Hoàn thiện hình thức thi và đánh giá kết quả học tập của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
Nhằm phát triển giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước giai đoạn hiện nay, ngày 4/11/2013 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XI đã ban hànhNghị quyết số 29-NQ/TW “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH TW trên địa bàn tỉnh Bình Dương,Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động số 81 - CTHĐ/TU.
Một trong những nhiệm vụ cần thực hiện được nêu trong Nghị quyết BCH TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Dương là phải đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan
Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá là một trong hai nội dung cơ bản, mang tính đột phá của Nghị quyết, được ưu tiên thực hiện trước.
Tinh thần của Nghị quyết là việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.
Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó chuyển từ việc dạy học chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực, phẩm chất của người học; thì hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi từ chủ yếu đánh giá ở mức biết và hiểu sang chú trọng đánh giá năng lực vận dụng, phân tích, sáng tạo, đề xuất các giải pháp, xây dựng một kế hoạch để giải quyết vấn đề, tạo ra mô hình mới dựa trên những mô hình đã được học và có thể góp phần phát triển lý luận. Nếu như đánh giá ở mức biết người học có thể trả lời đúng phần lớn các câu hỏi thì từ mức độ vận dụng, yêu cầu người học phải hiểu biết sâu sắc mới có thể trả lời đúng các câu hỏi và mức sáng tạo là bậc cao nhất, yêu cầu người học phải suy nghĩ tìm ra “cái mới”, hoàn thiện cái mới đó.
Trong hệ thống trường Chính trị, đối tượng, nội dung học tập, mục tiêu đào tạo có tính đặc thù nhưng vẫn không nằm ngoài yêu cầu chung của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.
Việc thi, kiểm tra, chấm thi ở trường chính trị cũng là nhằm đánh giá kết quả học tập của học viên; đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức lý luận, liên hệ với thực tế và sự vận dụng kiến thức đó trong hoạt động thực tiễn của học viên.
Việc tổ chức thi và chấm thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính chính xác, khách quan và thiết thực quá trình học tập của học viên.
Vì vậy, trong những năm qua, cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, việc đôi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên cũng thường xuyên được Ban giám hiệu trường Chính trị quan tâm thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định.
Trong thời gian qua, đối với các lớp trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, trường Chính trị Bình Dương đã sử dụng kết hợp nhiều hình thức thi, như: thi tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm và viết tiểu luận. Tuy nhiên, hình thức thi tự luận vẫn là chủ yếu.Các hình thức thi khác ít được sử dụng, viết tiểu luận chỉ áp dụng cho cuối khóa học và chỉ với những học viên đủ điều kiện theo quy định .Trong đó, hình thức thi vấn đáp chỉ được áp dụng thường xuyên trong các môn học của khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và khoa Nhà nước-Pháp luật.Nhưng cũng chủ yếu với các lớp hệ tập trung, các lớp hệ tại chức gần như không thực hiện hình thức này.
Để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường chính trị tỉnh Bình Dương, tôi đề xuất một số nội dung liên quan đến hình thức thi, đánh giá kết quả học tập của học viên như sau:
Thứ nhất, về hình thức thi
- Phải thường xuyên thực hiện đa dạng các hình thức thi ở tất cả các lớp (lớp tại chức và lớp tập trung, lớp mở tại trường và lớp mở tại các địa phương, các lớp ở địa phương có thể không thi hình thức vấn đáp) và có thể ở tất cả các phần học.
Bởi vì, mỗi hình thức thi đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Nếu như thi tự luận giúp cho người học trình bày rõ ràng quá trình tư duy logic, thể hiện khả năng diễn đạt thì trắc nghiệm có ưu điểm kiểm tra được nhiều kiến thức, trong một thời gian ngắn, còn vấn đáp có thể đánh giá trực tiếp năng lực của người học thông qua giao tiếp thực tế giữa thầy và trò.
Nhưng mỗi hình thức thi lại có những hạn chế, đó là: tự luận khiến học viên ít quan tâm nghiên cứu thì vấn đáp lại buộc học viên phải học thuộc và trắc nghiệm dẫn đến học viên học một cách máy móc, thiếu sâu sắc kiến thức.
Mặt khác, sử dụng nhiều hình thức thi sẽ đòi hỏi những yêu cầu khác nhau của cả học viên và giảng viên. Vì vậy, trong một khóa học, việc thực hiện đa dạng các hình thức thi sẽ bổ sung cho nhau và như vậy việc đánh giá sẽ toàn diện hơn đồng thời có thể giúp quá trình hoàn thiện kỹ năng và tri thức của cả người dạy và người học.
Từ trước đến nay, ở trường chính trị tỉnh Bình Dương, hình thức thi vấn đáp thường chỉ áp dụng đối với các lớp tập trung, trong khi, các lớp tại chức, học viên có độ tuổi trung bình cao hơn và kinh nghiệm thực tiễn nhiều hơn lại không được áp dụng hình thức thi này. Thời gian tới đề nghị cần tăng cường hình thức thi vấn đáp với cả các lớp tại chức.
Thứ hai, Đổi mới cách ra đề thi
Cách ra đề thi cho từng hình thức thi cũng cần được hoàn thiện.
Thi tự luận nên ra đề theo hướng mở, đòi hỏi học viên không chỉ nắm vững lý luận mà còn phải hiểu và vận dụng mới đạt yêu cầu.Tránh được việc học viên không nghiên cứu bài mà chỉ trông chờ chép tài liệu có sẵn.
Đề thi trắc nghiệm phải nhiều câu hỏi, tránh lặp lại nhiều sẽ không có hiệu quả cho những khóa học sau. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm nên có nhiều đáp án (nhiều sự lựa chọn đúng) tránh việc học viên lựa chọn theo may rủi.
Đề thi vấn đáp không nên quá nhiều và chi tiết mà nên mang tính khái quát, lựa chọn nội dung cơ bản. Vì thi vấn đáp yêu cầu học viên không chỉ hiểu nội dung một bài mà có thể ở những bài học khác có liên quan và chủ yếu vẫn là sự vận dụng, liên hệ với thực tế.
Thứ 3, Bổ sung hình thức viết “tiểu luận” môn học
Một số phần học mang tính chất tổng hợp và gắn với những lĩnh vực cụ thể mà học viên đang công tác thì nên cho học viên được lựa chọn nội dung viết tiểu luận môn học và được sử dụng để đánh giá kết quả thay cho hình thức thi hết môn. Khoa chuyên môn có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể.Hình thức này có thể áp dụng cho các phần học IV (Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực của đời sống xã hội) và phần VI (Địa phương học). Việc áp dụng hinh thức viết tiểu luận môn học được lựa chọn thực hiện ở một số lớp cụ thể do khoa đề xuất và Ban giám hiệu quyết định.
Thứ tư, cộng điểm vào kết quả thi với các học viên tích cực học tập
Đây là hình thức khuyến khích học viên tham gia tích cực vào bài giảng nhất là khi giảng viên sử dụng phương pháp tích cực.Tuy nhiên để thực hiện được cần phải có một quy trình chặt chẽ và cần kết hợp với quy trình thi, chấm thi, duyệt điểm thi và công bố kết quả thi. Và do đó cần xây dựng được một quy trình cụ thể và đưa vào quy chế hoạt động của nhà trường mới có thể thực hiện một cách khách quan và hiệu quả.
Tuy nhiên, để thực hiện được những đề xuất trên đòi hỏi có sự quyết tâm của đội ngũ giảng viên trong việc trau dồi tri thức lý luận và thực tiễn, thường xuyên rèn luyện kỹ năng giảng dạy; đồng thời phải nâng cao nhận thức của học viên về mục tiêu học tập và thi cử để họ có tâm lý cởi mở, tự tin và tinh thần hợp tác với quá trình đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Đổi mới hình thức thi, kiểm tra được thực hiện tốt ở tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo là góp phần thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta theo tinh thần Nghị Chính trị tỉnh Bình Dương đang được thực hiện tích cực đã và trong thời gian tới sẽ góp phần vào việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà cũng như đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Th.s Phan Văn Bằng
Giảng viên khoa Lý luận Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh