Góp phần tìm hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Campuchia (1954 - 1975)
Trong giai đoạn (1954 - 1975), hai nước láng giềng Việt Nam, Campuchia phải đương đầu với sự can thiệp của Mỹ để bảo vệ độc lập, chủ quyền. Trong đấu tranh gian khổ, hai nước đã từng bước thiết lập được mối quan hệ hợp tác với nhau khá toàn diện. Trên cơ sở đó, bài viết tìm hiểu vị trí, vai trò và ý nghĩa mối quan hệ hai nước đối thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của mỗi dân tộc. Từ những bài học kinh nghiệm trong lịch sử, hy vọng hai nước sẽ tiếp tục thắt chặt mối quan hệ, xây dựng lòng tin vững chắc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc của mỗi nước.
Từ khóa: Campuchia, quan hệ, tầm quan trọng, Việt Nam.
1. Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Campuchia (1954 - 1975)
Năm 1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết, tình hình ba nước Đông Dương đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, do Mỹ thực hiện "Chiến lược toàn cầu", ráo riết thực hiện các bước nhằm thay chân Pháp ở Đông Dương. Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đưa vũ khí, nhân viên quân sự vào miền Nam Việt Nam, Lào và đặt ba nước Đông Dương vào khu vực bảo hộ của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Trước sự can thiệp của Mỹ, nhằm phá hoại nền hòa bình, hòa hợp, thống nhất đối của ba nước Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam khẳng định quyết tâm giữ gìn, củng cố hòa bình ở Đông Dương, tăng cường quan hệ với hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào, được xây dựng và phát triển tốt" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.676, 2011). Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó với Campuchia, coi đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược lớn, đóng vai trò quan trọng đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam và thống nhất tổ quốc.
Về phía Campuchia, sau Hiệp định Giơnevơ tuyên bố mình là nước trung lập, không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, Campuchia mong muốn: "Quan hệ hữu nghị với tất cả các nước nào tôn trọng chủ quyền của Campuchia" (M.E.Manyin, US - Vietnam Relation: Background and Issues for congress, tr.86, 2008) và nhận viện trợ của bất kỳ quốc gia nào mà không ảnh hưởng đến nền độc lập của đất nước. Về đối ngoại, Campuchia thực hiện những bước đi tích cực trong thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô (1956), Tiệp Khắc (1956), Ba Lan (1956), Nam Tư (1956), Trung Quốc (1958), đồng thời đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy vậy, mục tiêu hòa bình, trung lập của Campuchia bị đe dọa nghiêm trọng khi Mỹ dùng sức mạnh về kinh tế, ngoại giao buộc Campuchia phải đứng hẳn về phía mình, để phục vụ cho mục tiêu lâu dài nhằm thôn tính Việt Nam và khống chế cả khu vực Đông Dương. Mỹ gây sức ép về kinh tế, ngoại giao với Campuchia không thành công, đã chuyển sang hành động về chính trị, tháng 12/1958 cơ quan tình báo Mỹ - CIA (Central Intelligence Agency) chủ trì cuộc họp ở Bangkok (Thái Lan), nhằm bàn kế hoạch lật đổ chính phủ trung lập của N.Sihanouk. Tuy nhiên, âm mưu lật đổ bất thành, làm lộ rõ mục đích phá hoại nền hòa bình, trung lập Campuchia của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Campuchia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam Cộng hòa (27/8/1963) và không lâu sau đó cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ (3/5/1965).
Có thể khẳng định, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất coi trọng mối quan hệ với Vương quốc Campuchia, có những động thái tích cực trong việc thắt chặt mối quan hệ hữa nghị giữa hai nước láng giềng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư, điện chúc mừng đăng quang, sinh nhật của Quốc vương Campuchia, mừng quốc khánh Campuchia, kỷ niệm ngày sinh đức Phật, đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa hai nước bằng nhiều hình thức, trong đó có giao hữu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn...Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn thể hiện thiện chí trong việc thắt chặt quan hệ với Vương quốc Campuchia, "hoan nghênh và ủng hộ đường lối hòa bình trung lập của Campuchia và sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị với vương quốc Campuchia" (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, tr.940, 2002). Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định, quyết tâm và mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau giữa hai nước ngày càng phát triển trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (1/1959) Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: "Hết sức ủng hộ phong trào đấu tranh chống thực dân và bảo vệ độc lập dân tộc của tất cả các dân tộc bị áp bức và các nước bị xâm lược, trước hết là của các nước láng giềng Campuchia và Lào" (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, tr.67, 2002).
Ngày 9/11/1964, nhân kỷ niệm 11 năm quốc khánh Campuchia, Quốc trưởng N.Sihanouk đề nghị các đảng phái và các tổ chức yêu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Lào cùng với Campuchia mở Đại hội nhân dân Đông Dương chống Mỹ, Việt Nam rất hoan nghênh đề nghị này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tán thành sáng kiến của Quốc trưởng N.Sihanouk về triệu tập một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Lào. Trong năm 1965, đáp lại thiện chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Vương quốc Campuchia đã lên tiếng phản đối việc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của Mỹ, đồng thời giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một số thuốc men chữa bệnh. Tại Phnôm Pênh, diễn ra Hội nghị Nhân dân Đông Dương yêu nước (1 đến 9/3/1965) đi đến nhất trí xem Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất vì đang tìm mọi cách phá hoại nền hòa bình, trung lập của Campuchia, phá hoại Hiệp định Giơnevơ về Lào và đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hội nghị ra nghị quyết, nhằm tăng cường đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương, quyết tâm đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền và hòa bình ở Đông Dương. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tiếng ủng hộ đường biên giới hiện tại của Campuchia, trong đó khẳng định rõ lập trường: "Tôn trọng độc lập, chủ quyền, trung lập của Vương quốc Campuchia, công nhận và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia trong biên giới hiện tại" (Nguyễn Duy Trinh, Mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1965 - 1975, tr.62, 1979). Hội nghị Nhân dân Đông Dương yêu nước là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia. Ngoài việc lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, Chính phủ Vương quốc Campuchia còn có những hành động hết sức thiết thực để ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 20/6/1967, Vương quốc Campuchia và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, sau đó cơ quan đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có trụ sở tại Phnôm Pênh. Sự kiện này, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nước, có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam của Việt Nam. Cũng trong ngày hôm đó, Campuchia tặng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 45 hòm thuốc, đích thân Quốc trưởng N.Sihanouk đã chủ tọa buổi lễ và tự tay trao tặng phẩm cho ông Ca Văn Thỉnh, Trưởng đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Campuchia. Bắt đầu từ đây, Campuchia bí mật ủng hộ tích cực việc miền Bắc Việt Nam chi viện cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, thuốc men, đạn dược và các nhu yếu phẩm cần thiết cho miền Nam đi qua đất Campuchia nhằm tránh sự truy kích của Mỹ. Quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia tiếp tục phát triển thêm một bước quan trọng, khi Campuchia chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (15/6/1969) sau đó đón Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát thăm Campuchia và ký hiệp định thương mại giữa hai chính phủ.
Tuy nhiên, từ cuối 1969 tình hình chính trị Campuchia diễn biến phức tạp, mâu thuẫn nội bộ trở nên sâu sắc, ngày 18/3/1970, Lon Non đảo chính lật đổ N.Sihanouk, đưa Campuchia vào “vòng xoáy” cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Đông Dương. Rõ ràng, việc đảo chính và thay đổi chính quyền tại Campuchia ít nhiều ảnh hưởng, gây bất lợi cho Việt Nam trong nhiệm vụ chi viện, phối hợp chiến đấu giữa hai miền Bắc - Nam. Chính quyền Lon Non thân Mỹ đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cấm không cho các tàu chở hàng tiếp tế cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cập bến cảng Kampongsom. Ngược lại, Chính quyền Lon Non tạo điều kiện cho Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức các cuộc hành quân sâu vào lãnh thổ Campuchia, nhằm càn quét, tiêu diệt lực lượng cách mạng và phá hoại căn cứ hậu cần của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Để đương đầu với tình hình khó khăn, thắt chặt tình đoàn kết giữa ba nước Đông Dương, theo sáng kiến của N.Sihanouk, ngày 24 đến 25/4/1970 Hội nghị Nhân dân ba nước Đông Dương diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Quốc trưởng N.Sihanouk và Hoàng thân Suphanuvong. Hội nghị ra tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm, tăng cường tình đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau cùng chống kẻ thù chung là Mỹ. Tháng 4/1970, Việt Nam đã triển khai các lực lượng quân đội trên đất Campuchia phối hợp với Quân giải phóng Campuchia chiến đấu đập tan cuộc tấn công vào Campuchia của 10 vạn quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tính đến cuối năm 1970, sự phối hợp lực lượng hai bên đã giúp Campuchia giải phóng một vùng rộng lớn với 61/102 quận và 4,5/7 triệu dân. Trong năm 1971, quân đội hai nước tiếp tục giành những thắng lợi giải phóng thêm đất đai và dân số trước chiến dịch "Toàn thắng 1-71" của quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa, chiến dịch "Chenla 2" của quân Mỹ, quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân Lon Non. Rõ ràng, cùng với thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia "đã tạo nên một địa bàn chiến lược liên hoàn, nối liền miền Bắc nước ta với Thượng Lào và Trung - Hạ Lào, với tây Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, đông bắc Campuchia, hình thành một căn cứ kháng chiến rộng lớn, vững chắc, có tầm quan trọng chiến lược cho cách mạng ba nước Đông Dương" (Lê Mậu Hãn, Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 3, tr.228, 1999). Đồng thời, làm thất bại âm mưu chia rẽ của Mỹ đối với cách mạng ba nước Đông Dương, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân ba nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục ủng hộ lực lượng do N.Sihanouk đứng đầu và đẩy mạnh giúp đỡ quân giải phóng Campuchia giành nhiều thắng lợi quân sự quan trọng, mở rộng vùng giải phóng, tiến tới cô lập Phnôm Pênh, đẩy chính quyền Lon Non đến bờ vực sụp đổ. Sự thất bại liên tiếp của Mỹ và các thế lực do Mỹ dựng lên ở Việt Nam, Lào, Campuchia, cộng với sự lên án của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam (1973) và rút quân về nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước. Sự đoàn kết, hợp tác của ba nước Đông Dương nói chung, Việt Nam - Campuchia nói riêng là nhân tố quan trọng góp phần đem đến thắng lợi cho công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn đất nước của Việt Nam (30/4/1975) và Campuchia (17/4/1975).
2. Tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Campuchia
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có mối quan hệ truyền thống lâu đời, mối quan hệ hai nước có vị trí, vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của hai nước. Lịch sử cho thấy, sự ổn định an ninh, chính trị, hòa bình, phát triển ở mỗi nước ít nhiều có tác động đến mối quan hệ hai nước nói riêng và sự ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói chung. Do đó, việc xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, tin cậy, cùng hợp tác phát triển là yếu tố then chốt, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và đem lại sự phát triển cho hai nước.
Trong giai đoạn (1954 - 1975), Việt Nam ủng hộ tích cực chủ trương hòa bình, trung lập để xây dựng đất nước của Campuchia. Thông qua các diễn đàn quốc tế, Việt Nam lên tiếng ủng hộ Vương quốc Campuchia, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương giữa hai nước nói riêng và quan hệ mật thiết giữa ba nước Đông Dương nói chung. Sự ủng hộ đó, đã đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ nền hòa bình, trung lập để phát triển đất nước của Vương quốc Campuchia. Mặc dù năm 1970, Lon Non đảo chính lật đổ N.Sihanouk, lên cầm quyền, tiến hành chính sách chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gây cho không ít khó khăn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tiến hành những bước đi ngoại giao chủ động, tích cực trong việc đoàn kết với các lực lượng tiến bộ ở Campuchia được tập hợp xung quanh N.Sihanouk và cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiện, hợp tác với lực lượng kháng chiến quân giải phóng Campuchia. Sự ủng hộ tích cực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp thêm cho Campuchia sức mạnh, mang lại nhiều tác động tích cực, trong đó quân đội cách mạng Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Campuchia chiến đấu đập tan cuộc tấn công vào Campuchia của 10 vạn quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa (4/1970). Mặt khác, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ xâm phạm độc lập, chủ quyền của Campuchia và tiếp tay cho chính quyền Lon Non gây nên bất ổn ở Campuchia. Sự ủng hộ tích cực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nhiều mặt, có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng góp phần không nhỏ trong chiến thắng của Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (17/4/1975) để bảo vệ độc lập dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), hai nước láng giềng Việt Nam và Campuchia có nhiều lý do để hợp tác, bởi có những yếu tố tác động liên quan đến lợi ích của hai dân tộc. Rõ ràng, việc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại tiến trình thống nhất đất nước của Việt Nam, can thiệp vào nền hòa bình trung lập của Campuchia đã tác động đến lợi ích cốt lõi của hai dân tộc và trở thành kẻ thù trực tiếp của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Để giành thắng lợi trước một kẻ thù lớn như Mỹ, vì quyền lợi của hai dân tộc, việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa nước có ý nghĩa rất lớn. Trên cơ sở cùng chống Mỹ, có lợi ích gắn liền, mối quan hệ gắn bó của hai dân tộc là nhân tố quan trọng, mang ý nghĩa lớn, góp phần đem đến thắng lợi cho hai dân tộc. Bên cạnh đó, mối quan hệ gắn bó cùng nhau chiến đấu của hai nước trong giai đoạn này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quan hệ hai nước. Lịch sử đã chứng minh, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, Việt Nam - Campuchia có nhiều nhân tố không thể tách rời nhau, liên quan đến quyền lợi của hai dân tộc. Việc xây dựng lòng tin, đoàn kết gắn bó, tương thân tương trợ giữa hai dân tộc là vô cùng quan trọng góp phần giúp hai nước bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền của mình.
3. Kết luận
Mối quan hệ truyền thống giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ độc lập dân tộc của hai nước. Đánh giá tầm quan trọng của liên minh chiến đấu của Việt Nam - Campuchia nói riêng và ba nước Đông Dương nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhân dân ba nước anh em Việt Nam, Campuchia và Lào vốn đã luôn luôn cùng nhau sát cánh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mở rộng do Mỹ gây nên, nhân dân ba nước chúng ta đoàn kết chặt chẽ chống đế quốc Mỹ, thì chúng ta nhất định thắng lợi" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, tr.397-398, 2011). Thực tế đã chứng minh, mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc nói riêng và ba nước Đông Dương nói chung đã tạo nên sức mạnh để ba nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lịch sử đã chứng kiến những bài học sâu sắc trong quan hệ giữa hai nước, chỉ khi Việt Nam - Campuchia đoàn kết, xây dựng vững chắc lòng tin, hợp tác chặt chẽ mới giúp cho quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của hai nước thêm sức mạnh, tạo động lực cho sự phát triển của hai dân tộc. Ngược lại, nếu đánh mất lòng tin, mâu thuẫn, xung đột (như trong giai đoạn Polpot - Ieng Sary cầm quyền) sẽ gây ra những tổn thất khôn lường cho lợi ích của hai dân tộc, đe dọa nghiêm trọng đến độc lập, chủ quyền của hai nước và để giải quyết hậu quả, hai dân tộc phải mất nhiều thời gian, công sức và điều đó sẽ kìm hãm sự phát triển của hai dân tộc.
Kể từ khi Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hòa bình lập lại, Chính phủ Vương quốc Campuchia và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã không ngừng vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi. Hiện nay, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, căng thẳng Mỹ - Trung trong chiến tranh thương mại, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có tác động và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Sự tác động bằng nhiều biện pháp của các nước lớn đối với các mối quan hệ quốc tế ngày càng quyết liệt, gây nhiều khó khăn cho các nước nhỏ trong việc lựa chọn đường lối đối ngoại phù hợp. Thậm chí, gây nên những dấu hiệu rạn nứt giữa các quốc gia từng là đồng minh, bạn bè truyền thống, làm nảy sinh thái độ khác nhau khi đi đến những vấn đề thống nhất trong các tổ chức mà mình cùng tham gia. Thiết nghĩ, với quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc, trải qua nhiều thử thách, để lại nhiều bài học lớn sẽ giúp Việt Nam, Campuchia luôn tỉnh táo trước mọi khó khăn, thử thách, để thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước. Qua đó, hai nước tiếp tục xây dựng, củng cố lòng tin, phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, vì độc lập dân tộc và sự phát triển phồn thịnh của hai nước nói riêng, vì sự ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Nam Á nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), tập 20, Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), tập 21, Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Lê Mậu Hãn (1999). tập 3, Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (2011). tập 11, Toàn tập. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh (2011). tập 12, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
7. M.E.Manyin (2008). US - Vietnam Relation: Background and Issues for congress. Washinton D.C: Prepared for Members and Committees of Congress.
8. Nguyễn Duy Trinh (1979), Mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975), NXB Sự thật, Hà Nội.
TS. Đinh Đức Duy - Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật