Hiểu rõ người ứng cử – điều kiện quan trọng đảm bảo thực hiện tốt quyền dân chủ của cử tri trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã trở thành sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua. Đây là sự thể hiện bản chất dân chủ của xã hội ta, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri ngày càng nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần vào sự thành công của các cuộc bầu cử.
Để thực hiện đầy đủ và tốt nhất quyền bầu cử, một trong những điều kiện quan trọng là cử tri phải hiểu rõ về người ứng cử để có thể lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất. Nhưng thực tiễn những kỳ bầu cử trước đây cho thấy một bộ phận cử tri đi bầu cử nhưng thực sự chưa hiểu rõ về người ứng cử. Đây cũng là vấn đặt ra trong những kỳ Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiều nhiệm kỳ qua và cần có những giải pháp khắc phục. Bài viết chỉ đề xuất giải pháp để cử tri hiểu rõ về người ứng cử trước khi đi bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
1. Tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là quyền và nghĩa vụ của công dân, là phương thức thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta. Ở nước ta, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đặt mục tiêu xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền dân chủ được thực hiện trên thực tế trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là bước quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Là phương thức thể hiện, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong hơn 75 năm từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Đảng và Nhà nước luôn đề cao vai trò làm chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực. Vai trò, quyền dân chủ của Nhân dân, mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng được xác định trong các Văn kiện của Đảng và thể chế hoá bằng pháp luật của Nhà nước.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhà nước đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 Đảng nêu quan điểm: “Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Điều 6 Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Hiến pháp 2013 quy định tại Khoản 1, Điều 69: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Khoản 1, Điều 113: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.
Nhân dân thực hiện quyền dân chủ thông qua hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp là hình thức qua đó nhân dân bằng hành vi của mình trực tiếp thực hiện quyền làm chủ nhà nước. Dân chủ đại diện là hình thức mà qua đó nhân dân thực hiện sự “uỷ quyền”, giao quyền lực của mình cho người, tổ chức mà nhân dân trực tiếp bầu ra. Những người và tổ chức ấy đại diện cho nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Như vậy, việc Nhân dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là phương thức thực hiện quyền làm chủ thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và qua đó để thực hiện hình thức dân chủ đại diện. Hai hình thức thực hiện dân chủ không hoàn toàn tách rời mà có mối quan hệ tác động qua lại và bổ sung cho nhau để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân.
2. Cử tri phải hiểu về người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân mới có thể thực sự thực hiện quyền làm chủ của mình
Để thực hiện quyền làm chủ của mình nhân dân phải có năng lực làm chủ. Trong Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì năng lực làm chủ của cử tri phải bao gồm hiểu biết người ứng cử, những người mà cử tri sẽ lựa chọn tham gia vào bộ máy nhà nước.
Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Nhưng chủ thể quan trọng làm nên thành công của cuộc bầu cử chính là cư tri. Trong đó, mức độ hiểu biết về những người ứng cử của cử tri là yếu tố rất quan trọng cho sự thành công ấy. Khi hiểu rõ về người ứng cử, cử tri sẽ giới thiệu và lựa chọn được những người xứng đáng nhất để đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình và góp phần xây dựng nên bộ máy nhà nước thực sự trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhưng nếu cử tri không tích cực tìm hiểu hoặc nhận xét, đánh giá qua loa, hình thức về người ứng cử sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sự lựa chọn tín nhiệm và trong lá phiếu bầu cử của họ.
Để có thể hiểu về người ứng cử, cử tri cần có đầy đủ thông tin cơ bản về người ứng cử và những thông tin liên quan đến các tiêu chuẩn ứng cử theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, pháp luật về Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định về quyền của cử tri được biết về thông tin người ứng cử và tham gia giới thiệu người ứng cử. Có hai nhóm cử tri liên quan trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đó là: nhóm cử tri tham gia ý kiến giới thiệu người ứng cử và nhóm cử tri tham gia bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử.
Thứ nhất, về việc lấy ý kiến cử tri nơi người ứng cử công tác và cư trú được quy định tại Điều 45 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 quy định chi tiết, hướng dẫn về tổ chức hội nghị cử tri...
Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 quy định về tổ chức Hội nghị cử tri nơi người ứng cử công tác: “Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có)”. Khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 quy định về tổ chức hội nghị cử tri nơi người ứng cử cư trú: “Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú.”
Tại hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị cử tri nơi cư trú, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử. Thông qua hội nghị cử tri, cử tri là những người hiểu rõ về người ứng cử do đó sẽ có sự đánh giá, nhận xét đầy đủ, sâu sắc để nêu ý kiến thể hiện quan điểm, ý chí của mình về người ứng cử. Việc hiểu rõ thông tin về người ứng cử đối với nhóm cử tri được lấy ý kiến không gặp khó khăn vì họ là những người có điều kiện gần gũi với người ứng cử trong công tác hoặc trong cuộc sống thường ngày ở nơi cư trú. Vấn đề là họ có thực sự quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng của việc nhận xét, đánh giá để giới thiệu người ứng cử hay không.
Cùng với thực hiện hình thức dân chủ đại diện thông qua ba lần (vòng) hiệp thương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức cử tri đã lựa chọn giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để cử tri bầu chọn.
Thứ hai, cử tri là những người bầu cử để lưa chọn những người tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước, họ được biết thông tin về người ứng cử mà mình sẽ bầu chọn chủ yếu thông qua các kênh sau:
Một là, Hội nghị tiếp xúc cử tri theo Điều 66, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Tại hội nghị này, cử tri được nghe đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử. Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.
Hai là, Bản tiểu sử tóm tắt người ứng cử niêm yết tại các khu vực bỏ phiếu ở khu phố, ấp…
Ttheo quy định tại Điều 59 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: “Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở khu vực bỏ phiếu”.
Ba là, cử tri được biết thông tin về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân thông qua hình thức vận động bầu cử.
Điều 65 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định hai hình thức vận động bầu cử của người ứng cử:
“1. Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật này;
2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật này.”
Điều 67 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định về vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng như sau:
“1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.
2. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).”
Thông qua các kênh thông tin trên giúp cho cử tri hiểu về người ứng cử và lựa chọn bỏ lá phiếu quyết định ứng cử viên nào sẽ được tín nhiệm trở thành người đại biểu của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và các cấp ở địa phương.
Có thể thấy mỗi hình thức cung cấp thông tin người ứng cử như trên đều có những ưu điểm và hạn chế đối với cử tri trong việc tiếp cận, nắm bắt thông tin về người ứng cử. Trong đó, tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là hình thức hiệu quả nhất. Trong Hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri có điều kiện trao đổi để biết nhiều hơn thông tin về người ứng cử so với việc đọc bản tóm tắt tiểu sử được niêm yết ở khu vực bỏ phiếu. Với người ứng cử họ cũng có cơ hội thể hiện nhiều hơn, rõ hơn năng lực, trí tuệ, phong cách tư duy, diễn đạt, ứng xử…thông qua chương trình hành động, thông qua trả lời những câu hỏi, xử lý những vấn đề cử tri đặt ra. Qua đó cử tri có thể hiểu rõ hơn, đánh giá toàn diện hơn từng người ứng cử, đồng thời có thể so sánh giữa các ứng cử viên để quyết định lựa chọn những người xứng đáng nhất.
Trên thực tế còn hiện tượng cử tri đến ngày bầu cử mới đọc tiểu sử người ứng cử tại nơi bầu cử. Nhiều cử tri không quan tâm theo dõi thông tin về người ứng cử qua phương tiện thông tin đại chúng. Ngay cả hình thức được coi là hiệu quả nhất cũng chưa đảm bảo tất cả cử tri đi bỏ phiếu đều có điều kiện tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri, hoặc tham gia nhưng cũng có thể không chắc chắn việc họ đã hiểu rõ về người ứng cử để thực hiện tốt nhất lá phiếu bầu cử của mình. Vì vậy, việc hoàn thiện các biện pháp để cử tri tìm hiểu, hiểu rõ về người ứng cử trước khi bầu cử là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là hệ thống chính trị cơ sở.
3. Một số giải pháp nhằm đảm bảo cử tri hiểu rõ về người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân để bầu chọn người xứng đáng nhất
Thứ nhất, cần đảm bảo số lượng cử tri dự hội nghị tiếp xúc cử tri
Các Hội nghị tiếp xúc cử tri phải huy động cử tri đến dự đông đủ nhất có thể. Vì đây là cơ hội để cử tri được trực tiếp nghe trình bày về thông tin của người ứng cử, tiếp xúc và trao đổi với ứng cử viên, qua đó có thêm nhiều thông tin để hiểu rõ hơn về người ứng cử. Nếu cử tri đến càng đầy đủ thì chất lượng bầu cử sẽ cao hơn vì khi đó có cơ sở chắc chắn hơn để họ lựa chọn người mà mình tín nhiệm. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, vận động cử tri quan tâm đến hội nghị là công việc quan trọng đầu tiên của các cơ quan trong hội đồng bầu cử ở địa phương. Mặt trận tổ quốc chủ trì và tổ chức các hội nghị này nên các tổ chức thành viên phải tích cực tham gia phối hợp thực hiện, đặc biệt là ở cấp xã và ở khu phố, ấp.
Không chỉ đảm bảo số lượng mà còn cần đảm bảo cơ cấu thành phần cử tri tham dự. Ban tổ chức hội nghị cần chú trọng tính toàn diện trong cơ cấu cử tri tham dự: mỗi gia đình có cử tri phải có ít nhất một người tham dự, cơ cấu các độ tuổi, cử tri thuộc các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có đại diện cử tri là công nhân, nông dân, thanh niên…) và cử tri người dân tộc, tôn giáo…Đảm bảo điều kiện này những người tham dự hội nghị sau đó có thể truyền đạt thông tin rộng rãi đến tất cả những người không có điều kiện tham dự trong gia đình, tổ chức của mình.
Thực hiện đảm bảo cơ cấu thành phần cử tri tham dự (đại diện) cũng là giải pháp hiệu quả trong điều kiện không thể tập trung đông người khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay.
Thứ hai, cần tạo điều kiện tốt hơn để tất cả cử tri tiếp cận thông tin người ứng cử
Cử tri có thể tiếp cận thông tin người ứng cử bằng việc đọc, nghiên cứu tiểu sử được niêm yết tại các điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên có hai sự bất cập với hình thức thông tin này đó là: tiều sử tóm tắt nên không thể hiện nhiều thông tin cần thiết về người ứng cử và nhiều người không đến điểm niêm yết danh sách người ứng cử hoặc đến cũng không thể nhớ hết thông tin về người ứng cử.
Như vậy giải pháp có thể khắc phục là: UBMTTQ cần in ấn, phát hành tiểu sử và chương trình hành động của những người ứng cử. Tài liệu này phải được gửi đến từng gia đình, khu nhà trọ công nhân ở địa phương nơi người ứng cử ứng cử cùng thời gian với thời gian niêm yết danh sách người ứng cử để nhân dân nghiên cứu.
Giải pháp này giúp tất cả cử tri đều được trực tiếp tiếp cận thông tin người ứng cử. Đặc biệt là nhiều cử tri không có điều kiện thời gian đến dự hội nghị cử tri như người buôn bán, công nhân trong các khu công nghiệp. Cách cung cấp thông tin này, cử tri có nhiều thời gian đọc, nghiên cứu kỹ hơn, nhớ hơn và có thể trao đổi giữa các thành viên trong gia đình trong việc đánh giá, so sánh các ứng cử viên. Đồng thời nếu cử ttri thấy cần thiết có thể tìm hiểu, thu thập thêm thông tin từ các kênh khác làm phong phú thông tin về người ứng cử; Qua đó hiểu rõ hơn về người ứng cử và như vậy sẽ có quyết định sáng suốt hơn, đúng đắn hơn khi lựa chọn người đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Đây là giải pháp tối ưu trong điều kiện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 như hiện nay.
Thứ ba, cần tổ chức nhiều hình thức để tất cả cử tri đều được nghiên cứu, thảo luận về thông tin người ứng cử
Ngoài các hình thức tuyên truyền thông tin về người ứng cử như Hội nghị tiếp xúc cử tri, phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết danh sách tiểu sử tóm tắt người ứng cử thì cần tăng cường tổ chức các hình thức khác để tất cả cử tri đều có điều kiện tham gia giúp họ hiểu rõ về người ứng cử.
Việc tổ chức nghiên cứu, thảo luận thông tin về người ứng cử nên diễn ra trong phạm vi nhỏ ở tổ dân phố/khu dân cư/Tổ an ninh tự quản. Trong phạm vi này cũng có thể kết hợp tổ chức theo nhóm cử tri như: cử tri là phụ nữ; đoàn viên, thanh niên; cựu chiến binh, đồng bào dân tộc, tôn giáo…như những cuộc họp thông thường. Mặt trận Tổ quốc cấp xã có thể hướng dẫn Ban công tác mặt trận khu phố/ấp tổ chức các cuộc họp cử tri tổ dân phố/khu dân cư/Tổ an ninh tự quản. Trong cuộc họp, cử tri có thể nêu ý kiến, suy nghĩ của mình về thông tin của người ứng cử mà mình hiểu được, các cử tri cùng nhau trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn thông tin về người ứng cử. Cách tiếp cận thông tin này phát huy được trí tuệ tập thể, giúp cử tri có cái nhìn toàn diện, đa chiều và sâu sắc hơn về người ứng cử và những thông tin khác về bầu cử.
Trong điều kiện ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, với việc xây dựng một Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số sẽ tạo điều kiện cho cử tri tiếp cận thông tin bầu cử trong đó có thông tin người ứng cử dễ dàng hơn, nhanh hơn, chính xác hơn và đầy đủ, hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, dù có nhiều cách tiếp cận thông tin và tham khảo nhiều ý kiến, quan điểm để mỗi cử tri hiểu về người ứng cử nhưng quyền quyết định cuối cùng khi lựa chọn bầu cử vẫn là của bản thân mỗi cử tri. Cử tri cần nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, tự ý thức trách nhiệm đối với bản thân và đất nước trong quá trình chuẩn bị kiến thức và trí tuệ để thực hiện quyền làm chủ của mình, quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là nguyên tắc bầu cử được quy định tại Điểu 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
4. Quốc hội khoá XIII (2015), Luật số: 85/2015/QH13 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND
5. UBTV Quốc hội – Chính phủ - UBTWMTTQVN (2021), Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15 tháng 01 năm 2021 hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Một số hình ảnh:
UBMTTQ Việt Nam phường Dĩ An, TP.Dĩ An tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Niêm yết danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại ấp Hoà Lộc, xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng
Niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại khu phố 2, phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một
UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cụm 3 xã Minh hoà, Minh Thạnh, Minh Tân huyện Dầu Tiếng để vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026
Ths. Bùi Thị Dung - Trưởng khoa Lý luận cơ sở