sau đây:
- Một số mô hình tự quản ở khu dân cư chưa duy trì hoạt động thường xuyên, còn mang tính hình thức. Tỷ lệ hộ gia đình tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư chưa đạt tỷ lệ cao. Công tác phản biện xã hội chưa được phối hợp quan tâm đúng mức của chính quyền. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân chưa ngang tầm, phát huy hiệu quả so với chức năng, nhiệm vụ quy định.
- Công tác tuyên truyền còn hạn chế như: “Công tác tuyên truyền nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt chưa kịp thời”.
- Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhỏ người dân vẫn chưa cao. Vẫn còn tình trạng một vài trường hợp xây dựng, đặt quảng cáo lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ “Tình hình ANCT ổn định, TTATXH được giữ vững tuy nhiên số vụ vi phạm hành chính và tệ nạn xã hội tăng khá cao”.
- Công tác Mặt Trận bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến một số cán bộ Mặt trận cơ sở không yên tâm công tác, làm ảnh hưởng công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận. Việc tham gia sinh hoạt định kỳ cùng Ban Công tác Mặt trận theo địa bàn phụ trách chưa được thường xuyên. “Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công tác Mặt trận trong năm vẫn còn những tồn tại hạn chế: Một số Ban công tác Mặt trận ấp thay đổi và kiêm nhiệm nên ảnh hưởng tới công tác Mặt trận”.
2. Một số giải pháp phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng huyện Dầu Tiếng phát triển bền vững, toàn diện trong thời gian tới
Từ những kết quả và hạn chế như trên để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng huyện Dầu Tiếng phát triển bền vững, toàn diện trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
a. Xây dựng những chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện
- Những chính sách phát triển kinh tế - xã hội
Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng cho nhân dân. Tổ chức việc kết nghĩa, giúp đỡ nhau giữa các xã. Phát triển văn hóa, y tế, giáo dục-đào tạo và khoa học - công nghệ. Phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", coi trọng vai trò của nhân dân trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội:
+ Đối với công nhân lao động: Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển gai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, bồi dưỡng tác phong công nghiệp, thực hiện "trí thức hóa công nhân". Thực hiện tốt pháp luật lao động, bảo hộ lao động và việc chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho công nhân.
+ Đối với nông dân: Xây dựng phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đưa công nghệ sản xuất tiên tiến vào nông nghiệp, nông thôn; có chính sách điều chỉnh hợp lý việc sử dụng quỹ đất, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất... Mở rộng các loại hình đào tạo nghề, chuyển giao khoa học-kỹ thuật và công nghệ thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các trung tâm học tập cộng đồng và các điển hình nông dân sản xuất giỏi.
+ Đối với đội ngũ trí thức: Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển huyện nhà. Thanh niên: Khuyến khích thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm.
+ Đối với phụ nữ: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và trong toàn xã hội về công tác phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới. Nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
+ Đối với cựu chiến binh: Phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Ðảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần giáo dục truyền thống và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ huyện Dầu Tiếng.
+ Đối với người cao tuổi: Xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe, quan tâm hơn đến người cao tuổi về y tế, hưởng thụ văn hóa, nhu cầu được thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội, nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước. Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.
+ Đối với các dân tộc thiểu số: Tiếp thục thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện; chống kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc.
Đối với đồng bào các tôn giáo: Ðoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của đạo lý và truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với nước, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan.
b. Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc.
Tiếp tục triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Thông qua việc kỷ niệm các ngày lễ của dân tộc, ngày truyền thống của Mặt trận và các tổ chức thành viên để tăng cường vận động, tập hợp đoàn kết. Lấy Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm (18/11) làm tâm điểm gắn bó, đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Thông qua hệ thống tổ chức và phương tiện, ấn phẩm tuyên truyền Bản tin của Mặt trận để cung cấp thông tin về tình hình đất nước nói chung và địa phương nói riêng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao hiệu quả nắm bắt, phản ánh tình hình nhân dân.
Phát huy vai trò của các nhân sỹ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo làm hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo sự ổn định tình hình ở địa phương.
Phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, vận động họ chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh.
c. Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của huyện.
Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả khu vực nông thôn và đô thị.
Triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, động viên các tầng lớp nhân dân ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất và phục vụ đời sống. Gắn kết triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua với vận động phát triển hợp tác xã kiểu mới, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa. Hưởng ứng tích cực phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Tăng cường bồi dưỡng, phát hiện để “nhân điển hình” và “nêu gương sáng” trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Phối hợp với các tổ chức thành viên hiệp thương lựa chọn nội dung, phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động trong đối tượng của tổ chức mình và trong các tầng lớp nhân dân.
d. Phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát và phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí thực hành tiết kiệm
Tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội (theo Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị); tổ chức triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/06/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí giai đoạn 2018 - 2020; triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Thực hiện nhiệm vụ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định số 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị); tăng cường các diễn đàn nhân dân, tổ chức đối thoại... nhằm tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; phát huy sáng kiến của nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức để xây dựng đất nước.
Thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Xây dựng phong cách và phương thức công tác của cán bộ, công chức phù hợp với đạo đức cách mạng và đáp ứng yêu cầu tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cán bộ, công chức phải có thái độ chân thành, tôn trọng dân, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân; không thành kiến, phân biệt đối xử khi làm việc với dân. Thực hiện phương thức dân chủ trong lãnh đạo và quản lý điều hành, khắc phục lối làm việc mệnh lệnh, hành chính đơn thuần.
e. Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 12/02/2018 và Quyết định 711-QĐ/TW ngày 11/5/2018 của Tỉnh ủy Bình Dương về phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở.
Đổi mới các kỳ họp của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, xã, thị trấn, bám sát tình hình đời sống nhân dân, tương quan với các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp để kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân và phát huy vai trò của Mặt trận trong việc tham gia ý kiến phản biện các chính sách của chính quyền. Đổi mới quan hệ công tác giữa Mặt trận với các cơ quan của Đảng, chính quyền; cụ thể việc phân công, hiệp thương phối hợp công tác hằng năm giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; đồng thời thực hiện kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh trong cơ quan ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Ðẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và các tổ chức nhân dân. Xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở các ấp, tổ dân phố.
f. Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân
Tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về hình ảnh huyện Dầu Tiếng nói rein và tỉnh Bình Dương nói chung. Vận động các tầng lớp nhân dân trong huyện thực hiện việc quảng bá hình ảnh, văn hóa và con người Dầu Tiếng văn minh, thân thiện, mến khách; gìn giữ trật tự, vệ sinh công cộng tại các điểm tham quan du lịch, các khu công nghiệp, khu dân cư... Phối hợp với các tổ chức thành viên tạo sự liên kết, thống nhất, tương hỗ trong triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân. Xây dựng, nhân rộng hội thân nhân kiều bào.
Đại đoàn kết không những có giá trị ý nghĩa to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa mà ngày nay hơn bao giờ hết vấn đề đại đoàn kết càng cần được quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết to lớn để đạt được thành tích to lớn về vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội để thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân huyện nhà, cùng cộng đồng trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị đạt vững mạnh, xuất sắc hàng năm; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vì sự phát triển bền vững toàn diện của Huyện nhà góp phần cùng tỉnh Bình Dương, cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo của uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện dầu tiếng, nhiệm kỳ 2014-2019 và chương trình hành động của uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Dầu Tiếng, nhiệm kỳ 2019-2024.
Th.S Nguyễn Thị Lê Vân – GV khoa Lý luận cơ sở